Loading...

PHẬT GIÁO VÌ NHÂN SINH – BÀI PHÁP THOẠI CỦA TT.TS THÍCH NHẬT TỪ THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA BỬU QUANG – VP BTS (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)

Nhân chuyến hoằng pháp và cúng dường tại các chùa thuộc khu vực Đông Nam Bộ, nhận lời mời thỉnh từ Ban tổ chức, sáng ngày 29.7.2023, Thượng toạ giảng sư Thích Nhật Từ – Uỷ viên Thường trực HĐTS Trung ương GHPGVN, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM – đã quang lâm trong sự trang nghiêm cung nghinh tiếp đón từ Chư tôn đức đạo tràng chùa Bửu Quang – Văn phòng Ban Trị sự huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa – Vững Tàu), để có thời pháp thoại chia sẻ đến với Tăng Ni đang tu học trong mùa an cư kiết hạ cùng đông đảo quý Phật tử vân tập hiện diện nơi đây để thính pháp.

Tại giảng đường, trước khi bắt đầu thời pháp thoại, Thượng toạ đã thông tin về số lượng tự viện, Tăng, Ni và những kết quả, những đóng góp đạt được của GHPGVN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và huyện Đất Đỏ. Trong đó, số lượng các chùa và Tăng Ni của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đứng thứ tư trên toàn quốc.

Thượng tọa cho biết, Tăng Ni hiện nay chưa thực sự năng động trong việc hành đạo và dấn thân phụng sự. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho dân số Phật tử bị tụt giảm. Nhân đây, Thượng toạ xin chia sẻ đến chư tôn đức và Phật tử tại giảng đường đề tài “Đạo Phật vì nhân sinh”, như mà Đạo Phật chủ trương “Phụng sự nhân sinh – Tốt đời đẹp đạo – Sáng soi Phật pháp – Hộ quốc an dân”.

Với đề tài trên, Thượng toạ giảng sư đã nhấn mạnh:

1. ĐẠO PHẬT VÌ NHÂN SINH

Đây là nguyên lí cơ bản nhất, quan trọng nhất. Về phương diện này được Đức Phật đã chỉ dạy trong mùa An cư kiết hạ đầu tiên, sau khi giác ngộ, hoá độ được năm bạn đồng tu và 55 vị Tỳ kheo A La Hán. Đức Phật đã kêu gọi Tăng sĩ lên đường truyền bá chân lí, đem lại tỉnh thức cho cuộc đời. Trong đó, Đức Phật nhấn mạnh:

– Mang lại phúc lợi cho số đông. Để làm được này, phải có trí tuệ. Nhờ có trí tuệ sẽ phát huy được tinh thần nỗ lực, phấn đấu vươn lên làm giàu chân chính cho cuộc sống;

– Mang lại an lạc hạnh phúc cho số đông. Để thực hiện được điều này, Tăng Ni với vai trò là đạo sư, hướng dẫn Phật tử đi đúng đường, không lạc hướng. Từ đó có cuộc sống an lạc và hạnh phúc;

– Truyền bá lời dạy của Đức Phật một cách toàn diện và không trùng lặp. Theo đó, vai trò của Tăng Ni đóng vai trò quan trọng được thể hiện ở việc giảng Kinh, giải thích cho Phật tử hiểu từng lời Kinh câu kệ. Việc giảng thuyết được các Tăng sĩ hiện diện mọi nơi chứ không phải an trú một nơi;

Như vậy, việc giảng Kinh thuyết pháp cần được quan tâm hàng đầu, đây là cơ hội và trách nhiệm của Tăng Ni. Thông qua việc nghe thuyết giảng, Phật tử sẽ hiểu lời Phật dạy, tránh khỏi những mê tín dị đoan, góp phần làm gia tăng dân số Phật giáo.

2. ĐẠO PHẬT NHÂN THỪA

Đạo Phật Nhân thừa là cách thức tu và hành đạo mang lại an lạc, đạt được những giá trị thiết thực ngay trong kiếp hiện tại và sau này. Để thực hiện được nguyên lí này, Tăng Ni cần lưu ý:

– Đạo Phật lấy nền tảng vì xã hội, dấn thân phụng sự xã hội. Đạo Phật cần phải nhập thế. Các tự viện, Tăng Ni cần có mặt ở mọi nơi, làm lan tỏa chánh pháp chân lí của Đức Phật và mang lại lợi lạc cho Phật tử;

– Cần phải truyền bá đạo đức trên nền tảng làm cho cuộc sống của con người được thăng hoa. Để đạt được mục tiêu này, cần phổ biến những bài Kinh tiêu biểu và quan trọng, có tính thực tiễn và mang lại an vui cho số đông. Không nên đưa các bài Kinh mang tính chất triết lý quá cao, vì quần chúng số đông, phần lớn là tầng lớp bình dân không thể tiếp nhận hết nội hàm. Ngoài ra, cần tham khảo và áp dụng một số mô hình khoá tu khác đã mang lại hiệu quả cao.

Trên đây là hai nguyên lí quan trọng của Đạo Phật.

Thứ 3, ĐẠO PHẬT NHẤN MẠNH VĂN HOÁ – ĐẠO ĐỨC

Đạo Phật coi trọng trí tuệ. Nhờ đó, giá trị văn hóa sẽ được giữ gìn, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa của quốc gia, địa phương xứng tầm với lịch sử 4000 năm của nước Việt. Ở phương diện này, bậc làm cha mẹ cần hướng dẫn, chỉ dạy các con trong từng nếp sinh hoạt hàng ngày, để góp phần tiếp cận và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Là Tăng Ni hay Phật tử, bên cạnh tu học và hành trì, cần quan tâm đến văn hóa bản sắc gốc, thông qua nhiều khía cạnh: trang y phục, giáo dục, kĩ năng sống,… Do đó, Tăng Ni cần trau dồi trong việc tu học Phật, để khai trí; quan tâm đến hành đạo, tinh thần phụng sự.

Trước khi kết thúc bài pháp thoại, Thượng toạ giảng sư đã dành thời gian để lắng nghe và giải đáp những câu hỏi thắc mắc của Tăng Ni và quý Phật tử. Thông qua câu trả lời và sự gợi mở từ giảng sư, đạo tràng đã được tháo gỡ những nghi vấn, khai thông tri thức một cách đúng chánh pháp và thực tiễn.

Kết thúc khoá tu, đạo tràng đều bày tỏ niềm hoan hỉ, sự tán thán công đức dành cho Thượng tọa giảng sư bằng những tràng vỗ tay và phát nguyện lấy đó làm tư lương, nền tảng, nguyện hành trì trong tu học và hành đạo.

Dịp này, Quỹ ĐPNN cũng đã dâng cúng dường phần tịnh tài lên Chư tôn đức Tăng Ni đạo tràng chùa Bửu Quang (Văn phòng Ban Trị sự huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vững Tàu) nhân mùa An cư kiết hạ, PL.2567 – DL.2023.

Tin: Ngộ Tự Chung
Ảnh: Minh Đức

Có thể bạn quan tâm


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook