Loading...

Khóa tu Tuổi Trẻ Hướng Phật lần thứ 15 – GT15

Khóa tu Tuổi Trẻ Hướng Phật lần thứ 15 – GT15
0

Ngày

0

Tiếng

lượt xem: 74

THÔNG TIN CHUNG

Hãy sống đúng chất, sống đẹp, sống có giá trị cho mình, cho số đông và thay vì than trời trách đất cho số phận hẩm hưu của mình hãy đứng dậy bởi: “Con đường dẫn đến thành công không dành cho kẻ lười biếng, thay vì việc ngồi nguyền rủa bóng đêm, hãy thắp sáng  thêm những ngọn nến. Chúng ta không thể thay đổi được hướng gió, nhưng chúng ta hoàn toàn có quyền thay đổi vị trí cánh buồm’’.Khóa tu “Tuổi trẻ hướng Phật’’ lần thứ 15: 30-07-2017(08-06 Đinh Dậu) tại chùa Giác Ngộ TP. HCM đã hân hoan chào đón trên 600 bạn trẻ đã có mặt tại đây.

Như thường lệ, mở đầu chương trình là  thời khóa thiền do ĐĐ. Thích Ngộ Phương hướng dẫn để thân và tâm quân bình chuẩn bị tốt nhất cho một ngày tu tập.

Chương trình pháp thoại

Chương trình Pháp thoại với đề tài: “Sống đúng chất”  do Đại đức mà  tên tuổi đã “Phủ sóng” rất quen thuộc  với các bạn trẻ tại nhiều khóa tu và được mệnh danh là Hotboy. Đó là ĐĐ. Thích Minh Thạnh.

Theo Đại đức, sống đúng chất nghĩa là thể hiện đúng giá trị của mình và cần phải đặt nó trong một môi trường để những giá trị đó được phát huy một cách cao nhất làm lợi ích cho mình và cho số đông.

Đại đức đã lấy ví dụ quan điểm sống các đệ tử thánh của đức Phật, những con người đã thể hiện chất riêng của mình mà không ai giống ai đó là  ngài Ca-Diếp, ngài A-Nan. Một người là đệ tử đầu đà đệ nhất, một người là đệ tử đa văn đệ nhất của đức Phật, hai vị đệ tử được sánh ví như cánh tay phải và trái của đức Phật.

Câu chuyện ngụ ngôn Chú gà rừng và đại bàng, thật thú vị và hấp dẫn đã truyền tải thông điệp với các tu sinh trẻ: Nếu thấy rằng mình có một cái ức có thể chứa được  nhiều nước như con lạc đà, có đôi lông mi thật dài để có thể che được bụi cát và có một đôi chân thật khỏe mạnh hãy sống tung hoành trên sa mạc, đừng chọn sống trong sở thú; Nếu các bạn có một đôi cánh thật dũng mãnh, một đôi mắt tinh anh thì hãy chọn bầu trời bao la, đừng chọn cho mình cái lồng son. Tuy nhiên, khi đứng ở một vị trí nào đó thì các bạn hãy chọn cho mình một điểm tựa, đó là điểm tựa tinh thần để khi khó khăn, khi vấp ngã bạn có động lực vượt qua. Nhưng dù các bạn có thành công trong cuộc sống, có là gì đi nữa thì điểm tựa và nơi chúng ta quay về chính là gia đình. Gia đình là nơi trở về bình yên nhất, vững trãi nhất để các bạn hướng đến và điểm tựa tinh thần đó là Phật pháp.

Tương lai của các bạn trẻ là rất dài, cần phải nỗ lực hơn nữa. Tuy nhiên, các bạn là những Phật tử thuần thành khi đạt được giá trị về bản thân thì lấy Phật pháp làm điểm tựa tinh thần và nếu như được, các bạn có thể cống hiến cho Phật pháp để giá trị Phật pháp lan tỏa và chiếu sáng đến với nhiều người.

Tụng kinh và thiền tọa

Trước khi vào thời khóa tụng Kinh là chương trình hát thiền ca do Ban nhạc trẻ Diệu âm cùng với các tu sinh thể hiện để vừa làm phong phú thời khóa tu tập cho giới trẻ, vừa mang lời ca thiền với những ca từ có công năng nuôi dưỡng chánh niệm và làm lớn lên giá trị tâm từ.

Thời khóa tụng Kinh được các chư Tăng trong Tăng đoàn và tất cả tu sinh với bản Kinh Người áo trắng, Kinh Thiện sinh đây là hai bản kinh thuần Việt hóa, do TT. Thích Nhật Từ biên soạn được trì tụng thường xuyên để nhắc nhở trách nhiệm của người đệ tử Phật cũng như bổn phận làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ, làm thầy, làm trò, làm chủ và tớ… Sau thời khóa tụng kinh là phần thiền tọa.

Chương trình: “Gương sáng’’

Người đã ‘dùng chân’ viết nên một kỳ tích, bởi nghị lực và ý chí phi thường. Báo chí đã viết nhiều về ông, nhắc đến tên ông là nhắc về một người thầy “Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết”. Đó chính là nhà giáo ưu tú, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký – người mà các tu sinh được gặp trong chương trình Gương Sáng trong khóa tu lần thứ 15.

Suốt một đời cống hiến cho giáo dục và văn chương, nhưng không như những đứa trẻ khác khi tập viết chữ O như thông thường mà để viết được chữ O, người học trò Ngọc Ký đã phải rơi bao nước mắt và phải viết bằng một cây bút chì đặc biệt, ruột bút chì thì tròn, nhưng cán bút chì không tròn mà vuông, bởi có vuông khi kẹp vào chân mới không bị xoay vì trơn và cậu học trò đi học ngoài việc mang giấy vở còn là một tấm chiếu. Phải mất đến 2 năm trời cậu học trò Ngọc Ký  mới học xong lớp vỡ lòng.   

Biết về tuổi thơ và hành trình vươn lên trong cuộc sống của người thầy giáo, bất cứ ai cũng không thể kìm nén nỗi xúc động.

Người học trò Ngọc Ký mơ ước trở thành một nhà toán học, thế là ông lặng lẽ đi bộ 5km để tìm thầy xin những đề toán khó để giải. ‘’Ngày học, đêm học, thôi  thì mai đừng ăn nữa nhé, cứ học cho nó no’’, đó là câu nói của người mẹ khi thấy cậu học trò mê toán, đến nỗi đang ăn nhưng bỏ ăn để giải toán và kết quả say mê toán của học trò Nguyễn Ngọc Ký là giải thưởng toán quốc gia.  Ai cũng ngạc nhiên khi thấy một học sinh giỏi toán lại có bước ngoặc sang văn khoa. Khi đã trở thành một nhà giáo dạy văn. Viết văn cho thiếu nhi đã khó, dạy gì cho tâm hồn trẻ lại càng khó.

 Một nhà giáo đi dậy học thì viết bảng ra sao khi hai tay không thể cầm, nắm viên phấn, đó là cả một quá trình thí nghiệm, đã có rất nhiều cách thầy thử nghiệm trên lớp nhưng đều thất bại, thất bại hết lần này đến lần khác để rồi cuối cùng cũng tìm ra được một phương pháp mà thầy và trò thấy thích thú. Cũng giống như ước mơ làm sao dùng đôi chân để cắt được hoa giấy.

Cũng không có ai nghĩ rằng, người thầy giáo viết bằng chân khi đi dự Hội giảng người giáo viên dạy văn giỏi lại đạt giải nhất của tỉnh Hà Nam Ninh lúc bấy giờ.

Phần huyên náo làm khuấy động cả giảng đường đó là phần đố vui (bằng thơ do chính thầy sáng tác) có thưởng (phần thưởng là sách của thầy Ngọc Ký) dành cho các tu sinh. Quả thật rất thú vị và các bạn tu sinh rất thông minh!

 ‘’Đằng sau những thành công, bao giờ cũng có bóng dáng người phụ nữ’’câu chuyện tình yêu củaThầy Nguyễn Ngọc Ký, một nhà văn, nhà thơ đã kể về mối tình, về hai người vợ (hai chị em ruột) của mình như một thiên tình sử của thầy bằng những bài thơ tặng vợ.

Khi trả lời câu hỏi của các bạn trẻ về  việc làm sao Thầy có nghị lực vượt qua những khó khăn để trở thành một người thành đạt như hôm nay? Đó là: Lòng tự trọng là động lực là niềm say mê.

Hình ảnh Thầy thể hiện khi viết chữ và cắt hoa cho các tu sinh được mục thị ngay tại giảng đường đã làm cho các tu sinh đi từ ngạc nhiên đến lòng thán phục và những tràng vỗ tay vang dậy cả giảng đường đã kết thúc buổi trò chuyện trong chương trình ‘’Gương sáng’’ để lại nhiều dấu ấn cho các bạn tu sinh.

Khi chia sẻ bí quyết để thành công, Thầy đã tặng cho các bạn tu sinh 6 cặp chữ M đó là: Mơ mộng (ước mơ)- đừng bao giờ từ bỏ những ước mơ và khát vọng đó là động lực; Miệt mài (chăm chỉ)- làm việc gì cũng phải miệt mài; Mưu mẹo (sáng tạo); Mạnh mẽ- gấp rút, quyết liệt làm đến nơi đến chốn; Mềm mại (uyển chuyển); May mắn- nhiều người yêu thương.

Các bạn trẻ! Các bạn đã không hối tiếc, khi các bạn đã dành một ngày nghỉ quý báu sau một tuần làm việc để bước chân tới ngôi chùa Giác Ngộ!

Xin tạm biệt và rất mong được gặp lại các bạn trẻ vào khóa tu ‘Tuổi trẻ Hướng Phật’ Kỳ 16: 27-08-2017(06-07 Đinh Dậu); Khóa tu ‘Ngày an lạc’25: 06-08-2017(15-06 Đinh Dậu); Khóa tu Thiền Kỳ 7: 13-08-2017(22-06 Đinh Dậu)


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook