Loading...

HẠNH TÙY HỶ – HƠN 400 BẠN TRẺ HOAN HỶ LẮNG LÒNG NGHE

Chiều Chủ Nhật hàng tuần, tại chùa Giác Ngộ đều diễn ra khoá tu Tuổi trẻ hướng Phật. Đây là khoá tu dành cho đối tượng học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên. Trong khoá tu, các bạn trẻ được trải nghiệm các thời khoá như: tụng Kinh, ngồi thiền, Đạo ca, nghe pháp thoại, lạy Phật và sinh hoạt theo nhóm lớp.

Trong khuôn khổ khoá tu chiều nay, 13/8/2023, dưới sự hướng dẫn của Tăng đoàn, các bạn trẻ đã cùng ôn lại bài Kinh Thiện Sinh và Kinh Người Áo trắng; thực tập ngồi thiền; thưởng thức âm nhạc từ Ban Đạo ca.

Sau đó, hơn 400 bạn trẻ đã được lắng nghe bài pháp thoại với tựa đề: “Hạnh tùy hỷ” đến từ Đại đức giảng sư Thích Ngộ Trí Dũng – Uỷ viên Ban Văn hóa GHPGVN TP HCM, Uỷ viên Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, thành viên của Tăng đoàn chùa Giác Ngộ.

Mở đầu bài chia sẻ, Đại đức giải thích ngắn gọn về nghĩa của hai chữ Tùy hỷ. Tùy là theo, hỷ là vui. Tùy hỷ là sự vui theo người khác. Nhưng đó là niềm vui chân chính, thiện lành. Đại đức cho biết, sự tùy hỷ có ba mức độ.

Sau đó, giảng sư phân tích cụ thể về ba mức độ của hạnh tùy hỷ. 1. Sơ hỷ. Đây là mức độ đầu tiên, là sự vui phát khởi từ bên trong tâm của chính mình. Sự tùy hỷ trong trường hợp này là xuất phát từ trong suy nghĩ. Nói cách khác, Sơ hỷ gắn liền với Ý.

2. Trung tùy hỷ. Đây là mức độ hai, sau Sơ hỷ. Lúc này, sự tùy hỷ được biểu lộ ra bên ngoài bằng lời nói. Hay nói cách khác, Trung hỷ gắn liền với Khẩu.

3. Hậu tùy hỷ. Đây là mức độ cuối cùng. Lúc này, sự tùy hỷ biểu lộ qua hành động. Hay nói cách khác, Hậu hỷ gắn liền với Thân.

Trên cơ sở phân tích, ĐĐ giảng sư khuyến tấn mọi người nên phát huy hạnh tùy hỷ, không nên dừng lại ở Sơ hỷ, tức chỉ ở bên trong tâm, như vậy là chưa đủ. Cần phải bày tỏ sự hoan hỷ từ trung đến hậu hỷ, tức là sự hoan hỉ phải bộc lộ ra bên ngoài từ lời nói đến hành động. Tuy nhiên cũng cần phối hợp nhịp nhàng và đồng đều giữa Thân – Khẩu – Ý.

Như thường lệ hàng tuần, cuối cùng là thời khoá lạy Phật và sinh hoạt theo nhóm, lớp. Việc sinh hoạt theo nhóm lớp là cơ hội quý báu để các bạn trẻ trau dồi thêm kiến thức về Phật học, được gặp gỡ, giao lưu với các bạn đồng tu, có thêm những kiến thức và kĩ năng sống cần thiết; việc lạy Phật là biểu hiện của sự sám hối, hạ bản ngã cái tôi, là điều cần quán xuyến thường xuyên của người tu học Phật.

Kết thúc khoá tu, các bạn trẻ ra về với sự an lạc và hoan hỉ. Bài pháp thoại của Đại đức thật sự là bài học hữu ích, để có thể ghi nhớ và áp dụng trong cuộc sống của mỗi bạn trẻ nói riêng và người Phật tử nói chung.

Tin: Ngộ Tự Chung
Ảnh: Minh Đức

Có thể bạn quan tâm


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook