Khóa tu Tuổi trẻ hướng Phật kỳ 13- GT13
Ngày
Tiếng
THÔNG TIN CHUNG
Thế giới di động càng phong phú bao nhiêu, những tiện ích lớn lao mà nó mang lại càng nhiều bao nhiêu thì các bạn lại càng tung hoành lướt sóng hay lơ lửng vi vu trong thế giới ảo bấy nhiêu. Nhưng cũng lại thu mình ngay trong chính ngôi nhà của mình! Vậy các bạn trẻ phải làm gì để biết sống trung đạo trong thời đại của Smartphone? Đồng thời, các bạn trẻ đã may mắn được nhìn, được nghe trực tiếp một tấm gương, một con người với một cuộc đời đi tìm lại, gây dựng lại những giá trị linh thiêng của truyền thống, bản sắc văn hóa mà đã hoặc đang có nguy cơ bị đánh mất và những cái nhìn hiện thực về việc giữ gìn truyền thống, văn hóa bản sắc, về di sản về hôn nhân khác tôn giáo và giới tính…
Khóa tu “Tuổi trẻ hướng Phật’’ lần thứ 13 ngày 04-06-2017(10-05 Đinh Dậu) tại chùa Giác Ngộ TP. HCM đã hân hoan chào đón trên 500 bạn trẻ đã có mặt tại đây.
Như thường lệ, mở đầu chương trình là thời khóa tụng Kinh Tránh xa các cánh cửa bại vong. Đây là Bản Kinh được TT. Thích Nhật Từ biên soạn Việt hóa, được trì tụng thường xuyên tại chùa nhằm nhắc nhở các đệ tử Phật.
Chương trình pháp thoại
Các bạn trẻ được cung đón vị Đại đức trẻ, một đệ tử xuất sắc của TT. Thích Nhật Từ, ĐĐ. Thích Ngộ Phương, Thầy vừa tốt nghiệp Cử nhân Phật học tại Thái Lan.
Với nhiệt huyết của một vị Đại đức trẻ tuổi, Đại đức đã chia sẻ cho các bạn trẻ trong khóa tu với chủ đề : “Người yêu cô đơn’”.
Theo định nghĩa của Đại đức: Cô đơn là không phải không có ai bên cạnh mà là cô độc giữa đám đông, cô đơn là ở gần cha mẹ mà không truyền thông được với cha mẹ, ở gần bạn bè mà không thấy được chỗ kết lối, đi xông pha vào chỗ đông người mà không thấy chút hơi người chỉ thấy sự lạnh nhạt. Cô đơn là một trạng thái loại trừ sự cô độc, thích ở một mình nên tạo ra sự cô đơn, không biết yêu quý và trân trọng cái đẹp khi ở một mình tạo ra sự tĩnh tại với sự cô đơn. Khi biết yêu sự cô đơn thì mình không còn là người đơn côi.
Bài pháp thoại được Đại đức đề cập đến 2 vấn đề: i) Thế giới di động làm cho con người ngày càng cô đơn; ii) Học đức Phật để chuyển hóa sự cô đơn.
Không ai có thể phủ nhận sự tiện ích của Smartphone trong cuộc sống, Smartphone đã trở thành một thiết bị khó có thể thiếu trong cuộc sống, tuy nhiên bên cạnh những mặt lợi nó còn có những tác hại không hề nhỏ. Ngoài những ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà các nhà khoa học đã phân tích, người nghiện điện thoại, Facebook… cũng có thể làm cho các bạn trẻ mất đi khả năng giao tiếp xã hội. Các điện thoại thông minh có thể can thiệp vào quá trình thông tin liên lạc giữa con người. Thời nay, bất cứ ở đâu từ sân bay, xe lửa, xe buyt, đi bộ hay chạy xe trên đường phố và khi về tới nhà có thể thấy rằng nhiều người cứ nhìn vào điện thoại của họ và không hề nói chuyện với nhau.
Lúc mới sinh thời, thái tử Tất-Đạt-Đa sau 7 ngày đã mất mẹ, Ngài đã cô đơn, mặc dù sống trong hoàng cung được vua cha chiều chộng với ba lâu đài đẹp, để mong Thái tử từ bỏ con đường đi tu, nhưng thái tử Tất-Đạt-Đa vẫn thấy cô đơn và trăn trở sau những lần dạo chơi 4 cửa thành: Làm sao mọi người trẻ mãi không già, làm sao mọi người khỏe mãi không bệnh, làm sao mọi người sống mãi không chết, làm sao mọi người hết khổ?
Thái tử đã ra đi tìm đường học đạo, nhưng Ngài lại một lần nữa cô đơn sau 6 năm tu khổ hạnh khi không tìm ra được sự giác ngộ. Khi tìm ra con đường trung đạo sau 49 ngày thiền định dưới cây Bồ đề, Ngài đã giác ngộ thành Phật. Đức Phật sống một mình nhưng không cô đơn bởi Người mang chân lý Tứ diệu đế do mình sáng tác để chỉ đường cho những người hữu duyên thực tập giải quyết các vấn nạn khổ đau của kiếp người…
Đại đức cũng nhắn nhủ các bạn trẻ hãy học theo đức Phật, sống trong chánh niệm, có trí tuệ, sống tỉnh thức thì dẫu có sống một mình cũng không bao giờ cô đơn.
Chương trình sinh hoạt
Các bạn tu sinh đã có cuộc thi với chủ đề: ‘’ Xóa mù chữ Phật pháp’’, do ĐĐ. Thích Minh Thạnh một MC gắn liền với các khóa tu tuổi trẻ không chỉ tại TP. HCM và Tăng đoàn chùa Giác Ngộ hướng dẫn.
Với 6 chủ đề dành cho 6 ‘’Nhóm gia đình’’ : Hòa bình, facebook; Bạo lực học đường; Ăn chay; Lễ hằng thuận; Chùa là nơi tôn nghiêm.
Đây là những chủ đề đòi hỏi các thí sinh phải ‘Đa tài’ bởi đề thi và Ban giám khảo gồm toàn là những vị Đại đức có trình độ Phật học rất cao. Nên các thí sinh phải phát huy hết tất cả ‘Tài năng xuất chúng’ mới có thể làm được, nào là: ý tưởng, bố cục tốt, nhà họa sĩ, nhà nghiên cứu, nhà Phật học, nhà lịch sử, nhà hùng biện, nhà thuyết trình, nhà..nhà… Sau một thời gian ‘cam go’ 6 ‘Nhóm gia đình’ cũng đã hoàn tất bài thi theo đúng thời gian quy định của Ban giám khảo. Đúng là ‘cam go’ cho cả Ban giám khảo khi phải chấm từng điểm số sau dấu phẩy. Cuộc thi nào thì cũng có người nhất, nhì, ba … và cũng tìm ra được những ‘Tác phẩm’ nổi tiếng để lại cho ‘muôn đời sau chiêm bái’ tại chùa Giác Ngộ. Đồng thời cũng tìm ra những nhà ‘Thuyết trình- nhà hùng biện’ nổi tiếng làm cho các tu sinh cười ‘nghiêng ngả’.
Chương trình không chỉ là để vui, để giải trí mà thực sự đã mang lại rất nhiều giá trị cho các bạn trẻ biết và hiểu về đạo Phật.
Chương trình: “Gương sáng”
Các bạn trẻ đã có cơ hội được gặp gỡ một người mà ông có rất nhiều chức danh để gọi là ‘Nhà’: Nhà cổ học; Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa nghệ thuật; Nhà nghiên cứu Phật học, nhưng ông chỉ thích mọi người gọi ông như là một chức danh Cư sĩ. Đó là Cư sĩ Trần Đình Sơn một nhà trí thức có tâm với đạo Phật. Ông là Phó Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN.
Các tu sinh được nghe về nhân duyên trở thành Nhà cổ học thay vì theo tâm nguyện của mẹ là phải học nghề Y, thế mà ông lại say mê trở thành một nhà nghiên cứu sưu tầm cổ học, di chỉ khảo cổ qua buổi gặp gỡ đầu tiên với cố học giả Vương Hồng Sến.
Là một nhà văn hóa nghệ thuật, với vốn sống khá phong phú khi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về văn hóa về Nho giáo, ảnh hưởng rất nhiều đến con đường nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Ông còn là một tác giả xuất bản rất nhiều cuốn sách về Văn học, nghệ thuật đặc biệt là những cuốn sách viết về cố Đô quê hương Ông. Các tu sinh được nghe ông chia sẻ thêm về vùng đất, về văn hóa, về con người xứ Huế. Đơn giản như văn hóa ăn uống; Văn hóa lời nói dân gian hay là lời nói trong nhà hoàng tộc…hay mảng văn hóa trong cung đình được đem ra ngoài dân gian.
Các tu sinh cũng rất thích thú khi được nghe Ông kể về cái thời còn nhỏ khi nhân duyên quy Y theo đạo Phật, nhất là ba tháng ở tại chùa cùng với mấy Chú tiểu. Khi trưởng thành, nhờ 3 tháng ở chùa và 5 điều phát nguyện khi quy Y lúc 15 tuổi trước Tam bảo đã giúp Ông vượt qua khi thay đổi nghề nghiệp, là hành lang ngăn ông đến với những thú vui hay quá đà trong lúc uống rượu… giúp ông giữ được những điều căn bản của người Phật tử cho đến hôm nay.
Là Phó Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, khi nói đến di sản của Phật giáo, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn có những quan điểm về di sản khi cũng cần phải xem lại cái gì là di sản cần phải duy trì bảo tồn toàn bộ. Chúng ta nên có quan điểm cho đúng về di sản chứ không nhất thiết cứ là di sản phải giữ gìn, có những cái chúng ta phải giữ gìn nhưng cũng có cái phải phá bỏ thay thế. Ông cũng lấy ví dụ như chùa Giác Ngộ, nếu cứ giữ gìn ngôi chùa Giác Ngộ cách đây 1100 năm thì không thể có ngôi chùa Giác Ngộ hiện đại ngày nay để phục vụ cho quần chúng tu học.
Ông cũng đề cập đến vài truyền thống hủ tục như đốt vàng mã, khói hương nghi ngút, thầy bà la hét om xòm hay là cỗ bàn linh đình, uống rượu say xỉn… Bản sắc Văn hóa cần phải giữ gìn, tuy nhiên cũng phải thay đổi để phù hợp với lớp trẻ.
Khi chia sẻ ở góc độ hôn nhân khác tôn giáo cho các bạn trẻ ông khuyên: Nếu lập gia đình nên suy nghĩ và tìm hiểu cho kỹ đặc biệt nên đồng tín ngưỡng vì khi đồng tín ngưỡng sẽ giúp cho cha mẹ giáo dục con cái theo hướng tốt. Phật giáo không coi hôn nhân là bổn phận đối với tôn giáo, nên dễ bị thuyết phục cuối cùng bỏ đạo để đi theo tiếng gọi tình yêu. Nếu các bạn trẻ đã có hiểu biết về giáo lý đức Phật, có niềm tin vững vàng. Đừng ai, bắt buộc ai, phải theo tôn giáo của mình, dù đó có là người mà bạn muốn lấy làm vợ, làm chồng. Người nào áp đặt người bạn đời phải theo tín ngưỡng của mình, người đó rất là lạc hậu thì các bạn cũng không nên khổ đau vì mối tình đó. Đó là vi phạm quyền tự do tín ngưỡng chỉ vì mục đích danh lợi cá nhân.
Về hôn nhân đồng tính, Ông cũng chia sẻ, Phật giáo không đặt năng vấn đề hôn nhân đồng tính vì coi đồng tính là một giả tướng là nghiệp. Chỉ có một việc mà Phật giáo cấm là người đồng tính không được xuất gia, vì điều đó sẽ gây hiểu lầm và rắc rối cho việc khi ở với Tăng hoặc với Ni. Nếu nay mai có các cặp hôn nhân đồng tính xin làm lễ hằng thuận tại chùa thì nhà chùa vẫn làm lễ bình đẳng như các cặp đôi bình thường khác.
Cuối cùng, ông hy vọng sẽ có các buổi gặp gỡ khác để trao đổi nhiều vấn đề trong các lĩnh vực khác sâu hơn.
Một ngày có mặt tham dự: ‘’Khóa tu tuổi trẻ hướng Phật ’’ các bạn đã không phải tiếc một ngày chủ nhật quý giá. Bởi bạn đã mang về được rất nhiều giá trị lợi lạc cho bản thân!
Xin tạm biệt và rất mong được gặp lại các bạn trẻ vào khóa tu ‘Tuổi trẻ Hướng Phật’ Kỳ14: 02-07-2017(09-06 Đinh Dậu) ; Khóa tu ‘Ngày an lạc’ Kỳ 21: 11-06-2017(17-05 Đinh Dậu) ; Khóa tu Thiền Kỳ 5: 18-06-2017(24-05 Đinh Dậu)