Mỗi người sống trên đời này đều hướng đến một điều tối hậu: Hạnh phúc. Tiếc là đối với nhiều người đây chỉ là môt khái niệm lý thuyết và xa vời. dưới đây xin được tuần tự trình bày bảy điều giúp một người có thể trải nghiệm được hạnh phúc bây giờ và tại đây.
Học nhận lỗi và xin lỗi
Khi tự mình nhận lỗi, ta sẽ nghiêm khắc hơn với bản thân và thẳng thắn nhìn vào những khuyết điểm của mình. Đức Phật khích lệ chúng ta mạnh dạn thừa nhận các lỗi lầm của mình, dù là lỗi nhân sự hay tội về luật pháp. Có dám nhận lỗi chúng ta mới có thể tiến bộ về đạo đức.
Nhìn ra hết lỗi lầm của bản thân thật không dễ chút nào. Vì thế ta cần nhờ người khác chỉ ra giúp những thiếu sót của mình. Nhận lỗi không phải là một việc xấu xa, yếu hèn. Ngược lại nhận lỗi là một hành động rất can đảm, là ứng xử văn hóa đẹp và là minh chứng của tiến bộ về đạo đức.
Sau khi nhận lỗi, ta cần xin lỗi. Xin lỗi trực tiếp sẽ giúp cho người kia dễ tha thứ và bỏ qua. Đây là những nét đẹp của cuộc sống và giúp giải tỏa không biết bao nhiêu khổ đau, đè nén trong tâm cả hai phía người có lỗi và người bị oan.
Học độ lượng và tha thứ
Độ lượng là một cách thể hiện tâm từ bi. Người biết tha thứ cho người khác là người cao thượng, vĩ đại, rộng lượng. Ta biết độ lượng thì người mắc sai lầm dễ mạnh dạn xin lỗi và sửa sai.
Học thấu hiểu và thông cảm
Thông cảm là một biểu hiện của sự hiểu biết do thấy được những nguyên nhân tâm lý, nguyên nhân gia đình, nguyên nhân xã hội đưa đến tội lỗi. Thay vì ghét bỏ, thù hận, xung đột, loại trừ, người tu học Phật tự đặt mình vào tình huống của người có lỗi để thấu hiểu tâm can của người đó. từ đó ta mới trải nghiệm được những cảm thông sâu sắc đối với người đã trót sa ngã.
Thông cảm là một ứng dụng của lòng từ bi. ta hiểu rỏ tại sao trong hoàn cảnh đó, người ta đã làm những việc đáng lẻ không nên làm. Có thông cảm chúng ta mới có thể cùng dắt dìu nhau vượt qua những khó khăn. Người có tâm cảm thông sẽ tránh được những quy kết sai, những gán ghét tội trái với lương tâm. Nhờ đó chúng ta góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh và tốt đẹp hơn.
Học hài hòa và đoàn kết
Rất nhiều người gặp khó khăn trong việc gắn kết với người khác. Điều này do tính cố chấp, tự ái quá cao, hoặc cũng có thể ngược lại, do mặc cảm tự ti. Khi cố tình không tìm ra tiếng nói chung thì người ta dễ xung đột, mà xung đột nào cũng dẫn đến kết thúc là loại trừ nhau. Dù muốn hay không, kết quả đó vẫn diễn ra như một quy luật tất yếu. Đạo Phật dạy chúng ta hài hòa về nhận thức, hài hòa trong ngôn ngữ, trong việc sống chung, trong việc đảm nhận các trách nhiệm, trong việc chia sẻ các quyền lợi thỏa đáng.
Hài lòng và đoàn kết không phải là điều quá khó để thực hiện. Chỉ cần ta có tấm lòng và quyết tâm. nếu biết chấp nhận các dị biệt, biết tán dương và tùy hỷ với thành công của người khác thì ta thoát khỏi xung đột, loại trừ, thôn tính do các mâu thuẫn mà ra.
Học kiên trì và nhẫn nại
Nhẫn nại còn là những chịu đựng tích cực để lên dây cót tinh thần cho chúng ta không bỏ cuộc giữa chừng, thiếu trách nhiệm và trốn tránh những rắc rối mà lẽ ra nếu kiên trì theo đuổi thì ta sẽ nhận diện được và vượt qua. Nhẫn nại còn là sự chịu đựng đi theo cái thiện và phải chấp nhận những nghịch cảnh diễn ra với những người làm thiện để từ đó chúng ta có cơ hội mang lại công bằng xã hội. Những giá trị ích lợi lớn cho tha nhân.
Thiếu tính nhẫn nại thì chỉ cần gặp một vài trở ngại nhỏ là ta đã thui chột lòng hảo tâm của mình. Ta cần biết nhẫn nại để thận trọng để phân tích đúng sai, không vì một chỗ xấu mà ta đánh mất niềm tin với những chỗ tốt.
Học buông bỏ và thong dong
Buông bỏ trong Phật giáo không phải là cách buông trách nhiệm mà là buông nỗi khổ niềm đau, buông quá khứ bất hạnh, buông những thứ mà chúng ta không cần ghi giữ trong tâm. Buông bỏ khổ đau khác với buông trách nhiệm. Buông trách nhiệm là thiếu trách nhiệm, tức là không màng gì đến người khác, ai chết mặc ai, bản thân mình sống hạnh phúc là được ròi. Đó là sự chai sạn lòng từ bi đối với tha nhân, không phải là buông bỏ.
Thong dong là trạng thái không bị câu thúc bởi nỗi khổ niềm đau, luôn tự tại, thư thái, thoải mái, thảnh thơi. Thong dong là rủ bỏ các chấp trước, chấp về hình thức, chấp về quá khứ, tương lai,… Thực tập thong dong và buông bỏ những điều không cần thiết, chúng ta sẽ thành công trong kinh doanh, trong quản trị, trong tu tập để đạt được hạnh phúc.
Học Phật Pháp để vượt qua khổ đau
Học Phật đúng nghĩa là phải ứng dụng, hành trì, tu học Phật đúng nghĩa phải là những người phụng sự chúng sinh, năng động tích cực, lạc quan, yêu đời, tinh tấn ba la mật.
Bảy cách học vừa nêu nhằm giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách để có được hạnh phúc bây giờ và tại đây. Muốn sống hạnh phúc thì phải áp dụng lời Phật dạy vào đời sống hằng ngày. Việc tụng kinh niệm Phật, ngồi thiền chỉ là những công cụ chuyển háo thân, tâm chứ không phải là duy nhất. Chuyển hóa rốt ráo là phải thay đổi được nhận thức và hành vi.
(Trích từ tác phẩm Nghệ Thuật Sống của TT Thích Nhật Từ).