Loading...

BA PHƯƠNG THỨC GIÁO DỤC TUỔI TRẺ PHẬT GIÁO (trích)

Hơn bao giờ hết tuổi trẻ cần được dìu dắt về mọi mặt, nhất là về cuộc sống tâm linh. Vì đó là nền tảng đạo đức, phẩm chất giá trị của con người, và sự phát triển theo chiều hướng tốt của xã hội. Phật giáo là một tôn giáo lớn, đã, đang và sẽ góp phần không nhỏ cho sự hòa bình, hưng thịnh, nhân cách con người.

Trong kinh điển của Phật giáo, nền tảng cho sự giáo dục đạo đức con người để đi đến tiến trình giải thoát chính là Giới-Định-Tuệ. Trong bài tham luận của thầy Thích Quang Thạnh với chủ đề “Phật Hóa Gia Đình & Đạo Đức Xã Hội” tại Hội thảo Hướng dẫn Phật tử Toàn quốc năm 2011 tại Đà Nẵng, Thầy đã nhấn mạnh rằng: “Phương thức Giáo dục Tuổi trẻ Phật Giáo trong thời Hội nhập” sẽ mở ra một chân trời mới, để trợ giúp cho Thanh-Thiếu-Niên luôn có một trái tim đầy nhiệt huyết, thấm đượm được giá trị “Tài-Đức-Trí” của một người hoàn thiện. Sắc thái của bài tham luận này là “Giáo dục Tâm lý”“Giáo dục Phật giáo”, trong đó Thầy khẳng định lấy Giới-Định-Tuệ làm nền tảng cho sự giáo dục trong đạo Phật.

Ở đây, chúng tôi xin nêu ra “ba hạt giống” hay “ba phương thức” chính yếu để làm nền giáo dục tuổi trẻ Phật giáo ngày nay

         I. Build: Lay a solid foundation and practice its core values. (Xây dựng) / Phải đặt một nền tảng Phật giáo vững chắc và thực hành giá trị cốt lõi.

  • Hãy tạo một môi trường tốt cho tuổi trẻ. Tuổi trẻ cần có những “sân chơi” hay “điểm đến” lành mạnh. Tổ chức Gia đình Phật tử (GĐPT) là một ví dụ. Trong tổ chức GĐPT, sự giáo dục được đặt trên nền tảng chủng tử và huân tập. Ngoài ra, Đạo Phật Ứng Dụng (Engaged Buddhism) – đã nêu ra phương thức giáo dục và ứng dụng rất hữu hiệu và thực tiễn. Nói chung, nếu chúng ta có một nền tảng bất thối chuyển; một điểm tựa vững chắc; thì chúng ta sẽ có một tương lại rạng ngời, một hướng đi mới, một môi trường sinh hoạt lành mạnh cho giới trẻ. Và cứ thế, chúng ta tiếp tục vận hành sự TU HỌC và HÀNH TRÌ những giá trị cốt lõi đạo đức đó, thì nền tảng giáo dục của Phật giáo cho tuổi trẻ ngày càng thêm vững mạnh
    II. Transform: Metanoia – A shift of Mind (Chuyển hóa) / Thay đổi cái nhìn (perception) của mình.
  • Trong kinh Pháp Hoa có dạy: “Tâm dẫn đầu các pháp, Tâm tạo tác…”, ngày nay các nhà nghiên cứu về giáo dục như Peter Senge nhấn mạnh: “Sự phát triển trong việc giáo dục bắt nguồn từ sự chuyển hóa tâm thức” (Senge 2000). Ngài Dalai Lama trong cuốn sách Nghệ Thuật của Hạnh phúc (The Art of Happiness) có chia sẻ “chỉ đổi cách nhìn của mình không thôi cũng đủ làm cuộc sống nhẹ nhàng và an vui hơn”.
  • Tuổi trẻ như một tờ giấy trắng, nên phải tạo cơ hội và huân tập tuổi trẻ những cách nhìn đúng đắng nhằm chuyển hóa cách nhìn, cách suy nghĩ và hành động của giới trẻ. Albert Einstein có nói: “Only a life lived for others is a life worthwhile”. Cuộc sống vì người khác là cuộc sống xứng đáng nhất. “Mình phải chuyển đổi các em từ lối suy nghĩ vị kỷ đến vị tha, từ cái hẹp hòi, chỉ biết cho chính mình trong cái “tôi, cái của tôi”, v.v… thành cái của “chung, cái của chúng ta và của tất cả”. Dạy các em phải nhận thức rằng, tự lợi lợi tha. Tự giác và giác tha để cuối cùng được giác hạnh viên mãn.” (trích trong tập Tâm Bút của Trần Trung Đạo, trang 11).
  • Thêm vào đó, Trong Phật giáo đức Phật dạy: “Phụng sự chúng sanh là cúng dường Chư Phật” tạm dịch “service to all sentient beings is honoring to the Buddhas”. Chư Tổ lại dạy: “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” nghĩa là “Một ngày không làm, một ngày không ăn”. Vì thế, ai trong chúng ta cũng phải tự chuyển hóa chính mình trước qua tư tưởng, suy nghĩ, lời nói và hành động của chính mình. Có thể là những việc làm thiết thực trong việc phục vụ nhân sinh và xã hội như giúp đỡ những người bệnh tật, giúp giảm các nạn nghèo đói, làm giảm đi bất công xã hội, giảm bớt ô nhiễm môi sinh, chăm lo người già, hướng dẫn thiếu nhi học tập đạo đức v.v… đó là sắc thái của sự lãnh đạo và giáo dục thực tiễn có hiệu quả.

