Loading...

SC. GIÁC LỆ HIẾU CHIA SẺ CÁCH ỨNG XỬ THEO LỜI PHẬT DẠY TRƯỚC HƠN 1.000 HÀNH GIẢ TẠI CHÙA GIÁC NGỘ

Sáng 26/06/2022, trong Khóa tu Ngày An Lạc tại Chùa Giác Ngộ, SC.TS. Thích Nữ Giác Lệ Hiếu, Trụ trì Chùa Việt Nam, Tp. Paju, Hàn Quốc, Trưởng Ban Điều hành Đạo tràng Đạo Phật Ngay Nay – Hàn Quốc, đã có buổi chia sẻ pháp thoại với hơn 1.000 hành giả tham gia đã lắp đầy cả 7 tầng lầu, tầng hầm và trong sân Chùa. Trước sự hoan hỷ và tín tâm của hàng ngàn Phật tử và những người thương mến đạo Phật, Sư cô đã chia sẻ với đại chúng đề tài “Phật dạy cách ứng xử”.

Đây là buổi thuyết pháp đầu tiên của Sư cô tại Việt Nam, sau bao năm tháng xa quê hương để hoằng pháp tại đất nước Hàn Quốc xa xôi, lạnh giá. Sư cô đã gửi lời tri ân đến ân sư của mình là TT. Thích Nhật Tư, Trụ trì Chùa Giác Ngộ, cùng Tăng đoàn và quý Phật tử thân thương tại quê nhà trong chuyến công tác tại Việt Nam lần này.

Để đáp lại tình cảm thương mến của quý Phật tử, thiện nam, tín nữ, Sư cô đã chia sẻ đề tài “Phật dạy cách ứng xử”, được Cô giảng giải dựa trên kinh Trung Bộ số 21, kinh Ví Dụ Cái Cưa, hay còn được dịch với tên khác là kinh Chuyển Hóa Sân Hận. Nội dung bài kinh nói về việc Tôn giả Moliya Phagguna sống liên hệ với Tỷ-kheo ni một cách quá độ và có lối hành xử nóng giận, sân hận với những ai buông lời mắng nhiếc, mạ lỵ, chửi rửa mình hoặc các vị Tỷ-kheo ni thân thiết. Và nhân đó, đức Phật đã dạy cho Tôn giả cùng Tăng đoàn cách thức để chuyển hóa sự sân hận.

“Này Phagguna, Ông phải học tập như sau: “Mong rằng tâm của ta sẽ không bị biến đổi! Mong rằng ta sẽ không nói những lời ác ý! Mong rằng ta sẽ sống với lòng nhẹ nhàng, với tâm từ bi, không ôm niềm sân hận!”. Phagguna này, Ông phải học tập như vậy.” – Sư cô trích dẫn lời Phật dạy trong bài kinh. Sư cô dạy rằng chúng ta là Phật tử, tức là con Phật thì cần nuôi dưỡng và phát triển những công hạnh và đức tính tốt của đức Phật. Chúng ta phải là người hiền, hiền từ lời ăn tiếng nói, tới thái độ, cách cư xử, lối sống với mọi người xung quanh.

Đức Phật còn dạy Tôn giả Moliya Phagguna rằng cho dù có người mắng chửi, vu oan hay thậm chí đánh đập các vị Tỳ- kheo ni thân cận của mình, ngài cũng không nên bênh vực họ hay sân hận người thủ ác. Do đó, chúng ta cần phải chánh niệm và hết sức cẩn trọng trong từng lời nói, hành vi. Khi bị người khác chửi rủa, mình cần phải làm chủ bản thân, không được để cho cái sân của người khác chi phối mình và khiến mình “nổi trận lôi đình” theo họ. Trong 7 cách diệt trừ phiền não mà đức Phật dạy, có một phương pháp là tránh né, cũng không nên đối diện để đôi co, chống trả. Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp mà chúng ta cũng nên dùng trí tuệ làm đầu, để biết cái gì cần làm và không cần làm, điều gì cần nói và không cần nói, cư xử sao cho thật khéo léo và dung hòa. Đức Phật là bậc vô cùng khéo léo, cho nên, là con của Ngài, chúng ta cũng phải thật khéo léo như vậy. Và trong các mối quan hệ, dù có mâu thuẫn, chúng ta không được để tình cảm cá nhân, riêng tư xen vào, phải dùng trí tuệ và từ bi để đối diện và cư xử cho thật phù hợp. Ở đoạn cuối, đoạn quan trọng nhất của bài kinh, đức Phật đã dạy 5 phương diện của lời nói mà chúng ta cần suy ngẫm và áp dụng để các mối quan hệ được thuận hòa, an vui, đó là: đúng lúc hay không đúng lúc, đúng hay sai, trìu mến hay khắc nghiệt, có lợi hay không vụ lợi, với tâm thiện hoặc với lòng căm thù. Khi áp dụng đúng và đủ bài học của đức Phật, chúng ta sẽ làm chủ được cảm xúc bản thân và chuyển hóa được sự sân hận trong mình. Khi đó, không những chính mình mà những người xung quanh cũng được vẹn tròn sự an vui và hạnh phúc.

Tin: Minh Lượng
Ảnh: Ngộ Trí Thông

Có thể bạn quan tâm


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook