Hiện diện trong chương trình “Phương trời thong dong’’ kỳ thứ 10, các hành giả đã được gặp gỡ ĐĐ. TS. Thích Chúc Tín, Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học Đà Nẵng, Giảng viên Học viện PGVN tại TP. HCM, Chánh Văn phòng BTS GHPGVN TP. Đà Nẵng. Trụ trì chùa Bát Nhã.
Qua MC. Lâm Ánh Ngọc các hành giả được biết đến câu chuyện nhân duyên giữa Đại đức với chùa Giác Ngộ từ năm 1998 và biết ăn chay từ năm 6 tuổi, Thầy sinh ra và lớn lên tại vùng biển nên ăn cá là chuyện đương nhiên, đến nhân duyên đi xuất gia từ năm 8 tuổi khi đến chùa thấy hình ảnh quá đẹp của TT.Thích Khế Chơn và mơ ước được ăn chay ngon, đó là hai lý do rất đơn giản.
Trong suốt những năm tu học, ngoài những khó khăn trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, trong suốt 10 năm tu học thì khổ nhiều- vui ít, đói nhiều- no ít, khát nhiều- nước ít.
Các hành giả cũng rất cảm động khi nghe Thầy kể về việc sớt bớt chuối để ăn khi mới hơn 10 tuổi, ngày chỉ ăn một bữa vì quá đói và được nghe tâm sự của Thầy khi Sư phụ qua đời: ‘’ Những ai có Thầy thì phải kính trọng, Thầy mất rồi thì không gọi là trẻ mồ côi mà là người lầm lạc’’.
Khó khăn thì không bao giờ dừng, càng khó khăn thì càng nhớ gia đình, rất nhiều lúc muốn về, nhưng được sự động viên mạnh mẽ từ mẹ đã làm cho Thầy vượt qua được những khó khăn trên bước đường tu học. Trong thời gian học tại Học viện PGVN tại TP.HCM và du học tại Ấn Độ thì khó khăn cũng giống như rất nhiều các thầy khác lúc đó nhất là về kinh tế và ngoại ngữ. Mọi khó khăn cũng không thể cản được bước đường tu học của Đại đức khi đạt thủ khoa Cao học và đậu Tiến sĩ ngôn ngữ học Pali năm 2012 tại New Delhi.
Nhờ sự cố gắng tu học, nên việc làm đạo với vai trò là Hiệu trưởng, là giảng sư tuy công việc rất mới mẻ nhưng Thầy và Ban giám hiệu đã nỗ lực hết mình, nên trong hai năm qua cũng để lại dấu ấn tốt đẹp và đạt được ít nhiều thành quả.
Lời chia sẻ của Đại đức cho các Tăng Ni sinh là chỉ có hai con đường người xuất gia phải đi mỗi ngày đó là: i) Tăng trưởng, nuôi dưỡng kiến thức Phật học ; ii) Phát huy đạo hạnh trong quá trình tu học. Đại đức cũng thường chia sẻ với các học trò của mình: không ai chê ông thầy tu dở, không ai chê ông thầy tu không có kiến thức mà người ta sẽ chê ông thầy tu không thật, chê ông thầy tu thiếu đạo hạnh. Kiến thức cố gắng thì sẽ có, cái không thật rất khó giữ. Vậy các vị, dù ở phương trời nào thì cũng phải giữ cái thật của ông thầy tu. Cái thật của ông thầy tu là hiền lành, cái trong sạch trong mỗi việc làm của mình mà không có cái nào là riêng tư…
Ngoài công việc làm đạo,Thầy còn mở các lớp học miễn phí, thường xuyên âm thầm bảo trợ cho các trẻ em mồ côi, giúp đỡ các người buôn thúng bán bưng và nhiều công việc thiện nguyện khác.
Đại đức là một nhân tài trẻ của Phật giáo Việt Nam nói chung và của GHPG VN tại Đà Nẵng nói riêng, là một tấm gương sáng tu học cho các vị tu sĩ và Phật tử Việt Nam!