Loading...

LỄ VU-LAN THỜI COVID-19 TẠI CHÙA GIÁC NGỘ

Trước thảm cảnh nhiều người cha, người mẹ ra đi mãi mãi vì virus SARS-CoV-2 và đại dịch COVID-19 trở thành mối đe dọa hãi hùng nhất cướp đi sinh mạng những người thân yêu, Lễ Vu-lan năm nay như một “nốt lặng” gợi nhắc con người về tình mẫu tử, phụ tử, ân đức sư trưởng, tổ quốc, chúng sanh: Hãy thương yêu và trân trọng! Tiếp nối truyền thống tốt đẹp về vun trồng chữ hiếu trong đạo Phật, vào lúc 18g30, ngày 21/08/2021 (nhằm ngày 14/07 Tân Sửu), tại chùa Giác Ngộ, Lễ Vu-lan PL. 2565 – DL. 2021 đã được diễn ra trong không khí ấm áp và thiêng liêng.
Buổi lễ được đặt dưới sự chứng minh của TT. Thích Nhật Từ – Trụ trì Chùa Giác Ngộ, Ủy viên HĐTS, Phó Viện trưởng TT HVPGVN tại TP.HCM; TT. Thích Nhật Thiện – Phó Trụ trì Chùa Giác Ngộ, Ủy viên BTS PG TP.HCM, Trưởng BTS PG Quận 10; TT. Thích Nhật Bình – Đồng Phó Trụ trì Chùa Giác Ngộ cùng sự tham dự của Tăng đoàn Chùa Giác Ngộ.
Lễ Vu-lan thời COVID-19 mở ra với những dòng tâm trạng của các lá thư gửi đến cha mẹ kính yêu. Dẫu biết cuộc sống là vô thường, nhưng trái tim con cái vẫn còn nhói đau vì những lần biệt ly. Tối nay, hàng ngàn Phật tử theo dõi Facebook Thích Nhật Từ, Chùa Giác Ngộ, YouTube Đạo Phật Ngày Nay lại bùi ngùi, đồng cảm với tâm tình con cái qua lời chia sẻ của bạn Thái Bình và tâm thư của một người tham gia chống dịch nơi tuyến đầu. Dịch bệnh COVID-19 đã khiến nhiều người con phải ở lại nơi xa xứ, không có dịp về thăm mẹ cha ở quê nhà. Và cũng dịch bệnh đã nhẫn tâm mang những bóng hình cao cả ấy đi xa.
Trên nền nhạc “Bông hồng cài áo”, hình ảnh những người con Phật hạnh phúc cài lên ngực mình một bông hoa đỏ, hay giọt ngắn giọt dài nước mắt rơi khi chạnh lòng cài bông màu trắng từ tư liệu năm 2018, 2019 mà chùa Giác Ngộ đã lưu lại, được phát lại trong buổi lễ năm nay. Nghi thức cài hoa hồng lên áo, mang màu sắc Tây phương, đã được Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng từ năm 1962 và trở thành biểu tượng thân quen trong mùa báo hiếu. Song với đó, bắt nguồn từ câu chuyện cảm động về tấm gương đại hiếu, Tôn giả Mục-kiền-liên cứu mẹ, tên gọi “Vu-lan” và truyền thống mùa hiếu hạnh đã được Phật giáo nước ta lưu giữ bao đời nay. Cho nên, tháng 7 Âm lịch hằng năm, khi bầu trời chớm thu, lòng người con Phật lại nôn nao nhớ mẹ thương cha và tìm cách đền đáp ơn nghĩa. Dần dà, Vu-lan trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa người Việt, không chỉ đơn thuần là lễ nghi tôn giáo.
Tiếp nối chương trình, Tăng đoàn đọc tụng Kinh Vu-lan báo hiếu nhằm gợi lại câu chuyện hiếu thảo của Tôn giả Mục-kiền-liên. Từ đó, quý thiện nam tín nữ nhận thức được nhiều thông điệp tốt đẹp mà bài kinh mang lại.
