KHÓA TU NGÀY AN LẠC KỲ 36 -KT36
Ngày
Tiếng
THÔNG TIN CHUNG
Muốn thực sự nếm trải được hương vị ngọt của pháp thì phải thực sự thực hành thiền định và thiền tuệ. Tu hạnh Hỷ xả sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người thực tập pháp tu này. Khóa tu:‘’Ngày An Lạc’’ lần thứ 36 ngày 7/1/2018 (21-11 Đinh Dậu) đây cũng là khóa tu mở đầu cho một năm mới (Dương lịch) với gần 900 hành giả đã về tham dự đã được trang nghiêm diễn ra tại chùa Giác Ngộ.
Mở đầu khóa tu bằng thời khóa hát nhạc kinh (phần dẫn nhập) và tụng bản kinh Tiểu sử đức Phật trong cuốn: ‘’Kinh Phật cho người tại gia’’ do TT. Tích Nhật Từ biên soạn thuần Việt hóa, đây là cuốn kinh gồm có 63 bài kinh dành riêng cho các Phật tử tại gia.
Chương trình pháp thoại buổi sáng
Quý hành giả đã được giao lưu, chia sẻ Phật pháp với Đại đức Kumàràbhivamsa, Giảng viên cao cấp tại các trường Phật giáo Miến Điện, Hướng dẫn các khóa tu thiền Vipassana tại rừng thiền Pa-Auk Tawya, Miến Điện. Thường xuyên hoằng pháp và hướng dẫn các khóa tu thiền tại các quốc gia Indonesia, Singapore, Malayisa, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ, Trung Quốc, Tích Lan.
ĐĐ. Kumàràbhivamsa đã thuyết giảng bài pháp thoại với chủ đề: “Nếm vị ngọt của pháp’’. Bài pháp thoại được diễn dịch trực tiếp từ Sư cô Hoa Tâm, Sư cô đang hướng dẫn thiền tại Trung tâm thiền Nguyên thủy tại Đồng Nai.
Nếu chúng ta muốn nếm vị ngọt của pháp thì phải thực hiện giữ 5 giới: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không sử dụng chất kích thích. Vì sao chúng ta phải giữ giới? Bởi vì, thân và khẩu của chúng ta được thanh tịnh thì mới vào được định ( Giới- Định- Tuệ).
Đại đức đã hướng dẫn lý thuyết cho các hành giả về thiền Chỉ, thiền Quán, về thiền Minh sát tuệ.
Nếu hành giả nào an trú được trên đề mục đã chọn trong một thời gian dài thì chắc chắn không có phiền não nào chạy theo. Hành giả sẽ rất an lạc, cho dù bên cạnh không có người bạn đời, không có tài sản, không có tiền cũng vui. Lúc này hành giả sẽ không còn phiền não, không còn tham, sân, ngã mạn, ganh tỵ…Khi đó bạn sẽ đạt được trạnh thái niết bàn, giải thoát, tâm không còn 5 triền cái, hành giả có thể thấy được như thật. Hành giả sẽ thấy được đặc tính tứ đại của thân như thật (đất, nước, gió, lửa).
Để tâm của hành giả thuần thục, an trú vào đề mục đã chọn thì các hành giả phải thực hiện hành thiền Vipassana liên tục ( thực hành đi, thực hành lại), phải an trú, phải quán liên tục thân tướng này trên thân ngũ uẩn hay là một phương pháp nào đó mà hành giả đã chọn.
Cuối bài pháp thoại, Đại đức đã hỏi các hành giả có muốn nếm hương vị này không? Hương vị này ngọt lắm, ngọt nhất trong 3 hương vị. Chúng ta thực sự là cao quí khi tâm của chúng ta đẹp không còn phiền não, khi tiêu diệt được phiền não thì chúng ta đang nếm được vị ngọt của pháp.
Trong phần vấn đáp thiền rất nhiều các câu hỏi đã được đặt ra cho Đại đức giảng sư với các nội dung: Nếu không giữ được 5 giới thì ngồi thiền có hiệu quả không? Làm thế nào áp dụng thiền trong cuộc sống? Những khó khăn gặp phải khi ngồi thiền? Khi ngồi thiền, các pháp môn khác như niệm Phật, lạy có được đồng thời? Khi ngồi thiền có bị ‘’Tẩu hỏa nhập ma không ?’’
Chương trình pháp thoại buổi chiều
Trước khi vào phần pháp thoại buổi chiều là thời khóa thiền tọa do ĐĐ. Thích Ngộ Phương hướng dẫn.
Phần pháp thoại buổi chiều do ĐĐ. Thích Trí Minh, Giảng viên Học viện PGVN tại TP. HCM chia sẻ pháp thoại: ‘’Hạnh hỷ xả’ .
Đại đức đã phân tích bài pháp thoại với các nội dung sau: (i) Định nghĩa của hỷ và xả ; (ii) pháp tu hành xả; (iii) Ý nghĩa của tu hỷ xả; (iv) Phương pháp tu tập hỷ xả.
Đại đức đã dùng lý thuyết thiền cộng với kinh nghiện hành thiền để định nghĩa hỷ và xả. Hỷ là vui mừng; Xả ở đây có 2 nghĩa: một là bình đẳng, công bằng, không thiên vị. Hai là quân bình, bình tĩnh, tự tại trước mọi thịnh suy thăng trầm trong con người chúng ta.
Từ tâm xả sẽ dẫn đến một pháp tu đó là tu xả. Tu xả trước nhất là xả ngoài thân (sở hữu vật chất), sau đó là xả trên thân hoặc trong thân, thứ ba là xả tâm hành tham, sân. Xả dễ nhất là ăn uống, xả tài sản, vật chất sau đó là xả dục lạc, địa vị…
Khi có tâm hỷ sẽ chinh phục được tất cả mọi người xung quanh, làm quyến thuộc của mình thì làm việc gì cũng được do ‘nhất hô bá ứng’ và sẽ tỏ lòng trung thành.
Khi các hành giả tu theo hạnh hỷ xả thì sẽ có kết quả vì xả tất cả sẽ có tất cả theo luật nhân quả. Nhờ tu hạnh hoan hỷ thì khi ra đi mọi người khóc mình cười. Người tu hạnh hỷ xả khi ra đi sẽ có phước báu vô lượng mang theo.
Cuối cùng Đại đức hướng dẫn cho mọi người phương pháp tu tập hỷ xả với các bước : Hãy coi tất cả những người Nam, người nữ đều là người thân nhất trong gia đình (là cha, mẹ, anh chị em từ kiếp trước), bởi người thân của mình thì sẽ dễ hoan hỷ. Hỷ có 2 kẻ thù lớn nhất đó là lòng ganh tỵ, ganh ghét là kẻ thù trực tiếp và lòng luyến ái là kẻ thù gián tiếp. Quán vô thường, vô ngã. Muốn ít ít (ít muốn, biết đủ), biết cho đi vì cho đi thì mới thực tập được hạnh hỷ xả.
Một ngày tu tập đầu năm với hai thời pháp thoại đặc biệt và thời khóa tụng kinh, thời khóa thiền đã mang lại cho các hành giả không chỉ là một ngày an lạc mà là cả năm sẽ an lạc nếu chúng ta nỗ lực thực tập.