Loading...

KHAI MẠC LỄ HỘI CẦU SỨC KHỎE ĐẦU NĂM GẮN VỚI TƯỞNG NHỚ ĐẠI DANH Y HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG LÊ HỮU TRÁC

Sáng ngày 03/02/2023, tại chùa chùa Tượng Sơn (Thôn 1, Xã Sơn Giang, Huyện Hương Sơn, Tỉnh Hà Tĩnh) đã diễn ra Lễ hội cầu sức khỏe đầu năm gắn với tưởng nhớ Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Tham dự lễ hội về phía chư tôn đức Tăng có TT. Thích Nhật Từ, Uỷ viên Thường trực HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Trụ trì chùa Tượng Sơn cùng chư tôn thiền đức đại diện GHPGVN huyện Hương Sơn, chư tôn đức Tăng chùa chùa Tượng Sơn. Về phía chính quyền địa phương có ông Nguyễn Hữu Thiên, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh; ông Bùi Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Hà Tĩnh; ông Lê Khánh Hòa, Phó Trưởng Phòng Nội địa, Công an tỉnh Hà Tĩnh.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, TT. Thích Nhật Từ cho biết đây là năm đầu tiên tổ chức lễ hội cầu sức khỏe tưởng nhớ 232 năm ngày mất của Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Thượng tọa cũng cho biết, Lễ hội cầu sức khỏe đầu năm là hoạt động ý nghĩa bao gồm cả ba mục đích: (1) Tưởng nhớ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. (2) Kêu gọi cộng đồng sống với tinh thần tương thân tương ái, gắn kết tình cảm giữa người với người. (3) Uớc vọng cho sự bình an của mọi nhà, mọi người, của đất nước trên phương diện sức khỏe và bình an.

Tiếp đó, để tưởng nhớ một trong những danh y tiêu biểu nhất của y học Việt Nam, Đại đức Thích Ngộ An, Phó Trụ trì chùa Tượng Sơn đã tuyên đọc tiểu sử của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Theo đó, Lê Hữu Trác, hiệu Hải Thượng Lãn Ông, sinh ngày 12 tháng 11 năm Canh Tý (theo dương lịch là ngày 11 tháng 12 năm 1720), nguyên quán thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), mất ngày rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791) ở quê mẹ, xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) thọ 71 tuổi. Lê Hữu Trác là đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, trong đó có thuốc Nam, kế thừa xuất sắc sự nghiệp “Nam dược trị Nam nhân” của Tuệ Tĩnh thiền sư. Ông để lại nhiều tác phẩm lớn như Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong thời Trung đại Việt Nam và các cuốn như “Lĩnh Nam bản thảo”, “Thượng kinh ký sự” không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học.

Tiếp theo chương trình, chư tôn thiền đức Tăng, đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương và gần 300 Phật tử có mặt tại lễ hội đã thành tâm dâng nén hương thơm lễ Phật, lễ tiền nhân, lễ Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Sau phần niệm hương, hội chúng buổi lễ đã trì tụng thời Kinh Dược sư cúng dường chư Phật và tưởng nhớ bậc Đại Danh y Lê Hữu Trác hiệu Hải Thượng Lãn Ông.

Ảnh: Ngọc Đông
Tin: Quang Tròn

Có thể bạn quan tâm


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook