“QUÀ TẾT YÊU THƯƠNG” TẠI THANH HÓA – C39
-
156.895.000 VNĐ
Đã thu
-
326.280.000 VNĐ
Số tiền cần
-
20
Lượt đóng góp
Ngày
Tiếng
THÔNG TIN CHUNG
Trong chương trình “Quà Tết Yêu Thương” đợt 2 tại Thanh Hóa, Quỹ Từ thiện Đạo Phật Ngày Nay do TT. Thích Nhật Từ hướng dẫn cùng gia đình Phật tử Lê Thị Phương (Công ty tôn Linh Nga), các sáng lập viên và các mạnh thường quân khác đã có mặt tại Thanh Hóa để trao tặng 1.400 phần quà tổng trị giá trên 326 triệu đồng cho bà con nghèo tại địa phương.
Tại chùa Chùa Bảo Ân, xã Vĩnh Hùng, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, đoàn đã trao tặng 600 phần quà cho những nạn nhân chất độc màu da cam và người nghèo thị trấn Vĩnh Lộc, giá trị mỗi phần qua là 300.000 đồng tiền mặt. Tại Trung tâm Lao động Xã hội huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đoàn cũng đã tặng quà cho 800 trại viên, mỗi phần quà bao gồm bột giặt, dầu gội, kem đánh răng, bàn chải, khăn mặt và bánh và tiền mặt.
Ngoài ra Quỹ cũng trao tặng 24 xuất học bổng cho học sinh nghèo tại chùa Thanh Hà trị giá 12.000.000 đồng, 1000 quyển kinh sách Kinh Phật cho người mới bắt đầu, 48 quyển Kinh Phật cho người tại gia và 700 quyển sách Đứng dậy và bước đi.
Chương trình hoạt động của đoàn
Tại chùa Báo Ân
Chiều 14 tháng 1 năm 2015, tại chùa Báo Ân, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, với sự cho phép của Ni sư Thích Nữ Đàm Hòa; chính quyền các cấp xã Vĩnh Hùng; Hội người chất độc da cam huyện Vĩnh Lộc và hơn 500 người nghèo tại đây đã có mặt tại ngôi chùa Báo Ân bên dòng sông Mã tuyệt đẹp này cùng nhau nghe thuyết pháp. TT. Thích Nhật Từ đã chuyển tải lời Phật dạy qua chủ đề ” Hạnh phúc một kiếp người“.
Theo định nghĩa của tổ chức Sức khỏe thế giới, hạnh phúc gồm có các phương diện: về thể chất gồm có con người đạo đức và có sức khỏe; về phương diện tiện nghi vật chất; về môi trường sống; về phương diện cảm xúc, với bốn nội dung chính theo lời Phật dạy như sau:
1- Hạnh phúc tuổi thơ: Rèn luyện nhân cách tuổi thơ là một việc làm quan trọng nhất, theo Thượng tọa nền giáo dục Việt Nam phải thay câu nói trong các trường học ” Tiên học lễ, hậu học văn” thay bằng” Tiên học đức hậu học văn”. Bởi vì, theo quan niệm của nho giáo và nền giáo dục của Trung Quốc thì phải học lễ trước, trong khi lễ chỉ là vấn đề giao tế, mà trong ngoại giao đôi lúc chỉ là giả dối. Theo đức Phật là con người trước tiên phải học đức chứ không phải học lễ trước. Theo đức Phật người không có đạo đức thì không thể có hạnh phúc. Học đức, theo đức Phật thì một người có đạo đức gồm có 5 yếu tố: Không giết người; không trộm cắp, không ngoại tình, chung thủy một vợ một chồng; Không nói dối, nói những lời đúng sự thật; không uống rượu và sử dụng những chất gây say. Nếu cha mẹ cho con em học những điều đạo đức ngay từ nhỏ khi lớn nên chắc chắn con em chúng ta sẽ trở thành những người con ngoan, hiếu thảo, sống có trách nhiệm.
2- Hạnh phúc tuổi xuân (tuổi bắt đầu xây dựng cơ nghiệp): theo đức Phật ở tuổi thanh niên mà không có nghề nghiệp thì không thể có hạnh phúc. Rèn đức, rèn trí tuệ phải được đặt nên hàng đầu. Trí tuệ là chiếc chìa khóa duy nhất để đi tới thành công. Người có kiến thức mà không đạo đức thi khi vì phạm sẽ tinh vi và ác độc hơn người không có kiến thức. Theo đức Phật dạy: mình muốn có cái gì thì phải làm đúng phương pháp thì tự động sẽ có kết quả.
Về hôn nhân, đức Phật là người dạy nhiều nhất so với các tôn giáo khác về tình yêu, về hạnh phúc hôn nhân. Vì vậy, tuổi trẻ và các bậc làm cha mẹ nên khuyên con cái làm lễ cưới ở chùa để được nghe những đạo lý làm vợ, làm chồng mà đức Phật đã dạy trong kinh Bảy loại vợ. Ai thực tập được những đạo lý này sẽ có được hạnh phúc.
3- Hạnh phúc tuổi già: Khi đối diện với xáo trộn về tâm lý, rơi vào sự tiếc nối, ức chế tâm lý ở tuổi già, cơ thể già theo, bệnh tật phát sinh, con cái không chăm sóc. Cha mẹ không muốn trở thành gánh nặng cho con cái, không muốn trở thành dây tầm gửi, tự ái bỏ nhà đi lang thang, ngủ vỉa hè không thèm xin con cái… Theo đức Phật, tội lớn nhất là tội bất hiếu. Người già nên tìm các công việc phù hợp với sức khỏe để làm, rèn luyện sức khỏe phù hợp với lứa tuổi, tìm niềm vui nụ cười cho chính mình…”
Được biết, đây cũng là lần đầu tiên các Phật tử và những người đến nhận quà ngày hôm nay lần đầu tiên trong đời được nghe thuyết giảng, sau buổi pháp thoại là phần phát quà và Kinh sách.
Tại chùa Thanh Hà:
Tối 14/01 năm 2015 tại chùa Thanh Hà, thành phố Thanh Hóa, được sự cho phép của TT. Thích Tâm Đức – Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thanh Hóa, TT. Thích Nhật Từ đã có buổi chia sẻ Phật pháp với chủ đề “Nghiệp cận tử và sự tái sinh“. Nghiệp cận tử theo ngôn ngữ học Phật giáo là hành động hoặc tư tưởng ngay trước khi chết là tất cả những hoạt động cơ thể, tâm lý của người sắp lâm chung. Để cho các Phật tử thoát khỏi nỗi sợ hãi của nghiệp cận tử, đồng thời không cường điệu hóa vai trò của nghiệp cận tử và cảnh giới tái sinh. Thượng tọa đã đi sâu phân tích với những nội dung chính: Nghiệp cận tử đối với người chết đi sống lại; Người trải nghiệm cảnh giới chết hụt; Được hộ niệm trước khi chết.
Cảnh nghiệp tái sinh không phụ thuộc vào việc hộ niệm mà nó phụ thuộc vào tổng thể nghiệp mà trong kiếp sống hiện hiện tại cộng trừ tốt xấu. Cơ thể hồng hào khi được hộ niệm hay không được đụng vào sau tám tiếng, hơi ấm trên cơ thể, tất cả chỉ là mê tín. Muốn sanh được Tây phương thì chúng ta phải nỗ lực làm năm điều kiện: Căn lành lớn; Công đức lớn; Nhân duyên tốt lớn; Quán pháp âm lớn và Nhất tâm bất loạn. Tóm lại, việc vãng sanh không phải do cầu nguyện, do hộ niệm mà do công đức của chúng ta, để được vãng sanh thì chúng ta phải nỗ lực suốt cả một kiếp người…
Những chuẩn bị khi lâm chung: Rối loạn về cảm xúc, tái sinh là lệ thuộc vào nghiệp không phụ thuộc vào cảm xúc của người thân. Tổng thể nghiệp chung và nghiệp riêng để quyết định cảnh giới tái sinh và chết không phải là hết, không ai tồn tại dưới địa ngục, dưới mộ huyệt mà bắt buộc phải tái sinh theo nghiệp…
Hiểu đúng về cận tử nghiệp để chúng ta không phải lệ thuộc quá nhiều vào hộ niệm và nguyện cầu mà chúng ta phải dựa vào kinh A Di Đà. Đức Phật chỉ là người chỉ đường, không bao che và không thể đi thay thế cho bất kỳ ai.
Tại Trung tâm Lao động Xã hội tỉnh Thanh Hóa (TTLĐXHTH)
Sáng 15 tháng 01 năm 2015, tại TT LĐXH tỉnh Thanh Hóa đã khai mạc chương trình giao lưu tặng quà cho cán bộ – Học viên nhân dịp đó xuân Ất Mùi. Đến chứng minh và tham dự có TT. Thích Tâm Đức – UV HĐTS, Phó Ban Pháp chế TW, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa; TT. Thích Nhật Từ – Phó viện trưởng Học viện PGVN tại TP. HCM, chủ tịch quỹ từ thiện Đạo Phật Ngày Nay; ĐĐ. Thích Tâm Định Phó BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa; ĐĐ. Thích Nguyên Phong – UV BTS GHPGVN tỉnh – Trưởng BTS GHPGVN huyện Nông Cống cùng chư Tăng, Ni BTS GHPGVN tỉnh, huyện Nông Cống, và quý Phật tử trong và ngoài huyện. Về phía chính quyền địa phương có bà Lê Thị Oanh – Phó chủ tịch MTTQ tỉnh; bà Hà Thị Phương – Phó Ban dân vận Tỉnh ủy; ông Dương Văn Huệ- Phó giám đốc sở LĐTBXH; ông Phạm Thái Hùng – Phó phòng PA Công An tỉnh; ông Thiệu Khắc Yên – Phó chủ tịch MTTQ huyện Nông Cống; ông Lê Chí Cường – Giám đốc Trung tâm; Báo LĐTBXH; Đài truyền hình, phát thanh tỉnh Thanh Hóa, cùng các đại diện cơ quan chuyên môn, các ban ngành trong sở LĐTBXH, lãnh đạo và nhân viên tại Trung tâm và hơn 500 trại viên đại diện cho gần 750 học viên đang lao động, học tập tại Trung tâm này cùng có mặt tham dự.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Chí Cường – Giám đốc Trung tâm đã nói: “Chúng ta tin tưởng rằng bằng kinh nghiệm học thuật và tấm lòng từ bi độ lượng của TT. Thích Nhật Từ sẽ đem đến cho những Học viên niềm tin, hy vọng, nghị lực trong cuộc sống, xóa đi những lỗi lầm, sa ngã để hướng về Chân–Thiện – Mỹ. Thượng tọa không những đem đến những giá trị tinh thần mà còn tặng những phần quà, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức trong tỉnh tạo điều kiện động viên, chia sẻ, giúp đỡ tập thể Cán bộ và Học viên đón xuân vui tết đầm ấm hơn, đầy đủ hơn.”
Tại đây, TT. Thích Nhật Từ đã chia sẻ với các trại viên bài pháp thoại “Vượt qua thói quen nghiện ngập”.
“Thói quen, theo Phật giáo là những sự lập đi lập lại về lối sống một cách có ý thức hay vô tình mà ban đầu nó như là mạng nhện chọt vào là thủng nhưng về lâu về dài nó như là sợi dây xích trói chúng ta như những con lật đật và chúng ta sẽ trở thành kẻ nô lệ bị thói quen giật dây. Người làm chủ được những thói quen tích cực và vượt qua được thói quen tiêu cực là người trải nghiệm được hạnh phúc ngay trong kiếp sống hiện tại. Để vượt qua thói quen nghiện ngập, ngoài lao động và chữa bệnh trị liệu theo y học và giáo dục tại trung tâm… “
Thượng tọa cũng đã chia sẻ 5 kỹ năng và kinh nghiệm theo tinh thần Phật dạy: Nhận diện hoàn cảnh và thói quen; Cam kết thay đổi hoặc là chết; Thay đổi không gian cộng nghiệp; Trị liệu bằng thay thế tích cực; Trải nghiệm hạnh phúc.
Sau phần chia sẻ của TT. Thích Nhật Từ là bài phát biểu của ông Dương Văn Huệ – Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh “Việc GHPGVN giúp đỡ người cai nghiện tìm thấy niềm tin, khát khao sinh tồn… ngành LĐTBXH Thanh Hóa rất vui mừng vì đã được sự quan tâm hỗ trợ của GHPGVN nói chung và Ban trị sự GHPG tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã dành nhiều hành động và nghĩa cử cao đẹp giúp đỡ ngành… đem giáo lý nhà Phật giúp người cai nghiện tìm thấy niềm tin, tìm thấy sự thanh thản trong tâm để quên đi cái vật vã của ma túy, quên đi những chuỗi ngày khủng khiếp của quá khứ, để quyết tâm cai nghiện thành công…”
Và đây là lời tâm sự của một học viên, đại diện cho gần 750 trại viên đã viết: “… hôm nay, chúng em được GHPG tỉnh Thanh Hóa cùng TT. Thích Nhật Từ, với tấm lòng từ bi hỷ xả, tâm niệm chân thiện của người tu hành đã về đây động viên, khích lệ cho chúng con để vượt qua những thói hư tật xấu và hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Qua buổi thuyết giảng của TT. Thích Nhật Từ, chúng con như được giác ngộ, hiểu được đạo làm người, đạo làm con mà bấy lâu nay chúng con vô tình lãng quên. Là một người lỗi lầm, trót sa chân vào ma túy, đã sống trong những ngày tháng tăm tối nhất của cuộc đời mình …Từ những con người sống buông thả, giờ đây chúng em đã biết yêu bản thân, biết quan tâm đến gia đình và những người chung quanh. Hơn nữa, chúng em còn biết quý trọng thành qủa lao động của chính mình…”
Cũng trong chương trình giao lưu này các Tăng, Ni đã hướng dẫn cho các học viên ngồi thiền để thanh lọc tâm, kiềm chế được cơn nghiện, tâm trí luôn an bình và sảng khoái, tăng sức đề kháng có sức khỏe tốt, chữa trị được nhiều bệnh trên thân và tâm.
Buổi giao lưu cũng được bắt đầu và kết thúc với những bài ca với những ca từ về mẹ, về quê hương, về mùa xuân, về đức Phật do chính những học viên của Trung tâm và các thành viên trong câu lạc bộ Thanh Thiếu niên Phật tử chùa Thanh Hà trình diễn đã mang tới cho Trung tâm một mùa xuân đang về và Phật từ bi độ lượng, bao dung đang ở ngay trong ta và những đứa con đã biết nhận ra lỗi lầm, đang rất nhớ mẹ, nhớ quê, đang nỗ lực học tập, chữa trị để sớm được trở về với gia đình, với mái nhà thân yêu của mình.
Lời cảm ơn
Xin cám ơn chư Tôn đức Tăng Ni GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, chùa Bảo Ân, Chùa Thanh Hà và các cấp chính quyền địa phương xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, huyện Nông Cống, các ban ngành, Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa, Ban Giám đốc và CBCNV tại TT LĐXH, Các Phật tử chùa Thanh Hà, chùa Bảo Ân. Cám ơn Hội người chất độc da cam cùng toàn thể nạn nhân chất độc da cam, những người nghèo tại Vĩnh Lộc, các Học viên trong TTLĐXH. Cám ơn các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, các Phật tử đã tạo cơ hội cho mọi người có một trải nghiệm nghĩa cử nhân ái, bao dung đầy tình người ấm áp ngay dịp đầu năm mới.
Nhân dịp này TT. Thích Nhật Từ xin thay mặt Tăng đoàn chùa Giác Ngộ và Ban Điều Hành Quỹ từ thiện Đạo Phật Ngày Nay, lời kính chúc an lạc và sức khỏe tới các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm và toàn thể Phật tử trong và ngoài nước, nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho quý vị và gia quyến “Phước huệ trang nghiêm, vạn sự hanh thông, sở nguyện tùy tâm, cát tường như ý”.