Loading...

Lời mở đầu

Với mục tiêu chia sẻ những tấm lòng nhân ái, nhân đôi những nụ cười, kết nối tình thương yêu từ nơi đủ đầy đến nơi thiếu thốn, thắp lên những ngọn đuốc ấm áp chân tình để ánh sáng Từ Bi và Trí Tuệ ngày càng lan tỏa rộng lớn khắp cộng đồng, Hội Từ thiện Đạo Phật Ngày Nay đã được ra đời từ năm 2000, trải qua 13 năm liên tục hoạt động và phát triển, đến ngày 06/05/2013, Hội đã đổi tên thành Quỹ Đạo Phật Ngày Nay và chính thức ra mắt tại chùa Giác Ngộ với một sứ mệnh to lớn hơn, những giá trị mà Quỹ mang lại không chỉ là những động từ thiện vì cộng đồng theo tinh thần Phật giáo mà còn là những hoạt động hoằng bá Chánh pháp, đào tạo nhân tài, góp phần phát triển toàn diện các mặt xã hội, văn hóa và giáo dục.

Với tâm nguyện mang tình thương đến với cuộc đời, sự ra đời của Quỹ Đạo Phật Ngày Nay đem lại một mô hình hoạt động xã hội văn hóa giáo dục mới, khác với các phương thức hoạt động trước đây. Mô hình này giúp cho các hoạt động của Quỹ mang tính quy mô hơn, tối ưu hơn, Quỹ sẽ giúp các hoạt động từ thiện xã hội, văn hóa, giáo dục được duy trì đều đặn và phát triển bền vững. Nhờ phương thức hoạt động đó, tin rằng trong tương lai, Quỹ Đạo Phật Ngày Nay sẽ mang lại càng ngày càng nhiều hơn niềm hạnh phúc cho cộng đồng và cho những mảnh đời kém may mắn.

Quỹ sẽ xây những chiếc cầu nối liền bờ vui của trái tim từ bi và sự hiểu biết đến với những nơi xa xôi hẻo lánh, những mảnh đời chưa được đủ đầy trong cuộc sống; mang ánh sáng trí tuệ đến với các học sinh nghèo hiếu học; xây những mái nhà tình thương, chăm sóc sức khỏe cho bà con ở vùng khó khăn. Đặc biệt, Quỹ còn tham gia tiếp sức cho chư Tăng Ni, chung tay cùng Giáo hội đào tạo Tăng tài, phục vụ cho Đạo pháp và dân tộc…, những việc làm ý nghĩa đã được Ban điều hành Quỹ lên chương trình hành động chi tiết.

Thiết nghĩ, một xã hội an lành, hạnh phúc và đủ đầy là mong ước của tất cả mọi người. Ai cũng mong có được một mái nhà ấm áp, với bữa cơm thân tình, chan hòa nụ cười bên người thân. Nhưng cuộc sống con người luôn tồn tại những điều bất như ý. Những mảnh đời bất hạnh, những trái tim đau khổ, tổn thương, những cảnh đời thiếu trước hụt sau vẫn đầy rẫy trong xã hội. Do đó, mangthông điệp Từ Bi của Đức Phật, Quỹ Đạo Phật Ngày Nay ra đời để đáp ứng nhu cầu rút ngắn những khoảng cách của cuộc đời, gắn kết những trái tim yêu thương, giảm thiểu những nỗi đau bệnh tật, đem cơ hội tiếp cận ánh sáng trí tuệ của Chánh pháp đến với mọi người.

Với những mục đích cao cả đó, Quỹ Đạo Phật Ngày Nay mong nhận được sự ủng hộ của tất cả mọi người để cùng sẻ chia tình yêu thương, cùng chung sức quan tâm, hỗ trợ đến những mảnh đời còn kém may mắn, góp phần giúp xã hội ngày một văn minh, tiến bộ, và qua đó cũng chính là một cách khơi nguồn Phật tâm, tăng trưởng lòng từ bi của chính mọi người.

