CHƯƠNG TRÌNH: LỄ LẠC THÀNH CHÙA GIÁC NGỘ, LỄ GIỖ TỔ VÀ KHÓA TU NGÀY AN LẠC LẦN 6 (KT6)
Ngày
Tiếng
THÔNG TIN CHUNG
Tại lễ Khánh thành
Tới quang lâm chứng minh và tham dự buổi lễ có: HT. Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ HĐCM; HT. Thích Viên Giác, UV TT HĐCM; HT. Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch TT HĐTS; HT. Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, trưởng Ban truyền thông TW; HT. Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban kiểm soát TW; HT. Thích Trung Hậu, Trưởng Ban Văn Hóa TW GHPGVN: HT. Thích Huệ Trí, Trưởng Ban Pháp Chế TW; TT. Thích Thanh Phong Trưởng Ban tài chính GHPGVN; HT. Thích Thanh Hùng, Phó Ban T. Ban hướng dẫn Phật tử…NS. Thích Nữ Như Thảo, Viện Nghiên cứu HVPGVN; Các Hòa thượng đại diện cho HĐTS các tỉnh thành Hà Nội, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu và các tỉnh thành khác cùng Chư tôn đức giáo phẩm Ban thường trực HĐTS, các ban viện TW GH, Học viện PGVN, Ban trị sự các tỉnh thành, 24 quận huyện và đông đảo Tăng, Ni, Phật tử các đồng về tưởng niệm và chúc mừng Lễ Lạc Thành.
Về phía chính quyền có bà Huỳnh Thị Xuân Lam, ủy viên Ủy ban KTTW Đảng, Ông Phạm Quang Đồng, Phó giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban tôn giáo TPHCM, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó bí thư quận uỷ, chủ tịch UBND Quận 10 cùng lãnh đạo các cấp ban ngành, quận, phường đồng tham dự.
Mở đầu buổi lễ, Chư tôn giáo phẩm chứng minh niệm hương bạch Phật và làm lễ sái tịnh 3 tôn tượng Bổn sư Thích Ca Mâu Ni trong ba tư thế: Thiền định, Xúc địa, Chuyển pháp luân tại chánh điện chùa Giác Ngộ.
Đồng thời, Chư tôn đức trọng thể thành kính dâng hương tưởng niệm 24 năm cố HT.Thích Thiện Huệ- Viện chủ chùa Giác Ngộ viên tịch. Sinh thời, cố Hòa thượng Thích Thiện Huệ là bậc chân tu, suốt đời dấn thân cho Đạo pháp và chúng sanh, Hòa thượng đã tham gia đào tạo nhiều thế hệ Tăng tài cho Giáo hội.
Sau lễ tưởng niệm là Lễ Lạc Thành chùa, thay mặt Ban tổ chức, TT.Thích Nhật Từ, Trưởng ban văn hóa Phật giáo TP.HCM, trụ trì chùa Giác Ngộ đọc diễn văn khai mạc. Thượng tọa đã ôn lại lịch sử hình thành và phát triển chùa Giác Ngộ từ ngày 21-5-1956, cư sĩ Trần Phú Hữu đã hiến cúng toàn bộ đất và chùa Giác Ngộ cho Giáo hội Tăng Già Nam Việt cho đến bây giờ. Đây cũng là nơi đã trở thành nơi sinh hoạt tu học thịnh hành của hơn 30 tăng sĩ và hàng ngàn Phật tử. Nhiều thầy xuất thân từ Chùa Giác Ngộ đã xuất dương làm đạo thành công tại Hoa Kỳ, châu Âu, châu Úc và Canada. Trong nước, hiện có hơn 100 vị tốt nghiệp cử nhân Phật học, 7 vị đỗ thạc sĩ, 5 thầy đã đỗ tiến sĩ. Cũng có thầy đang giảng dạy tại HVPGVN tại TP.HCM. Có nhiều thầy làm trụ trì ở nhiều tỉnh thành, gánh vác nhiều Phật sự quan trọng của Giáo hội. Cũng có thầy hiện là giảng sư được nhiều Phật tử mến mộ trong và ngoài nước.
Thượng tọa đã nhấn mạnh: “từ nay trở đi, Chùa Giác Ngộ sẽ được sử dụng theo tông chỉ “nhập thế phụng sự, tốt đời đẹp đạo”, không chỉ là địa chỉ tu tập quen thuộc, mà còn là nơi thường xuyên tổ chức các Phật sự nhập thế như hoằng pháp, giáo dục, văn hóa và từ thiện, nhằm mang lại phúc lạc và hạnh phúc cho số đông như đức Phật đã chủ trương.”
Tiếp theo, TT. Thích Nhật Thiện, Trưởng ban trị sự Phật giáo quận 10, Phó trụ trì chùa Giác Ngộ, báo cáo tóm tắt quá trình xây dựng chùa Giác Ngộ và danh sách mạnh thường quân phát tâm cúng trùng tu chùa.Với thời gian xây dựng mới trong 3 năm, tổng diện tích xây dựng 4735 m2, gồm 6 tầng và 1 hầm với tổng kinh phí gần 68 tỷ đồng. Kiến trúc và mỹ thuật Chùa mang đậm nét văn hóa thời Lý nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.
Buổi lễ cũng vinh dự được đón nhận các lẵng hoa cao quí và quà chúc mừng Lễ Lạc Thành chùa Giác Ngộ của chư Tôn đức giáo phẩm các cấp, ban, ngành của GHPGVN cùng các cấp chính quyền sở tại và các cá nhân trên khắp mọi miền đất nước gửi tặng.
Ông Nguyễn Đức Trọng Phó bí thư quận uỷ, chủ tịch UBND Quận 10 đại diện cho các cấp chính quyền đã phát biểu: ‘’Kể từ hôm nay, Quận 10 lại có thêm một ngôi chùa khang trang, uy nghi giữa đô thị đông đúc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo là nơi tu học hành đạo của đồng bào Phật tử”.
Để sách tấn cho Thượng tọa trụ trì và các Tăng đoàn chùa Giác Ngộ hoàn thành tốt vai trò của một sứ giả Như Lai, Đức trưởng lão HT. Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ HĐCM đã ban đạo từ cho chư Tôn đức Tăng và các Phật tử chùa Giác Ngộ: “TT. Thích Nhật Từ và Phó trụ trì chùa cùng các Tăng sĩ và các Phật tử hãy noi theo các bậc tiền nhân xây dựng lại ngôi chùa Giác Ngộ, chữ Giác Ngộ này rất quí giá… Thượng tọa cố gắng phát triển đạo Phật, hoằng dương Phật pháp, phát triển mạnh trang web Đạo Phật Ngày Nay để cho tất cả mọi người đọc để Giác Ngộ”.
Nghi lễ cắt băng khánh thành cũng là phần nghi thức cuối cùng của chương trình Lễ Lạc Thành chùa Giác Ngộ trong niềm hoan hỷ của Tăng đoàn chùa Giác Ngộ và các Phật tử.
Tại lễ trao tặng bằng công đức
“Tạo nên phạn vũ trang nghiêm. Là bao tâm huyết của ngàn trái tim” trong gần 4 năm xây dựng với sự quyết tâm của Thượng tọa trụ trì cùng Tăng đoàn chùa Giác Ngộ và đặc biệt là công sức của các doanh nghiệp, doanh nhân, các mạnh thường quân, quí Phật tử xa gần đã đóng góp tâm lực, trí lực, tiền bạc, công sức của mình đã hoàn thành tâm nguyện để ngôi chùa Giác Ngộ được trang nghiêm.
Nhân dịp này TT. Thích Nhật Từ đã tri ân những người đã có công sức đóng góp cho việc trùng tu mới ngôi chùa này. Thượng tọa một lần nữa điểm lại lịch sử ngôi chùa Giác Ngộ và mượn câu chuyện về việc Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói trong lần giao lưu lịch sử sau mấy chục năm làm đạo ở hải ngoại, Thiền sư đã tâm sự: ‘’ Nếu được phép thêm một điều trọng ân thứ 5 thì đó là công ơn các học trò” khi đó Thượng tọa đã làm điều phối ngày hôm đó để thay lời biết ơn sâu sắc nhất bày tỏ của một người tu sĩ với 3 vai trò: i) Kế thừa sự nghiệp của các tổ đức và Bổn sư chùa Giác Ngộ. ii) Vai trò làm lãnh đạo của Quỹ Đạo Phật Ngày Nay. iii) Người thầy quy Y cho các quý Phật tử chùa Giác Ngộ.
Một lần nữa dưới sự chứng minh của Tăng đoàn,Thượng tọa đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và một tràng pháo tay thật lớn cho sự tri ân và đền ơn của tất cả mọi người đã đóng góp cho ngôi chùa Giác Ngộ.
Bài đạo ca ‘’Chùa Giác Ngộ thân yêu’’ do Ban nhạc Diệu âm trình bày là bắt đầu cho phần trao tặng Bằng tuyên dương công đức của TT. Thích Nhật Từ cho những mạnh thường quân trong việc đóng góp tịnh tài, tịnh vật xây dựng chùa.
Khóa tu ngày an lạc lần thứ 6
Cùng với hai sụ kiện trọng đại là lễ Khánh thành Chùa Giác Ngộ và lễ kỷ niệm 24 năm ngày Bổn sư HT. Thích Thiện Huệ viên tịch là khóa tu thường kỳ “Ngày an lạc” lần thứ 6 với sự có mặt của gần 850 Phật tử về tham dự các sự kiện này.
Đáp lại lời thỉnh cầu của TT. Thích Nhật Từ, HT. Thích Giác Toàn, Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, Viện chủ Pháp Viện Minh Đăng Quang đã về đây ban bố cho tất cả các Tăng Ni và Phật tử bài pháp thoại với chủ đề: “Bảy Giác Chi”. Với 7 nội dung chính đó là: i) Phân biệt sự lành và dữ; ii) Tinh tấn và ngước lên; iii) An lạc trong vòng đạo đức; iv) Thắng phục tâm ý đặng làm lành; v) Niệm giác chi; vi) Nhất tâm đại định; vii) Xả giác chi.
Hòa thượng đã lấy 7 tòa sen mà qui đổi tương đương mỗi tòa sen là 10 tỷ đồng, nhắc nhở Thầy Trò chùa Giác Ngộ cố gắng đạt được càng nhiều càng tốt tinh thần của bảy tòa sen. Ngoài ra Hòa thượng cũng đã cảm niệm bài thơ “Thất bảo Giác Ngộ”để tặng cho TT. Thích Nhật Từ rất sâu sắc để nhắc nhở cho sự tu học của thượng tọa trụ trì.
Chương trình vì sao tôi theo đạo Phật
Để tâm thanh tịnh cho chương trình tu học buổi chiều là phần chia sẻ về cái biết, cái nghe, sự thấy của ĐĐ. Thích Ngộ Phương và vài phút lắng lòng để quay nhìn lại tâm để tâm an.
‘’Lịch sử khai sinh, tồn tại và phát triển của Báo Giác Ngộ kể từ ngày 1-1-1976, thời điểm ra số đầu tiên góp mặt với làng báo cả nước – không thể thiếu vắng sự có mặt của một nhân cách lớn: Cư sĩ Tống Hồ Cầm’’.
Đó là nhân vật chính trong chương trình: ‘’Vì sao tôi theo đạo Phật’ kỳ thứ 5. Buổi trò chuyện được dẫn dắt bởi MC. Thảo Nguyên đã đưa chúng ta đến với Cư sĩ Tống Hồ Cầm, một nhân vật đặc biệt mà theo TT. Thích Nhật Từ là hàng trăm năm sau cũng chưa chắc đã có nhân vật thứ hai.
Ông sinh ra tại Huế, từ nhỏ đã thấm nhuần tinh thần Phật giáo trong một gia đình kính tín Tam bảo với pháp danh Tâm Bửu. TT. Thích Nhật Từ tiết lộ là chỉ còn chưa đầy 12 tiếng nữa ông tròn 100 tuổi. 96 tuổi Ông mới về hưu, trong suốt 37 năm cộng tác của tờ báo Phật giáo và là nguyên Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam. Ông cũng là một trong những người sáng lập ra “Gia đình Phật tử” đây là một trong những phong trào dẫn dắt tuổi trẻ đến với đạo Phật. Ông còn là một nhà thơ sáng tác thơ Phật giáo nhiều nhất và mang thơ ca phụng sự đạo pháp. Ông là một tấm gương, một cư sĩ Phật tử có bề dày hoạt động đáng kính trọng, nhưng vẫn giữ được phong cách của một Phật tử tại gia khiêm cung, kính Phật trọng Tăng.
Đây cũng là chương trình cuối của một ngày trọng đại mà Tăng đoàn chùa Giác Ngộ tổ chức ba sự kiện cùng lúc mang lại niềm hoan hỷ, nhớ ơn Tổ và mang lại niềm an lạc.