Loading...

CHUNG ĐƯỜNG ĐỜI, CHUNG ĐƯỜNG ĐẠO – VỢ CHỒNG HẠNH PHÚC BIẾT BAO

Tình yêu đôi lứa là một trong những tình cảm đẹp nhất của con người. Biết bao nhiêu thi sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ đã dùng rất nhiều mỹ từ xinh đẹp ca ngợi nó. Một tình yêu đúng đắn, chân thành, đích thực và thủy chung sẽ mang lại hạnh phúc lâu dài cho cả hai người. Thông qua tiệc đám cưới, đôi tình nhân chính thức trở thành vợ chồng. Và để trợ duyên cho cả hai trên hành trình hôn nhân với trọn vẹn trí tuệ và từ bi, vào sáng ngày 15/07/2022, Tăng đoàn Chùa Giác Ngộ đã chứng minh cho buổi lễ hằng thuận của chú rể Võ Văn Quốc Ấn (pháp danh Thân Ấn) và cô dâu Lê Ngô Đan Thùy (pháp danh Giác Tâm Từ) trong sự chúc phúc và vui mừng của gia đình, thân quyến, bạn bè hai họ.

Dưới sự chủ trì của TT. Thích Minh Phước, Tăng đoàn và đại chúng đã tiến hành nghi thức đảnh lễ Tam Bảo. Trong niềm hoan hỷ vô bờ, Thượng tọa đã hướng dẫn cô dâu phát tâm quy y Ba Ngôi Báu, trở thành người con Phật và nguyện nhận 5 điều đạo đức tại gia. Từ đây, cô dâu chính thức đồng hành cùng chú rể cả trên đường đời lẫn đường đạo, giúp cho đôi bạn trẻ dễ dàng có được sự tâm giao, tương thông trên lộ trình đắp xây hạnh phúc hôn nhân.

Sau đó, Tăng đoàn chính thức cử hành nghi lễ hằng thuận cho cô dâu và chú rể. Trước hết, đại chúng cùng nhau đọc tụng Kinh Thiện Sinh, bài kinh nói về trách nhiệm và bổn phận của con người đối với các mối quan hệ cùng chung huyết thống trong gia đình và các mối quan hệ khác bên ngoài xã hội. Bài kinh này sẽ giúp cho cô dâu và chú rể có cách thức đúng đắn, phù hợp để đối đãi chuẩn mực với những người thân như cha mẹ, vợ chồng, con cái,… khi cùng nhau về chung dưới một mái nhà.

Đức Phật đã dạy rằng người chồng phải tôn trọng vợ với năm bổn phận: một là lấy lễ đối đãi với vợ, hai là chuẩn mực nhưng không hà khắc, ba là tùy thời cung cấp y, thực, bốn là tùy thời tặng trang sức đẹp, năm là cùng vợ làm tốt việc nhà. Tương tự như vậy, người vợ cũng phải đối đãi chồng với năm bổn phận: một là siêng năng, thức dậy trước chồng; hai là nể chồng, trước, sau, trong, ngoài; ba là dùng lời hòa nhã, xây dựng; bốn là nhún nhường, ủng hộ điều hay; năm là hiểu chồng, cảm thông, chia sẻ.

Tiếp đó, tân lang và tân nương tuyên đọc bốn lời phát nguyện trước hôn nhân, đó là: cam kết sống tiếp nối đạo đức và truyền thống văn hóa gia đình và đất nước; sống chung thủy, hiểu biết, thương yêu, nâng đỡ nhau; luôn luôn tôn trọng và hài hòa với nhau; hướng dẫn con cháu là Phật tử từ nhỏ, dồn hết tâm lực và phương tiện, xây dựng hạnh phúc cho con cháu. Thông qua năm trách nhiệm giữa vợ và chồng, cùng bốn lời phát nguyện trước hôn nhân, cô dâu và chú rể như được cung cấp thêm “tấm bản đồ” để đồng thuận đồng lòng, vững vàng tiến bước trên hành trình khám phá những chân trời hạnh phúc, an vui mà tình yêu lứa đôi mang lại.

Sau nhạc phẩm “Nhẫn cưới trao tay”, do TT. Thích Nhật Từ, Trụ trì Chùa Giác Ngộ sáng tác, Ban Đạo Ca của chùa trình diễn, Thượng tọa chứng minh đã chủ trì nghi thức trao nhẫn cưới của đôi bạn trẻ. Chiếc nhẫn như minh chứng cho sự gắn kết, thủy chung, sắt son một lòng của cô dâu và chú rể. Từ đây, cả hai đã chính thức kết nghĩa tào khang, trở thành phu phụ.

Và để tiếp thêm nguồn tuệ giác về lối sống yêu thương, hòa hợp, nhân ái giữa vợ và chồng, Thượng tọa chủ lễ cũng đã gửi gắm đôi điều dặn dò sâu sắc cho cả hai. Thượng tọa dạy rằng đã là vợ chồng thì cả hai phải biết tôn kính, hiếu thảo với cha mẹ hai bên. Bởi tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Có cha mẹ thì mới có chúng ta. Khi mình hiếu kính với cha mẹ thì sau này con cái của mình sẽ noi gương đó mà sống nhân nghĩa, hiếu tình với mình lại.

Về bổn phận làm chồng, chú rể phải siêng năng tạo dựng tài chính, kinh tế cho gia đình, biết quan tâm chu cấp, trợ giúp đời sống vật chất cho vợ con. Còn khi làm vợ, cô dâu cũng phải biết chăm lo, quán xuyến chuyện nhà bên cạnh việc cùng chồng tạo dựng của cải, tài sản. Hai vợ chồng sống phải thủy chung, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Ngoài ra, cả hai đều cùng chung trách nhiệm nuôi dạy con cái nên người, không quá nuông chiều nhưng cũng phải khuyên răn hợp lý. Quan trọng nhất đó là cả gia đình phải luôn luôn sống với trí tuệ và từ bi theo lời Phật dạy trong lời ăn tiếng nói và cách hành xử với mọi người xung quanh mình.

Tin: Minh Lượng
Ảnh: Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook