Khóa tu Ngày an lạc kỳ 7- KT7
Ngày
Tiếng
THÔNG TIN CHUNG
Ngày 18-09-2016 (18-08 Bính Thân), khóa tu “Ngày an lạc” lần thứ 7 đã được trang nghiêm diễn ra tại chùa Giác Ngộ.
Như thường lệ, mở đầu cho một ngày tu tập là thời khóa tụng kinh, sau đó là hát đạo ca do Ban Diệu âm trẻ thực hiện đem đến một ngày mới hứa hẹn cho một ngày tu tập mang lại nhiều giá trị cho các hành giả tham dự khóa tu.
Chương trình ‘’Phương trời thong dong’’
“Thầy ơi! Bây giờ con đau khổ quá, con phải làm sao để con không đau khổ nữa hả Thầy? Con ngồi xuống uống trà đã…’’ Buông và giữ, giữ và buông lúc nào để thấy được giá trị hạnh phúc phía sau đó khi chúng ta đã vượt qua thử thách. Đó là 2 câu chuyện cùng có một câu hỏi, cùng một phương pháp nhưng là hai đáp án được MC Lâm Ánh Ngọc trích dẫn mở đầu cho buổi trò chuyện của chương trình “Phương trời thong dong” trong khóa tu “ Ngày an lạc” tại chùa Giác Ngộ lần thứ 7 với vị khách mời TT. TS. Thích Hạnh Bình.
TT. TS. Thích Hạnh Bình là giảng viên học viện Phật giáo Việt Nam và cao đẳng Phật học Đại Tùng Lâm (Bà Rịa – Vũng Tàu), đồng thời Thượng tọa Thích Hạnh Bình là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phật học Hán truyền, cũng là nhóm trưởng nhóm nghiên cứu và dịch thuật Phật học Hán tạng.
Qua câu chuyện các tu sinh biết được những nhân duyên xuất gia của các vị tu sĩ, quá trình tu học trong mỗi chương trình ‘Phương trời thong dong’. Thượng tọa là một tấm gương phấn đấu không ngừng: xuất gia từ năm 11 tuổi trong những giai đoạn rất khó khăn. Ngay cả việc học, cũng trong một giai đoạn vô cùng khó khăn, nhưng Thượng tọa đã bản lãnh vượt qua được những nghịch cảnh ở thập niên 90, Thượng tọa đi du học chỉ với 120 Mỹ kim trong đó có 100 là rách nát không sử dụng được. Thượng tọa chỉ chuyên về việc học và giảng dạy. Ngay khi Thượng tọa còn là nghiên cứu sinh tại Đài Loan, là người Việt Nam mà được giảng dạy ở Đài Loan không phải là chuyện dễ.
Đóng góp của Thượng tọa không chỉ bằng tâm huyết, mà bằng tất cả những gì mình có được. Mặc dù là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phật học Hán truyền, nhưng Trung tâm này thường được mệnh danh là 2 không: không trụ sở, không lương bổng mà chỉ có tấm lòng mới đến đây làm việc được. Thượng tọa không bận tâm đến việc xây chùa, Thầy chỉ đổ dồn cho việc dịch thuật,Thầy đã để lại nhiều tác Phẩm có giá trị: Phật giáo và cuộc sống; Cách nhìn của Phật giáo đối với vấn đề luân hồi; Khái luận Lịch sử Phật giáo Ấn Độ; Dị bộ Tông Luân Luận… và 20 dịch thuật để lại cho đời. TT. Thích Nhật Từ đã nói:“ Nếu không có tấm lòng thì rất khó có thể làm được công việc này và chúng ta cần thật nhiều các vị Tăng sĩ như thế, thời gian, tri thức, tiền bạc. Đó là những điều mà TT. Thích Hạnh Bình đã làm được’’.
Mỗi một chương trình “Phương trời thong dong” Ban tổ chức muốn thông qua cuộc đời của các vị tu sĩ và thông qua cuộc đời đó, góp phần cho chúng ta nhìn nhận lại bản thân mình để rút ra những bài học kinh nghiệm để có thể áp dụng làm tấm gương cho mình học tập để an lạc và hạnh phúc ngay trong hiện tại.
Chương trình “Vì sao tôi theo đạo Phật’’
Các tu sinh đã vui mừng được chào đón Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương. Bà là một nghệ sĩ nổi tiếng được mệnh danh là “Kỳ nữ” trong giới sân khấu Việt Nam với những đóng góp cho nghệ thuật, những đỉnh cao danh vọng với những vai diễn thành công vang dội trên sân khấu trong các vở kịch nói như Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Huyền thoại Mẹ, … một nghệ sỹ đa tài, đóng tới hơn 50 phim và là tác giả viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam với hơn 50 vở. Bà được nhận 2 giải thưởng diễn viên xuất sắc nhất, đối thoại xuất sắc nhất của giải Điện ảnh Á châu (năm 1974), Kim Cương được nhà nước phong tặng danh hiệu NSND năm 2012.
Mặc dù đã có rất nhiều báo chí viết về nghệ sĩ và cả cuốn Hồi ức của bà, nên có lẽ không mấy người là không biết về bà nhưng qua sự dẫn dắt của MC Thanh Tùng, nghệ sĩ đã kể lại câu chuyện về cái chết của cha khi bà mới 9 tuổi cũng vẫn làm cho nhiều người xúc động và qua một trích đoạn video clip ngắn về vở kịch Lá Sầu Riêng lại lấy đi những giọt nước mặt của các tu sinh. Lá Sầu Riêng mà theo bà là một gia bảo của gia tộc bà, một gia tộc có 4 đời làm nghệ thuật sân khấu.
Người đàn bà được mệnh danh ‘Kỳ nữ’ trong giới sân khấu Việt Nam dưới ánh đèn hào quang đâu chỉ có toàn nụ cười, bà cũng đã rất nhiều lần phải khóc khi bị thất tình, muốn tự tử, khi đó bà đã gặp được HT.Thích Thanh Từ và được Hòa thượng khuyên: ‘’Con ơi! con đã có quá nhiều thứ rồi thì cũng có những cái con không đạt được chứ, đâu có phải muốn cái gì cũng được’’. Bà cho biết sau câu nói đó bà đã thức tỉnh và từ đó bà mới đi tìm hiểu Phật pháp. Là nghệ sĩ, sống với tiếng vỗ tay và ánh hào quang, ánh đèn sân khấu, biết buông nó được thì mới hết khổ. Phật pháp đã thay đổi cả cuộc đời bà, là người nghệ sĩ thì tham sân si cũng nhiều nhất. Bà nói: ‘’Tôi học Phật pháp tôi được nhiều thứ hơn cả mấy chục năm trên sân khấu’’. Nhưng mấy chục năm bà bảo học một chữ buông quá khó.
Giờ đây, bà đã xa ánh đèn sân khấu, nhưng bà lại đam mê làm từ thiện. Với bà, làm việc gì cũng phải say mê, hiện NS. Kim Cương (với cương vị Phó chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ em khiếm thị, trẻ em mồ côi TP HCM).
Để đáp lời đề nghị của các tu sinh, NS muốn nhắn nhủ với những bạn trẻ rằng: ‘’con đường đi vào nghệ thuật không phải chỉ là hoa thơm cỏ lạ mà chông gai nhiều lắm, đòi hỏi nhiều hy sinh, nhiều mất mát. Nếu không có đam mê rực lửa thì không thể theo đuổi con đường nghệ thuật được và nhất là phải có tấm lòng, đời là sân khấu, sân khấu là đời, không yêu được cuộc đời thì không yêu được sân khấu’’.
Từ thiện
Như thường lệ, nhân dịp này, các phụng sự viên đã chuẩn bị trên 200 xuất ăn trưa chay mang phát trực tiếp cho những người thăm nuôi bệnh nhân bệnh viện 115.
Chương trình buổi chiều
Thực tập thiền để nạp thêm năng lượng và tĩnh tâm bước vào khóa tu buổi chiều là phần không thể thiếu trong các khóa tu được hướng dẫn do ĐĐ. Thích Ngộ Phương và không chỉ có ở khóa tu mà Đại đức cũng mong mọi người hãy về thực tập tại nhà hàng ngày.
Chương trình Pháp thoại
Trong cuộc sống hầu như ai trong chúng ta cũng phải tìm những nơi để nương tựa nhất là tâm linh, bằng cách này hay cách khác thì các vị minh sư, các vị thầy đều là những vị sứ giả của Như Lai luôn luôn có những giải pháp, những hướng dẫn thực tập, những nhận thức đúng để chúng ta có thể tìm ra được những giải pháp tốt nhất quyết định cho cuộc đời của mình hạnh phúc và an lạc hay không.
Phần pháp thoại cho chương trình khóa tu ‘’Ngày an lạc” do TT.TS.Thích Quang Thạnh, Ủy viên BTS. Kiêm chánh văn phòng II, Phó trưởng Ban kiêm thư ký Ban Phật giáo quốc tế, Ủy viên thường trực Ban Hoằng PhápTW, Ủy viên thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni TW, Tổng thư ký Hội đồng điều hành, kiêm giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Mặc dù bận rất nhiều Phật sự của Giáo hội, nhưng Thượng tọa cũng đã bớt chút thời gian đến ban bố cho các tu sinh những lời dạy của đức Phật để ứng dụng vào cuộc sống với chủ đề: “Hạnh nguyện của người Phật tử’’.
Với hai nội dung chính:
i) Hạnh như mặt đất; Thượng tọa đã phân tích những hạnh tự lợi từ mặt đất tâm của mỗi con người. Mặt đất nhận tất cả những rác thải, nước dơ từ con người mà mặt đất vẫn im lặng. Mặt đất vẫn im lặng bởi sức chịu đựng và kiên nhẫn. Mặt đất nhờ sức chịu đựng bền bỉ như vậy, nhờ sự im lặng như vậy, không nói bằng lời nói mà mặt đất có một sức mạnh trở thành nền tảng của tất cả sự sống của các loài chúng sanh. Chúng ta phải tập cho cái tâm mình phải có sự chịu đựng, kiên nhẫn bền bỉ để vượt qua tất cả những sóng gió cuộc đời…Cách thứ 2 là khi chúng ta có đủ nội lực rồi, khi đất đã đủ phì nhiêu rồi thì chúng ta gieo trồng hạt giống thiện vào sẽ được quả làm lợi ích cho bản thân và xã hội.
ii) Hạnh như dòng nước: hãy ứng xử như dòng nước, tập hạnh như dòng nước để hóa giải để làm lợi tha. Mềm để thiên biến vạn hóa, uyển chuyển, khi cần sức mạnh thì cần mạnh, nó có thể nâng được cả những con tầu hàng vạn tấn, khi cần kiên nhẫn để mài mòn, đá, bê tông cốt sắt thì chỉ có nước mới làm được. Đó là bản chất của dòng nước để chúng ta học ứng dụng vào cách hành trì trong con đường hoằng pháp độ sanh.
Kết thúc khóa tu là thời khóa tụng kinh Kinh Nhân quả và phước báo.
Rất mong được gặp lại các hành giả vào khóa tu ‘Ngày an lạc’ lần thứ 8, dành cho người lớn tuổi ngày: 16-10-2016 (16-09 Bính Thân). Và khóa tu ‘Tuổi trẻ Hướng Phật’ lần thứ 4 vào ngày 02-10-2016 (02-09 Bính Thân).