Loading...

Hơn 2.600 người đăng ký hiến mô, tạng và hiến xác

Hôm qua (23/12), tại Chùa Giác Ngộ, Quỹ Đạo Phật Ngày Nay đã vận động được 366 người hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho y học. Đây là đợt vận động hiến mô, tạng, hiến xác lần thứ 2 trong năm 2018.

Từ những nỗ lực

Qua 5 năm tổ chức vận động đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học, được chia làm 06 lần tổ chức tại Chùa Giác Ngộ, cùng với 01 lần tổ chức tại chùa Pháp Vân, Hà Nội, Chùa Giác Ngộ – Quỹ Đạo Phật Ngày Nay đã vận động được 2.616 người đăng ký hiến mô, tạng và hiến xác.

2.616 người đăng ký hiến mô, tạng và hiến xác là con số thật sự ấn tượng với GS.TS Trịnh Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm Điều phối và Ghép tạng Quốc gia: “Việc vận động hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho y học là một việc làm rất khó khăn. Việc này đòi hỏi người hiến phải có đủ kiến thức về y học và đó còn là hạnh nguyện cao cả mà không phải ai cũng làm được”. Cũng theo GS. Trịnh Hồng Sơn, hiến tạng là cho/ tặng một số cơ phận nội tạng, mô (gan, thận…, giác mạc) để cấy ghép cho người bệnh đang rất cần. Hiến tạng khác hiến xác ở chỗ là phải thực hiện ngay sau khi chết não, không được chậm trễ. Giáo sư nhấn mạnh: “Chết não là chắc chắn phải chết rồi, nhưng đối với ngành y tế chúng tôi, nhiều cán bộ vẫn còn ái ngại khi hiến xác. Đó chính là điều rất khó khăn, mà ở đây thầy Nhật Từ đã làm được. Qua đây, tôi xin cám ơn thầy Nhật Từ vì đã vận động được rất nhiều người hiến tặng nội tạng, hiến xác. Mong sao thầy có thể tiếp tục duy trì và tổ chức nhiều hơn nữa những buổi lễ ý nghĩa này”.

Tấm gương tiêu biểu

Hạnh nguyện hiến tạng, hiến xác để cứu người là một hạnh nguyện cao cả cần được tán thán và đề cao. Có thể xem đây là biểu hiện đỉnh cao của hạnh bố thí, xả ly, phước đức lớn nhất. Qua nhiều năm vận động và tổ chức buổi lễ “Hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho y học” tại Chùa Giác Ngộ đã có rất nhiều những tấm gương mang hạnh nguyện Bồ- Tát.

cô Phạm Thị Đồng tại buổi lễ Hiến mô, tạng và hiến xác

Trường hợp cô Phạm Thị Đồng (60 tuổi), sinh sống tại TP.HCM, đăng ký hiến mô, tạng và hiến xác. Với gương mặt vui vẻ khi cầm trên tay hai tấm thẻ, cô hoan hỷ cho biết: “Cô đi chùa thường xuyên, nghe TT. Nhật Từ giảng giải về giá trị của hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho y học, cô bắt đầu tìm hiểu thông tin này nhiều hơn. Con trai cô ở nhà cũng theo ngành y, nhờ đó cô có thêm thông tin về mặt khoa học về nghĩa cử cao đẹp này; từ đó, quyết tâm đăng ký và hoàn thành tâm nguyện luôn.”

chị Đinh Thị Ngọc Minh cùng với bố nuôi của mình tại buổi lễ

Trường hợp gia đình Gia đình chị Đinh Thị Ngọc Minh – một PSV nhiệt thành của chùa Giác Ngộ. Gia đình chị có 3 thành viên, chị Minh, mẹ, chị gái đều đã đăng ký hiến mô, tạng. Từ khi hiểu được giá trị nhân văn của việc làm này, chị Minh đã tích cực vận động gia đình, người thân cùng tham gia chương trình ”Hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho y học”. Trong đợt vận động lần này, chị Minh đã vận động được ba và mẹ nuôi cùng đăng ký hiến. Chia sẻ với chúng tôi cha mẹ nuôi của chị là ông Trần Văn Thạch (54 tuổi) và bà Đinh Thị Nở (52 tuổi) cho biết: “Được chị Ngọc Minh giải thích về ý nghĩa của việc làm đầy tính nhân văn này, sau khi sắp xếp được công việc cá nhân là cô chú tranh thủ lên chùa tham gia đăng ký hiến mô, tạng luôn cho kịp.”

Bé Mỹ Kim (ngoài cùng, bên phải) cùng với bố và anh trai

Trường hợp gia đình Phật tử Trương Kim Hương – gia đình Phật tử luôn gắn bó với Chùa Giác Ngộ từ những ngày đầu khánh thành chùa. Gia đình chị có 5 người, vợ chồng và 2 con trai, 1 con gái. Cả 5 thành viên của gia đình đều đã đăng ký hiến mô, tạng và hiến xác. Bé Hà Mỹ Kim – thành viên nhỏ tuổi  nhất của gia đình đã đăng ký hiến mô, tạng và hiến xác vào ngày 29/09/2018 tại Chùa Giác Ngộ. “Đọc và tìm hiểu kỹ về hiến mô, tạng và hiến xác, bé biết rằng hiến đi nội tại của mình sẽ mang lại sự sống cho những người khác. Cũng theo tấm gương bé Hải An mà Mỹ Kim đã nài nỉ vợ chồng tôi ký cho đơn viết tay tự nguyện hiến mô, tạng và hiến xác” – chị Hương tâm sự.

Sinh ra và lớn lên trong cái nôi Phật giáo, gia đình chị Hương cũng như những gia đình khác, khi được lĩnh hội những lời Phật dạy họ đều hiểu rằng: Con người gồm 2 phần: thân thể và tâm thức. Khi chết, tâm thức theo nghiệp tái sinh, còn xác thân tứ đại thì trả về cho đất, nước, gió, lửa, nơi mà nó sinh ra. Thân người chết hay xác chết vì thế không có gì quan trọng, an táng cách nào cũng được. Cho nên việc hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho y học là khá dễ dàng. Mong rằng trong những lần hiến mô, tạng và hiến xác sắp tới sẽ có nhiều hơn những tấm gương “cho đi là còn mãi”.

Có thể bạn quan tâm


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook