Thâu xếp và tạm gác lại những bộn bề của công việc, thân và tâm cần tìm về chốn an tĩnh và hỷ lạc, sáng ngày 13.8.2023, hơn 500 hành giả đã vân tập về mái già lam Giác Ngộ để tham gia khoá tu Ngày An Lạc. Đây là khoá tu diễn ra hàng tuần, với nhiều chủ đề và giảng sư khác nhau.
Tại đạo tràng trong khoá tu tuần này là sự quang lâm của giảng sư TT.TS. Thích Nhật Từ – Uỷ viên Thường trực HĐTS Trung ương GHPGVN, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Trụ trì chùa. Thượng tọa giảng sư đã gửi đến quý hành giả thời pháp thoại: “Gieo trồng và hưởng phước”.
Bài pháp thoại được Thượng toạ phân tích dựa trên Bài 12, Phước thế gian, trong quyển Kinh Phật cho người tại gia.
Thứ nhất, mở đầu bài pháp thoại, Thượng toạ Nhật Từ cho biết KHÁI NIỆM SƠ LƯỢC VỀ PHƯỚC dưới góc nhìn hai tôn giáo: Đạo Nho và Đạo Phật.
Nếu như Nho giáo cho rằng một người có phước phải có năm yếu tố: phú (giàu có), quý (sang trọng), thọ (tuổi thọ), khương (bình an), ninh (an ninh), và thiên về vật chất, thì Đạo Phật lại khác. Phước có nhiều loại.
Tổng hợp từ Kinh Pali và A hàm, thì Đạo Phật chỉ rõ có năm loại phước.
1. PHƯỚC TƯỚNG/HỶ TƯỚNG
Phước tướng là người có ngoại hình đẹp từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành. Có được phước này, chúng ta dễ dàng tự tin, thành công hơn trong cuộc sống và công việc. Nếu như phước tướng là do yếu tố di truyền, thì chúng ta vẫn có thể có Hỷ tướng, bằng sự thực tập và chuyển hoá.
2. PHƯỚC TÀI SẢN
Tài sản là của cải vật chất, đời sống tiện nghi. Đây cũng là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Nhờ vật chất, tài sản mà đời sống người phật tử tại gia được nâng cao.
3. PHƯỚC SỨC KHOẺ VÀ TUỔI THỌ
Có sức khoẻ và tuổi thọ thì chất lượng cuộc sống đạt được hiệu quả và người phật tử sẽ có những đóng góp thiết thực cho đời sống.
4. PHƯỚC THUẬN DUYÊN
Trong cuộc sống luôn có những thuận lợi, được nhiều người khác giúp đỡ, không có những trở ngại và khó khăn.
5. PHƯỚC TRÍ TUỆ
Đây là phước cao nhất mà người Phật tử cần có.
Bởi có trí tuệ thì mới có những đóng góp và làm an lạc cho cuộc đời. Thượng tọa nhấn mạnh, để có được phước, cần phải dựa trên quy luật Nhân – Duyên và Quả.
Người theo đạo Phật cần nỗ lực gieo trồng nhân phước thường xuyên.
Thứ hai, Thượng toạ cho biết có 4 LOẠI PHƯỚC CÚNG DƯỜNG CHO TĂNG NI mà Đức Phật khuyến khích trong Kinh, gồm có:
1. CÚNG DƯỜNG TĂNG XÁ
Ngày nay, tăng xá được hiểu là chánh điện, nơi ở của tăng ni, giảng đường, nhà thờ Tổ, nhà thờ vong,… Đức Phật khuyến khích phát tâm cúng chùa để góp phần lan tỏa chân lí Phật pháp và phát triển Đạo Phật. Để phát tâm trong việc cúng, xây chùa, người Phật tử cần bỏ sự tiếc nuối, thay vào đó là cần có sự hoan hỉ và niềm tin nơi tam bảo.
2. CÚNG DƯỜNG DỤNG CỤ NGỒI, NẰM
Đây là những dụng cụ cần thiết cho tăng đoàn để có thể tu học và sinh hoạt. Việc cúng dường này là dâng cúng chung lên chùa, hạn chế việc cúng riêng. Đây là một trong những điều kiện góp phần làm cho Phật giáo phát triển bền vững trong các hoạt động Phật sự với sự phát nguyện chung, thay vì tình cảm riêng tư.
3. CÚNG DƯỜNG PHÁP Y
Ngày nay, vì mỗi chùa có những y, pháp phục khác nhau cho nên người phát tâm cúng dường cần dâng lên Tăng đoàn những tấm vải hay tịnh tài để mỗi đạo tràng có thể chủ động trong viết thiết kế và sử dụng pháp y.
4. CÚNG TRAI PHẠN
Trai phạn là cúng dường thức ăn và tịnh tài để chuẩn bị bữa ăn cho Tăng đoàn. Sau khi dâng cúng và thọ dùng, tăng đoàn cần chia sẻ một bài pháp ngắn để gửi đến người phát tâm cúng. Ngoài ra, Đức Phật còn cho biết: người phát tâm cần hiểu, biết, thấy rõ trong từng nhận thức và hành động, của nhân quả, để việc dâng cúng thật sự có ý nghĩa và thực chất. Gieo phước cần có tâm hoan hỉ, không tiếc nuối, thì kết quả thật sự mĩ mãn.
Thứ ba, CÁC PHƯỚC XUẤT THẾ GIAN
Thượng tọa giảng sư đề cập đến các loại phước xuất thế gian, dựa vào Kinh, gồm có: Hoan hỉ về sự có mặt của các thánh nhân. Hoan hỉ khi gặp trực tiếp, tùy hỉ khi gặp gián tiếp; Người xuất gia cần chia sẻ pháp thoại như một thức ăn tinh thần bổ dưỡng sau khi được cúng dường; Khuyến khích sự vân tập về một nơi, điểm sinh hoạt tôn giáo, chùa. Về chùa để học Phật, tu tập, tiếp cận chánh pháp và chân lí, tránh những mê tín dị đoan.
Kết thúc khoá tu là sự hoan hỷ và an lạc của đạo tràng. Tất cả quý hành giả đều bày tỏ sự tri ân công đức về những lời chia sẻ quý báu từ Thượng toạ giảng sư. Đây chắc chắn là bài học, tư lương, kim chỉ nam mà mỗi Phật tử đều phải có và thực hành để cuộc sống an lạc, hữu ích và ý nghĩa.
Tin: Ngộ Tự Chung
Ảnh: Minh Đức