Khóa tu Ngày An Lạc Kỳ 24 – KT24
Ngày
Tiếng
THÔNG TIN CHUNG
Hôm nay, chủ nhật ngày 23/7/2017, tại chùa Giác Ngộ, số 92, đường Nguyễn Chí Thanh, Q.10, TP.HCM đã diễn ra khóa tu Ngày an lạc lần thứ 24 với sự tham dự của hơn 700 hành giả khắp nơi trở về tu tập.
Mở đầu chương trình là thời khóa thiền tọa do ĐĐ. Thích Ngộ Phương cùng tăng đoàn chùa Giác Ngộ hướng dẫn. Mặc dù thời gian tọa thiền chỉ diễn ra trong vòng 30 phút, nhưng đó là cơ hội làm cho thân tâm lắng dịu, thực tập chánh niệm, giúp chư vị hành giả tái tạo năng lượng sau một tuần bôn ba với dòng đời xuôi ngược.
Chương trình được tiếp tục với talk show “Phương trời thong dong” – cuộc đời và đạo nghiệp của TT. Thích Minh Thành, UVTT HĐTS TWGHPGVN, Phó Ban Giáo dục tăng ni TW, Phó Ban Hoằng pháp TW, giảng viên HVPGVN tại TP.HCM, do MC Thiện Tùng dẫn chuyện.
Đến với chương trình, Thượng tọa chân tình bộc bạch: Đây là 1 talk show thú vị và có nhiều lợi lạc, và bản thân cảm thấy rất vinh dự vì được là nhân vật tiếp nối tham gia trong chương trình này. Khi các nhân vật chia sẻ những câu chượng tốt đẹp đã thực hiện được, nghiễm nhiên nó trở thành tấm gương sáng sống động theo hình mẫu “người tốt việc tốt” để mọi người học hỏi.
Chia sẻ về nhân duyên xuất gia học đạo, Thượng tọa cho biết, tuy xuất thân trong một gia đình có của ăn của để, nhưng đời sống thế tục có nhiều xung đột, bấp bênh, bản thân cảm thấy không phù hợp. Lần đầu tiên được nhìn thấy hình ảnh các nhà sư Khất sĩ trong màu áo vàng thoát tục, lòng dâng trào bao cảm xúc và thấy rằng đây là hành trình cao cả mà mình cần hướng đến. Bên cạnh đó, ngay từ thuở ấu thơ, Thượng tọa được tụng kinh cùng mẹ hằng đêm, đã thực tập ăn chay trường và không thích những trò chơi vô bổ của đám bạn cùng trang lứa trong xóm.
Thời gian đầu mới xuất gia, cuộc sống thay đổi rất nhiều, môi trường mới thật không dễ dàng hòa nhập. Có rất nhiều khó khăn nhưng tạm đúc kết có 3 khó khăn như sau: – khó khăn về vật chất, khó khăn về các mối quan hệ và khó khăn ở những năm 1976 – 1978. Ở chùa Thiếu thốn đủ điều, không như cuộc sống ở nhà dư giả, Thượng tọa phải thường xuyên thức khuya dậy sớm, phụ chùa làm nước đá, sản xuất mì sợi, trồng hoa màu, đặc biệt là trồng rau muống bán ở chợ Bà Chiểu. Cuộc sống trong cửa thiền với nhiều thiếu thốn, khó khăn, nhưng vì tuổi trẻ nhiệt huyết, lại có lòng đam mê học đạo nên mọi thứ trôi qua một cách dễ dàng.
Về hệ phái Khất Sĩ; Thượng tọa cũng chia sẻ về tư tưởng, về tông chỉ và cách hoằng pháp. Về tư tưởng: Tăng bảo phải là những vị Bồ tát hiện thân, những vị Phật tại thế gian, đem cái hạnh phúc an vui cho cư gia bá tánh. Về tông chỉ: Nối truyền Thích Ca chánh pháp, loại bỏ những hình thức và mê tín dị đoan ra khỏi đạo Phật. Về cách thức Hoằng pháp: thực hiện tinh thân Việt hóa cao độ (kinh sách tất cả đều thuần Việt), du phương cao độ (hoằng hóa khắp nơi, đem đạo Phật đi vào cuộc đời).
Mặc dù là một nhà tu sĩ, nhưng Thượng tọa đã có thời gian “cỡi áo cà sa khoác chiến bào”, tham gia vào đội ngũ phục vụ biên giới, bảo vệ tổ quốc, giữ gìn an ninh, thiết lập hòa bình cho dân tộc. Đó là trách nhiệm thiêng liêng, là bổn phận cao cả mà mỗi công dân nước Việt, bất kể là ai đều cảm thấy vinh dự vì sự có mặt của mình đã góp một phần nhỏ bé cho quê hương lãnh thổ Việt Nam được an bình, thạnh trị.
Mỗi một người xuất gia tu học, việc chọn được vị thầy tâm linh là điều rất quan trọng và thật sự cần thiết, là người có tầm ảnh hưởng, quyết định sự thành bại trên con đường xuất sĩ đã chọn của mình. TT. Thích Minh Thành đã may mắn khi chọn cho mình người thầy tâm linh cao cả, là một trong những bậc mô phạm đáng kính của hệ phái Khất sĩ, HT. Thích Giác Nhiên. Bởi không có vị trí nào hơn, chỗ đứng nào hơn là làm 1 nhà sư cất bước lên khung trời cao rộng, trên cầu làm Phật, dưới hóa độ chúng sanh, thong dong tự tại đi vào cuộc đời, làm rạng danh giống Phật. Ngoài vị thầy tâm linh của mình, Thượng tọa còn may mắn được thị giả chư vị cao tăng như: HT. Thích Hành Trụ, HT. Thích Minh Châu, HT. Thích Thiện Siêu, HT . Thích Trí Tịnh.v.v…
Xuất gia trong thời niên thiếu với những khó khăn nhất định, nhưng Thượng tọa vẫn duy trì việc học và tu song hành nhau. Điều đó thể hiện ở chí ý vươn lên không ngừng, lòng nhẫn nại vượt qua mọi cam go thử thách. Học ở trong nước đã khó, nhưng khoảng thời gian khó khăn nhất là những năm đi du học tại Ấn Độ. Sống ở xứ người, lại không có học bổng, một mình Thượng tọa phải đi làm thêm các công việc như phiên dịch tiếng anh, tổ chức tuor hành hương tâm linh để có tiền trang trải việc học. Hạnh phúc, thành công không cô phụ những người cần cù, thiện chí. Năm 2000, Thượng tọa đã tốt nghiệp Tiến sĩ, khoa Phật học, trường Đại học New Delhi, Ấn Độ.
Đối với Thượng tọa, người tu sĩ học nhiều hay ít phụ thuộc vào hạnh nguyện và quan điểm sống của từng người. Học nhiều mà không vận dụng sở học để làm lợi lạc cho mình và người thì chi bằng học ít lại mà có thời gian tu tập và hoằng pháp nhiều hơn. Học chẳng qua là tạo cơ sở kiến thức để người tu tăng cường năng lực tiếp nhận đạo lý từ kinh điển, từ sách vỡ hay từ lời dạy của các bậc thượng nhơn. Và hơn hết, học là để lấy kiến thức đó để tu tập, để chuyển tải đạo lý cho tha nhân để giáo hóa mọi người chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc.
Chính vì hiểu rõ về lý tưởng sống của người xuất sĩ mà Thượng tọa đã miệt mài thực hiện hạnh nguyện hoằng pháp độ sanh sau khi tiếp nhận bắng Tiến sĩ trở về. Không chỉ đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trọng nước như làm Thư ký Ban Phật giáo Quốc tế cho Viện NCPGVN, thư ký Ban Phật giáo Quốc tế của HĐTS GHPGVN, là giảng viên của HVPGVN tại TP.HCM, là giảng sư của nhiều đạo tràng, nhiều khóa tu dành cho mọi lứa tuổi. Thượng tọa còn tham gia giảng dạy cho quý Phật tử tại hải ngoại.
Mặc dù đã miệt mài hành hóa trên con đường tu và học của mình, nhưng Thượng tọa chưa bao giờ thấy điều đó là đủ, mỗi ngày, mỗi ngày đều phải cố gắng để tự chuyển hóa cho mình, cho những người bên cạnh mình và rộng hơn nữa là cho tha nhân. Chân dung của những nhà tu hành chân chính là sống và làm việc vì hạnh phúc, vì an lạc không chỉ cho mình mà cho cả chư thiên và loài người cùng chung hưởng. Thượng tọa đã có một quảng đời sống và làm việc đầy ý nghĩa, là tấm gương sáng để mọi người học, noi theo và thực tập.
Buổi chiều cùng ngày, tăng đoàn chùa Giác Ngộ hướng dẫn quý hành giả thực tập ngồi yên, chánh niệm, thiền quán. Chương trình được tiếp nối do ban đạo ca chùa Giác Ngộ thực hiện. Sau đó, ĐĐ. Thích Quảng Tịnh quang lâm hội trường, đến với đại chúng qua thời thuyết giảng với đề tài: “Quán chiếu nỗi đau mất người thân”.
Với lối kể chuyện duyên dáng, ngôn ngữ chân thành, dí dỏm, thầy đã đưa đạo tràng đi từ cảm xúc này đến cảm xúc kia, có khi bật cười vì những điều bất ngờ thầy chia sẻ, cũng có khi xúc động ngậm ngùi. Sống ở trên đời, mấy ai không trãi qua nỗi đau từng mất đi những người thân yêu nhất của mình. Cảm giác đó rất tồi tệ, rất đau khổ, buồn thương. Có thể chúng ta đã từng học nhiều giáo lý, đọc và biết rất nhiều câu chuyện đức Phật giáo hóa cho những vị mất đi người thân yêu nhất. Tuy nhiên, khi chính bản thân mình đối mặt với những đau thương mất mát đó, bản chất của một phàm phu lại trổi dậy mãnh liệt nhất trong ta, và ta đau khổ, ta tuyệt vọng,… trách đời bất công với mình. Qua đó mới thấy rằng, mọi kiến thức, hiểu biết chỉ là phần tương đối, chỉ là bánh vẽ để ngắm nhìn mà thôi.
Học theo hạnh của Phật, hiểu sâu giáo lý, lời dạy của Ngài không hẳn là để đọc tụng hay thuộc lòng vanh vách, mà đều cần thiết nhất của mỗi chúng ta là phải biết thực tập. Phải quán chiếu được tánh vô sinh, bất diệt của vạn pháp. Khi đã nắm rõ thể tánh vô sinh bất diệt rồi, thì ta sẽ thấy chúng chưa bao giờ sinh, cũng chưa bao giờ diệt, chưa bao giờ đến và cũng chẳng bao giờ đi. Người thân người thương bên cạnh cuộc đời mình cũng vậy. Họ từ nơi không tồn tại mà đến, hiện hữu bên cạnh chúng ta một thời gian, đến khi hết duyên họ lại phải trở về với vị trí ban đầu khi chưa xuất hiện. Dẫu muốn hay không, chấp nhận hay không chấp nhận, buồn hay vui thì điều đó vẫn diễn ra như một định luật, không thể đổi thay, không thể cải biến. Quán chiếu được như vậy, thẩm thấu được như vậy thì nỗi khổ niềm đau, sự tiếc thương sẽ dần được chuyển hóa.
Cuối chương trình tu tập Ngày an lạc thứ 24, chư tăng chùa Giác Ngộ đã hướng dẫn quý hành giả tụng “Kinh cho người bắt đầu” do TT. Thích Nhật Từ, Trụ trì chùa Giác Ngộ, Trưởng BTC khóa tu biên soạn. Năng lượng an lạc lan tỏa khắp không gian. Tâm từ bi, trí tuệ rộng mở đã phổ rộng trong mỗi hành giả tham dự khóa tu tại chùa. Cuộc đời sẽ hạnh phúc, yên bình biết bao nhiêu nếu người người cùng biết quay về nương tựa và tu tập như trong đạo tràng này.