        III. Act: Put the ideas into practices. (Hành động) / Đặt ý tưởng vào hành động.

  • Ai trong chúng ta, từ cá nhân đến tổ chức, cũng đều có những ý tưởng, ý kiến hay và đẹp. Những ý kiến này cần được dung hòa, khai triển, rồi đưa vào thực tập. Sự thí nghiệm nào cũng là bước đầu cho sự tiến bộ của nhân loại nên đạo Phật của chúng ta có phương thức “tùy duyên, bất biến” là vậy! Ví dụ: khi thấy những nơi khác có tổ chức các khóa tu học, hội thảo, khóa niệm Phật, thiền hành, v.v… được thành công, thì mình cũng nên học hỏi và mang về thử nghiệm, hòa nhập ở bối cảnh địa phương của mình nếu cho phép. Chắc hẳn, sau vài lần tổ chức, những kinh nghiệm đó sẽ được cải tiến và giàu mạnh thêm. Các nhà sinh vật học gọi đó là adaptation or evolution. Nói một cách khác là: Performance, Feedback, and Revision (Thực hiện, nhận hiệu suất/chỉ trích, và sửa đổi cho tốt hơn).

Hai ví dụ dưới đây là điển hình:

  • Về phần tu học cho tuổi trẻ: Ở trong nước, có những buổi Hội Trại Tuổi Trẻ và Cuộc Sống do thầy Thích Nhật Từ đề xứng được rất nhiều lợi lạc và thành công. Những buổi hội thảo và những trại vui chơi, huấn luyện như vậy rất cần thiết để tạo một nền tảng đạo đức và huân tập những đức tính tốt cho tuổi trẻ. Ở hải ngoại, sự tiên phong tổ chức trại Tu Học của GĐPT Miền Tịnh Khiết ở Tu viện Mộc Lan, Mississippi năm 2011 là một thành công lớn cho tuổi trẻ GĐPT.
  • Tu học đại chúng: Ở trong nước, có những khóa học ở chùa Hoằng Pháp, Tu viện Viên Chiếu, Tu viện Trúc Lâm, v.v… rất thành công cho đại chúng. Ở Hải ngoại, GHPGVN TN HK thấy sự thành công từ các khóa Tu học tại Âu Châu và Úc Đại Lợi, nên đã phối hợp cùng Canada tổ chức khóa Tu học lần đầu tiên tại Bắc Mỹ năm 2011 và đạt được nhiều thành quả tốt đẹp. Mặc dù địa dư và bối cảnh ở Bắc Mỹ rất khác so với Úc hoặc Âu Châu, nhưng chắc chắn sau vài lần tổ chức Giáo hội sẽ được thành công mỹ mãn. Nếu chúng ta đều có bản lĩnh tốt để thực hiện những ý tưởng đó, không sớm thì muộn cũng sẽ được đơm hoa kết trái.

Tóm lại, tuổi trẻ là tuổi đầy nhiệt huyết và cần sự nâng đỡ của người lớn, hầu góp phần phát triển nhân cách và đạo đức. Ba hạt giống đó là: (1) Xây dựng – Phải đặt một nền tảng giáo dục Phật giáo vững chắc và thực hành những giá trị cốt lõi. (2) Chuyển hoá – Thay đổi nhận thức của mình để hướng thiện và (3) Thực hành– Đặt ý tưởng vào hành động thực tiễn là những phương pháp cụ thể để triển khai những giá trị giáo dục trong Phật giáo. Bằng những giá trị cốt lõi của Phật giáo như: Bi Trí Dũng, Tam Vô Lậu Học hay phương diện Văn Tư Tu, Tài Đức Trí, v.v… chúng ta có thể gieo hạt giống lành cho tuổi trẻ Phật giáo, hầu chuyển hóa và nâng đỡ tuổi trẻ có một hướng đi thánh thiện, thành đạt và có giá trị xứng đáng trong cuộc sống để giúp mình, giúp đời và nối tiếp con đường của Phật tổ.

Tâm Thường Đinh

Nguồn: thư viện hoa sen

Tham Khảo

  1. Peter M. Senge. “Give Me A Lever Long Enough…. And Single-handed I Can Move the World.” (Page 13-25.) The Jossey-Bass Reader on Educational Leadership, Jossey-Bass, San Francisco, 2000
  2. Shields, C. M., Edwards, M. M., & Sayani, A. (Editors). INSPIRING PRACTICE: Spirituality and Educational Leadership, Pro>Active Publications, Lancaster, PA., 2005.
  3. Thích Quang Thạnh. Phương Thức Giáo Dục Tuổi Trẻ Phật Giáo trong Thời Hội Nhập. Tải xuống từ trang nhà daophatngaynay.com, ngày 7 tháng 1, 2012. http://www.daophatngaynay.com/vn/giao-duc/9444-Phuong-thuc-giao-duc-tuoi-tre-Phat-giao-trong-thoi-ky-hoi-nhap.html
  4. Trần Trung Đạo, Tâm Bút Trần Trung Đạo, Tác giả xuất bản, 2005.

Có thể bạn quan tâm


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook