QUÀ TẾT YÊU THƯƠNG TẠI GÒ CÔNG – TIỀN GIANG (C66)
-
144.190.000 VNĐ
Đã thu
-
62.640.000 VNĐ
Số tiền cần
-
2
Lượt đóng góp
Ngày
Tiếng
THÔNG TIN CHUNG
Ngày 02 tháng 02 năm 2016, Quỹ Đạo Phật Ngày Nay do TT. Thích Nhật Từ làm trưởng đoàn, cùng các thành viên sáng lập và nhà tài trợ chính Phật tử Nguyễn Phương Thức (PD Ngộ Trí Minh) đã có mặt tại chùa Thiên Nguyên, thị xã Gò Công tỉnh Tiền Giang để trao tặng 250 phần Quà Tết Yêu Thương cho những người nghèo tại nơi đây tổng trị giá hơn 60 triệu đồng
Tiếp nối chương trình Quà Tết Yêu Thương 4 năm 2016 của Quỹ Đạo Phật Ngày Nay, nằm trong khuôn khổ kế hoạch tháng 02/2016. Cứ mỗi dịp xuân về thì Quỹ Đạo Phật Ngày Nay lại mang chút quà Tết yêu thương đến với những đồng bào nghèo tại nhiều địa điểm khác nhau trên nhiều vùng miền của đất nước và hôm nay, tại nơi thị trấn Gò Công này với những người có hoàn cảnh khó khăn đã có mặt tại ngôi chùa Thiên Nguyên để được nhận mòn quà tết mang nhiều ý nghĩa nhân văn này.
Nhân dịp này, TT. Thích Nhật Từ đã chia sẻ bài giảng với chủ đề: “Văn hóa Táo quân”.
Trước khi chia sẻ đề tài này, Thượng tọa đã hỏi bà con nơi đây có ai biết về sự tích câu chuyện về ông Táo, bà Táo, nhưng tất cả đều lắc đầu không biết.
Câu chuyện Táo quân là câu chuyện tình bi đát của một bà hai ông, cả ba cùng chết cháy trong mối tình ngang trái. Người Trung Quốc mới xem ba nhân vật này là táo quân, vua của nhà bếp mà vai trò của họ là vào dịp cuối năm, sau khi ghi nhận một cách chi tiết ở hạ giới, về thiên đình trình cáo lại với thượng đế tất cả mọi thứ diễn ra trong một gia đình. Sau đó thượng đế mới phán xử ban phước hay là giáng họa, trừng phạt các thành viên trong gia đình đó lỡ phạm pháp về luật và phạm lỗi về quan hệ dân sự. Dựa vào quan niệm mê tín này, người ta tin rằng ông Táo có khả năng bay về trời. Ngày xưa vì chưa có tiện ích máy bay, trực thăng, xe lửa cao tốc, chủ yếu là đi bộ thì đi bằng thuyên buồm trên sông là một phương tiện đi nhanh nhất.
Để truyền thông những điều Táo về trời tấu trình người ta mới làm hình ảnh những con cá chép. Theo quan điểm của Trung Quốc, cá chép là loài duy nhất có thể bơi về trời được.
Chúng ta thấy câu chuyện này rất là hoang đường và mang đậm mầu sắc mê tín. Vì cá thì phải sống dưới nước…và trời thì cũng không có thật… quả địa cầu của chúng ta là một hình bầu dục, nó xoay quanh quỹ đạo của nó và lơ lửng ở trong không gian, dựa vào sức hút của hệ mặt trời mà nó trực thuộc. Dựa vào câu chuyện này, các nước Trung Quốc, Việt Nam, Nam, Bắc Triều Tiên, ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm người ta mang cá chép phóng sinh mà trên thực tế gọi là phóng tử (do các cô chú cá chép đã bị bắt nhốt nhiều ngày, nhiều lần, sức khỏe đã quá yếu). Ở Việt Nam thì hiện tượng này chỉ tồn tại ở miền Bắc và người dân gốc Bắc…
Đối với người mê tín dị đoan thì tập tục này không mấy hay ho gì vì không những không phóng sinh mà còn là phóng tử lại còn làm ô nhiễm các con sông do bỏ cả bao nilon, cả bàn thờ v.v…
Thượng tọa cũng kêu gọi các Phật tử không nên hưởng ứng tập tục mê tín này, vừa tốn tiền vô ích mà hãy xử dụng tiền đó cho các hoạt động phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo, lợi ích cho mình và cho người…Khi không giăng bắt mới là đại phóng sinh…
Theo Thượng tọa chỉ vì niềm tin mê tín, thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức khoa học, thiếu kiến thức nhân quả, về cuộc sống mà con người dễ tin vào việc nhồi sọ từ thế hệ này sang thế hệ khác… trải qua nhiều thế kỷ, chúng ta tin vào các tập tục mà phần lớn là mê tín dị đoan, không có lợi gì cho đời sống, văn hóa tinh thần của con người.
Ngày nay, chúng ta có các tập tục làm lễ Tất niên, theo Thượng tọa đó là một văn hóa tri thức, các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp, trường học, công sở, nhà chùa, ban ngành nhà nước, hay tư nhân đều tổ chức các hội nghị tổng kết các hoạt động trong một năm đã qua về hai phương diện: Trình bày những việc đã làm được trong năm và đề ra phương hướng kế hoạch tốt hơn cho một năm mới. Đồng thời đúc kết những việc làm hay, tốt để phát huy và tìm ra những việc chưa được hoàn thiện để khắc phục và không tái phạm nó trong tương lai. Trong mỗi gia đình cũng nên có hình thức này, không dưới hình thức văn bản mà dưới hình thức gia đình bên mâm cơm thể hiện văn hóa mâm cơm chung để cùng nhau thắt chặt, hoặc hàn gắn tình thân, thương trong huyết thống gia đình…
Ngoài ra, Thượng tọa cũng nhắc nhở mọi người không quên lời Phật dậy về văn hóa biết ơn và đền ơn mà 26 thế kỷ trước đức Phật đã đề cập đến. Đồng thời mỗi người hãy là ông Táo bà Táo cho chính mình với 5 phương diện cần thực tập để chuyển nghiệp: a) Tham gia bảo vệ môi trường; b)Tôn trọng mạnh sống con người và các loài động vật; c) Không trực tiếp giết các loài gia xúc; d) kêu gọi mọi người tham gia hiến máu nhân đạo, hiến mô, hiên tạng, hiến xác.
Tóm lại: Chuyển nghiệp là gieo vào cuộc sống của mình những hành động có giá trị phục vụ nhân sinh, những hành động có nhân văn cao, đối lập lại với các hành động xấu trong quá khứ để những việc tốt được tăng trưởng, hạn chế tối đa việc yếu kém để thành công trong tương lai. Đó là tập tục táo quân hiện đại.
Sau phần phát quà là buổi lễ Quy y đột xuất của TT. Thích Nhật Từ cho 50 em và cha mẹ các em đã mong muốn được Quy y Tam bảo.
Lời cám ơn
Cám ơn TT. Thích Tâm Đắc, ĐĐ. Thích Đạo Huệ, nhà tài trợ chính và các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, các thành viên Quỹ Đạo Phật Ngày Nay đã đồng hành và góp phần thành công cho chương trình quà Tết yêu thương 4 xuân 2016.
Nhân dịp Tết đến, Quỹ Đạo Phật Ngày Nay xin kính chúc các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, các thành viên Quỹ Đạo Phật Ngày Nay cũng như toàn thể Phật tử thân tâm thường an lạc, đón một mùa xuân mới tràn đầy yêu thương và ấm áp.
Sau đây là danh sách đóng góp, quyết toán thu chi do ban kế toán Quỹ thực hiện trong chuyến đi và một số hình ảnh của chương trình.