Loading...

Lợi ích của người tu tập Thiền Vipassana

Sáng ngày 03/01 (nhằm 12/12 Nhâm Dần), tại Tu viện Long Hưng (Quận Bình Tân), TT. Thích Nhật Từ, Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Phó viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM, Trụ trì chùa Giác Ngộ (Quận 10) đã quang lâm chia sẻ thời pháp thoại với chủ đề “Lợi ích của người tu tập Thiền Vipassana”.

Với đề tài này, Thượng tọa giảng sư đã chia sẻ với chư tôn đức Ni cùng chư Phật tử hai nội dung gồm: (1) Sự thải độc tâm, và (2) Những điều trọng tâm của Thiền Vipassana.

(1) Cũng như cơ chế đào thải chất độc của cơ thể, lợi ích của Thiền mang lại là đào thải được những chất độc của tâm. Thải độc tâm nghĩa là thải độc các tập khí tâm đã huân tập từ nhiều đời. Nếu quên đi sự thải độc cho tâm, thì tâm chứa đầy những nỗi khổ niềm đau, và dù sống trong những tiện ích vật chất đủ đầy chúng ta vẫn không trải nghiệm được sự an vui, thong dong, tự tại, thoải mái và thảnh thơi. Độc tố thứ nhất: Không biết xấu hổ, hổ thẹn (tàm và quý); độc tố thứ hai, Không biết hối hận; Ba độc tố nguy hiểm nhất của tâm: Tham ái, Sân hận, si mê. Để diệt trừ tận gốc các độc tố này theo Thượng tọa giảng sư cần chuyên cần thực hành lời Phật dạy với nỗ lực lớn, quyết tâm cao; không ngừng củng cố lòng biết ơn và sẻ chia các giá trị vật chất cho xã hội thì sẽ vô nhiễm trước hai mối nguy hại từ độc tố tâm này.

(2) Những điều trọng tâm của Thiền Vipassana

Đề cập đến các yếu tố trọng tâm, cốt lõi của thiền Vipassana, TT. Thích Nhật Từ khuyến khích các hành giả thực tập Thiền phải chú trọng việc đọc hiểu nghiền ngẫm các bài Kinh về Thiền để hiểu sâu lý thuyết về Thiền, ý nghĩa và các giá trị khi thực tập Thiền. Các hành giả thực tập Thiền mà chưa đọc, hoặc đọc chưa kỹ các bản Kinh Phật dạy về Thiền là một thiếu sót lớn. Với người thực tập Thiền, khi chưa nắm qua được lý thuyết, thì sẽ thực tập không đúng, khi thực tập không đúng thì sẽ không gặt hái được kết quả.

Dịp này, Thượng tọa giới thiệu đến bộ bốn quyển Kinh sách Thượng tọa soạn dịch về Thiền như: Kinh Phật về Thiền và chuyển hóa, Thiền Vipassana – Bốn nền tảng chánh niệm, Thiền chỉ, Thiền quán và lợi ích của Thiền, và 40 Đề mục Thiền định. Đồng thời, Thượng tọa cũng giới thiệu Kinh Tứ Niệm Xứ, 16 hơi thở Thiền, Kinh người biết sống một mình… đây là những bài kinh cần thiết, cốt lõi cho người tu Thiền.

Bốn cốt lõi của Thiền Vipassana được Thượng tọa giảng sư đề cập bao gồm: Không gian và thời gian hiện tại, không gian bây giờ và tại đây, đừng để tâm chạy theo tương lai, đừng cố gắng trải nghiệm cả Thiền Chỉ (Thiền Định) và Thiền Quán (Thiền Minh Sát) trong một lần thực tập cũng như đừng cố gắng trải nghiệm bốn nền tảng chánh niệm (Quán Thân, Quán Thọ, Quán Tâm, Quán Pháp) trong một lần thực tập.

Với những giá trị lợi ích từ việc tu tập Thiền Vipassana mà Thượng tọa giảng sư đã nêu bật trong thời thuyết pháp này sẽ là chất liệu cần thiết bổ trợ để các hành giả quan tâm, trải nghiệm tu Thiền có thêm nhiều kiến thức, hiểu biết làm hành trang trên con đường tu tập.

Tin: Liên Thủy
Ảnh: Minh Đức

Có thể bạn quan tâm


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook