Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam do TT. Thích Nhật Từ và TT. Thích Minh Thành làm đồng Tổng biên tập, là kho tàng trí tuệ và chìa khóa của sự thành tựu đạo nghiệp. Kinh tạng là tập đại thành toàn bộ những giáo pháp do đức Phật giảng dạy. Luật tạng là hệ thống các giới luật dành cho người tu sĩ. Luận tạng tập hợp các chủ đề triết học và tâm lý học của đức Phật và các Thánh Tăng. Qua nhiều nỗ lực của những thế hệ đi trước, Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam đã được kết tập, dịch ra tiếng Việt từ chữ Pali, Hán cổ bởi các bậc cao tăng thạc đức gồm: HT. Thích Trí Tịnh, HT. Thích Trí Nghiêm, HT. Thích Trí Quang, HT. Thích Minh Châu, HT. Thích Thiện Siêu, HT. Thích Thanh Từ… Cho đến nay, Phật giáo Việt Nam vẫn chưa có một bộ Tam tạng thật đầy đủ, trọn vẹn để đáp ứng nhu cầu tìm đọc, nghiên cứu của các Tăng, Ni, Phật tử. Cố Trưởng lão HT. Thích Đức Nhuận, Đệ nhất Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, vị giáo phẩm lãnh đạo tối cao của GHPGVN đã khẳng định: “Phiên dịch và ấn hành Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam là Phật sự quan trọng bậc nhất hiện nay của Giáo hội, đáp ứng được lòng mong mỏi thiết tha của nhiều thế hệ Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam”. Vì vậy, “Việc xây dựng Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam là một nhu cầu cấp thiết, và được xem là nhiệm vụ trung tâm của Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra trong nhiệm kỳ 2017 – 2022”.
Công trình Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam là công trình có tầm vóc, dài hạn, chỉ có thể hoàn mãn khi nhận được sự quan tâm của chư tôn đức Giáo hội, chư tôn đức Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (VNCPHVN), chư tôn đức Tăng, Ni trong công tác biên tập, phiên dịch, sự trợ duyên của các Phật tử trong và ngoài nước. Vinh dự nhận được sự tin tưởng và ủy thác của VNCPHVN, Quỹ ĐPNN phụ trách ấn tống 150.000 quyển. Giá in trung bình dự kiến là 200.000 đồng/ quyển. (Mỗi bộ Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam có 300 đầu sách. Quỹ ĐPNN sẽ hỗ trợ in 100 đầu sách với mỗi đầu sách in 1.500 quyển). Kinh phí dự kiến in ấn lên đến 30 tỷ đồng. Sách được in với khổ 19×27 cm; giấy in loại siêu nhẹ, định lượng 36gsm, xuất xứ Phần Lan, có ưu điểm mỏng, dai, bền màu, thời gian sử dụng lên đến trên 100 năm; bìa cứng được thiết kế, trình bày công phu, bọc simili nhuyễn của Đài Loan, tựa đề Kinh và cạnh gáy trong được mạ vàng.
Kế hoạch dự kiến phiên dịch và in ấn Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam:
Cấu trúc Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam bao gồm: Tam tạng Thượng tọa bộ, Tam tạng Phật giáo bộ phái, Tam tạng Phật giáo Đại thừa, Chú giải các trường phái Phật giáo, Tục tạng, Hậu tục tạng và bộ Từ điển Phật giáo Việt Nam.
Kế hoạch đến cuối năm 2020: VNCPHVN sẽ in lại Tương ưng bộ kinh, Tăng chi bộ kinh và Tiểu bộ kinh, hoàn tất phần kinh tạng Pali do cố Trưởng lão HT. Thích Minh Châu phiên dịch từ nhiều năm trước.
Kế hoạch vào năm 2021: VNCPHVN sẽ in bản dịch mới của tạng A-hàm gồm: Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tăng nhất A-hàm và Tạp A-hàm do nhóm Trung tâm phiên dịch Trí Tịnh thực hiện. In các bộ Bản duyên và các tập liên hệ. Đồng thời, triển khai các bản kinh Đại thừa do Đại lão HT. Thích Trí Tịnh phiên dịch lúc Hòa thượng sinh tiền. Về Luật tạng và Luận tạng Pali, theo kế hoạch, sẽ hoàn tất năm 2021 cùng một số bộ thuộc Phật giáo bộ phái.
Kế hoạch vào năm 2022: VNCPHVN sẽ hoàn thành các bộ Đại Bát-nhã, phần còn lại kinh điển Đại thừa và Luật tạng, Luận tạng Đại thừa.
Nhiệm kỳ 2022-2027: VNCPHVN sẽ nỗ lực hoàn tất phần Chánh tạng Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo bộ phái và Phật giáo Đại thừa, có cả phần Văn học Chú sớ.
Vào ngày 06/11/2020, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam đã tổ chức giới thiệu kinh Trung bộ và Trường bộ, bản dịch của cố Trưởng lão HT. Thích Minh Châu. Đây là những ấn bản đầu tiên của Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam. “Bản kinh Trung bộ và Trường bộ này tuy đã từng được xuất bản nhưng ở lần xuất bản này được hoàn thiện hơn về hình thức, chữ nghĩa ‘để người đọc hiểu rõ hơn về lời dạy của Đức Phật’ bằng ngôn ngữ tiếng Việt”.
Theo HT. Thích Giác Toàn: “Bộ Đại tạng Kinh – Luật – Luận bằng chữ viết tiếng Việt được hoàn thành là ước mơ của Tăng, Ni, Phật tử; là tâm nguyện thiêng liêng của Giáo hội và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. […] Đối với mỗi người con Phật tại Việt Nam, việc thực hiện Đại tạng Kinh – Luật – Luận là trách nhiệm, là bổn phận, mà cũng là sứ mệnh thiêng liêng cần phải quyết tâm thực hiện để tiếp nối hoài bão các bậc tiền nhân đi trước. Nhiệm vụ này phải được tập trung, không chần chừ để tạo nên kho tàng tâm linh vô giá cho thế hệ sau.”
Tiếp nối chí nguyện lan tỏa chánh Pháp của đức Từ phụ Thích-ca, chư vị lịch đại Tổ sư, chư vị hiền Thánh Tăng, các bậc Trưởng lão, tôn túc, Quỹ ĐPNN tha thiết kêu gọi quý mạnh thường quân, thiện hữu tri thức hãy phát tâm đóng góp tịnh tài để ấn tống bộ Kinh điển quý báu này. Với sự chứng minh của thập phương thường trụ Tam bảo, cùng sự hộ trì của chư Thiên, Long thần hộ pháp, chư tôn trưởng lão các thời kỳ đã viên tịch cũng như hiện tiền, các bậc thiện tri thức, đặc biệt là sự ngoại hộ của quý Phật tử trong và ngoài nước, với tâm nguyện chung là làm cho Phật pháp được trường tồn ở thế gian, vì lợi lạc cho muôn loài, vì an lạc và hạnh phúc cho chư Thiên và loài Người, chúng ta cùng đặt niềm tin công trình Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam sẽ sớm được hoàn mãn.
Kính mời quý Phật tử gần xa hoan hỷ xem thêm chương trình tại: https://quydaophatngaynay.org/an-tong-dai-tang-kinh…/