Sứ mệnh

Với những ý nghĩa ra đời và mục tiêu trên, Quỹ Đạo Phật Ngày Nay mong muốn mang thông điệp Từ Bi và Trí Tuệ của Đức Phật đến với cuộc đời, được thể hiện cụ thể ở 3 sứ mệnh chính sau:

Phục vụ Cộng đồng thông qua các hoạt động từ thiện – xã hội, cụ thể như sau:
      + Từ thiện và Cứu trợ thiên tai
+ Xây dựng Cơ sở vật chất
+ Hỗ trợ y tế
Phát triển Giáo dục thông qua các hoạt động hoằng pháp, cụ thể như sau:
      + Ấn tống Kinh sách
+ Học bổng Tăng Ni và sinh viên
+ Tổ chức Khóa tu
+ Thực hiện âm thanh hóa Đại Tạng Kinh Việt Nam và sách nói Phật Giáo

Truyền bá Văn hóa thông qua các sự kiện văn hóa, cụ thể như sau:

+ Tổ chức hoạt động văn hóa và triển lãm

+ Phòng tranh Đạo Phật Ngày Nay

Với các sứ mệnh trên, Quỹ Đạo Phật Ngày Nay mong mỏi chánh pháp của Đức Phật sẽ đến được với mọi người, hầu giúp mọi người tìm thấy những ý nghĩa, giá trị trong cuộc sống, giảm thiểu những nỗi đau thân và tâm trong cuộc sống của chúng ta

Phương châm hoạt động

– Hiệu quả – Bền vững

+ Mang lợi ích thiết thực đến cho cả người trao và người nhận. Mọi người có cơ hội tu học và thực tập Phật Pháp khi tham gia các hoạt động của Quỹ như thực tập Vô Ngã thông qua các hoạt động hiến máu, đăng ký hiến xác cho khoa học; thực tập Hạnh Bố Thí và Tâm Từ Bi thông qua các hoạt động đóng góp chia sẻ tịnh tài tịnh vật với các mảnh đời bất hạnh; thực tập Bát Chánh Đạo như Chánh Tinh Tấn thông qua các hoạt động đóng góp tịnh lực, tham gia đội ngũ Phụng Sự Viên; nâng cao hiểu biết Phật học qua các khóa tu học, lớp học miễn phí tại Chùa Giác Ngộ hoặc qua các bài thuyết pháp và Kinh sách do Quỹ ấn tống, và rất nhiều sự thực hành Chánh pháp khác có thể mang đến cho chúng ta một cuộc sống tràn đầy ý nghĩa.

+ Tối ưu hóa nguồn tịnh tài và tịnh lực nhằm thực hiện các sứ mệnh một cách hiệu quả và bền vững

– Trung thực – Minh bạch

+ Mọi báo cáo thu chi sẽ được Quỹ Đạo Phật Ngày Nay báo cáo công khai, minh bạch sau từng hoạt động và định kỳ hàng quý, hàng năm.

+ Toàn bộ nguồn thu được sử dụng cho các hoạt động theo đúng mục đích đóng góp và không trích nguồn Quỹ cho chi phí vận hành Quỹ (Chi phí vận hành Quỹ sẽ được tài trợ riêng)

– Trực tiếp – Kịp thời:

+ Trực tiếp thực hiện mọi hoạt động và tạo mọi cơ hội cho Thành viên và Phụng sự viên cũng như tất cả mọi người có cơ hội cùng tham gia

+ Thực hiện kịp thời các hoạt động mang tính khẩn cấp như cứu trợ thiên tai, lũ lụt, v.v

– Kết nối – Lan tỏa+ Phối nối kết cùng các tổ chức khác có chung sứ mệnh để thực hiện hiệu quả các công tác Phật sự và thiện sự.

+ Thực hiện văn bản hóa toàn bộ hoạt động để có thể chia sẻ, chuyển giao mô hình hoạt động cho các tổ chức khác nhằm nhân rộng và lan tỏa lòng từ bi và tri thức theo lời Phật dạy.

Ý nghĩa logo

LỊCH SỬ RA ĐỜI VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN QUỸ ĐẠO PHẬT NGÀY NAY

Năm 2000: Hội Từ thiện Đạo Phật Ngày Nay (tiền thân của Quỹ Đạo Phật Ngày Nay) được sáng lập bởi TT.TS. Thích Nhật Từ đi vào hoạt động, tổ chức nhiều chương trình từ thiện xã hội, nổi bật là chương trình mổ mắt cườm miễn phí, cứu trợ thiên tai, ấn tống Kinh sách, v.v…

Tháng 05/2013: Quỹ Đạo Phật Ngày Nay đã chính thức ra mắt vào ngày 06/05/2013 tại chùa Giác Ngộ.

Tháng 08/2013: Quỹ thành lập Phòng vé phi lợi nhuận Đạo Phật Ngày Nay nhằm hỗ trợ cho Quý Tăng Ni thuận lợi hơn trong việc di chuyển, thực hiện công việc Phật sự, hoằng pháp.

Tháng 11/2013: Triển khai chương trình Học bổng cho Tăng Ni sinh và sinh viên thành một chương trình thường niên của Quỹ.

Tháng 2/2014: Phòng tranh Quỹ Đạo Phật Ngày Nay đã ra đời, thu hút hơn 50 họa sĩ nổi tiếng tham gia đóng góp và tổ chức các cuộc triển lãm gây quỹ.

Tháng 5/2014: Thực hiện ấn tống toàn bộ ấn phẩm phục vụ cho Đại Lễ Phật Đản Vesak Liên Hợp Quốc được tổ chức tại Việt Nam.

Tháng 11/2014: Chính thức ra mắt Ban Ấn tống Đạo Phật Ngày Nay để phục vụ các hoạt động Ấn tống Kinh sách, băng đĩa giảng nhằm truyền bá Phật Pháp.

Tháng 11/2014: Tổ chức vận động quý Tăng Ni và Phật tử đăng ký Hiến xác cho khoa học.  

Tháng 4/2015: Lần đầu tiên triển khai chương trình Hiến máu nhân đạo tại Chùa Giác Ngộ.

Tháng 8/2015: Ra mắt chương trình Hỗ trợ Y tế “Chung tay vì người bệnh”, hỗ trợ 100% chi phí y tế cho Tăng Ni và giúp đỡ chi phí y tế cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Tháng 12/2015: Thành lập đội ngũ Phụng Sự Viên chuyên nghiệp để cống hiến nguồn nhân lực cho Đạo Pháp và xã hội.

Tháng 3/2016: Lần đầu hỗ trợ tổ chức Khóa tu tại chùa Giác Ngộ

Tháng 2/2017: Nhận được giải thưởng Đại sứ Phật giáo toàn cầu – Global Buddhist Ambassador Award 2017 tại Thái Lan.

Ngoài những chương trình và hoạt động đã đề cập trong các cột mốc nói trên, Quỹ Đạo Phật Ngày Nay đã thực hiện hơn 130 chương trình liên quan đến các sứ mệnh của Quỹ như hoạt động từ thiện, cứu trợ thiên tai, xây dựng cơ sở vật chất (cầu, đường, Chùa), vận động cúng dường trai phạn cho Tăng Ni ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TpHCM (cơ sở Lê Minh Xuân, Bình Chánh) v.v…

Điều lệ

Điều lệ hoạt động Quỹ Đạo Phật Ngày Nay

CHƯƠNG I – NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tên gọi – Tôn chỉ mục đích của Quỹ

1. Tên của Quỹ: Quỹ Đạo Phật Ngày Nay. Tên tiếng Anh: Buddhism Today Foundation, viết tắt là BTF.

2. Trụ sở: Chùa Giác Ngộ – 92 Nguyễn Chí Thanh, P3, Quận 10, TP Hồ Chí Minh.

3. Mục đích: Quỹ được thành lập nhằm mục đích vận động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có tâm huyết, hỗ trợ cho các hoạt động nhân đạo từ thiện và hoạt động vì cộng đồng theo tinh thần Phật giáo như: Hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai; bệnh nhân hiểm nghèo; các trường hợp nghèo khó; tài trợ học bổng, đào tạo nhân tài góp phần phát triển xã hội, v.v..

 

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động

1. Quỹ là một tổ chức xã hội tự nguyện, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, tự tạo vốn trên cơ sở vận động tài trợ và đóng góp hoàn toàn tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và đóng góp của các sáng lập viên để hoạt động theo mục tiêu của Quỹ.

2. Quỹ tự trang trải chi phí cho các hoạt động và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, không có nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

3. Quỹ tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của mình.

4. Quỹ công khai tình hình huy động, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật.

 

CHƯƠNG II – NHIỆM VỤ CỦA QUỸ

Điều 3. Quỹ có nhiệm vụ:

1. Tổ chức vận động và tiếp nhận các nguồn tài trợ hợp pháp về tài chính, vật chất của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để tiến hành tài trợ cho các đối tượng nêu ở khoản 2 điều 3 Điều lệ này.

2. Thực hiện các chương trình được nêu ở điều 13 của Điều lệ này.

3. Tổ chức hoạt động gây Quỹ theo đúng quy định pháp luật, công khai mọi khoản thu, chi theo quy định của Pháp luật về công khai tài chính.

4. Toàn bộ tiền và tài sản huy động vào Quỹ phải sử dụng đúng mục đích, đối tượng:

a) Đối với khoản tài trợ, quyên góp, ủng hộ khắc phục hậu quả lũ lụt, thiên tai, cứu trợ khẩn cấp phải thực hiện đầy đủ 100% ngay sau khi nhận được tiền và tài sản;

b) Đối với các khoản tài trợ có mục đích, mục tiêu phải thực hiện đúng theo yêu cầu của nhà tài trợ;

5. Lưu trữ và công khai hồ sơ, các chứng từ, tài liệu về tài sản, tài chính của Quỹ; nghị quyết, biên bản về các hoạt động của Quỹ theo quy định của pháp luật.

 

CHƯƠNG III – TỔ CHỨC, HỘI VIÊN VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ

Điều 4. Cơ cấu tổ chức gồm

– Hội đồng quản lý Quỹ

– Ban kiểm soát

– Chủ tịch Quỹ

– Giám đốc Quỹ

 

Điều 5. Hội đồng quản lý Quỹ

1. Hội đồng quản lý Quỹ có tối thiểu 3 (ba) thành viên với nhiệm kỳ 3 (ba) năm do các sáng lập viên chỉ định. Hội đồng quản lý Quỹ gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên. Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ do các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ bầu với số phiếu quá nửa số thành viên đồng ý.

2. Hội đồng quản lý Quỹ là cơ quan có thẩm quyền cao nhất và sẽ quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến Quỹ, có các quyền và nghĩa vụ sau :

a) Thông qua phương hướng hoạt động của Quỹ;

b) Ban hành các quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu của Quỹ;

c) Phê duyệt định mức chi tiêu cho công tác quản lý Quỹ, kế hoạch tài chính, báo cáo quyết toán của Quỹ;

d) Quyết định bổ nhiệm, bãi nhiệm Giám đốc, Kế toán trưởng của Quỹ;

đ) Quyết định cơ cấu tổ chức Quỹ;

e) Quyết định những vấn đề khác theo Điều lệ Quỹ.

3. Hội đồng quản lý Quỹ họp định kỳ 06 tháng / lần. Nếu có vấn đề phát sinh, bất cứ thành viên nào trong Hội đồng Quản lý Quỹ cũng có thể đề xuất Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ triệu tập họp Hội đồng bằng cách gửi thư thông báo trước ít nhất một tuần cho các thành viên còn lại. Cuộc họp được xác định là hợp lệ khi có hơn ½ số thành viên tham gia. Quyết định của Hội đồng Quản lý Quỹ được thông qua khi có ít nhất 2/3 số thành viên tán thành. Trong trường hợp số thành viên có mặt tại cuộc họp không đầy đủ, người chủ trì cuộc họp Hội đồng Quản lý Quỹ sẽ xin ý kiến bằng văn bản hoặc qua email về vấn đề được xin ý kiến thì ý kiến này cũng có giá trị như sự có mặt của thành viên đó tại cuộc họp.

4. Các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ hoạt động không hưởng lương và không được hưởng bất cứ các chi phí nào từ ngân sách của Quỹ, kể cả công tác phí.

5. Mỗi thành viên Hội đồng quản lý Quỹ sẽ từ nhiệm hoặc bị bãi nhiệm nếu không có điều kiện tham gia, hoặc có hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng cho uy tín và hoạt động của Quỹ.

 

Điều 6. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ

1. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ là công dân Việt Nam và do các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ bầu với số phiếu quá nửa số thành viên. Nhiệm kỳ Chủ tịch Quỹ cùng nhiệm kỳ Hội đồng quản lý Quỹ.

2. Trong trường hợp người nước ngoài có nhiều đóng góp cho hoạt động Quỹ, được các thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ nhất trí với số phiếu quá bán, được tôn vinh làm Chủ tịch danh dự của Quỹ.

3. Chủ tịch có trách nhiệm triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Hội đồng Quản lý Quỹ, điều hành việc triển khai Nghị quyết các cuộc họp của Hội đồng.

4. Các Phó Chủ tịch có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch và chủ trì các cuộc họp của Hội đồng Quản lý Quỹ khi Chủ tịch vắng mặt và ủy quyền.

 

Điều 7. Giám đốc Quỹ và các bộ phận chức năng

1. Giám đốc Quỹ là công dân Việt Nam và do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm theo quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ; nhiệm kỳ Giám đốc Quỹ không quá 3 (ba) năm.

2. Giám đốc Quỹ là người đại diện trước pháp luật và chịu trách nhiệm điều hành mọi hoạt động của Quỹ, thực hiện chức năng quản lý của mình theo các chính sách do Hội đồng Quản lý Quỹ quy định.

3. Nhiệm vụ của Giám đốc Quỹ.

a) Chịu trách nhiệm trước Hội đồng Quản lý Quỹ về toàn bộ hoạt động của Quỹ ;

b) Điều hành công việc của Quỹ ;

c) Ký các văn bản pháp lý trong phạm vi trách nhiệm của mình và chịu trách nhiệm cho các Quyết định của mình ;

d) Báo cáo định kỳ cho Hội đồng Quản lý Quỹ về tình hình hoạt động của Quỹ ;

đ) Chịu trách nhiệm quản lý tài sản của Quỹ theo Điều lệ Quỹ và các quy định của pháp luật về quản lý tài chính, tài sản.

e) Đề nghị Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm Phó Giám đốc và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.

4. Giúp việc cho Giám đốc có các phó Giám đốc, Kế toán trưởng. Việc bổ nhiệm các chức danh trên sẽ do Hội đồng Quản lý Quỹ bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Quỹ.

 

Điều 8. Ban Kiểm soát Quỹ

1. Ban kiểm soát có ít nhất hai (02) thành viên gồm Trưởng ban và Phó Trưởng ban, cùng với nhiệm kỳ của Hội đồng Quản lý Quỹ.

2. Kiểm tra và giám sát hoạt động của Quỹ theo Điều lệ;

3. Ban kiểm soát hoạt động độc lập và có các nhiệm vụ sau:

a) Kiểm tra và giám sát hoạt động của Quỹ theo Điều lệ;

b) Báo cáo và đề xuất Hội đồng Quản lý Quỹ về kết quả kiếm soát các hoạt động và tình hình tài chính của Quỹ.

 

Điều 9. Nhân sự khác

Tùy theo quy mô phát triển của Quỹ, Giám đốc Quỹ sẽ đề nghị Hội đồng Quản lý Quỹ bổ nhiệm các nhân sự vào cơ quan điều hành Quỹ theo nguyên tắc gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

 

CHƯƠNG IV – TÀI CHÍNH CỦA QUỸ

Điều 10. Nguồn thu của Quỹ

Nguồn vốn của Quỹ được thu theo đúng quy định của Pháp luật. Quỹ không nhận những khoản tiền không rõ nguồn gốc. Nguồn thu của Quỹ gồm có:

1. Đóng góp ban đầu của các sáng lập viên của Quỹ

2. Đóng góp tự nguyện, tài trợ hợp pháp của cá nhân, tổ chức ở trong nước và nước ngoài.

3. Thu từ lãi suất tiền gửi của Quỹ vào ngân hàng, hoặc từ các hoạt động gây Quỹ theo quy định hiện hành.

4. Các khoản thu hợp pháp từ các hoạt động hợp pháp khác.

 

Điều 11. Các khoản chi của Quỹ

Quỹ chỉ được sử dụng sau khi thành lập được sáu tháng. Hội đồng quản lý không sử dụng đến tiền Quỹ gốc được các hội viên sáng lập từ nguyện đóng góp. Chủ yếu Quỹ sử dụng lãi suất từ việc gửi ngân hàng trong nước cho các mục đích sau đây:

1. Ủng hộ các nạn nhân thiên tai và giúp đỡ bệnh nhân bệnh tật hiểm nghèo; trẻ mồ côi cơ nhỡ, người già neo đơn, nạn nhân chất độc màu da cam và người khuyết tật.

2. Tham gia ủng hộ các chương trình xóa đói, giảm nghèo do các địa phương kêu gọi ủng hộ.

3. Cấp học bổng và tài trợ đào tạo nhân tài Phật giáo. Cấp học bổng và tài trợ sinh viên nghèo vượt khó (bao gồm sinh viên các trường đại học tốt nghiệp loại ưu, các tân thủ khoa đại học).

4. Ấn tống Kinh sách, băng đĩa Phật pháp, sách nói Phật giáo nhằm giúp nhiều người tu học Phật có kết quả hơn.

5. Hỗ trợ xây dựng trường học, xây chùa, xây cầu cho vùng sâu, vùng xa, cao nguyên và xây nhà tình thương cho người nghèo khó.

6. Tham gia các chương trình hỗ trợ y tế, khám chữa bệnh, cấp thuốc cho người nghèo ở vùng sau, vùng xa.

 

Điều 12. Công tác kế toán, kiểm toán, thống kê

1. Quỹ phải tổ chức và thực hiện công tác kế toán, kiểm toán, thống kê; chấp hành các chế độ, quy định về hóa đơn, chứng từ kế toán;

2. Mở sổ ghi đầy đủ danh sách các tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ và danh sách những đối tượng được tài trợ;

3. Lập và gửi đầy đủ, đúng thời hạn các báo cáo tài chính và quyết toán thu, chi hàng năm;

4. Ban kiểm soát Quỹ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ và báo cáo hội đồng quản lý Quỹ tình hình tài chính của Quỹ;

5. Hội đồng quản lý Quỹ có trách nhiệm quản lý các hoạt động của Quỹ, chuẩn y các kế hoạch tài chính và thẩm tra, phê duyệt báo cáo quyết toán của Quỹ;

6. Thường trực Hội đồng Quản lý Quỹ và Giám đốc Quỹ có trách nhiệm công bố công khai các nội dung :

– Danh sách và mức đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân đã đóng góp, tài trợ cho Quỹ.

– Báo cáo tài chính hàng quý và Quyết toán năm của Quỹ theo từng nội dung thu-chi.

7. Hàng năm, Quỹ thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán tình hình thu – chi tài chính của Quỹ (nếu cần).

 

Điều 13. Nguyên tắc vận động quyên góp, vận động tài trợ

1. Quỹ được vận động quyên góp, vận động tài trợ trong nước và ở nước ngoài nhằm thực hiện mục tiêu hoạt động theo quy định của Điều lệ Quỹ.

2. Đối với các cuộc vận động quyên góp, vận động tài trợ giải quyết hậu quả thiên tai, bão lụt, cứu trợ khẩn cấp do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ quyết định.

 

CHƯƠNG V – CÁC QUY ĐỊNH KHÁC

Điều 14. Bổ sung, sửa đổi Điều lệ Quỹ

Trong quá trình hoạt động Quỹ, Giám đốc Quỹ có trách nhiệm theo dõi và đề xuất Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ cho phù hợp tình hình hoạt động của Quỹ nhưng phải được 2/3 thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ tán thành trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, Quyết định mới có giá trị thi hành.

Báo cáo

BÁO CÁO TÀI CHÍNH

Báo cáo tài chính năm 2023

Báo cáo tài chính năm 2022

Báo cáo tài chính năm 2021

Báo cáo tài chính năm 2020

Báo cáo tài chính năm 2019  

Báo cáo tài chính năm 2018  

Báo cáo tài chính năm 2017    

Báo cáo tài chính năm 2016

Báo cáo tài chính năm 2015

Báo cáo tài chính năm 2014

Báo cáo tài chính năm 2013

QUỸ LƯU ĐỘNG

Báo cáo chi tiết thu chi Quỹ lưu động (01/01/2023 – 31/12/2023)

Báo cáo chi tiết thu chi Quỹ lưu động (01/01/2022 – 31/12/2022)

Báo cáo chi tiết thu chi Quỹ lưu động Ban ấn tống (01/01/2022 – 31/12/2022)

Báo cáo chi tiết thu chi Quỹ lưu động (01/01/2021 – 31/12/2021)

Báo cáo chi tiết thu chi Quỹ lưu động Ban ấn tống (01/01/2021 – 31/12/2021)

Báo cáo chi tiết thu chi Quỹ lưu động Ban ấn tống (01/01/2020 – 31/12/2020)

Báo cáo chi tiết thu chi Quỹ lưu động Ban ấn tống (06/05/2013 – 31/12/2019)

Báo cáo chi tiết thu chi Quỹ lưu động (06/05/2013 – 31/12/2019)

Câu hỏi

Câu 1: Tôi có thể đóng góp cho các chương trình của Quỹ bằng cách nào và có báo cáo tổng kết nào sau mỗi hoạt động hay không?

Mỗi  hoạt động thiện sự, Phật sự của Quỹ Đạo Phật Ngày Nay luôn được cập nhật và có mã số riêng theo từng chương trình. Quý Phật tử có thể phát tâm đóng góp theo hai cách sau: Đóng góp trực tiếp: Văn phòng Quỹ Đạo Phật Ngày Nay Tầng trệt Chùa Giác Ngộ, 92 Nguyễn Chí Thanh, P.3, Q.10, TP.HCM. SĐT: (028) 6680 9802 Chuyển khoản: quý vị vui lòng ghi rõ mã số chương trình “C…” muốn đóng góp, quý danh và số điện thoại, email để đại diện Quỹ liên hệ xác nhận đóng góp Tài khoản: Trần Ngọc Thảo (Thích Nhật Từ) Số tài khoản: 0071000776335 Ngân Hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam – Vietcombank CN TP. HCM Quỹ Đạo Phật Ngày Nay  là tổ chức đầu tiên công khai minh bạch toàn bộ số tiền cùng phương danh của tất cả những người phát tâm đóng góp. Thông tin sẽ được cập nhật trên trang web của Quỹ sau mỗi hoạt động. Quý vị có thể theo dõi và ghi nhận quá trình đóng góp của mình. Đặc biệt, mỗi lượt đóng góp trực tiếp đều có biên lai xác nhận.

Câu 2: Tôi muốn xin thỉnh một số kinh sách thì làm thế nào, và tôi có cần trả tiền hay không?

Hằng tháng, Quỹ ĐPNN đều gửi tặng kinh sách đến những người hữu duyên. Thông tin tặng kinh sách, quý vị có thể theo dõi tại trang web và trang fb của Quỹ.

Ngoài ra quý vị có thể thỉnh kinh sách trực tiếp tại văn phòng Quỹ ĐPNN (92, Nguyễn Chí Thanh, P.3, Q.10).

Quý vị ở xa có thể đăng ký thỉnh tại link, sau khi nhận được thông tin Quỹ sẽ tiến hành cách thủ tục để chuyển kinh sách đến quý vị một cách nhanh nhất.

Câu 3: Quỹ Đạo Phật Ngày Nay có tổ chức các hoạt động từ thiện tại nước ngoài hay chưa?

Song song với các hoạt động thiện sự, Phật sự trong nước, Quỹ Đạo Phật Ngày Nay còn tổ chức các hoạt động từ thiện tại nước ngoài “Trao tặng quà cho người Việt nghèo tại Campuchia”, “Trao tặng học bổng và từ thiện tại Ấn Độ”, “Trao tặng quà cho người nghèo tại Cambodia”, “Trao quà đến các nạn nhân trong vụ động đất tại Nepal”,…v.v

Câu 4: Làm sao có thể xem được phần đóng góp của mình?

Quỹ Đạo Phật Ngày Nay luôn tổng kết lại tất cả các hoạt động đã diễn ra, quý vị có thể xem được thông tin của mỗi hoạt động cũng như các lượt đóng góp. tất cả đều được liệt kê đầy đủ chính xác và được công khai trên các phương tiện thông tin.

Câu 5: Tôi có thể xin chia sẻ mô hình hoạt động của QĐPNN với các tổ chức liên quan khác hay không? Vì tôi thấy mô hình này hoạt động hiệu quả.

Với phương châm “Kết nối, lan tỏa”, Quỹ ĐPNN luôn sẵn sàng chia sẻ mô hình hoạt động đến các tổ chức khác có cùng tâm nguyện. Mọi thông tin quan tâm, quý vị có thể liên hệ tại văn phòng Quỹ Đạo Phật Ngày Nay, số 92 Nguyễn Chí Thanh, P.3, Q.10, TP.HCM.


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook