Khóa tu Thiền kỳ 5- TT05
Ngày
Tiếng
THÔNG TIN CHUNG
‘’Nếu biết thương chính mình hãy khép mở miệng mình, người trí trong ba canh phải luôn sống tỉnh thức’’.
Thiền Vipassana (Tứ niệm xứ) là một trong những phương pháp giúp người thực tập sống trong chánh niệm và tỉnh giác. Người luôn sống trong tỉnh thức là người an lạc và hạnh phúc. Các bạn sẽ được hướng dẫn thực tập hànhThiền để thanh tịnh tâm và thân trước mọi thăng trầm của cuộc sống tại các khóa tu thiền ở chùa Giác Ngộ. Khóa tu Thiền Kỳ 5: 18-06-2017(24-05 Đinh Dậu), đã được diễn ra tại chùa Giác Ngộ với sự tham gia của gần 800 thiền sinh.
Mở đầu cho khóa thiền các thiền sinh cùng Tăng đoàn tụng Kinh Bốn phép quán niệm đây là bản kinh được TT. Thích Nhật Từ biên soạn thuần Việt hóa. Bản kinh giúp chúng sanh thực hiện thanh tịnh, vượt thắng phiền não, tiêu diệt ưu khổ.
Phần pháp thoại thiền
Các thiền sinh được cung đón TT. Thích Giác Giới, Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM, Phó Ban Hoằng pháp tỉnh Vĩnh Long, Trụ trì chùa Viên Giác tỉnh Vĩnh Long.
Sư đã trao truyền cho các thiền sinh bài pháp thọaị với chủ đề: “Sống tỉnh thức”.
Giá trị của tỉnh thức và phương pháp thực hành để có được đời sống tỉnh thức. Đời sống tỉnh thức và đời sống tâm linh mà mục tiêu là sống để thanh lọc mọi ô nhiễm, tức là phiền não của nội tâm. Sống tỉnh thức là phải viễn ly khỏi đời sống hội chúng, không ưa thích giao tiếp (nói chuyện), không ưa thích sự ngủ, nghỉ, không ưa thích phiếm luận. Như vậy chúng ta mới sống tỉnh thức được. Tâm này rất khó thấy, nó rất tinh vì thường chạy theo ngoại cảnh. Tâm điều phục sẽ mang đến sự an lạc.
Sư đã đề cập đến 4 nội dung chính trong bài pháp thoại với các nội dung sau:
i) Tỉnh thức: Tỉnh thức có hai ý nghĩa , theo đức Phật sống tỉnh thức trong ba canh có nghĩa là ngày và đêm sống trong tỉnh thức và ba canh cuộc đời (thiếu niên, trung niên, lão niên), tức là ba thời trong cuộc đời đều phải sống trong tỉnh thức. Khi thấy rõ sự nguy hiểm của ác bất thiện pháp (Thân hành ác, khẩu hành ác, ý hành ác). Khi tu tập những hạnh lành (Thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện). Sống làm lợi ích cho mình, cho nguời khác. Không làm hại mình, không làm hại người khác, gọi là sống tỉnh thức.
ii) Tư thế hành thiền: Tư thế ngồi thiền, không nhất thiết phải ngồi kiết già, bán già, không nhất thiết tay phải bắt ấn, chỉ cần xếp bằng, nhưng phải luôn giữ thân ngay thẳng, ngồi như thế nào phải biết chánh niệm, không gò bò, không chèn ép, lạc trú về thân. Khi ngồi thiền dẹp bỏ 5 triền cái là năm màn ngăn che làm cho con người không thấy được tâm mình tham lam, sân hận, ngu si, ngã mạn, nghi ngờ. Năm triền cái là chướng ngại chính cản trở sự thành công trong hành thiền. Không lệ thuộc thời gian.
iii) Trước khi hành thiền phải biết: Sợ hãi sự luân hồi; Biết nhàm chán; Hiểu biết chính xác về bản thân- Mỗi người có một cá tánh (tánh ái, tánh sân, tánh si, tánh tầm, tánh đức tin, Tánh trí) để chọn đề mục cho chính xác, thích hợp cho từng cá tánh làm đề mục đối trị để quán niệm.
iv) Ba yếu tố cơ bản trong đời sống tỉnh thức tu thiền: Sự nhiệt tâm: không lười biếng; Chánh niệm cho vững (không phải là niệm Phật, niệm kinh): dùng tác ý để biết rõ, nhận thức rõ; Tỉnh giác: biết rõ điều lợi ích hay không lợi ích, có thích hợp hay không thích hợp, tỉnh giác trong đề mục.
Với kinh nghiệm tu tập và thâm nhập kho tàng Phật pháp theo hệ văn bản Pali của bản thân, Sư đã đi sâu phân tích 4 nội dung trên để chia sẻ phần lý thuyết căn bản làm hành trang cho các thiền sinh trong quá trình tu tập hành thiền.
Phần thiền tọa và thiền hành
Sau phần lý thuyết là giờ thực tập thiền tọa, thiền hành do ĐĐ. Thích Ngộ Phương hướng dẫn cho các thiền sinh.
Chương trình tu tập buổi chiều
Như thường lệ thực tập thiền hành và thiền tọa do ĐĐ. Thích Ngộ Phương và Tăng đoàn hướng dẫn.
Phần tiếp nối các thiền sinh được nghe ĐĐ. Thích Ngộ Phương, một vị Đại đức trẻ nhưng đã có quá trình và kinh nghiệm tu tập hành thiền rất thâm hậu đã trả lời những nghi vấn, hoài nghi trong quá trình thực tập thiền được đặt ra với các nội dung sau: Phương pháp giải tâm từ, cách điều phục, phương pháp buông xả không bám víu? Có bao nhiêu loại thiền? Thiền Tứ niệm xứ là gì? Khi ngồi thiền được 10 phút toàn thân đau nhức mỏi làm thế nào để hết được? Khi ngồi thiền dùng trí để phân tích làm thế nào để sửa? Khi Thiền có cần phải giữ Giới- Định –Tuệ ? Khi ngồi thiền có cần tác ý mọi đối tượng hay buông bỏ? Tay phải hay tay trái để trên hay dưới? Khi ngồi thiền thấy tia sáng lúc chỗ này, lúc ở chỗ khác? Hiểu an trú trong hiện tại của đạo Phật? Trong khi cuộc sống hiện tại thì lập nghiệp, lấy vợ, sinh con, xây nhà v.v…cái gì cũng phải hoạch định trong tương lai? Sự khác nhau của Thiền Trường sinh học và thiền Tứ niệm xứ? Ba nghiệp không thanh tịnh sẽ không nhập vào thiền định? Trong lúc thiền niệm Phật có được không? Khi tu thiền, chết đi về đâu? Khi ngồi thiền con hay bị chuột rút? Tự chọn đề mục để quán nhưng mới chỉ dừng lại ở hơi thở? Khi ngồi thiền tự nóng toàn thân, thấy ánh sáng, đau nhức? Có đề mục nào quán hơn sự phòng xẹp? Khi thiền cứ nghĩ đến hình ảnh bên ngoài? Tâm tánh con dính mắc cả 6 (tánh ái, tánh sân, tánh si, tánh tầm, tánh đức tin, Tánh trí) thì chọn đề mục nào để quán?
Phần trả lời của Đại đức đã làm hài lòng các thiền sinh.
Với phần lý thuyết căn bản về hành thiền và phần trả lời các thắc mắc trong khóa tu thiền lần thứ 5. Hy vọng các thiền sinh khi trở về với cuộc sống đời thường, cần phải tiếp tục nỗ lực hành trì ít nhất được hai lần trong ngày (mỗi lần 01 giờ) để luôn sống trong tỉnh thức, biết trân quý cuộc sống để tận hưởng hạnh phúc ngay trong phút giây hiện tại. Hơn hết là không uổng phí những gì Thầy đã dạy và những người đã tổ chức phục vụ cho các khóa tu!
Sadhu! Sadhu! Sadhu!
Rất mong được gặp lại các hành giả vào Khóa tu thiền Khóa tu thiền Kỳ 6: 16-07-2017(23-06 Đinh Dậu); Khóa tu ‘’Ngày An Lạc’’ Kỳ 22: 25-06-2017(02-06 Đinh Dậu); Khóa tu ‘’Tuổi trẻ Hướng Phật’’ Kỳ 14: 02-07-2017(09-06 Đinh Dậu).