Khóa tu Ngày an lạc kỳ 21- KT21
Ngày
Tiếng
THÔNG TIN CHUNG
Làm đệ tử đức Phật, chúng ta được gọi là Phật tử để trở thành người có hạnh phúc, trở thành người có bản lĩnh, người có trí tuệ. Người Phật tử không nên mặc cảm, tự ti, khinh thường bản thân. Phật tử là người đang đi trên con đường giác ngộ, là người học trò đang sống với chất liệu giác ngộ, niềm tin nơi đạo Phật. Là người tiếp cận với chân nhân trong tương lai. Đến với ngôi chùa Giác Ngộ, ngoài việc tìm điểm tựa tâm linh, bạn còn tìm thấy nhiều giá trị để sống và thực tập trở thành người Phật tử đúng nghĩa. Khóa tu:‘’Ngày An Lạc’’ lần thứ 21: 11-06-2017(17-05 Đinh Dậu) đã được trang nghiêm diễn ra.
Thiền tọa
Như thường lệ mở đầu cho khóa tu là 30 phút thiền tọa do ĐĐ.Thích Ngộ Phương, hướng dẫn để thân và tâm an trước khi vào chương trình tu tập chính trong ngày.
Chương trình pháp thoại
Sáng nay, các hành giả được cung đón TS. ĐĐ. Thích Trí Minh, Giảng viên Học viện PGVN TP.HCM và các trường Trung, Cao cấp Phật học trong thành phố. Thầy là một giảng viên có nhiều tâm huyết cho việc truyền đạo và hôm nay đến với khóa tu:‘’Ngày An Lạc’’ lần thứ 21, Đại đức đã trao truyền cho các hành giả bài pháp thoại với chủ đề : “Niềm tin trong đạo Phật”.
Đạo Phật cần phải có 2 yếu tố để tu tập đó là: Niềm tin và Trí tuệ. Bản chất của niềm tin là một dạng tâm lý mà trong Phật học gọi là tâm sở. Đại đức đã diễn giải thêm về các loại tâm sở, tâm thiện (Tín, Tấn, Tàm, Quí, Vô sân, Vô si, Vô tham, Khinh an, Hành xả, Bất phóng dật và Bất hại ) để cho các hành giả hiểu và xác định rõ bản chất niềm tin. Quý Phật tử muốn trở thành hiền nhân (những người chuyên làm việc thiện, việc lành) thì phải hiểu thế nào là niềm tin.
4 nội dung chính của bài pháp thoại bao gồm: i) Bản chất niềm tin; ii) Các loại niềm tin; iii) Làm thế nào để có được niềm tin; iv) Ích lợi của niềm tin trong cuộc sống.
Đại đức đã lấy những câu chuyện có thật được ghi chép trong các kinh sách, để minh họa thêm cho các nội dung mang tính triết lý sâu sắc. Đặc biệt có cả những câu chuyện rất nóng đang hiện hữu trên các phương tiện truyền thông để các hành giả hiểu rõ thế nào là niềm tin và nên tin cái gì để phân định chánh tín hay mê tín.
Trong Kinh Kanama trong Tăng chi bộ, đức Phật đã dạy có 10 điều không nên tin ( Đại đức đã gom lại thành 4 dạng để cho dễ nhớ) đó là: 1-Thông tin thuộc về dư luận (truyền thông, truyền thống, truyền miệng). 2- Không nên tin vào những điều sư phụ mình nói( sư phụ ngoại đạo bởi họ không phải là thánh nhân). 3- Không nên tin những điều ghi trong sách vở của ngoại đạo (ngay trong kinh điển đạo Phật cũng có kinh giả). 4 Khoan tin vào hai loại người (người có uy quyền và những giáo chủ của tôn giáo khác).
Đức Phật dạy phải có kiểm chứng được cả xã hội khen ngợi. Tiêu chuẩn để chúng ta tin đó là không tham, không sân, không si. Niềm tin phải dựa vào sự hiểu biết có chân lý. Chân lý chỉ có 1 không có 2. Chân lý được phân làm 2 dạng: Chân lý tương đối là Nhân- Duyên- Quả, nghiệp báo. Chân lý tuyệt đối là mặt bản thể Rỗng không, Vô ngã của tất cả các sự vật và hiện tượng. Mọi sự vật, hiện tượng đều tuân theo định lý của vũ trụ gọi là: Nhân-Duyên-Quả thì niềm tin không bao giờ bị lay chuyển. Tin đi với hiểu. Trí tuệ đi với niềm tin là hai đôi cánh để chúng ta bay lên cao.
Các Phật tử đến chùa Giác Ngộ, hãy xây dựng niềm tin, tin những gì đức Phật nói và giáo pháp của Ngài. Tin đức Phật là một bậc giác ngộ gọi là chánh giác. Giáo lý của Ngài dạy là chân lý. Chân lý: Nhân-Duyên-Quả là đủ tu cả đời. Các Phật tử cố gắng làm những việc có lợi cho đời, có lợi cho người.
Đó cũng là lời sách tấn của Thầy trao cho các hàng giả trong khóa tu.
Tụng kinh -Thiền tọa
Các Hành giả và Tăng đoàn đã có thời khóa tụng Kinh Người áo trắng. Đâylà bản kinh được TT. Thích Nhật Từ biên soạn Việt hóa. Cũng là bản kinh được thường xuyên trì tụng trong các thời khóa nhằm nhắc nhở các Phật tử thường xuyên thực tập để trở thành người Phật tử thực sự. Tiếp theo là 30 phút thiền buông thư do ĐĐ.Thích Quảng Tịnh hướng dẫn trước khi kết thúc chương trình tu tập buổi sáng.
Chương trình “Vì sao tôi theo đạo Phật”
Nói đến Phương Thanh ai cũng biết cô là một ca sĩ chuyên trị dòng nhạc pop-rock với chất giọng khàn lạ. Cô cũng được biết tới với vai trò là diễn viên trong một số bộ phim điện ảnh.
“Giã từ dĩ vãng” là dấu ấn ghi tên tuổi của Phương Thanh vào lòng khán giả. Suốt 10 năm, bảng xếp hạng Làn Sóng Xanh luôn có sự góp mặt của Phương Thanh qua những ca khúc. Phương Thanh giờ đây không những được biết đến như một ca sĩ thuộc hàng gạo cội mà còn là một diễn viên điện ảnh và một diễn viên cải lương. Phương Thanh đã vinh dự nhận giải nữ diễn viên phụ xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam 17.
Phương Thanh sinh ra và lớn lên trong một gia đình Quân đội tại Thanh Hóa, vì thế cô rất mạnh mẽ và quyết đoán. Mẹ cũng là văn công quân đội nên mong muốn Phương Thanh theo nghiệp mẹ. Cô cho biết năm 17 tuổi mẹ đăng ký cho đi thi văn nghệ, khi đi qua một sân vận động làng có trận đá banh thế là cô vào cổ vũ, đến khi vào hát thì bị rớt.
Khi lên sân khấu thì chỉ biết hét. Sau này, khi Phương Thanh đã là người của công chúng thì cô cũng cho biết : “Danh tiếng lẫy lừng là danh tiếng hãi hùng”. Đầu tiên là sự đánh đổi về sức khỏe hao tổn. Khen thì thích mà chê là buồn, không ngủ được. Không ngủ được sức khỏe đi xuống. Khi đó đã có rất nhiều lời đồn đại: ‘’Nghệ sĩ gì hát mà ngày càng khô héo’’ mọi người đồn là Phương Thanh nghiện ma túy, thời điểm đó Phương Thanh cũng đã có ý định tự tử.
Khi đến giai đoạn nổi tiếng thì người nổi tiếng đôi khi họ không còn sống cho họ. Khi được MC. ĐĐ. Quảng Tịnh đặt câu hỏi về cái giá của sự nổi tiếng. Chị đã chia sẻ : ‘’Chỉ cần mỗi sáng thức dậy, đầu không bị nhức, thân không dính xuống giường là đã thấy hạnh phúc lắm rồi’’ và hiện tại Phương Thanh chỉ thích được như thế này: vừa được hát, vừa được chia sẻ vừa có công ăn việc làm đều. Nhiều người hỏi Phương Thanh buông bỏ hết thì sống bằng cái gì ? Cô chỉ buông bỏ những cái không cần thiết ví dụ : không đi hát tại Vũ trường, ngày xưa đi hát là phải vận đồ hiệu, ngày nay thì quần áo rất giản dị (ví dụ như bộ đồ lam này cũng lên sân khấu được). Cô cũng quan niệm ‘’Thà là không đẹp bên ngoài nhưng bên trong vẫn an bình. Thà là tóc không còn, đỡ tốn tiền, nhẹ nhàng, đỡ tốn thời gian làm đẹp’’. Quan trọng là cái đẹp năng lượng, năng lượng tốt, khuôn mặt hồng hào không phải đánh phấn, đáng son nhiều, không phải mất 2 tiếng để makeup và làm tóc. Khi năng lượng tích cực có nhiều rồi, mặt sáng sủa vui vẻ và hoan hỷ chỉ cần sơ sơ là đi ra đường thoải mái chỉ tốn 15 phút.
Được biết 10 năm nay chi đã “Sang mùa”( không còn hát những bài hát buồn). Trước đây có ngày hát 5 sô thì hết 4 sô bài buồn. Đêm không ngủ được, suy tâm, suy thân.
Khi Phương Thanh đóng vai trong điện ảnh là những vai tưng tửng, vai vui để cười. Nên Phương Thanh rất thích. Theo chị nhà đạo diễn mà làm một bộ phim đẹp quá hay bộ phim bi lụy quá cũng đều không thành công. Nên trong cuộc sống phải biết cân bằng. Lúc vui quá phải biết tiết kiệm năng lượng để dành cho lúc buồn cho cân bằng. Nhiều bạn trẻ cũng giống như Phương Thanh ngày xưa muốn tự tử, bởi cứ muốn vui, tới lúc buồn thì không chịu được.
Khi mệt mỏi quá Phương Thanh đi quy Y với pháp danh là Nguyên Hương và ngộ ra: “Chẳng có gì là nhất, chỉ có sức khỏe là nhất”. Sau khi quy Y phải mất một thời gian dài buông xả, mới cười nhiều, nóng giận giảm gần hết (còn chút thôi). Danh vọng cũng không ôm nữa, cho bao nhiêu nhận bấy nhiêu, vừa đủ là hạnh phúc’’. Chạy theo cái cao quá thì sẽ có cái thấp nhất, sự chênh lệch đó làm cho Nguyên Hương không chịu đựng được.
Hiện tại Nguyên Hương rất an lạc và nhận thấy “Tây phương cực lạc chẳng ở đâu xa” Khi tâm trí mình hoan hỉ thì ‘’ Tây phương cực lạc’’ nó ở ngay đây (chỉ vào cái đầu). Giờ nào cảm thấy buồn phiền Nguyên Hương chạy về nhà ngủ khi tỉnh dậy khỏe cái tâm tự dưng thân cũng an.
Một ngày năm 2016 Nguyên Hương cạo tóc đi tu nhưng chỉ là đi xuất gia gieo duyên (đi học tu) chứ chưa phải là đi tu. Nhưng chị cho biết là rất thích. Đặc biệt là mọi người rất xúc động khi được nghe chị kể về trải nghiệm lúc chị cạo tóc.
Khi nghe Nguyên Hương nói sơ về lý do tổ chức lễ cầu an cho Minh Thuận là không phải mong Phật phù hộ cho Minh Thuận khỏi bệnh mà đó là những nỗ lực cuối cùng của những người thân muốn truyền trao tình thương cho người nằm đó như một lời chia tay, một lời an ủi. Đó là ý nghĩa của lễ cầu an trong Phật giáo.
Khi trả lời câu hỏi của các bạn trẻ trong khóa tu về ứng dụng Phật pháp trong cuộc sống; Lời khuyên cho các bạn trẻ; Người nổi tiếng có độ được cho người thân và kỳ vọng mang Phật pháp về quê hương: Nguyên Hương hành nhiều hơn học mà chỉ học ngắn thôi, khi ngộ rồi lại học tiếp. Các bạn đã may mắn tới với đạo Phật sớm hơn Nguyên Hương; Cuộc sống có nhiều sự đánh đổi, được cái này, mất cái khác, chỉ có một điều duy nhất tâm luôn hướng về Phật, khởi tâm nhận những điều tốt nhất nếu lỡ làm sai thì làm lại. Cố gắng duy trì năng lượng tốt. Luôn luôn tìm một bậc thầy minh quân đứng đằng sau làm nơi nương tựa…
Đó vừa là lời khuyên vừa là thông điệp của Nguyên Hương (Ca sĩ Phương Thanh) gửi tới các hành giả đang tham dự khóa tu và những ai đang theo dõi trực tiếp qua Livestream (khi chương trình trực tiếp kết thúc có tới 114, 092 người vào theo dõi) .
Với các nội dung phong phú, có giá trị đã phần nào đáp ứng được các nhu cầu của hành giả để trải nghiệm, học hỏi, thực tập. Một ngày tu tập luôn mang lại nhiều điều tuyệt vời!
Rất mong được gặp lại các hành giả vào khóa tu ‘’Ngày An Lạc’’ Kỳ 22: 25-06-2017(02-06 Đinh Dậu) dành cho người lớn tuổi. Khóa tu “Tuổi trẻ Hướng Phật” kỳ 14: 02-07-017(09-06 Đinh Dậu). Khóa tu thiền Kỳ 6: 16-07-2017(23-06 Đinh Dậu).