Lễ Vu-lan hằng năm cũng chính là cột mốc đánh dấu sự kết thúc 3 tháng An cư để trau dồi giới đức, thúc liễm thân tâm, thêm một tuổi đạo của chư Tăng Ni. Vì thế, trong lễ Vu-lan, nghi thức dâng y cúng dường cũng sẽ được diễn ra. Vì bởi những chiếc y là sự biểu trưng cho các ruộng công đức mà Tăng Ni đã làm được trong một năm qua. Nhưng vì chìm trong đại dịch COVID-19 với những ngày giãn cách dài đằng đẵng nên nghi thức dâng y không có trong Lễ Vu-lan năm nay. Đơn giản chỉ là những thước phim tư liệu về nghi thức này từ các năm trước tại chùa Giác Ngộ được gợi lại trên nền nhạc “Dâng y Kathina” do TT. Nhật Từ sáng tác và ca sĩ Saka Trương Tuyền trình bày từ trước.
Sau khi hoàn tất các nghi thức trong Phật giáo, quay lại với nỗi thống khổ của con người hiện tại, TT. Thích Nhật Từ đọc bài văn tế các nạn nhân tử nạn vì COVID-19, do TT. Thích Nguyên Hiền soạn. Văn tế như tái hiện lại những nỗi đau thương của muôn người, qua đó, an ủi và xoa dịu cho người đã mất và người ở lại.
Nhân đây, TT. Nhật Từ cũng ban đạo từ về Lễ Vu-lan, một truyền thống giữ gìn chữ hiếu của đạo Phật với ý nghĩa của truyền thống dâng cúng y Kathina và các thông điệp hiếu hạnh từ bài Kinh Vu-lan như pháp cứu tế, quy luật vô thường, học thuyết vô ngã, gieo trồng nghiệp thiện,… trong Phật giáo Đại thừa. “Dầu là thánh nhân như ngài Mục-kiền-liên, tất cả chúng ta đều sinh ra từ mẹ, với sự hợp tác của người cha. Cho nên, ở vai trò nào trong xã hội, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đền đáp ơn sanh thành, dưỡng dục của mẹ và cha.” – Thượng tọa nhắn nhủ. Đồng thời, Thượng tọa Trụ trì Chùa Giác Ngộ cũng nhắn nhủ mọi người nghiêm túc thực hiện quy tắc 5K của Bộ Y tế để hạn chế sự lây lan COVID-19. Qua đó, Thượng tọa cũng cầu mong các nhà y khoa trên thế giới sản xuất đủ vaccine đạt hiệu quả cho mọi người; cầu cho vaccine Việt Nam Nanocovax sớm ngày thành công.
Được biết, hưởng ứng lời chỉ dạy của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Phó Pháp chủ Đệ nhất GHPGVN, chùa Giác Ngộ cùng với một số chùa tại TP.HCM sẽ tiếp nhận tro cốt của các nạn nhân COVID-19 và thờ phượng, làm các khóa lễ miễn phí.
Buổi lễ kết thúc bằng lời ca thắm thiết về tình mẫu tử, phụ tử như nhạc khúc “Đền ơn cha mẹ” (ca sĩ Bảo Yến thể hiện), “Hoa hồng dâng mẹ” (ca sĩ Bích Phượng trình bày), “Con thương mẹ lắm” (ca sĩ Khưu Huy Vũ thể hiện). Ngoài 3 bài nhạc do TT. Nhật Từ sáng tác, bài hát “Vu-lan thời COVID-19” được nhiều người truyền tai cũng được phát trong phần cuối chương trình. Bên cạnh đó, nghi thức thắp nến tưởng niệm người mất vì đại dịch COVID-19 cũng được Tăng đoàn tiến hành.
Tin: Bảo Tiên
Ảnh: Thái Sơn

Có thể bạn quan tâm


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook