Loading...

“TRAO TẶNG YÊU THƯƠNG” CHO HỌC SINH NGHÈO TẠI KON TUM – C31

“TRAO TẶNG YÊU THƯƠNG” CHO HỌC SINH NGHÈO TẠI KON TUM – C31
  • 178.115.000 VNĐ

    Đã thu

  • 178.115.000 VNĐ

    Số tiền cần

  • 38

    Lượt đóng góp

0

Ngày

0

Tiếng

lượt xem: 98

THÔNG TIN CHUNG

Ngày 25 và 26/9/2014. Quỹ Đạo Phật Ngày Nay do TT. Thích Thiện Hữu và các sáng lập viên, các mạnh thường quân đã có mặt tại huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.

Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của ĐĐ. Thích Quang Hạnh – Trụ trì chùa Tháp Kỳ Quang (huyện Đăk Hà), Chủ tịch UBND, Đảng ủy và các cấp chính quyền, Ban Giám hiệu các trường học tại các địa phương, đoàn Quỹ Đạo Phật Ngày Nay đã đến và trao tặng 2.500 phần quà cho các em học sinh nghèo đang theo học tại các trường như: Trường Tiểu học Phan Đình Giót; Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diệm; Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học Cơ sở Đăk Pxi; Trường Tiểu học Kơ Pa Kơ Lông và các em nhỏ trong các nhóm Cồng chiêng, các trẻ em nghèo trong các bản nhỏ dọc theo các con suối thuộc các xã tại Huyện ĐắK Hà.Mỗi phần quà bao gồm: áo ấm, tập viết, cặp sách, bánh kẹo, mũ với tổng trị giá trên 178 triệu đồng.

Chuyến đi được tổ chức nhờ vào tình yêu thương vô hạn đối với trẻ nhỏ miền núi còn thiếu thốn đủ điều của gia đình Phật tử Lương Nguyễn Hùng Huy và một số thành viên thường xuyên đồng hành cùng Quỹ.

Nhân đây, TT. Thích Thiện Hữu và ĐĐ. Thích Quang Hạnh đã có những lời nhắn nhủ tới các em học sinh “Các con có biết không? Thầy và các cô chú đã mang những phần quà nhỏ bé này từ rất xa về đây với một tấm lòng rất yêu và thương các con. Vì vậy, Thầy và các cô chú mong muốn các con khi nhận được những phần quà mang đầy ý nghĩa yêu thương này, các con hãy học giỏi, chăm ngoan, không quản mọi khó khăn, nhọc nhằn, thiếu thốn, các con phải nghe lời thầy, cô giáo, nghe lời ông bà, cha mẹ để các con trở thành người con ngoan, trò giỏi, khi lớn nên trở thành người có kiến thức, người tốt, lao động, giỏi làm giầu cho bản thân, gia đình và thôn bản. Thầy luôn  cầu chúc các con có sức khỏe học hành chăm ngoan…

Trong khuôn khổ chương trình, nhân dịp chùa Tháp Kỳ Quang tổ chức khóa tu cho Phật tử, TT. Thích Thiện Hữu đã có thời khóa chia sẻ Phật pháp với chủ đề “Cầu nguyện, tu tập và thực tập lời Phật dạy” theo yêu cầu của ĐĐ. Thích Minh Khương với ba ý chính: “…Trên thế giới, bất kỳ tôn giáo nào cũng có cầu nguyện, nhưng đối với người Phật tử thì phải cầu nguyện như thế nào cho nó hợp với đạo Phật: Yếu tố tín tâm cao, Tâm thành kính và Phải dựa vào nhân quả, nhiều đời…”

 “Đã là Phật tử phải tu tập và khi đến chùa phải để tâm thanh tịnh, Phật tử Việt Nam, nhất là các Phật tử đang có mặt tại đây, nơi một vùng núi tại cao nguyên mà có một ngôi chùa đẹp, nguy nga như thế này để tu tập cả tuần, hay bất cứ lúc nào thì các Phật tử phải cảm thấy là có quá nhiều hạnh phúc và phước báu so. Do đó, các Phật tử phải thấy được mình có rất nhiều phước báu như thế thì phải gắng mà tu tập…

 Đã tu tập thì phải thực tập được tâm an lành, tâm thương yêu thực sự với chồng, con, và những người khác, biết chia sẻ, yêu thương với  bà con và những người xung quanh, phải thực tập tâm hạnh như Bồ-tát Quan Âm, có như vậy mới thực sự là người biết tu tập…”

Cũng tại đây, Quỹ Đạo Phật Ngày Nay đã trao tặng cho Phật tử 1.190 quyển Kinh sách Kinh Phật cho người mới bắt đầu và  423 Lời vàng Phật dạy do  TT. Thích Nhật Từ biên soạn.

Đăk Hà và ước nguyện của một vị Thầy tâm linh

Đoàn Quỹ đạo Phật Ngày Nay có chín người thì mới chỉ duy nhất có Thầy Thiện Hữu là người đã đến chùa Tháp Kỳ Quang và cũng là người đã đến vùng đất Kon Tum. Vì vậy, mà chúng tôi thật ngỡ ngàng với một ngôi chùa đẹp, rộng lớn đến vậy tại vùng đấy này. Thế mà Thầy trụ trì bảo chúng tôi là những ngày lễ lớn thì chùa cũng kín chỗ.

Để viết về vị Đại Đức trụ trì chùa này, người viết phải viết riêng hẳn một bài khác vẫn chưa chắc đã đủ. Vì vậy mà chúng tôi chỉ xin được tạm viết trước vắn tắt thế này: Giá như Phật giáo Việt Nam, Phật giáo trên Tây nguyên, Phật giáo Kon Tum nói riêng này có được vài quý Thầy làm đạo như thế và Phật tử Đắk Hà, trẻ em Đắk Hà, người nghèo Đắk Hà thật là có nhiều phước báu. Thầy còn đã và đang dự định rất nhiều chương trình khác nữa chúng ta hãy cùng nghe những tâm sự của Thầy:

…Việc đoàn Quỹ Đạo Phật Ngày Nay đến được với các em vùng xâu, vùng xa, những trẻ em học sinh nghèo khó như thế này là rất giá trị và có ý nghĩa… Hiện chúng ta đang đứng trên mảnh đất trên thôn 3 thuộc xã Đăk  Rin và Đăk Pxi. Trên tinh thần UBND xã đang muốn Thầy đỡ đầu cho hai thôn. Mỗi một thôn có khoảng 500 dân. Thiết nghĩ rằng: giới Phật giáo, những người đang phát tâm đi tiên phong, nếu có duyên, mỗi người cùng chung tay, chung sức chung lòng làm một việc gì đó có ý nghĩa, có giá trị, với tính nhân văn là chia sẻ tình thương cho nhau. Đó là mong muốn của bản thân quý Thầy tại chùa Tháp Kỳ Quang sau sáu năm về đây, những thành tựu đã làm, những mong muốn, cùng với sự đồng lòng của các cấp chính quyền địa phương đã và sẽ hết sức quan tâm đối với bà con vùng khó khăn. Mong rằng duyên tốt sẽ đến với vùng đất này…”

Nhân dịp này, xin vấn an, chúc sức khỏe, cảm niệm và tri ân TT. Thích Nhật Từ – Chủ tịch Quỹ và mong rằng Quỹ rộng lòng, dài tay thêm chút nữa để đến với những mảnh đất xa xôi này…”

Trên thực tế, mới sáu năm thôi, Phật giáo Kon Tum và Đắk Hà nói riêng đã khởi sắc rất nhiều. Trong đó, Thầy là một trong những người đã làm được rất nhiều việc cho GHPG tỉnh Kon Tum và Thầy là một trong những Thầy làm từ thiện nhiều nhất tỉnh.

Để chuẩn bị cho chuyến từ thiện của Quỹ, Thầy đã phải mất rất nhiều công sức, thời gian, quý giá của Thầy và cả tiền bạc cho chuyến đi này.

Đắk Hà ơi ! sao mà thương đến thế

Bốn giờ sáng, chúng tôi đã bị đánh thức bởi tiếng chuông chùa của thời khóa tụng kinh buổi sớm của các quý Thầy trong chùa và các chú tiểu. Những tiếng chuông chùa trên vùng đất Kon Tum tưởng chừng như là chuyện hiếm, nhưng đã sáu năm rồi, tiếng chuông chùa ấy được hòa quyện với tiếng kinh kệ cứ được đều đặn vang lên vào mỗi buổi sáng kể cả mưa bão.

Bình minh trên cao nguyên thật là đẹp đến ngỡ ngàng, nhất là lại được đứng trước cổng chùa ngắm nhìn, mái chùa cong cong và đằng sau ngôi chùa này là một màu xanh bạt ngàn của rừng. Đẹp, quá đẹp, thời tiết ban đêm trên cao nguyên về đêm quá lý tưởng 22-25 độ. Ai cũng cố gắng dậy thật sớm, để tận hưởng những phút giây hiếm hoi, quý giá, ai cũng muốn hít thở thật nhiều không khí trong sạch nơi đây. Khi ngồi trên xe, một anh thảng thốt kêu “ Ôi! Sao lại phí phạm thế, lên đến đây mà bật máy lạnh thì thật là ngốc nghếch” thế là chỉ trừ lúc mưa là phải bật máy để lấy gió mới, còn lại ai cũng muốn mở cửa kính, để tận hưởng gió trời. Đi trên xe còn có hai “ca sĩ chuyên nghiệp” và một nhà nhiếp ảnh gia chính hiệu, chợt tiếng hát từ một ca sĩ và anh nghệ sĩ nhiếp ảnh, chẳng có ai yêu cầu, hai người này cũng không ai bảo ai thế là họ hòa giọng cùng nhau “Phố núi cao. Phố núi đầy sương, phố núi cây xanh trời thấp thật buồn. Anh khách lạ đi lên đi xuống, may mà có em đời còn dễ thương. Em Pleiku má đỏ môi hồng ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông nên tóc em ướt và mắt em ướt nên em mềm như mây chiều trông…”

Tiếc là không ai nghĩ ra phải ghi âm lại, không phải riêng tôi  mà có lẽ mấy chúng tôi đều thấy đây là một bài xong ca hoàn hảo nhất mà tôi được nghe (về thành phố có lẽ ép họ xong ca, hay có được tập tành bài bản, chắc là họ không bao giờ hát lại lần thứ hai được như thế).

 Mặc dù, trường học ở đây, khá khang trang, nhiều trường, lớp. Giáo viên và học sinh được hưởng một chế độ giáo dục ưu đãi của chính phủ về tiền lương và học phí. Nhưng quả thật, các em gần như bị suy dinh dưỡng, các em nhỏ bé quá, đứa trẻ nào cũng còi kẹt, bé xíu, nhỏ thó, chín, mười tuổi gì mà chỉ bằng trẻ bốn – năm tuổi so với trẻ em thành phố, (tìm mỏi mắt của ngần ấy  ngôi trường mà tuyệt nhiên, không thấy một em nào gọi là béo phì), cộng với nước da đen do khí hậu vùng miền, đồng thời các em học sinh tiểu học gần như không  thấy trường nào có đồng phục. Vì vậy mà nhìn các em đã nhỏ bé, gầy gò, đen nhẻm lại càng quá nhỏ so với trẻ thành phố…

Khi phát quà, có em nhỏ  nhìn thấy gói kẹo ngon và hấp dẫn thế là buông cả năm cuốn tập, áo, để hai tay cứ mân mê gói kẹo hơn là tập sách (kẹo rất ngon, đẹp và sạch nữa); những chiếc áo ấm mùa đông, đủ màu sắc, mới tinh rất đẹp cùng những chiếc cặp xinh xắn, những cuốn tập đẹp và chiếc mũ xinh xinh đã làm cho nhiều em khi nhận được quà cảm động quá mà rơi nước mắt.  

Tất cả, những hình ảnh của hàng ngàn em học sinh tiểu học nơi đây, những đứa bé có nước da cháy nắng, những đôi dép đủ kiểu, cũ mèn, những chiếc áo cũ kỹ, bạc màu, nhàu nát… ở thành phố chắc là không đứa trẻ nào thèm đi, thèm mặc để đi học cả… tất cả những hình ảnh ấy đã bám theo chúng tôi cho đến mãi bây giờ vẫn chưa thoát ra được.  chúng tôi làm gì cũng so sánh, ăn, mặc, trẻ em thành phố, trẻ em Tây Nguyên.

Chúng tôi thật tiếc vì không còn thời gian để đi đến những nơi sâu hơn, xa hơn, Thầy nói ở nơi ấy các em còn khó khăn nhiều hơn và thấy thương các em nhiều lắm.

Lời cám ơn

Cám ơn các quý Thầy, các Phật tử chùa Tháp Kỳ Quang, các vị quan chức chính quyền địa phương, các thầy cô giáo, cám ơn những nhà tài trợ, những người có tấm lòng mang tâm nguyện  của hạnh Bồ-tát, đặc biệt là cám ơn hàng ngàn học sinh các trường tiểu học, nhờ có các em mà chúng tôi, những người lần đầu tiên đến với vùng đất Tây Nguyên. Các em đã để lại cho chúng tôi, những người có mặt trong chuyến đi này những suy nghĩ để nhìn lại mình, nhìn về phía trước và hoạch định cho mình cuộc sống sao cho có ý nghĩa hơn, có giá trị nhân văn hơn.

  Thương lắm Đăk Hà ơi, chúng tôi hứa với lòng mình, một ngày nào đó sẽ trở về thăm các em!

“ Phố núi cao, phố núi trời gần, phố xá không xa nên phố tình thân đi dăm phút đã về lối cũ một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng. Xin cảm ơn thành phố có em, xin cảm ơn một mái tóc mềm, mai xa lắc trên đồn biên giới còn một chút gì để nhớ để quên.
Phố núi cao phố núi trời gần, phố xá không xa nên phố tình thân đi dăm phút đã về chốn cũ một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng. Xin cảm ơn thành phố có em, xin cảm ơn một mái tóc mềm, mai xa lắc trên đồn biên giới còn một chút gì để nhớ để quên.”

Tạm biệt Kon Tum, hẹn gặp lại!

Báo cáo


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook