Khóa tu Tuổi trẻ hướng Phật kỳ 1- GT1
Ngày
Tiếng
THÔNG TIN CHUNG
Tuổi trẻ, với nhiều lợi thế và khát vọng nhưng cũng nhiều những rủi ro thách đố trên ngưỡng cửa cuộc đời. Tuổi trẻ, trong sáng nhưng sốc nổi, mơ ước nhưng thiếu quyết tâm, có nhiệt huyết, nhưng lại chóng chán, không ít bạn đã không đủ kiên trì và nỗ lực theo đuổi những ước mơ của mình. Thế mạnh của tuổi trẻ, sự khao khát khẳng định bản thân mình có thể bị lợi dụng và vấp ngã. Tuổi trẻ với nhiệt huyết và năng lượng tiềm tàng, cũng có thể trở thành miếng mồi ngon của những cạm bẫy trong cuộc sống thực và ảo…
Thấu hiểu tâm lý tuổi trẻ và tâm huyết hướng tuổi trẻ đến với Phật pháp, TT. Thích Nhật Từ đã dành riêng cho tuổi trẻ khóa tu mang tên“ Tuổi Trẻ Hướng Phật” thường niên, bắt đầu từ ngày 3 tháng 7 năm 2016 (29-05 Bính Thân), dành cho giới trẻ đã được diễn ra tại chùa Giác Ngộ, với hơn 700 bạn trẻ đã có mặt tham dự khóa tu “Tuổi Trẻ Hướng Phật” lần thứ nhất.
Cũng như thường lệ, trước khi chương trình buổi sáng được diễn ra, Ban nhạc Diệu Âm trẻ đã cùng tất cả các hành giả trong khóa tu cùng hòa chung những bản nhạc Phật ca phù hợp với tuổi trẻ. Sau phần Phật ca là thời khóa tụng kinh buổi sáng với bài Kinh Người Áo Trắng.
Trong chương trình buổi sáng, toàn thể Tăng đoàn và các tu sinh đã hân hoan được chào đón Giảng sư, TT. Thích Thiện Thuận trụ trì Viện Chuyên Tu. Nói đến Thượng tọa, người nổi tiếng với pháp âm “Bóng Mây” và những bài thuyết pháp về mẹ, về cha đã làm lay động lòng người, nhất là các bạn trẻ. Để rồi từ đó đã có biết bao bạn trẻ đã phải: “Mẹ ơi…giá mà’’.
Và sáng nay: “Trong những niềm vui, những nỗi buồn của mình thầy tin chắc rằng có những người gắn liền với cộng nghiệp của mình trong cuộc sống này mà người gần gũi để cộng nghiệp nhất với chúng ta là ai, các con có biết không? Để có đáp án cho câu hỏi ấy, Thượng tọa đã chia sẻ bài pháp thoại với chủ đề: “ Xin mẹ hãy yên lòng’’.
Với những phân tích sâu lắng, chất giọng ấm áp, Thượng tọa đã phân tích bài pháp thoại với các nội dung chính: “Để mẹ yên lòng, hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ nhất; Lắng nghe và để ý đến những cảm nhận của mẹ; Kiểm soát được dòng suy nghĩ của mình để đừng làm mẹ buồn”.
Tiếp theo trong chương trình buổi sáng là “Gương Sáng” đây là một chương trình trong khóa tu “Tuổi trẻ hướng Phật” nhằm ca ngợi những tấm gương đã nỗ lực vượt lên chính mình, là những tấm lòng vô ngã, vị tha, với tâm nguyện lớn mong muốn được mang hết sức mình phục vụ cho cộng đồng. Đến với số đầu tiên trong chương trình “Gương Sáng” ngày hôm nay MC Xuân Hiếu đã giới thiệu với khóa tu một gương mặt rất đặc biệt, đây có thể nói là người đã có những đóng góp rất to lớn mang đến ánh sáng tri thức, trí tuệ cho những người khiếm thị, đó là chị Nguyễn Thị Hướng Dương.
Từ một cô gái 25 tuổi đang là một hướng dẫn viên du lịch của công ty Saigontourist bị một tai nạn khủng khiếp, do xe lửa cán cụt cả hai chân, Trời đất như sụp đổ, đã có lúc chị đã không muốn sống, nhưng được sự động viên của ba mẹ và người thân, chị đã đứng dậy và bước đi (“Đứng dậy và bước đi” cũng là tên của cuốn tự truyện chị viết về cuộc đời chị).
Bất hạnh của chị lại là niềm hạnh phúc của người khiếm thị! Bởi những đóng góp to lớn của chị về lĩnh vực mang lại nguồn tri thức cho những người khuyết tật. Đó là “Thư viện sách nói dành cho người mù” đã được ra đời cách đây 18 năm. Từ những sách nói đầu tay, thu âm vào băng cassette, nay sách nói cho người mù đã trở thành một thư viện kỹ thuật số. Nhờ có sách nói, người mù có thể tiếp cận nhiều nguồn tri thức, thông tin, theo đuổi các cấp học… mà không bị lệ thuộc vào hệ thống chữ nổi, vốn ấn bản có số lượng hạn chế và tốn kém. Sau 18 năm hoạt động, Thư viện sách nói có trên 270.000 băng cassette và đĩa CD cho hơn 90 Hội người mù và Trường mù trên toàn quốc, phục vụ trực tuyến với gần 1500 sách nói cho hơn 20 triệu lượt người.
Nhân duyên đưa chị đến với ý tưởng dùng giọng đọc truyền cảm của mình để thành lập thư viện sách nói đó là: sau một lần đến thăm trường mù Nguyễn Đình Chiểu chị đã nghe được một bài hát của cô bé mù trong đó có lời của bài ca: “ cuộc đời đẹp hơn mơ” và trong suốt quãng đường đi sau này là cuốn sách “Con đường chuyển hóa” của TT.Thích Nhật Từ đã là nguồn động lực hỗ trợ chị trên con đường thực hiện những dự án mang lại nguồn trí thức cho người khiếm thị.
Thông điệp chị gửi tới cho hơn 700 tu sinh sáng nay là: đứng trước mọi hoàn cảnh nào thì chúng ta hãy điềm tĩnh, thay vì than trời trách đất, đổ lỗi cho hoàn cảnh, nguyền rủa cuộc đời, buồn tủi bản thân, để trong tình huống “cùng quẫn” do hoàn cảnh đưa đẩy hay hậu quả của nghiệp duyên và mỗi người hãy tự nhớ rằng: dù ta giầu có bao nhiêu, thành công thế nào, ta hãy thử hỏi rằng ta đã làm được bao điều tốt đẹp cho cuộc đời này.
Chị là một người như thế và chị đã tự hứa với lòng mình rằng: sẽ mang cả cuộc đời này mang ánh sáng tri thức đến cho người khiếm thị. Vâng, tấm lòng bồ-tát của chị, một vị Bồ-tát đang hiện diện trước mặt chúng ta chính là đây!
Sau khi ăn cơm trưa trong chánh niệm và ngủ nghỉ, chương trình buổi chiều được tiếp nối với bài thực tập thiền do ĐĐ.Thích Ngộ Phương, Thầy đã tốt nghiệp Cử nhân trường Phật học tại Thái Lan vừa trở về chùa Giác Ngộ hướng dẫn cho các tu sinh.
Trong Kinh Tạng, Phật có đề cập đến 4 thứ “đừng” mà trong cuộc sống chúng ta không thể xem thường đó là: Đừng nên xem thường một con rắn nhỏ; Đừng nên xem thường một ngọn lửa nhỏ; Đừng xem thường một hoàng tử bé; Đừng xem thường một chú tiểu nhỏ. Hãy đánh giá vai trò của giới trẻ trong xã hội, xã hội nào, tổ chức nào chú trọng đến ươm mầm, giáo dục và đào tạo giới trẻ, nơi đó có một nguồn lực mạnh trong tương lai đó là lời của MC. ĐĐ. Thích Minh Thạnh đã mở đầu cho phần trả lời Vấn đáp tự do của TT. Thích Nhật Từ nhằm gỡ rối tơ lòng hay bổ xung những kiến thức, những kỹ năng sống, học tập, lập nghiệp và xây dựng hạnh phúc gia đình.
Rất nhiều cánh tay được giơ lên nhưng thời lượng thì có hạn, các câu hỏi đã được may mắn đặt ra và trả lời đó là: Làm sao đưa ánh sáng Phật pháp đến với tầng lớp trí thức nói chung, đặc biệt là các bác sĩ? Yêu người cùng huyết thống, làm sao để họ thức tỉnh không vi phạm luật pháp, đạo đức gia đình? Người chơi game làm cách nào để từ bỏ? Đức Phật dậy về tình yêu thế nào? Làm thế nào để giảm được tính nóng giận? Đến chùa chỉ để cầu xin Phật gia hộ có được không? Yêu người đồng tính?
Thượng tọa sẽ hẹn trả lời các bạn đã giơ tay mà chưa được đặt câu hỏi vào các khóa tu tiếp theo nhé!
Phần kết thúc một ngày tu “Tuổi trẻ hướng Phật” là những hướng dẫn thực tập cơ bản cho các bạn trẻ khi lần đầu tiên đến chùa, để làm sao cho các bạn khi đã biết đến cổng chùa là biết đến những nét văn hóa tối thiểu và ý nghĩa của nó trong giao tiếp, ứng xử như xá chào, cách lạy Phật, cách ăn, uống, cách ngủ, nghỉ và cách để đôi dép trước khi bước vào nhà.
Chuyện tưởng là rất nhỏ, nhưng lại không nhỏ chút nào, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất để tuổi trẻ tiếp cận một nền minh triết của Phật học, giúp cho hành giả trẻ thấm nhuần tình yêu thương, biết chia sẻ, biết cống hiến và sống tích cực hơn để trở thành những người con hiếu đạo, người công dân tốt của xã hội các bạn nhé!
Trước khi kết thúc khóa tu “Tuổi trẻ hướng Phật”, người viết đã kịp ghi nhận lại một vài cảm nghĩ của các bạn tham dự khóa tu như bạn Thuận Minh, nhân viên IT: “Lần đầu tiên em đến một ngôi chùa có hệ thống máy lạnh. Về chương trình em rất thích, phong phú về nội dung, rất bổ ích, rất thích có thực tập thiền, hát thiền ca”. Bạn Việt Cường, giảng viên trường Đại học Hoa Sen hào hứng trả lời khi được hỏi về cảm tưởng khi đọc tụng bài Kinh Người Áo Trắng do TT.Thích Nhật Từ biên dịch so với các bản kinh mà bạn đã từng đọc trước đây: “Rất dễ hiểu, bởi nó là thuần Việt, ai cũng có thể hiểu được cho dù trình độ học vần có như thế nào, các cuốn kinh Hán – Việt thì rất khó, đôi khi đọc rất khó hiểu. Hơn nữa bản Kinh này hướng dẫn thực tập những điều thiết thực chứ không như một số Kinh khác còn quá nhiều điều không thể có thật trong cuộc sống”. Ngoài ra bạn Việt Cường rất thích chương trình và nội dung của khóa tu, đồng thời bạn cũng tâm sự Phật pháp đã ảnh hưởng rất lớn đến nghề nghiệp của bạn khi bạn đang là một giảng viên.
Sài Gòn, ngày 3 tháng 7, năm 2016
Giác Hạnh Hoa