Loading...

GIEO MẦM YÊN VUI VỚI KHOÁ TU NGÀY AN LẠC ĐẦU NĂM TẠI CHÙA GIÁC NGỘ (TP.HCM)

Trong không khí những ngày đầu xuân mới, sáng ngày 29/01/2023 (nhằm mồng 8 Tết), khóa tu Ngày an lạc tiếp tục diễn ra tại chùa Giác Ngộ (TP.HCM) thu hút hơn 300 Phật tử tham dự.

Quang lâm chứng minh và chia sẻ pháp thoại đến khoá tu, TT. Thích Nhật Từ, Uỷ viên Thường trực HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Trụ trì chùa Giác Ngộ đã nhắc nhở tu học đầu năm đến toàn thể đạo tràng thông qua đề tài “Những triết lý hay trong kinh Dược sư”. Với nội dung này, những giá trị cốt lõi của Kinh Dược sư đã được Thượng toạ đề cập, giúp hàng Phật tử tại gia có cơ hội tiếp cận gần hơn, thâm nhập sâu hơn bản Kinh có giá trị này. Các nội dung lớn mà Thượng toạ giảng sư đề cập bao gồm:

Thứ nhất, cân bằng giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Theo Thượng toạ, việc tuyệt đối hoá một trong hai nhu cầu sẽ dẫn đến mất cân bằng và không đưa đến một đời sống an lạc. Đi theo con đường trung đạo của Đức Phật mới là cứu cánh duy nhất, làm cân bằng giữa hai nhu cầu này, từ đó, thiết lập những giá trị tốt lành nâng đỡ đời sống hiện tại.

Thứ hai, hoá giả đối lập thành đồng hành. TT. Thích Nhật Từ đề cập tới hình ảnh hai vị Bồ tát Nhật Quang Biến chiếu và Nguyệt Quang Biến chiếu trong Kinh Dược sư như hai biểu trưng cho sự đối lập. Trên thực tế, sự đối lập đó bắt nguồn từ các nhận thức sai lầm, tương tự, cũng vì cái tôi cá nhân và những dính mắt tự thân cũng đưa đến những sai lầm như vậy. Qua nội dung này, Thượng toạ khuyến khích đại chúng cần nỗ lực hoá giải các hận thù, xung đột không mong muốn; kết giao thêm nhiều mối quan hệ để cùng đồng hành, cùng tu tập, tìm cầu chân lý giải thoát, giác ngộ.

Thứ ba, trí tuệ là giải pháp bền vững. Con đường tu nhân học Phật với mục đích rốt ráo là đạt được trí tuệ, nhìn thấu, nhận chân được các lẽ đúng sai, phải trái. Nhắc lại điều nguyện thứ 3 trong Kinh Dược sư, Thượng toạ giảng sư mong muốn hành giả tham gia khoá tu cần tỉnh táo tìm kiếm và theo đuổi con đường trí tuệ bát nhã của chư Phật. Khi làm chủ bản thân bằng trí tuệ thì một cách tất yếu sẽ đạt được sự vẹn toàn, mỹ mãn trong đời sống.

Thứ tư, xây dựng và chăm sóc quyến thuộc. Theo Thượng toạ giảng sư, thân quyến đời này chính là những nhân duyên đặc biệt mà mỗi người con Phật cần ý thức gìn giữ. “Quyến thuộc thế gian vốn quý, quyến thuộc bồ đề càng đáng trân quý, phàm những ai có cùng chung chí hướng tu học, chung quyết tâm tìm cầu chân lý giải thoát thì rất đáng để trân trọng, giữ gìn”, Thượng toạ giảng sư nhấn mạnh.

Thứ năm, thần chú Dược sư. Về thần chú này, TT. Thích Nhật Từ phân tích hai nội dung lớn mà thần chú đề cập đó là ca ngợi Đức Phật Dược sư và đề cao tính năng trị liệu của thuốc. Việc thấu hiểu nội dung và hành trì thần chú này sẽ mang lại nhiều lợi lạc trong đời sống hiện tại của mỗi người con Phật.

Ảnh: Minh Đức
Tin: Quang Tròn

Có thể bạn quan tâm


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook