ẤN TỐNG NGHI THỨC TƯỞNG NIỆM BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM (C294)
-
150.310.000 VNĐ
Đã thu
-
162.694.000 VNĐ
Số tiền cần
-
6
Lượt đóng góp
Ngày
Tiếng
Báo cáo
Tổng kết
TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH
ẤN TỐNG NGHI THỨC TƯỞNG NIỆM BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM (C294)
Bồ-tát Từ Bi Quán Thế Âm
Thần công vô ngại và vô biên
Dời núi lấp biển rung trái đất
Thương xót chúng sanh như bản thân
Ghi nhớ danh hiệu phước còn nguyên
Vì thế thành tâm niệm thường xuyên
Con kính niệm công đức Bồ-tát
Khen ngợi danh Ngài với thành tâm.
Thành kính hướng về Bồ-tát Quán Thế Âm vị Bồ-tát của tình thương và ban vui cứu khổ, tôn vinh những hạnh lành của Bồ-tát, nguyện học theo hạnh nguyện cứu khổ ban vui của ngài, Quỹ Đạo Phật Ngày Nay (Quỹ ĐPNN) đã ấn tống 15.000 quyển Nghi Thức Tưởng Niệm Bồ Tát Quán Thế Âm (C294) với tổng chi phí là hơn 162 triệu đồng.
Có độ dày hơn 200 trang, với nội dung là các nghi thức tưởng niệm đức Bồ-tát Quán Thế Âm thường dùng trong các lễ: Lễ tưởng niệm Bồ-tát Quán Thế Âm đản sanh (19/2), xuất gia (19/6), thành đạo (19/9), quyển Nghi Thức Tưởng Niệm Bồ Tát Quán Thế Âm được TT. Thích Nhật Từ dày công soạn dịch. Nghi Thức Tưởng Niệm Bồ Tát Quán Thế Âm được trình bày mạch lạc với ba phần: Phần dẫn nhập, Phần Chánh kinh và Phần Sám nguyện. Phần Chánh kinh là tuyển tập các bản kinh về đức Bồ-tát như: Kinh Phổ môn, Kinh về Bồ-tát Quan Âm ngàn mắt ngàn tay, Kinh các cách tu viên thông, Kinh ghi nhận Bồ-tát Quán Thế Âm thành Phật…
Tên gọi Bồ-tát Quán Thế Âm mang ý nghĩa truyền lòng từ bi, thể hiện sự cảm thông sâu sắc đối với nỗi khổ niềm đau của nhân sinh qua các hành động cụ thể để giúp cho con người vượt qua các thử thách, kiếp nạn và từ đó vươn lên, sống hạnh phúc trong đời. Các bản kinh đều nêu bật lên thông điệp: “Tất cả chúng sinh đều có trong kho tàng tâm thức những tiềm năng đại từ bi, tiềm năng quán tự tại và mỗi khi đảnh lễ, kính lạy và niệm danh hiệu đức Bồ-tát Quán Thế Âm, ngoài việc bày tỏ lòng tôn kính sâu sắc đối với Ngài, thì mỗi người nên đánh thức tiềm năng từ bi qua sự quan tâm và phụng sự – đã từng bị ngủ quên rất lâu trong chúng ta được tỉnh thức”. Đây chính là cách mà mỗi người trong chúng ta truyền thông một cách sống động đối với Bồ Tát Quán Thế Âm. Làm được như vậy, mỗi người trong chúng ta sẽ trở thành một vị Bồ-tát Quan Thế Âm qua các hóa thân/ ứng thân trong đời như trong Kinh Phổ môn, Phẩm 25, Kinh Pháp Hoa, cũng như kinh Thủ Lăng Nghiêm, phẩm Các Pháp môn viên thông, mà đức Phật đã nhấn mạnh.
Các bài kinh quan trọng giới thiệu về Pháp tu của Bồ-tát Quán Thế Âm, (1) trong Phẩm Phổ Môn, kinh Pháp Hoa có năm pháp quán (quán chân thật, quán thanh tịnh, quán trí tuệ rộng lớn, quán tâm bi, quán tâm từ) và năm loại âm thanh (tiếng vi diệu, tiếng quan âm, tiếng Phạm âm, tiếng sóng biển, âm thanh vượt trội hơn các âm thanh trên đời). (2) Trong kinh Thủ Lăng nghiêm, Pháp tu của Bồ-tát được hiểu là nhĩ căn viên thông (làm chủ được sự nghe đối với mọi âm thanh). (3) Trong hai bản kinh Pháp Hoa và kinh Thủ Lăng Nghiêm, Bồ-tát Quán Thế Âm còn có danh hiệu Bồ-tát Thí vô úy – người ban tặng niềm vui không sợ hãi. Ban tặng niềm vui không sợ hãi vừa là hạnh nguyện dấn thân và vừa là kết quả của việc đạt được thành tựu cao quý.
Quỹ ĐPNN xin chân thành cảm ơn Phật tử Jennifer Quach và các Phật tử đã tài trợ cho chương trình ấn tống 15.000 quyển Nghi Thức Tưởng Niệm Bồ Tát Quán Thế Âm (C294) hơn 150 triệu đồng (phần còn lại là hơn 12 triệu đồng nhận từ Quỹ Lưu động), góp phần mang lại lợi lạc cho mọi người. Kính chúc quý vị thân khỏe, tâm an và hanh thông trong cuộc sống.
Nam-mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát!