Loading...

Khóa tu Ngày an lạc kỳ 20 -KT20

Khóa tu Ngày an lạc kỳ 20 -KT20
0

Ngày

0

Tiếng

lượt xem: 95

THÔNG TIN CHUNG

Người Phật tử cần phải học Phật qua Kinh điển, học Phật trên internet, học Phật qua các băng giảng, thực hành Bát Chánh Đạo. Nhờ thực tập Kinh và nhìn thấy Kinh là tấm bản đồ giúp chúng ta đi từ điểm xuất phát khổ đau đến điểm hạnh phúc. Phật tử không có thần bái Kinh, lễ bái Kinh mà chúng ta tiêu hóa Kinh trong đời sống thực tiễn, tin sâu nhân quả, nhờ đó ta trở thành Phật tử sống có tỉnh thức và trí tuệ. Đến với ngôi chùa Giác Ngộ, ngoài việc tìm điểm tựa tâm linh, bạn còn tìm thấy nhiều giá trị khác sẽ mang đến cho bạn những lợi lạc sau mỗi khóa tu! Khóa tu:‘’Ngày An Lạc’’ lần thứ 20 ngày 28-05-2017(03-05 Đinh Dậu) đã được trang nghiêm diễn ra.

Thiền tọa

Mở đầu cho khóa tu là 30 phút thiền tọa do ĐĐ.Thích Ngộ Phương hướng dẫn để thân và tâm an trước khi vào chương trình tu tập chính trong ngày.

Chương trình pháp thoại

Các hành giả có được duyên lành cung đón HT. Thích Nhật Hỷ, Ủy Viên Thường Trực Ban Hoằng pháp Trung ương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Hoằng Pháp GHPGVN, TP. HCM, Giảng sư trường Cao cấp và trường Trung cấp Phật học.

Đề tài Thầy đã truyền trao cho khóa tu: “Sống tỉnh thức và trí tuệ”.

Sống tỉnh thức là sống không mê. Thức là không ngủ. Sống không mê mệt, không ngủ là người  tỉnh trong cuộc sống. Đồng thời nếu sống có trí tuệ là sống không có khổ. Còn khổ là sống trong tình thức mà tình là bám víu làm cho con người khổ đau. Cho nên, chúng ta sống phải tỉnh mà không mê. Mê là sống trong ảo tưởng, trong đau khổ.

Bài pháp thoại được Hòa thượng phân tích với các nội dung sau:

i) Mê tiền: Mê tiền vừa khổ đau, vừa tạo nghiệp nghèo đói khát. Ai cũng biết câu chuyện Ăn khế trả vàng. Không tham thì được tất cả mà tham thì mất tất cả đó là bài học sâu sắc qua câu chuyện: Người sống tỉnh thức không tham mà còn bố thí cúng dường. Người bố thí cúng dường là người có tỉnh thức và trí tuệ. Dùng trí tuệ mới hóa giải được lòng tham.

ii) Mê sắc: Người tỉnh thức là người sống không mê là người trí tuệ. Người trí tuệ là người đang sống với hiện hữu. Người đang sống với hiện hữu là người sống tỉnh thức trở về với chơn tâm thường trú của mình. Cho nên sự nghiệp của người tu là trí tuệ.

Người học Phật không mê sắc mà phải hiểu ngay sắc thân của mình. Người 10 tuổi sống với 10 tuổi… người 60 tuổi sống với cuộc sống của người 60 tuổi đừng có quay về sống với cuộc sống của người 20 tuổi là sai lầm.  

iii) Mê danh vọng: Không mê mờ sắc thân danh vọng mà mượn nó để làm chiếc xe chuyển tải trí tuệ đạt được cứu cánh. Không mê mờ trên danh vọng cuộc sống, danh vọng là phù du.

iv) Mê ăn: Người tỉnh thức ăn xong làm tất cả các việc thiện. Khi người học Phật rồi thì không tham ăn, khi đó ăn cái gì cũng được. Người tỉnh thức coi ăn là món thuốc chữa bệnh khô gầy. Tham ăn là một chất liệu tạo cho thân xác khổ đau. Phật tử nào mà thích ăn mặn là liều thuốc độc giết hại trái tim và máu huyết, rượu bia và các chất kích thích là tàn phá gan, thận. Người tham ăn, tham uống tạo ra thế giới đói khát gọi là ngã quỷ.

v) Tham ngủ: Người tham ngủ là người thùy miên (hôn trầm). Thùy miên hôn trầm là sợi dây trói buộc trí tuệ của chính mình. Người tu học Phật là trừ được tam nghiệp: Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Muốn diệt trừ tam nghiệp thì phải lấy Giới- Định- Tuệ.

Khi trở về tỉnh thức phải học hạnh từ bi của Phật. Là đệ tử Phật, nỡ nào gắp thịt (vì mình ăn, người ta mới giết). Cho nên hạn chế!

Người tu học Phật là phải sửa làm sao cho thế giới thanh tịnh. Người tu mà để cho nhiễm ô dãy đày thì đừng nói là an lạc. Cho nên khi học Phật để biết được nhiễm, tỉnh, mê mà mê nhiễm là khổ đau. Học Phật là sửa đổi tâm, ý để hết khổ đau sống an lạc và hạnh phúc.

37 năm( năm 1980) Hòa thượng lại một lần nữa về trao truyền chân lý Phật tại ngôi chùa Giác Ngộ thân yêu để các hành giả hướng về sự tỉnh thức và trí tuệ đem lại sự an lạc và hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội.

Tụng kinh -Thiền tọa

Các Hành giả và Tăng đoàn đã có thời khóa tụng Kinh Người biết sống một mình là bản kinh được TT. Thích Nhật Từ biên soạn Việt hóa. Đây cũng là bản kinh được Tăng đoàn thường xuyên trì tụng trong các thời khóa giúp cho Tăng đoàn và cả Phật tử thường xuyên thực tập. Tiếp theo là 30 phút thiền buông thư do ĐĐ.Thích Quảng Tịnh hướng dẫn trước khi kết thúc chương trình tu tập buổi sáng.

Chương trình “Phương trời thong dong”

MC. Lâm Ánh Ngọc lấy câu chuyện Chú bé bán áo mở đầu cho buổi trò chuyện để tìm hiểu về một vị Thầy rất đáng kính phục. Thượng tọa Thích Nguyên Hiền- Giáo thọ sư Trường Cao Trung Cấp Phật học Lâm Đồng,  Trụ trì Vĩnh Minh Tự Viện Lâm Đồng.  Thượng tọa là một vị giảng sư nổi tiếng trong nước với nhiều pháp thoại đi vào lòng người.  Là dịch giả của rất nhiều Kinh sách chữ Hán-Nôm; biên soạn, trước tác nhiều tác phẩm Phật giáo mang tính học thuật cao và còn nhiều Truyện, Tùy Bút, Thơ.

Như mọi câu chuyện nhân duyên đi xuất gia của các vị tu sĩ. Câu chuyện Thầy kể từ ông nội đến cha và khi là một cậu bé biết chút xíu là đã biết đến chùa quy y với pháp danh Nguyên Hiền. Khi biết chữ đã biết đọc Kinh, nên nhân duyên đi xuất gia cũng có lẽ không biết bắt đầu từ đâu, có lẽ nó là nhiều đời, nhiều kiếp.

Các hành giả cũng vô cùng thích thú khi được Thầy cho biết lúc nhỏ khi thần tượng về vị thầy của mình rằng những thầy tu không bao giờ đi vệ sinh. Đúng là rất dễ thương và vô cùng dung dị ! Ngày 30/4/1975 khi đó cậu bé Nguyên Hiền mới 7-8 tuổi nhìn thấy hình ảnh vị Thầy của mình như một Bồ tát sứ giả của Như Lai ngược xuôi như con thoi cứu trợ đồng bào và thuyết phục binh lính đừng nổ súng chỉ gây thương tích cho đồng bào. Hình ảnh về người Tu sĩ, người thầy nó quá đẹp, nên tâm nguyện xuất gia ngày càng rõ nét và nghĩ ‘’Mình sinh ra là để đi tu’’.

Câu chuyện của thầy thực sự đã hấp dẫn các hành giả như chuyện kiếm hiệp của  Kim Dung. Ai đã sống qua thời bao cấp thì đều hiểu ở Sài Gòn đã khổ, ở cách Sài Gòn 30 km thì khỏi phải nói. Thời đó thực sự cậu bé Nguyên Hiền là người đi hót phân trâu để bán trong 3 tháng nghỉ hè. Ngôi nhà nhỏ, rất nhỏ của ba mẹ thầy cất đã biến thành ngôi chùa khi tối tối các Thầy về tá túc tại nhà đọc kinh. Từ đó, Kinh Phật đã thấm vào cậu bé nghèo tự bao giờ. Mẹ Thầy đã bắt thầy xám hối 108 lạy khi ngắt đầu một con dế: ‘’Giờ con ngắt đầu được một con dế, ngày mai sẽ cắt đầu được con gà và một ngày nào đó con sẽ cầm dao lụi vào người’’.

Câu chuyện người đệ tử ‘’Ngỗ nghịch và liếng láu’’ đã làm Thầy bổn sư mất ngủ bao đêm và bắt đầu từ một lời nói của một chú tiểu khen hoa mầu tím đẹp đến mầu áo tím, đôi dép và chiếc kẹp tóc mầu tím cho đến 999/1000 lậy xám hối là mầu tím. Rồi một buổi sáng khi người đệ tử ‘’Ngỗ ngược, buông lung’’ nhìn đám mây trôi đã như một cái gì nặng rớt xuống và ‘’màu tím’’ cũng biến mất. Người đệ tử ấy đã bỏ Thầy bổn sư ra đi. Câu chuyện lại càng hấp dẫn và lôi cuốn qua giọng kể truyền cảm của Thầy. Cũng có nhiều giọt nước mắt rơi và vài chục giây các hành giả nặng người khi Thầy kể về lời phát nguyện của mẹ khi con mình không biết đang lang thang nơi nào. Người mẹ ấy đã phát nguyện để con mình trở thành một người tu: ‘’Con nguyện cho tất cả những tai nạn, những chướng duyên đổ hết lên đầu của con để thằng con trai con tu được’’.

Chúng con xin kính cẩn chắp tay lạy người mẹ, vì có một người mẹ Bồ tát để rồi ngày hôm nay hàng Phật tử chúng con mới có cơ duyên gặp được Thầy, một nhân tài cho Phật giáo nước nhà.

Câu chuyện người đệ tử quay trở về xám hối với vị thầy bổn sư và nhân duyên làm trụ trì Tự viện, hay quá trình đi lang thang, đi đảnh lễ các vị Hòa thượng khắp từ Nam chí Bắc đến cả hải đảo. Hoặc 6 tháng trời đi đến tất cả những nơi đức Phật đặt chân hoằng pháp trên đất nước Ấn Độ. Tất cả có thể viết thành một cuốn hồi ký, một cuốn phim vô cùng hấp dẫn và thú vị.

Công trình làm cuốn Từ điển Phật học Huệ Quang 10,000 trang và đặc san Suối nguồn… những ngày tháng dạy tại trường Hán-Nôm,v.v…Ngay từ đầu thầy giới thiệu Thầy chỉ  học hết lớp 9 trường làng, nhưng thực ra trong suốt những năm tháng ở với Thầy bổn sư, những năm tháng ở các tự viện, bên các vị Cao tăng, bên các Hòa thượng đã là những ngôi trường dạy cho thầy một kiết thức Phật học rất thâm hậu mà không phải trường lớp nào cũng dạy.

Thầy bảo cho phép Thầy chỉ nói điều tốt, còn cái xấu của Thầy, thầy bảo có nhiều lắm nên không nói đến: ‘’Cái tốt của tôi đó là một niềm tin tuyệt đối vào giáo pháp của đức Phật. Cho nên có bỏ vào cối giã nát thì tôi vẫn trở thành một thầy tu’’.

Đời sống càng đen tối, càng tuyệt vọng, càng đau khổ lại càng trở nên có ý nghĩa càng đáng sống. Đối với người con Phật dù bất cứ ở chướng duyên nào thì niềm tin vào giáo lý của đấng Từ phụ là bất tuyệt, không bao giờ suy chuyển. Tin sâu nhân quả thì sẽ đạt được đức vô úy không sợ hãi. Điều cốt tủy của giáo lý đức Phật đó là nhân quả, tin sâu nhân quả. Nếu mình có phá giới phạm trai cũng không ai trừng phạt nhưng nhân quả sẽ chuốc lấy, sẽ đưa đến các chướng duyên trong đời sống. Cho nên phải tin sâu nhân quả thì sẽ đạt được đức vô úy!

Đó không chỉ là Thượng tọa nói về mình mà đó cũng chính là lời nhắn nhủ cho tất cả những ai đã, đang và sẽ là đệ tử của đức Phật.

Một ngày tu tập với các nội dung phong phú đã phần nào đáp ứng được các nhu cầu của hành giả để trải nghiệm, học hỏi, thực tập nhiều giá trị mang lại niềm hoan hỷ thân và tâm.

Rất mong được gặp lại các hành giả vào khóa tu “Ngày An Lạc” Kỳ 21: 11-06-2017 (17-05 Đinh Dậu)dành cho người lớn tuổi. Khóa tu ‘’Tuổi trẻ Hướng Phật’’ kỳ  13: 04-06-2017(10-05 Đinh Dậu). Khóa tu thiền Kỳ 5: 18-06-2017(24-05 Đinh Dậu)


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook