Khóa tu Ngày an lạc kỳ 4- KT4
Ngày
Tiếng
THÔNG TIN CHUNG
Với những nhạc phẩm Thiền ca quen thuộc:‘Hiểu và thương’,‘Đây là Tịnh Độ’, ‘Chùa Giác Ngộ thân yêu’, ‘Đạo tràng Tịnh Độ’ được Ban Diệu âm thể hiện, hòa cùng Ban Diệu âm là tất cả những ai có mặt tham dự cùng cất tiếng hát đã là một nét rất đặc sắc, rất mới mẻ so với các nơi khác. Ban Diệu âm chùa Giác Ngộ đã mang đến một nét rất riêng để mở đầu cho chương trình sáng và chiều trong mỗi khóa tu đã dẫn dắt tâm các hành giả đến một trạng thái an lạc ngay giờ phút hiện tại.
Trước khi vào phần pháp thoại, TT. Thích Nhật Từ đã nêu lên lý do phải tách riêng khóa tu dành cho hai nhóm lứa tuổi thành hai khóa tu độc lập, cách nhau hai tuần trong tháng. Thượng tọa cũng nhắc lại những khó khăn do ngôi chùa Giác Ngộ rất nhỏ bé chỉ có 750m2. Trong lần đại trùng tu mới được xây dựng thành 7 tầng lầu, trừ hành lang và cầu thang bộ thì diện tích sữ dụng của hai tầng chánh điện cũng rất nhỏ, các lầu khác là các phòng học. Khuyết điểm là chùa không có không gian sân nhưng bù lại chùa có hệ thống máy lạnh, có ghế ngồi cho tất cả các tầng lầu, có thang máy. Về chương trình khóa tu so với phần lớn các ngôi chùa khác còn lại thì chương trình cũng nhiều gấp đôi, như vậy tham dự khóa tu tại đây, chúng ta sẽ được lắng nghe 3 đến 4 thời giảng, tụng kinh cũng nhiều như các nơi khác (do không nghỉ giải lao nhiều). Do đó, dù không gian của chùa rất khiêm tốn nhưng chương trình khóa tu vẫn lợi lạc gấp đôi so với công sức, thời gian bỏ ra cho một ngày tu.
Phần pháp thoại:
TT. Thích Nhật Từ đã chia sẻ bài pháp thoại với chủ đề ‘Chỉ có hai điều thôi’.
Thượng tọa đã lược trích rút gọn từ 20 câu trong một tựa bài đăng tải trên internet được phổ biến rất rộng rãi vào cuối năm 2015 và mỗi câu chỉ có hai điều. Phần lớn không có ghi tác giả là ai, cho nên không xác định được người nào đã viết ra.
Đánh giá từ góc độ Phật học thì bài ‘Chỉ có hai điều thôi’ rất là gần với Phật giáo. Do đó tác giả nào đã viết ra, chắc chắn rằng đã ảnh hưởng từ tư tưởng nền minh triết của đạo Phật, nên đã chia sẻ những điều rất thiết thực trong đời sống hàng ngày. Trên cơ sở đó, Thượng tọa đã phân tích ứng dụng 12 câu (chia làm hai khóa tu Ngày an lạc lần thứ 4 và 5): 1) Có hai thứ bạn nên tiết kiệm đó là sức khỏe và lời hứa; 2) Có 2 thứ bạn phải cho đi là tri thức và lòng tốt;3) Có 2 thứ bạn phải thay đổi là bản thân và nhận thức;4) Có 2 thứ bạn phải tự mình thực hiện là lao động và chịu trách nhiệm với việc mình làm; 5) Có 2 thứ bạn phải lãng quên là đau thương và hận thù; 6) Có 2 thứ bạn phải khắc ghi là công ơn Mẹ Cha và sự giúp đỡ của người khác.
Bài pháp thoại mặc dù mới chỉ phân tích có 6/12 câu nhưng mỗi câu được Thượng tọa phân tích là một bài học mang tính ứng dụng rất sâu sắc mà bất cứ ai nếu cam kết thực tập được thì người đó sẽ được an lạc và hạnh phúc ngay trong kiếp sống này.
Chương trình “Vì sao tôi theo đạo Phật’’
“Nếu ai không biết mặt anh là Chi Bảo mà chỉ nghe giọng của anh vừa chia sẻ thì có thể ngộ nhận rằng anh là một giảng sư đang chia sẻ về Phật học”. Thầy Nhật Từ đã nói như vậy sau khi nghe anh Chi Bảo chia sẻ trong chương trình “Vì sao tôi theo đạo Phật’’ sáng nay, khóa tu Ngày an lạc lần thứ 4 dành cho người lớn tuổi.
Anh là diễn viên, MC thành công với nhiều vai diễn trên truyền hình lẫn điện ảnh và làm công việc kinh doanh và điều hành quỹ Hiểu về trái tim. Thời còn là sinh viên trường Bách Khoa, anh đã đến với nghiệp diễn một cách tình cờ. Anh tham gia khoá học về điện ảnh chỉ vì muốn cải thiện tính nhút nhát của mình mà theo anh, tính nhút nhát sẽ rất khó làm cho con người thành công trong cuộc sống.
Cái gì đã tạo ra một Chi Bảo hoằng pháp? Cái đó là nền minh triết của đạo Phật! Anh đã được tiếp nhận nền minh triết này qua một vị Thầy đã hướng dẫn anh từ năm 2007 và anh đã thực tập nó cho đến nay. Nhờ đó mà anh có những đóng góp sâu sắc hơn, có giá trị hơn và có nhiều sự cải thiện cho đời sống nhân sinh hơn.
TT. Thích Nhật Từ đã đúc kết chương trình ‘Vì sao tôi theo đạo Phật’ với 3 nhận xét đầy sâu sắc về những chia sẻ của diễn viên Chi Bảo.
Sau chương trình này là thời khóa tụng kinh Dược Sư cũng là phần kết thúc chương trình tu buổi sáng.
Chương trình ‘Phương trời thong dong’ kỳ 4
TT. Thích Bửu Chánh – UV.HĐTS, Phó ban Hoằng Pháp TW GHPGVN, Phó viện trưởng, kiêm trưởng khoa Pali Học viện PGVN tại Tp.HCM, Phó trưởng BTS Phật giáo tỉnh Đồng Nai, Viện chủ Thiền viện Phước Sơn – Đồng Nai là vị khách mời trong chương trình ‘Phương trời thong dong’ kỳ 4 dành cho khóa tu nhóm người lớn tuổi.
Trong chương trình này, TT. Thích Bửu Chánh đã chia sẻ với các hành giả về nhân duyên xuất gia, về tu học và làm Phật sự, về những phương châm và kinh nghiệm để hoàn thành pháp học của mình. Với thời lượng dành cho Thầy quá ít ỏi so với hành trình xuất gia, tu học làm Phật sự thì quả thật khó có thể để Thượng tọa chia sẻ được một quá trình tu học kể từ khi xuất gia cho đến hôm nay. Với nhân duyên đặc biệt, với động lực tu học để đạt được thành quả như hôm nay, Thượng toạ đã trải qua một quá trình dầy công nỗ lực không biết mệt mỏi đã làm cho mọi người trong khóa tu vô cùng ngưỡng mộ, thán phục và thích thú.
Thầy là một tấm gương, một vị xuất gia chân chính, đáng để cho các vị xuất gia khác noi theo và học tập, còn Phật tử chúng con hoặc là những bạn trẻ, những sinh viên hay tầng lớp trí thức thì rất nể phục và ngưỡng mộ Thầy không chỉ là một người xuất gia mà còn là một con người của học tập. Ai bảo đi tu là không cần học? Người tu mới là người phải học nhiều hơn, phải giỏi hơn ai hết, thế mới xứng đáng là một vị xuất gia chân chính, mới là một người Thầy để chúng con nương tựa!
Qua buổi giao lưu hôm nay, hy vọng rằng mỗi người trong chúng ta sẽ rút ra được những bài học cho riêng mình để áp dụng triết lý Phật giáo một cách phù hợp vào cuộc sống.
Thuyết trình về Thiền trị liệu và sức khỏe
Đề tài ‘Thiền trị liệu và sức khỏe’ được chia sẻ bởi tiến sĩ Hồng Quang, ông đã có rất nhiều các nghiên cứu liên hệ đến những giá trị trị liệu rất đặc biệt của thiền và sức khỏe. Đây cũng là một hướng dẫn mang lại cho hành giả trong khóa tu rất nhiều những điều bổ ích mà theo đó chúng ta có thể ứng dụng cho chính mình và khích lệ người thân cùng áp dụng để đạt được những gia trị rất thực tiễn.
TS.Hồng Quang thuyết giảng vừa bằng họa đồ vừa bắt đầu bằng những câu hỏi và với ba phương pháp chủ yếu trong bài thuyết giảng hôm nay. Nhiều chứng bệnh như tim mạch, thận, bao tử tốn hàng tỷ đồng mà chưa chắc đã chữa khỏi. Thiền còn làm cho con người đẹp hơn. Theo TS. Hồng Quang, vì con người ai cũng muốn khỏe mạnh, không bệnh hoặc ít bệnh, nhưng không ai tránh khỏi hiểm họa này. Đặc biệt, tiến sĩ luôn nhắc chúng ta phải giữ vui vẻ, không giận dữ, căng thẳng, không sợ hãi, lo âu, buồn phiền, vì như thế sẽ làm cho chúng ta thở nhanh hơn, nhịp tim đập mạnh hơn, nhức mỏi nhiều hơn, áp huyết tăng lên…
Hy vọng sau buổi thuyết giảng này của TS. Nguyễn Hồng Quang, sẽ khai mở một phong trào Thiền được song hành trên quê hương để giúp bệnh nhân ít tốn kém, không có tác dụng phụ, đồng thời có thể góp phần làm cho con người có sức khỏe hơn, thông minh hơn, đẹp hơn, trẻ trung hơn, sống lâu hơn, hạnh phúc hơn!
Kết thúc buổi thuyết giảng này cũng là khép lại chương trình khóa tu ‘Ngày an lạc’ lần thứ 4 dành cho người lớn tuổi.
Rất mong được gặp lại các hành giả vào khóa tu lần 5, dành cho người lớn tuổi ngày 17-07-2016 (14-06 Bính Thân). Và khóa tu dành cho các bạn trẻ lần thứ 4 vào ngày 03-07-2016 (29-05 Bính Thân).