Khóa tu Tuổi trẻ hướng Phật kỳ 2- GT2
Ngày
Tiếng
THÔNG TIN CHUNG
Vào ngày 31 tháng 7 năm 2016 (28/6 Bính Thân), khóa tu “Tuổi Trẻ Hướng Phật” lần thứ 2 đã được diễn ra tại chùa Giác Ngộ, với gần 500 bạn trẻ đã có mặt tham dự.
Phần sinh hoạt đầu
Phần mở đầu của khóa tu buối sáng là thời Kinh Người Áo Trắng, đây là bản Kinh rất quen thuộc mà đức Phật dạy cho người tại gia được các Phật tử chùa Giác Ngộ trì tụng thường ngày, đọc là hiểu, bởi ngôn ngữ thuần Việt do chính TT. Thích Nhật Từ biên dịch.
Sau thời kinh là phần tất cả các tu sinh cùng tập hát Đạo ca dưới sự hướng dẫn của Ban nhạc Diệu âm trẻ được thể hiện lời các bài hát trên màn hình. Ngay khi các bản nhạc Đạo ca được cất lên, không khí một ngày tu tuổi trẻ đã hứa hẹn mang đến nhiều ý nghĩa phù hợp với lứa tuổi.
ĐĐ. Thích Thiện Xuân thuyết giảng
Đến chia sẻ Phật pháp với các bạn trẻ sáng nay là bài pháp thoại của ĐĐ.Thích Thiện Xuân, Ủy viên Ban hoằng pháp Trung ương với chủ đề “Học Phật” với 3 phần: Sen nhỏ (sen búp) dành cho các bạn nhỏ; ii) Sen nở dành cho các bạn lớn hơn; iii) Hạt sen dành cho người lớn tuổi.
Với phân tích vui nhộn, giản dị, dễ hiểu, bằng những câu đố, những biểu tượng mà tất cả những người muốn học Phật phải hiểu các biểu tượng, những ẩn dụ qua văn học (tức lớp nghĩa bóng). Sen nhỏ khi đi học Phật có thể chưa hiểu gì, nên dậy các em nhỏ chỉ cần dậy cái vỏ tức biết chắp tay lậy Phật, biết niệm câu A Di Đà Phật đã là tốt lắm rồi nhưng khi sen bắt đầu nở( sen lớn) thì phải học Phật cho đến nơi, đến chốn. Người học Phật phải hiểu và học được: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Cho nên tuổi trẻ học Phật, hướng Phật phải biết nắm cái gì và biết buông bỏ cái gì để giải phóng khổ đau. Đối với sen đã nở thì bỏ hết mầu mè để trưởng dưỡng hạt, nên khi học Phật không lấy việc sám hối, lễ, lậy Phật, trì chú… là chính mà là học cái lõi của cây. Đối với sen đã thành hạt (người lớn), học Phật thì chúng ta phải nói chuyện trước mặt. Người tu học Phật cũng phải hướng tới những việc hiện tại, người nào trưởng dưỡng hạt sen lớn lên, đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm, vào, ra, cười, nói tướng đoan trang, bỏ ác làm lành. Vì vậy, tốt hay xấu là ở mình, người khác tốt hay xấu là nhân quả của người ta.
Phần cuối của bài pháp thoại, các bạn trẻ đã đặt ra các câu hỏi liên quan đến cuộc sống thường nhật: Làm sao để cân bằng giữa công việc, đam mê và đời sống tinh thần? Tại sao, luôn đối xử tốt với người khác mà vẫn luôn bị đố kỵ, ganh ghét? Nghĩa của câu: “Phiền não tức Bồ đề”. Đại đức đã lấy những ví dụ thực tế, dễ hiểu để trả lời thỏa đáng cho người hỏi và tất cả những người nghe trong khóa tu.
TT. Thích Nhật Từ trả lời vấn đáp
Những điều mà các bạn trẻ đang quan tâm, những trở ngại cá nhân, những trở ngại gia đình, bạn bè, những điều hướng tới tương lai mà đôi lúc muốn hỏi cha mẹ, cha mẹ thì bận rộn hoặc không muốn nghe, muốn tìm hiểu trên các trang mạng Phật giáo thì lại không trực tiếp đề cập đến. Vì vậy, đây cũng là một cơ hội thuận lợi nhất để các bạn trẻ có thể tháo mở những trở ngại qua phần “Vấn đáp Phật pháp ứng dụng” do TT. Thích Nhật Từ chủ trì.
Như thường lệ, Thượng tọa vẫn ưu tiên cho các câu hỏi trực tiếp từ các tu sinh trước các câu hỏi được viết ra giấy.
Với sự tự tin, năng động, lạc quan yêu đời của tuổi trẻ, những câu hỏi đã được đặt ra quả thật là rất lớn như: Thầy và các chư Tôn đức Tăng Ni của GHPG đã và đang có phương hướng gì để mang những chân lý đạo đức Phật giáo vào trong hệ thống giáo dục của Việt Nam? Thông tin nóng hổi về Phật giáo Tây Tạng? Phải chăng đức Phật quá từ bi? Tuổi trẻ có người thì khuyên bảo cần phải bay cao, bay xa, hãy đi ra biển lớn để thấy thế giới rộng lớn, nước Nhật giàu như thế mà còn đi tới châu Phi để làm việc, thế nhưng con lại được khuyên là cha mẹ đã già rồi cần phải dành thời gian ở bên càng nhiều càng tốt, đạo hiếu làm con trong trường hợp này?
Là một giảng sư, một nhà hoằng pháp, Thượng tọa là một nhà hoạt động về giáo dục, mong muốn cho tuổi trẻ biết đến một nền minh triết của giáo lý nhà Phật được đưa vào hệ thống giáo dục học đường trong tất cả các cấp học của Việt Nam, đó là niềm mơ ước của Thượng tọa nói riêng và của GHPGVN nói chung. Bản thân Thượng tọa cũng đã trực tiếp gặp gỡ Bộ trưởng bộ giáo dục và tiếp cận làm việc với các hiệu trưởng trường đại học KHXH&NV nhiều lần, ngay bản thân Thầy đã có rất nhiều lời mời đứng lớp tại các giảng đường đại học, nhưng với một điều kiện là phải mặc âu phục, việc này các tu sĩ Phật giáo Việt Nam chưa được phép. Việc đưa giáo lý minh triết của đạo Phật vào học đường là chính sách của Bộ chính trị quyết định và người điều hành trực tiếp là Bộ giáo dục và đào tạo. Việt Nam đã dành độc lập 41 năm nhưng nền giáo dục trong thời chiến tranh đề cao chủ nghĩa yêu nước, trong thời hòa bình phải là hướng đến sự phát triển chứ không phải là ổn định. Việt Nam hiện nay đang đứng trước nguy cơ bị khủng hoảng đạo đức, khủng hoảng xã hội, gia đình và khủng hoảng niềm tin ngày càng sâu nặng. Thượng tọa đã nhấn mạnh đến nền giáo dục Việt Nam đang là một nền giáo dục lạc hậu ngay trong khu vực chứ chưa nói đến so với thế giới. Trong khi nguồn tiềm năng của người Việt Nam là vô hạn nếu chúng ta có chủ chương đúng thì nền giáo dục Việt Nam không thuộc vào nền giáo dục lạc hậu ngay trong khu vực… Thượng tọa đã lấy ví dụ minh họa bằng cuộc cách mạng của Thiên Hoàng Nhật Bản vào năm 1866- 1869 và cuộc cải cách giáo dục mạnh mẽ của Nhật Bản chỉ sau 5 năm… Vì Việt Nam là nước Xã hội chủ nghĩa, nên đưa nền giáo dục minh triết của đạo Phật vào nền giáo dục Việt Nam thuộc ngoài tầm với của Tăng Ni.
Qua truyền thông thế giới gần 2 tuần qua thì nhà nước Trung Quốc đang cho tháo dỡ một phần Học viện của Phật giáo Tây Tạng với lý do để bảo đảm an toàn cho việc phòng chống cháy nổ khi phần lớn các nhà này được làm bằng gỗ. Thượng tọa cũng đã phân tích, hướng dẫn cách và khuyên các tu sinh biết cách tiếp cận, chọn lọc khi tiếp cận các thông tin thực và ảo trong thời đại kỹ thuật số, để bản thân không là những cái loa phóng thanh tạo ra nỗi hàm oan cho tha nhân, đó là điều hết sức cẩn trọng. Thượng tọa cũng lấy ví dụ các thông tin, các trang mạng đang chống phá đạo Phật, chống phá, vu khống, sỉ nhục các tu sĩ như Cố Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, Hòa thượng Thích Minh Lạc và bản thân TT. Thích Nhật Từ… Từ đó, để biết được các thế lực thù địch, phá hoại Phật giáo đang quyết liệt chống phá đạo Phật như thế nào. Nghiệp vu khống, không phải là một nghiệp nhẹ, hậu quả của nó để lại cực kỳ nghiêm trọng. Hãy biết quý trọng thời gian làm việc tốt cho cuộc đời thì phước của chúng ta sẽ được nhân lên. Tóm lại, thông tin Học viện Phật giáo Tây Tạng bị phá dỡ, chúng ta chỉ tiếp nhận và tham khảo và hết sức cẩn trọng, nếu không chúng ta biến mình trở thành một nạn nhân!
Đối với câu hỏi trăn trở về sự nghiệp, hạnh phúc tương lai, một bên là hiếu thảo, một bên là sự nghiệp, hai gánh này được đặt lên bàn cân thì Thượng tọa có các lời khuyên các bạn trẻ Việt Nam như sau: i) Đừng nghĩ rằng biển khơi là nước ngoài: đừng mặc cảm tự ty, đừng nghĩ rằng cứ ở nước ngoài mới trở thành tỷ phú. ii) Có phương pháp và kiến thức: Để có kiến thức và phương pháp đúng về lập nghiệp. Kiến thức học được là kiến thức thực tiễn, rất nhiều lĩnh vực ngành nghề ví dụ như thị trường vàng rất nhiều giáo sư kinh tế, những chuyên viên kinh tế tầm cỡ thế giới, cũng chưa chắc lắm vững được hoạt động trong lĩnh vực thị trường vàng như là những người trực tiếp tham gia vào lĩnh vực này. Do đó, chúng ta phải học từ những kinh nghiệm của người đi trước hoặc kiến thức từ trường lớp. Đừng quan trọng ao lớn, ao nhỏ, biển lớn mà là cách đi đúng hướng, đúng phương pháp. iii) Đi du học (rời ao nhà) ra sông lớn đừng cho rằng là rời biên giới mà đi từ tỉnh này sang tỉnh khác cũng là du học, quan trọng là học giỏi, nhận học bổng và đi ra biển lớn. Biến ao nhà Việt Nam thành biển lớn của thế giới, tại sao chúng ta phải bỏ ao nhà Việt Nam mà đi tìm một miền đất hứa. Giáo sư Ngô Bảo Châu cứ mỗi năm về Việt Nam để giảng dạy tại Viện nghiên cứu Toán học Việt Nam, trong khi mỗi giờ giảng dạy của giáo sư tại nước ngoài là vài ngàn USD. Chính bản thân Thượng tọa đã từ bỏ những cơ hội làm trụ trì các ngôi chùa được người Việt Nam cúng dường nếu nhập quốc tịch Hoa Kỳ trong khi trước năm 1985, 1987 Thượng tọa đã có vài chục lần đi vượt biên mà không thành. Bây giờ, Việt Nam mở cửa, chỉ cần xin visa, tuy mất thời gian chút ít nhưng đi được khắp nơi trên thế giới thì thế giới là nhà, biển cả là ao nhà, ao nhà là biển cả không quan trọng mà quan trọng là cái đầu của chúng ta…
Tóm lại: đừng yêu cầu đất nước đã làm gì cho chúng ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho đất nước. Cho nên, các bạn trẻ Việt Nam khi rời làng quê của mình, rời đất nước của mình đi du học thì hãy quay trở về làm giàu đẹp cho quê hương đất nước mình, giống như thời kỳ Thiên Hoàng của đất nước Nhật Bản.
Chương trình Gương Sáng kỳ 2 với nhân vật là ĐĐ. Thích Đạt Ma Phổ Giác
Trước khi vào chương trình ‘Gương sáng’ các tu sinh được thực tập yoga cười giúp các bạn tu sinh tràn đầy năng lượng sống, sống tích cực và yêu đời do ĐĐ. Thích Minh Thạnh hướng dẫn. Sau đó là bài thực tập thiền chánh niệm do ĐĐ. Thích Ngộ Phương hướng dẫn cho tâm và thân liên lạc được chánh niệm tỉnh thức qua hơi thở hoặc bằng quán chiếu, đây cũng là cơ hội ít phút trong khóa tu và hy vọng sau khóa tu, chúng ta thực tập thiền ít phút mỗi ngày, thực tập yoga cười, sẽ làm cho tâm an lạc, đẹp, trẻ, khỏe, có trí nhớ tốt, làm việc, học tập có hiệu quả hơn.
Trong chương trình “Gương sáng” kỳ 2 của khóa tu “Tuổi trẻ hướng Phật” là ĐĐ. Thích Đạt Ma Phổ Giác, Phó trụ trì chùa Linh Xứng, tỉnh Thanh Hóa.
Có một số Phật tử biết đến Đại đức qua cuốn tự truyện “Lột xác”. Còn hôm nay, tất cả các tu sinh được nghe, được nhìn thấy trực tiếp một người con Phật cất bước trên đường hành Bồ Tát đạo lại là một người bước ra từ những thăng trầm trong cuộc đời của Đại đức.
Qua MC Xuân Hiếu, tất cả các tu sinh được nghe Thầy kể lại nhân duyên đến với đức Phật. Đúng là nhân duyên không ai giống ai, làm cho tất cả những bạn tu sinh nếu chưa đọc qua cuốn tự truyện “Lột xác”, đi từ hết bất ngờ này, đến bất ngờ khác và nhất là ai cũng xúc động khi Đại đức nghẹn ngào nhắc đến mẹ mà một thời lầm lỗi, người con này đã làm cho người mẹ mình rất đau khổ.
Qua ba lần có cơ hội làm lại cuộc đời mà vẫn không vượt qua được. Đại đức đã dũng cảm kể về cuộc đời của mình từ khi đi học, túi mang cặp sách, túi mang hoa quả đến trường bán phụ mẹ lấy tiền, nuôi 9 miệng ăn trong gia đình, cho đến những năm tháng sa ngã, tiêm nhiễm đủ thứ ăn chơi: cướp giật, lừa gạt, chém giết, gái, ma túy, hối lộ, tống tiền… và cuối cùng là tham gia vào đường dây Năm Cam khét tiếng cả nước.
Sau lần trở về gặp mẹ, với ý định gặp lần cuối cùng để rồi chỉ còn có “chết đi là xong”. Vậy điều gì đã làm lên sự kỳ diệu để có một ĐĐ. Thích Đạt Ma Phổ Giác đang hiện diện ở đây, trong chương trình gương sáng khóa tu “Tuổi trẻ hướng Phật” hôm nay? Một lần nữa Đại đức lại nhắc đến mẹ. Bà đã khuyên người con đầy tội lỗi này: “Hãy đi tu để trả nợ đời”.
Và hành trình đi xuất gia của một người đã mang trên mình bản án 6 tháng tù, đâu dễ ai chấp nhận. 12 năm phát nguyện làm công việc nhà bếp, nấu ăn cho các chư Tăng Thiền viện Thường Chiếu, một công việc không phải ai cũng dễ làm ở một ngôi chùa có đến vài trăm xuất ăn 3 bữa mỗi ngày. Ngoài công việc từ thiện, Thầy còn là tác giả của 50 cuốn sách đã được xuất bản.
Cuối cùng, ĐĐ. Thích Đạt Ma Phổ Giác đã có một vài lời khuyên với bạn trẻ: Hãy chọn bạn tốt để chơi, chọn môi trường tốt để tu học, chọn nghề nghiệp chân chánh mà làm và học và tu những điều đúng.
Phần sinh hoạt kết thúc khóa tu
Sau buổi tọa đàm là phần hoạt náo vui vẻ và sôi nổi nhất trong ngày của các bạn trẻ được hướng dẫn bởi ĐĐ. Thích Minh Thạnh đã làm cho các khóa sinh mãn nguyện, cười hết cỡ.
Sau những nụ cười của chương trình sinh hoạt trẻ là những giọt nước mắt ngẹn ngào khi cả hội trường được nghe những tiếng lòng của Thầy Minh Thạnh nói về công ơn dưỡng dục của cha và mẹ. Đây là lời nhắc nhở đối với tất cả bạn trẻ tham dự khóa tu hãy luôn dành những tình cảm chân thành nhất, những hành động thiết thực nhất hướng về hai đấng sinh thành nhân mua Vu Lan về. Bài hát Nhật ký của mẹ được cất lên bởi toàn thể tu sinh đã kết thúc chương trình khóa tu “Tuổi trẻ hướng Phật” lần thứ 2 đầy cảm xúc và ý nghĩa.
Xin tạm biệt và rất mong được gặp lại cá bạn trẻ vào khóa tu “Tuổi trẻ Hướng Phật” lần thứ 3 vào ngày 4-09-2016 (4-08 Bính Thân). Và các hành giả vào khóa tu ‘Ngày an lạc’ lần thứ 7, dành cho người lớn tuổi ngày 21-08-2016 (19-07 Bính Thân).