“TRAO TẶNG YÊU THƯƠNG” CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT TẠI HUYỆN VĨNH LỢI – BẠC LIÊU – C33
-
138.000.000 VNĐ
Đã thu
-
138.000.000 VNĐ
Số tiền cần
-
26
Lượt đóng góp
Ngày
Tiếng
THÔNG TIN CHUNG
Ngày 22/10/2014, Đoàn Từ thiện của Quỹ Đạo Phật Ngày Nay do TT. Thích Nhật Từ – Chủ tịch Quỹ, các sáng lập viên, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, cùng các Phật tử chùa Giác Ngộ đã tới giảng Pháp và tặng quà tại chùa Giác Hoa (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Đây cũng là lần thứ hai trong năm, Quỹ Đạo Phật Ngày Nay có mặt tại nơi đây.
Số phần quà đã trao tặng là 303 phần quà mỗi phần quà trị giá 456. 000 đồng (bao gồm 10 kg gạo, một thùng mì và 300.000 đồng tiền mặt). Tổng giá trị được trao tặng là 138 triệu đồng, đồng thời Quỹ cũng trao tặng cho Tăng, Ni sách và Kinh Phật gồm 300 cuốn Cơ sở khoa học Thiền chánh niệmvà 300 cuốn Phật pháp trong đời sốngdo cư sĩ Tâm Diệu biên soạn.
Số tiền này chủ yếu do mạnh thường quân là Phật tử Minh Phúc và Phật tử Hải Hạnh từ Úc Châu về Việt Nam đóng góp cùng một số nhà hảo tâm khác.
Chương trình giảng pháp
Trước khi trao tặng quà cho người khuyết tật, tại chùa Giác Hoa, TT. Thích Nhật Từ đã có buổi giảng pháp cho hơn 60 Tăng, Ni sinh đang theo học tại đây với chủ đề “Những ngộ nhận nên tránh” với các nội dung chính “Ngộ nhận là một nhận thức sai lầm về bản chất của sự vật, sự việc, tình huống mà người đánh giá có cảm giác rằng nhận thức mà mình đang hướng đến là đúng, thậm chí có thể nâng nó lên thành chân lý. Ngộ nhận cũng có thể xuất phát từ các nguyên do: nguyên do giáo dục, truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác và những người xung quanh chúng ta gồm các thế hệ đi trước, các bạn đồng tu đều cùng có quan niệm tương tự… Cũng có các ngộ nhận do thiếu thông tin, thiếu các giữ liệu, thiếu sự khảo cứu và do vậy, việc chúng ta tin vào những người có uy tín về lĩnh vực đó, một cách không đặt vấn đề. Do đó, các thông tin ngộ nhận được một nhân vật nào đó có tên tuổi được đề cập đến, sẽ có cơ hội được phổ cập, lây lan đến độ người ta cho nó là một kiến thức không thể thiếu. Ngoài ra còn có hàng trăm các ngộ nhận khác… Một trong các ngộ nhận đó là: 1- Cho rằng đạo Phật tương đồng với các tôn giáo khác; 2- Cho rằng tôn giáo nào cũng dạy con người lấn át làm lành; 3- Cho rằng hiện tượng ma nhập là có thật; 4- Cho rằng địa ngục là có thật.
…Đó là bốn điều ngộ nhận mà việc chia sẻ nó rất tế nhị, rất khó chấp nhận, nó không phải là cái gì quá ghê gớm mà vì nó đang đi ngược lại với các hình thái đạo Phật đang truyền bá với các ảnh hưởng mà chúng ta tiếp nhận từ Trung Quốc, với những gì mà chúng ta thường quen thuộc tại các trường Phật học và trong sinh hoạt thường nhật tại các chùa. Trong 500 băng giảng, chúng tôi đều đề cập đến vấn đề này và chấp nhận búa rìu dư luận, những tấn công những chống đối chỉ với mục đích duy nhất là tôn vinh đức Phật lịch sử và góp một ánh đèn le lói nào đó, trong việc soi sáng nhân thức của con người, trở về những lời dậy gốc của đức Phật, để việc làm đạo của chúng ta có thành quả thiết thực hiên tại, siêu về thời gian đến để mà thấy, được người trí tin hiểu và có mục đích cao quý…”
Ngay sau buổi giảng pháp cho Tăng, Ni sinh là buổi giảng pháp cho 300 người khuyết tật của huyện Vĩnh Lợi có mặt tại chùa Giác Hoa với chủ đề “Nghe sâu, hiếu thấu thương nhiều” đây là một câu trong bản nhạc thiền ca với ca từ mộc mạc, giản dị có thể giúp cho người nghe vừa thư giãn thân tâm lại vừa có khả năng chuyển hóa những phiền muộn lo âu trong cuộc sống.
“Ai nói gì thì mình cứ nghe
Nghe sâu, hiểu thấu, thương nhiều
Buồn chi mà ba bốn bữa
Cho tâm tư héo sầu
Ta cười ta thở thật sâu
Nỗi buồn tan biến thật mau
Tang tình, tang tính, tình tang”.
Bản nhạc chỉ có mấy câu, nhưng hàm chứa được nhiều ý nghĩa sâu xa, mỗi khi hát lên sẽ giúp cho ngay chính người người ca và người nghe dễ dàng buông bỏ những mối lo toan, sầu khổ. TT. Thích Nhật Từ đã giảng giải từng câu trong bản thiền ca này trong đó có đoạn “… lắng nghe, những lời dậy của các Thầy, các sư Cô để học thêm những điều chưa biết hoặc đào sâu những điều đã hiểu… Mỗi người hãy là đạo diễn cho chính mình và cũng là diễn viên trong cuộc sống. Cho nên, phải tạo ra các cung bậc hạnh phúc, tạo ra cơ hội niềm vui, tạo ra những tình huống để nụ cười, an lạc và hạnh phúc. Chúng ta vừa nghe bài “ai nói gì thì mình cứ nghe” để tập vẫy tay chào nỗi buồn, lúc đầu có thể là chưa quen, vì chúng ta đã có thói quen thổi phòng nỗi khổ, nên mặc cảm tự ti về thân phận, về cái nghèo cái khổ, bệnh tật không thể nào thoát ra được. Theo đạo Phật, chúng ta không nên góp thêm nỗi buồn nữa, hãy ly dị chúng sớm. Từ giờ phút này, mỗi người chúng ta hãy xây dựng hạnh phúc cho chính mình và tại đây.”
Nghe 2 bài pháp thoại trên tại đây:
2. Nghe sâu hiểu thấu thương nhiều
Ngôi chùa là điểm tựa tâm linh cho những người khuyết tật
Chùa Giác Hoa tọa lạc bên bờ kênh cầu Cái Dầy, cách tỉnh Bạc Liêu khoảng 6 km về phía Bắc (hướng Cần Thơ – Sóc Trăng), tên dân gian gọi chùa Giác Hoa là chùa cô Hai Ngó (1885 – 1951). Chùa nằm trên vùng đất Vĩnh lợi thuộc một huyện nghèo nhất của tỉnh Bạc Liêu. Vùng đất này chủ yếu là nông nghiệp, trồng lúa nhưng lại là đất phèn, giao thông không thuận tiện, di chuyển về các thành phố lớn như Tp. HCM là hơn 6 tiếng đi xe đò, nếu từ Cà Mau lên cũng phải mất khoảng gần hai giờ. Vì vậy, mang tiếng là nằm trong vùng lúa gạo của cả nước, nhưng cái nghèo ở đây cứ bám riết lấy họ, đã nghèo thì kèm theo là thất học. Những người đã nghèo lại còn bị tàn tật lại càng khổ hơn, đủ các dạng khuyết tật, có rất nhiều người dù có cho bao nhiêu cái cần câu thì tự họ cũng không thể tự đi câu cá mà ăn được, khổ, nghèo lại càng nghèo. Theo như Sư Cô ở đây cho biết, số hộ những người khuyết tật trong huyện phải là 500 hộ, đó là không nói đến các hộ nghèo khác. Mỗi lần có đoàn từ thiện nào về đây các Sư Cô và đội ngũ tình nguyện viên lại tất bật kết nối với chính quyền địa phương các xã và cũng lại tất bật đón nhận, chuẩn bị cơm nước cho mọi người.
Ngôi chùa thật sự đã là đầu mối kết nối giữa những người có trái tim yêu thương, biết sẻ chia với những phận đời kém may mắn đã phần nào làm vơi đi những khó khăn thiếu thốn vật chất. Và quan trọng hơn cả là tại nơi đây, họ được nghe pháp, được thực tập cười, được hướng dẫn thực tập sống không tự ti, không mặc cảm, không chìm đắm trong nỗi khổ, niềm đau, sống an vui tự tại.
Lời cảm ơn
Chúng con xin cám ơn Thượng tọa, cám ơn các mạnh thường quân, những nhà hảo tâm, cám ơn các Sư Cô, các Phật tử chùa Giác Hoa và cám ơn những người khuyết tật tại huyện Vĩnh Lợi đã cho chúng ta những cơ hội, những trải nghiệm về cuộc sống và một lần nữa nghĩ suy về câu nói của Thượng tọa “Sống lâu hay chết yểu không quan trọng mà quan trong là sống như thế nào” .
Phải! Dù tất cả chúng ta nếu chỉ có còn một ngày để sống thì cũng hãy tự hứa với lòng mình chỉ có mang niềm vui đến cho mình và cho mọi người.
Xin cám ơn tất cả, vì tất cả!