Loading...

THƯỢNG TỌA THÍCH NHẬT TỪ KHÔNG KÊU GỌI BỎ ĐỐT NHANG/ HƯƠNG: SỰ THẬT BỊ BÓP MÉO NHƯ THẾ NÀO?

Đã đến lúc không thể im lặng trước hành vi cắt xén video, bóp méo trắng trợn nội dung gốc, và đăng tải lên các trang mạng xã hội và dẫn dắt quần chúng. Đây là hành vi xấu xa, thiếu đạo đức, vi phạm nghiêm trọng về Luật An ninh mạng cần phải được lên án mạnh mẽ.

Bài viết này xin được góp tiếng nói, không phải chỉ để phản ánh, mà là để kêu gọi lương tri và trách nhiệm của mỗi người trước hành vi bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm một cách trắng trợn đối với Thượng tọa Thích Nhật Từ trên không gian mạng. Sự im lặng lúc này chẳng khác nào tiếp tay cho cái xấu, cái ác lộng hành, thối tâm Bồ-đề nơi những người Phật tử.

Video từ tài khoản TikTok ThucTinh500 đăng tải trên TikTok ngày 04/12/2023 với Tiêu đề: Thay vì đốt nhang nên cúng dường cho chùa, video có độ dài là 00:57, cắt ra từ video gốc do kênh Youtube: Thích Nhật Từ Official đăng tải ngày 17/9/2017 với tiêu đề:Vấn đáp: Không thắp hương bàn thờ Phật. Tài khoản TikTok ThucTinh500 đã cắt 57 giây, từ video gốc dài 3 phút 50 giây, cụ thể từ 2 phút 08 giây đến 3 phút 04 giây.

 Nguồn gốc video:

  • Video gốc: Đăng tải trên kênh YouTube “Thích Nhật Từ Official” ngày 17/9/2017, tiêu đề: “Vấn đáp: Không thắp hương bàn thờ Phật”, độ dài 3:50. Link video gốc:https://www.youtube.com/watch?v=t1dOSu85BDc
  • Video cắt, dựng lại tự đặt: Đăng tải trên TikTok ngày 04/12/2023 bởi tài khoản ThucTinh500, tiêu đề: “Thay vì đốt nhang nên cúng dường cho chùa”, độ dài 00:57, lấy từ đoạn 2 phút 08 giây đến 3 phút 04 giây của video gốc.
Hình chụp màn hình – Video Thầy Nhật Từ trả lời vấn đáp do Thích Nhật Từ Official đăng tải ngày 17/9/2017

Nội dung bị cắt xén, bóp méo:

  • Video gốc: Video gốc Thượng tọa Thích Nhật Từ  khuyên không nên lạm dụng việc đốt nhang quá nhiều, Thượng tọa kêu gọi đốt 1 đến 3 cây nhang/ lần lễ/lạy.
  • Thượng tọa nhấn mạnh tác hại của nhang chất lượng thấp, được làm từ mạt cưa và hóa chất gây ô nhiễm môi trường không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe, không hề kêu gọi bỏ đốt nhang, Thượng tọa khuyến khích Phật tử thay thế nhanh bằng nhan điện, để bàn thờ Phật được sạch sẽ, trang nghiêm.
  • Thầy nêu lên thực trạng mỗi năm các chùa chi tiêu rất nhiều vào việc sơn sửa tượng Phật, vách tường chùa do khói nhang gây ra. Thầy khuyến nghị thay vì đốt 30 bó nhang (khoảng 500.000 đồng/năm), Phật tử có thể dùng số tiền đó cúng dường cho chùa để vận hành Phật sự, gieo trồng phước báu, mang lại nhiều lợi lạc cho các Phật tử.

Thầy Thích Nhật Từ không hề kêu gọi bỏ đốt hương/ nhang

Giới hương (một trong Ngũ phần hương) trong Phật giáo 

Ngũ phần hay còn gọi là Ngũ phần hương gồm năm loại hương thơm: Hương Giới, hương Định, hương Tuệ, hương Giải thoát, hương Giải thoát tri kiến. Khi dâng hương cúng Phật, làn khói hương trầm quyện tỏa tượng trưng cho việc chúng ta nguyện đem năm loại hương quý báu của Ngũ phần pháp thân cúng dường. Dâng Ngũ phần hương là tâm nguyện của hành giả tinh tấn để chứng đạt về Giới, Định, Tuệ, Giải thoát và Giải thoát tri kiến nhằm bước lên quả vị của bậc Thánh vô học.

Trong Kinh Tam Bảo (Đoàn Trung Còn soạn dịch) có bài nguyện hương nói về Ngũ phần hương:

“Quang minh vân đài biến pháp giới
Cúng dường thập phương Tam bảo tiền
Nam-mô Hương cúng dường Bồ-tát Ma-ha-tát.”

Ngũ phần hương Nguyện hương được sử dụng trong Thiền tông:


“Ngũ Hương giới hương định cùng hương huệ,
Hương giải thoát giải thoát tri kiến.
Đài mây rực rỡ trùm pháp giới,
Cúng dường Tam Bảo khắp mười phương.”

Trong các nghi thức đọc tụng tại chùa Giác Ngộ “Cúng Hương Tán Phật” đều có bài Nguyện Hương

“Nguyện đem lòng thành kính
Gởi theo đám mây hương
Phưởng phất khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam bảo” […]

Nguyện Hương “Đem lòng thành kính gửi theo đám mây hương…” trong quyển Kinh Vu Lan Báo Hiếu (Thích Nhật Từ biên soạn nghi thức)

Trong các ấn phẩm Kinh do TT. Thích Nhật Từ  soạn dịch đều có các bài Sám quy nguyện, nhắc đến Hương:

“Trầm hương xông ngát điện,
Sen nở Phật hiện thân,
Pháp giới thành thanh tịnh,
Chúng sanh lắng nghiệp trần” […] 

Sám Quy nguyện trong quyển Kinh Phật về Thiền và Chuyển hóa (Thích Nhật Từ soạn dịch)

Trong tác phẩm Ngũ tâm hương (Tác giả: Đức Hạnh) đăng tải trên website Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam có đoạn: “Trước khi đi vào mọi thứ nghi lễ, người con Phật, bất luận Tăng sĩ hay cư sĩ đều sử dụng năm loại Tâm hương của mình để Cúng Hương lên Tam bảo trong mười  phương hiện tại. Gọi cúng hương này là “Niệm hương”. Bài Niệm hương: Giới hương, Định hương, dữ Huệ hương, Giải thoát, Giải thoát Tri kiến hương. Quang minh vân đài biến pháp giới, cúng dường thập phương Tam bảo tiền. Nam-mô Hương vân cái Bồ-tát, Ma-ha-tát. Hoặc “Nam-mô Hương cúng dường Bồ-tát, Ma-ha-tát”. Bài niệm hương trên không thấy tác giả, hiện hữu rất lâu đời trong chốn thiền môn Việt Nam cả thế kỷ qua từ 1900, được chư Tăng, Ni tại các chùa Việt Nam trên ba miền Bắc, Trung, Nam niệm lên thành lời để cúng hương trước bàn Phật. Niệm đủ năm tâm hương ấy, rồi cắm ba cây hương lên lư hương, sau đó vào nghi lễ tụng niệm cầu siêu, cầu an, lạy sám hối… 

Như vậy, Ngũ phần hương này là cao quý nhất, trong sạch nhất, để dâng cúng lên chư Phật, chư Bồ-tát ba đời thường trú trong mười phương.

Tại chùa Giác Ngộ vẫn có lư hương, các Phật tử về thắp hương đều đặn mỗi ngày


Tại chùa Giác Ngộ, ngay trước sân chùa là Tôn tượng Bồ-tát Quan Thế Âm và lư hương lớn, để các Phật tử có thể lễ lạy, thắp nhang/ hương và chiêm bái.

Trong các đại lễ, nghi lễ, tụng niệm cầu siêu, cầu an, lạy sám hối, TT. Thích Nhật Từ và Tăng đoàn chùa Giác Ngộ vẫn sử dụng nhang/ hương như một phương tiện để dâng năm loại hương thơm: Hương Giới, hương Định, hương Tuệ, hương Giải thoát, hương Giải thoát tri kiến cúng dường đức Phật.

  • Video cắt xén:  57 giây video của ThucTinh500 chỉ là mảnh ghép rời rạc, phiến diện, cắt xén từ video gốc 3 phút 50 giây của Thượng tọa Thích Nhật Từ. Đây là sự cắt xén có ác ý, nhằm bẻ cong sự thật. Việc cắt bỏ ngữ cảnh dẫn dắt vào đoạn vấn đáp cũng như cắt bỏ những lời khuyên nhủ, dẫn chứng về tác hại của nhang đối với sức khỏe, làm sai lệch đi nội dung của video gốc. Việc ThucTinh500 cố tình cắt đoạn “Thượng tọa kêu gọi Phật tử dùng nhan điện tử để thay thế nhan truyền thống” và đặt tiêu đề video là “Thay vì đốt nhang nên cúng dường cho chùa”là hoàn toàn phiến diện, xuyên tạc, bóp méo nội dung, dẫn dắt người xem hiểu sai ý Thượng tọa. Việc đặt tiêu đề “giật tít câu view”, để bôi nhọ hình ảnh Thượng tọa giảng sư: Việc cắt video gốc thành những video ngắn với nội dung không hoàn chỉnh, không có ngữ cảnh hỏi – đáp, đặt tiêu đề giật tít, nhấn nhá vào các chủ đề “nóng”, “nhạy cảm”, “gây tranh luận trong xã hội” để câu view, câu like, câu share, kiếm tiền, kiếm lượt tương tác trên các nền tảng mạng xã hội là chiêu trò dơ bẩn, rẻ tiền của những tiktoker, bất chấp nghiệp Khẩu và luật Nhân – quả.
Các clip cắt ghép được lan truyền trên mạng xã hội

Hành động của ThucTinh500 không chỉ dừng lại ở mức độ “bất cẩn”, mà trong cách đặt tiêu đề rõ ràng đây là sự cố ý, có chủ đích nhằm mục đích bôi nhọ danh dự người khác, mà ở là Thượng tọa Thích Nhật Từ. Dưới góc độ Pháp luật, video của tài khoản TikTok ThucTinh500 đã xuyên tạc trắng trợn phát ngôn của Thượng tọa Thích Nhật Từ, cấu thành hành vi vu khống, bôi nhọ danh dự, vi phạm nghiêm trọng điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 và có dấu hiệu của tội “Làm nhục người khác” theo điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Liệu có thể chấp nhận được việc một đoạn video chỉ vỏn vẹn 57 giây, được cắt xén một cách ác ý từ video gốc dài hơn 3 phút của Thượng tọa Thích Nhật Từ, lại được sử dụng như một công cụ để xuyên tạc, bóp méo sự thật, gieo rắc thông tin sai lệch đến cộng đồng? Chẳng phải ThucTinh500 đang cố tình “lấy điểm che khuất diện”, biến lời khuyên nhủ đầy tâm huyết của Thượng tọa về việc hạn chế đốt nhang kém chất lượng, để bảo vệ sức khỏe cá nhân, gia đình, cộng đồng và môi trường không khí thành lời kêu gọi phản cảm “Thay vì đốt nhang nên cúng dường cho chùa, đi ngược lại với sự thật hay sao?

Thật đau lòng khi chứng kiến những giá trị đạo đức bị chà đạp, lòng tốt bị lợi dụng để “câu view”, “kiếm like” một cách rẻ tiền. Hành vi của ThucTinh500 đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp đạo đức, hành xử thiếu văn minh trên không gian mạng.

Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần phải chung tay hành động, mạnh mẽ lên án, và sử dụng các biện pháp pháp lý mạnh tay để trừng trị những “con sâu làm rầu nồi canh” như ThucTinh500. Sự im lặng của chúng ta hôm nay sẽ là tiền đề cho những hành vi xấu xa tương tự nở rộ trong tương lai. Hãy cùng chung tay bảo vệ sự trong sạch của môi trường mạng, bảo vệ danh dự cho Thượng tọa Thích Nhật Từ và cho chính lương tri của mỗi chúng ta.

Liên Thủy





Có thể bạn quan tâm


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook