Khóa tu Ngày an lạc kỳ 9-KT9
Ngày
Tiếng
THÔNG TIN CHUNG
Khóa tu Ngày An Lạc lần 9 ngày 13/11/2016 (Nhằm ngày 14/10 Bính Thân) đã được trang nghiêm diễn ra tại chùa Giác Ngộ với hơn 750 hành giả đã về tham dự.
Chương trình pháp thoại
Kinh Pháp Cú còn được gọi là 423 lời vàng của Phật được xem là quyển kinh Phật bỏ túi, kinh gối đầu giường của người học Phật, tu Phật và trải nghiệm chân lý Phật. Có thể nói toàn bộ các lời dạy cao quý về chân lý và đạo đức được đức Phật khám phá và truyền bá trong 45 năm đều được chọn lọc cô đọng trong 423 câu lời vàng này.
Hôm nay, TT. Thích Đồng Trí, Giảng sư tại Học viện PGVN tại TP. HCM, quản Chúng trong chùa Giác Ngộ đã lựa chọn: “Lời dạy thứ 89 lời vàng của Phật’’ làm chủ đề cho bài Pháp thoại sáng nay 13/11 của khóa tu “Ngày an lạc’’ lần thứ 9 tại chùa Giác Ngộ.
Thượng tọa đã chia lời dạy thứ 89 thành 6 nội dung chính để phân tích đó là: i) Tâm chân chánh; ii)Thất giác chi; iii) Từ bỏ mọi ái nhiễm; iv) Không chấp thủ; v) Không lậu hoặc, vướng gì; vi) Sống an tịnh.
Với thông tuệ kho tàng Phật pháp, Thượng tọa đã phân tích tóm lược về Thất giác chi; Trạch pháp giác chi; Niệm giác chi; Tinh tấn chi giác; Hỷ giác chi; Khinh an giác chi; Định giác chi; Xả giác chi để các hành giả hiểu và thực hành đưa đến đời sống an vui hạnh phúc, thoát khỏi khổ để niết bàn là đây, Tịnh độ là đây!
Chương trình ‘’Phương trời thong dong’’
Dù là người đang mệt mỏi, đang khó chịu, đang nổi sân hay đang buồn rầu mà khi được nhìn thấy nụ cười đôn hậu của Thầy thì mọi nỗi buồn phiền, mệt mỏi cũng dần tan biến. Trong chương trình ‘’Phương trời thong dong’’ kỳ thứ 8 các hành giả trong khóa tu có được cơ duyên được gặp Thầy đó là ĐĐ.TS. Thích Giác Hoàng, ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó tổng thư ký Hoc viện PGVN tại TP. HCM, Trưởng khoa đào tạo từ xa chương trình Cử nhân Phật học của Học viện. Một trong những vị hướng dẫn thiền Minh Sát Tuệ trong vòng một thập niên qua tại nhiều khóa tu ở trong nước.
Qua sự dẫn dắt câu chuyện của MC. xinh đẹp, duyên dáng Lâm Ánh Ngọc, các hành giả trong khóa tu đã được nghe Đại đức chia sẻ từ việc Đại đức mồ côi mẹ từ nhỏ, Thầy đã theo cha đi xuất gia theo Hệ phái Khất sĩ từ năm 9 tuổi. Thầy cũng trải qua một thời gian rất là khó khăn trong quá trình theo học các chương trình phổ thông và tu học Phật, thời gian du học tại Ấn Độ và giờ đây Thầy cũng đã đạt được rất nhiều thành tựu trong việc tu học như đạt được học vị Tiến sĩ. Thầy là một vị tu sĩ trẻ nhưng đã có rất nhiều những đóng góp cho nền giáo dục Phật giáo, cho Tăng Ni sinh và cư sĩ tại gia. Đặc biệt cho Hệ phái Khất sĩ, Thầy đã tham gia và đóng góp rất lớn cho các sự kiện trọng đại của hệ phái. Những bài giảng và hoằng pháp của Thầy là hành trang cho rất nhiều Tăng Ni, Phật tử mang theo.
Trăn trở của Đại đức là mong muốn nền giáo dục Phật học Việt Nam được cải thiện hơn, bài bản hơn để Tăng tài của Phật giáo Việt Nam càng ngày càng đông hơn, đóng góp cho sự bền vững và phát triển Phật giáo nói riêng và cho dân tộc Việt Nam nói chung. Đồng thời Đại đức cũng mong muốn có những đạo tràng dạy và thực hành thiền tập cho các thiền sinh theo các khóa thiền 7- 10 ngày trở lên.
Các hành giả cũng rất xúc động khi được Đại đức chia sẻ những kỷ niệm cùng với TT. Thích Nhật từ khi còn du học bên Ấn Độ, cũng trải qua những khó khăn trong quá trình học và đặc biệt khi thành lập trang Wesb Đạo Phật Ngày Nay từ thời internet còn là một điều rất mới mẻ và giá cả vô cùng đắt đỏ ngay tại đất nước Ấn Độ.
Thời khóa thiền tập
Như thường lệ, thời khóa thực tập thiền không thể thiếu trong chương trình tu học ‘’Ngày an lạc’’ tại chùa Giác Ngộ, các hành giả đã được ĐĐ. Thích Ngộ Phương hướng dẫn thực tập thiền cho phần tu học đầu giờ chiều.
Chương trình “Vì sao tôi theo đạo Phật’’
“Tu đi cưng, hay lắm! Tu đi” đó là lời kể của MC. Thảo Nguyên khi cô MC. xinh đẹp duyên dáng này kể về chị khi hai người họ gặp nhau. Đó là NS. Ngân Huệ.
Các hành giả được nghe NS. Ngân Huệ trải lòng mình với nhân duyên theo đạo Phật, với việc hy sinh nghề nghiệp để nuôi dạy cậu con trai từ một đứa trẻ cũng ham chơi game. Các hành giả cũng thích thú khi nghe chị kể về việc dụ cậu con trai cùng đọc kinh với chị mỗi tối, từ một đứa trẻ không biết lời kinh kệ là gì thì nay hàng ngày biết tụng kinh và nghe các bài pháp thoại. Con chị đã trở thành một học viên đang làm luận án Thạc sĩ tại nước ngoài và hàng tháng đều đặn gửi 50 AUD vào quỹ từ thiện. Đặc biệt chị đã kể nhiều về việc đọc kinh, tụng kinh, nghe pháp thoại và thực tập hành trì theo những bài pháp thoại và các cuốn kinh sách do TT. Thích Nhật Từ biên soạn.
Nhắc đến NS. Ngân Huệ , chúng ta sẽ nhớ ngay đến vai diễn thành công của chị trong phim: “Cuộc Đời Đức Phật’’ trong vai công chúa Da-Du-đà-la. NS. Ngân Huệ đã lột tả rất sâu sắc và thành công là một công chúa hiền hậu , nhân từ, chung thủy hy sinh cho sự xuất gia và tu học của thái tử Tất-Đạt- Đa, người về sau này chính là đức Phật Thích Ca.
Ngoài ra, chị còn có những vai diễn được gọi là để đời, được nhiều khán giả ưa thích và báo chí thường nhắc đến là các vai đào chánh trong tuồng: Tiếng Sáo Tương Tư, Giấc Mộng Phù Hoa, Trọn Giấc Mộng Tình, Đứa Con Mồ Côi…
Đồng cảm với những hoàn cảnh cơ hàn, nên chị chú tâm làm công tác từ thiện, giúp cho đồng bào nghèo, neo đơn và các nghệ sĩ kém may mắn hơn mình, nhất là giúp đồng bào các tỉnh miền Trung, miền Tây, những vùng thường bị lũ lụt, khi nào có tổ chức cứu trợ, làm việc từ thiện thì người ta đều thấy có sự đóng góp rất của chị.
Kết thúc buổi trò chuyện, chị đã ca tặng cho các hành giả một nhạc phẩm do chính chị sáng tác sau khi ba mẹ chị qua đời: Ơn nghĩa sinh thành, bài ca đã làm cho các hành giả rất xúc động.
Kết thúc khóa tu là thời khóa tụng …………………..
‘’Ngày an lạc ‘’ tại chùa Giác Ngộ thật bổ ích, thiết thực mang lại rất nhiều điều mới mẻ. Đúng là: “hãy đến để mà thấy” !
Rất mong được gặp lại các hành giả vào khóa tu ‘Ngày an lạc’ Kỳ 10: 11-12-2016 (13-11 Bính Thân) dành cho người lớn tuổi. Và khóa tu ‘Tuổi trẻ Hướng Phật’ lần thứ 6 vào ngày 27-11-2016 (28-11 Bính Thân).