Loading...

SỰ KIỆN BỒ TÁT ĐẢN SINH TRONG KINH TẠNG PALI VÀ NHỮNG ĐIỀU SUY NGHIỆM

“Vườn lâm chợt thấy hoa đàm nở
Muôn vạn tin vui trỗi nhịp đàn”

Ngày rằm tháng 4 hằng năm chính là ngày Phật Đản sinh hay còn được gọi là lễ Phật Đản. Đây chính là một trong 3 ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật, bên cạnh lễ Thành đạo và lễ Vu Lan. Theo đạo Phật, Lễ Phật Đản chính là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được chào đời tại vườn Lâm Tỳ Ni.

Sự kiện Đức Phật đản sinh, đắc đạo và trở thành Đấng Giác Ngộ toàn năng đã trở thành một dấu son trong lịch sử nhân loại. Mặc dù cho đến nay, do hoàn cảnh lịch sử cũng như do nguồn tư liệu vô cùng đồ sộ và phong phú về Phật giáo mà những vấn đề liên quan đến lịch sử, sự kiện trong cuộc đời Đức Phật vẫn còn những tồn nghi. Tuy nhiên có một điều có thể khẳng định chắc chắn rằng, Đức Phật là một nhân vật lịch sử có thật chứ không phải chỉ là một nhân vật huyền thoại được tín đồ và quần chúng nhân dân thần thánh hóa.

Như thường lệ, sáng chủ nhật ngày 21/5/2023, hàng trăm quý hành giả từ nhiều tỉnh thành lại vân tập về chùa Giác Ngộ (Q.10, TP.HCM) để tham dự khoá tu Ngày An Lạc. Đến với khóa tu, mọi người cùng nhau tu Phật, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức với sự hướng dẫn của Tăng đoàn cùng các bạn đồng tu. Nhằm ôn lại những lời dạy, hiểu được minh triết sáng soi của Đức Phật, quý Phật tử may mắn được thọ trì đọc tụng kinh Phật căn bản với sự hướng dẫn của chư Tăng.

Tiếp theo thời khóa, quý hành giả lắng lòng tịnh tâm để nghe thời pháp thoại với chủ đề: “Sự kiện Bồ tát Đản sinh trong kinh tạng Pali và những điều suy nghiệm” từ ĐĐ. Thích Quảng Tịnh, Ủy viên Ban Hoằng pháp GHPGVN TP.HCM, thành viên Tăng đoàn chùa Giác Ngộ.

Với chủ đề này, Đại đức đã trình bày 3 nội dung chính được trích trong kinh điển Pali: Kinh tăng chi bộ kinh phẩm một người; Kinh trường tiểu bộ phẩm đại phẩm; Kinh trường bộ phẩm đại bổn và phật sử Maha Buddhavamsa.

Đại đức đã tóm tắt sự kiện Hoàng hậu Maya (vợ đức vua Tịnh Phạn) trị vì vương quốc Ca Tỳ La Vệ đã sinh ra Thái tử Tất Đạt Đa (tiền thân là Bồ Tát Hộ Minh và là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau này). Hoàng hậu Maya qua đời sau khi sinh ra Đức Phật được 7 ngày, và tái sinh vào cõi trời. Vì vậy, người em gái của bà là Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã kết hôn với vua Tịnh Phạn và nuôi con của chị.

Lịch sử Phật giáo ghi về ngày Đức Phật được sinh ra đời: “Vừa sinh ra, Thái tử đã đi bảy bước, dưới mỗi bước chân nở một đóa sen nâng gót. Đến bước cuối cùng, tay chỉ trời, tay chỉ đất, Ngài dõng dạc cất cao tiếng sư tử: Trên trời dưới trời, Ta là bậc tôn quý hơn cả…”.

Suy nghiệm về ngày Đức Phật đản sinh, Đại đức nhắn nhủ với quý Phật tử: Một con người nếu không thành tựu trí tuệ vô thượng và giải thoát Niết bàn thì cũng đều bị tác động sự biến hoại của luật vô thường. Chỉ có sự chứng ngộ chân lý là cao quý nhất mà không bị bất cứ luật gì ở đời chi phối. Noi theo Chánh pháp, ai thành tựu được trí tuệ vô thượng, an trú tâm đại bi, người đó là độc tôn. Đức Phật là mẫu người như thế nên Ngài xưng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” là sự thật hiển nhiên. Và lời tuyên bố “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” (trên trời dưới đất, duy Ta là độc tôn) là một sự thật minh chứng cho tiến trình tự thân tu tập, tự thân hành trì, tự thân chứng ngộ, đạt quả vị Niết bàn là cao quý nhất ở đời mà Thế Tôn đạt được.

Cuối thời pháp thoại, sắp tới nhân ngày Đức Phật đản sinh, Đại đức nhắn nhủ với quý Phật tử hãy noi gương Đức Phật, cố gắng siêng năng tu tập trong mọi hoàn cảnh. Phật đản sinh hôm nay chính là Phật đản sinh trong lòng khi chúng ta cất tiếng kinh cầu, sống theo lời Phật dạy, từng bước nở đóa hoa sen, hướng về miền đất an lạc. Hãy biết vượt qua số phận để vươn lên trong mọi hoàn cảnh dù là khó khăn và khắc nghiệt nhất trong cuộc đời này. Hãy nhớ rằng: “Phật bên ngoài đản sinh, phật trong tâm cũng phải đản sinh”.

Ảnh: Minh Đức

Có thể bạn quan tâm


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook