Loading...

ĐẠO NGHĨA THẦY TRÒ TRONG PHẬT GIÁO

Hưởng ứng ngày lễ Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20.11, TT. Thích Nhật Từ có buổi pháp thoại với đề tài: “Tình Nghĩa Thầy Trò”, trong khóa tu Ngày An Lạc tại chùa Giác Ngộ, với sự tham gia hơn 400 Phật tử gần xa.

Khóa tu này được tổ chức định kỳ vào mỗi buổi sáng chủ nhật tại chùa Giác Ngộ. Khi các thanh âm khác của đời sống xô bồ tạm lắng xuống, các thanh âm chốn cửa thiền làm yên lòng quý thiện nam tín nữ đang ngồi ngay ngắn tại điện Phật. Đó là thanh âm của tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng đọc tụng kinh, tiếng thuyết giảng của Thầy Giảng sư, tiếng hát bài ca nhạc Phật,…

Nhân dịp Ngày Nhà Giáo Việt Nam để tri ân đến những người thầy, người cô đã hết sức cần mẫn, tận tâm trong lĩnh vực giáo dục, TT. Thích Nhật Từ có buổi pháp thoại: “Tình Nghĩa Thầy Trò”.

Tình nghĩa thầy trò là một trong những tình cảm thiêng liêng, cao đẹp mà hầu hết mọi người đều trân quý và bồi đắp. Người xưa đã từng dạy rằng: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Nghĩa là, người dạy cho ta một chữ cũng là thầy và thậm chí nữa chữ thôi cũng làm thầy ta. Lời dạy ấy thật chí lý và thâm sâu, giúp cho kẻ hậu học nhận thức rõ hơn về tình nghĩa thầy trò để thể hiện thái độ tri ân, cung kính và khiêm hạ đối với những người quan tâm chỉ dạy.

Đức Thế Tôn đã chỉ dạy năm phận sự căn bản của người học trò đối với thầy, biểu lộ rõ tinh thần tôn sư trọng đạo, phù hợp với truyền thống đạo đức “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của văn hóa Việt Nam. Là người học trò khi được tiếp xúc với thầy, việc trước tiên bạn cần phải học hỏi đạo lý để nhận thức đúng đắn hơn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Thứ đến, nên quan tâm sức khỏe, công việc và các nhu cầu sinh hoạt khác của thầy, nhằm trợ duyên thêm cho thầy có đủ điều kiện nghiên cứu chuyên sâu để giảng dạy tốt hơn. Tuy nhiên, với những công việc đó, đòi hỏi người học trò phải thực sự có thái độ chân thật, tâm tư nhẹ nhàng và an vui. Bởi, người học trò, đệ tử tôn kính thầy không chỉ dâng tặng lễ vật có tính hình thức bề ngoài, mà cần phải có tấm lòng trung thực và quý kính. Nếu đến với thầy chỉ là món quà nghi lễ cùng tâm ý hời hợt thì kể như bạn chưa thể hiện được nội dung “tôn sư trọng đạo”.

Mối quan hệ giữa thầy trò, sư phụ và đệ tử trong các truyền thống tâm linh cũng vậy, khá rời rạc. Điều này dẫn đến hệ quả tất yếu là người học trò rất dễ bị yếu kém về phẩm chất đạo đức, khi không được gần gũi để học hỏi kinh nghiệm quý giá từ thầy. Cho nên, đến lúc lâm vào tình huống khó khăn, trắc trở thì người học trò trở nên rối ren và lúng túng.

Việc trao truyền tri thức và đạo lý cho thế hệ kế thừa là bổn phận của những người đi trước, cho nên bậc làm thầy phải biết hướng dẫn đệ tử có nghề nghiệp vững chắc, nhận ra được giá trị đích thực của cuộc sống để trở thành con người lương thiện hữu ích cho gia đình và xã hội. Vì vậy, mỗi hành động, lời nói và cách suy nghĩ của vị giáo sư đều là bài học thiết thực và quý giá, giúp người đệ tử dễ dàng tiếp nối được sự nghiệp trí tuệ mà các bậc tiền bối, Thánh nhân đã thành tựu. Quan trọng nhất, người thầy phải biết rõ căn tính và hoàn cảnh sống khác nhau của từng học trò để dạy dỗ. Cũng giống như các vị bác sĩ giỏi, khi hiểu rõ các triệu chứng của bệnh nhân thì tùy bệnh cho thuốc, nhằm chữa trị một cách hữu hiệu.

Tin: Ngộ Nguyên Quang
Ảnh: Ngộ Đức Phước

Có thể bạn quan tâm


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook