Kinh phân biệt nghiệp báo
Trích từ Kinh Phật cho người tại gia
Sa môn Thích Nhật Từ soạn dịch
KINH PHÂN BIỆT NGHIỆP BÁO
LÀM CHỦ GIÁC QUAN
Tôi nghe như vầy. Có một hôm nọ, tại chùa Kỳ Viên, thuộc thành Xá Vệ do Cấp Cô Độc, thái tử Kỳ-đà phát tâm hiến cúng, đức Phật cho gọi tôn giả A-nan tập họp Tăng đoàn và dạy như sau:
Này các đệ tử, phần lớn người đời bị sáu giác quan lừa gạt, gây nhiều tổn hại: Mắt bị hình thù, màu sắc lừa gạt, tai bị các loại âm thanh lừa gạt, mũi bị các mùi thơm tho lừa gạt, lưỡi bị các vị ngon ngọt lừa gạt, da bị các vật xúc chạm lừa gạt, ý bị tư tưởng tà vạy lừa gạt. Do bị đắm nhiễm, chạy theo giác quan, con người bị lừa, chìm trong đau khổ, khó mong giải thoát, chết lại tái sinh, rơi vào cõi ác. Những người có trí làm chủ giác quan, làm chủ tâm ý, làm chủ hành vi nên không bị hại.
MƯỜI NGHIỆP XẤU
Này các đệ tử, có mười hành động từ thân, khẩu, ý, rất nhiều người đời ưa thích thực hiện: Ba nghiệp từ thân, một là sát hại, hai là trộm cắp, ba là ngoại tình. Bốn nghiệp từ miệng, một là lừa dối, hai là đâm thọc, ba là lời ác, bốn là tán gẫu. Ba nghiệp từ ý, một là tham ái, hai là giận dữ, ba là si mê. Vì mười nghiệp ác, rất nhiều chúng sanh sống trong bất hạnh, khổ đau cho mình, gây họa cho người. Đến lúc qua đời, sanh vào cõi dữ. Những người có trí thấy rõ hậu quả của các nghiệp xấu nên nỗ lực tu, tinh tấn làm phúc, chuyển hóa thân tâm.
SÁU ĐAM MÊ XẤU
Này các đệ tử, có sáu đam mê, dẫn đến tham luyến, làm cho người đời vướng vào khổ đau, gây nhiều tổn hại, đánh mất chính mình: Mắt mê hình sắc, tai mê âm thanh, mũi mê các mùi, lưỡi mê các vị, thân mê xúc chạm, ý mê ý niệm quá khứ, tương lai.
TỰ GÂY BẤT HẠNH
Tôn giả A-Nan cung kính thưa Phật: “Bạch đức Thế Tôn, người tin Tam Bảo, giữ gìn giới hạnh có thể thoát được cảnh khổ hay không?”
– Này các đệ tử, người có lòng tin vào ba ngôi báu Phật, Pháp và Tăng, sống giữ giới hạnh, siêng làm việc lành, thực tập thiền định, chuyển hóa tâm thức thì được phước lớn, lợi lạc vô cùng. Cũng có những người giả mượn danh nghĩa của người Phật tử, giả vờ kính tin Phật, Pháp và Tăng, chuyên làm tà vạy, tham lam vô độ, không chế ngự tâm, tham luyến sắc dục, ưa thích hưởng thụ, đam mê rượu thịt, phóng đãng buông lung… thì tội của họ không thể lường được. Hiện đời bất hạnh cho mình và người. Chết trong khổ đau, tái sanh cõi dữ, khó mong thoát khỏi.
MA THỜ ĐỨC PHẬT
– Này các đệ tử, về thờ Tam bảo, có ba hạng người: Một là bọn ma tôn thờ đức Phật. Hai là người trời tôn thờ đức Phật. Ba là Phật tử tôn thờ đức Phật. Ma thờ đức Phật được hiểu như sau: Có người theo Phật, thậm chí đi tu, hoặc mượn danh nghĩa là người theo Phật, nhưng trong thâm tâm gieo nghiệp tà kiến, truyền bá mê tín, bói toán, xin xăm, cúng sao, phong thủy, đồng bóng mê hoặc, vận hạn tốt xấu, tin có ma quỷ phá hoại cửa nhà, tin vào số phận, hoặc tin ngẫu nhiên, không tin nhân quả, không tin tội phước, không có chánh kiến, siểm nịnh yêu quái… vì nghiệp xấu này khó hưởng dư phước, tạm thời gặp Phật lại đi đường tà, có cũng như không, lẩn quẩn khổ đau, không ngày thoát ra.
NGƯỜI TRỜI THỜ PHẬT
– Này các đệ tử, thế nào gọi là người trời thờ Phật. Có nhiều đệ tử sau ngày quy y, nương Phật, Pháp, Tăng, giữ năm đạo đức, làm mười điều thiện, lúc gặp khó khăn, những khi bệnh tật, ngay cả cám dỗ… cũng không dám phạm, tin sâu tội phước, làm thiện gặp phúc, tạo ác gặp khổ; không phạm luật pháp, sống có tình người, sống gương cao thượng, hiện đời hạnh phúc, chết sanh cõi lành, làm người hoặc trời.
PHẬT TỬ THỜ PHẬT
– Này các đệ tử, thế nào gọi là Phật tử thờ Phật? Không chỉ là người quy y Tam bảo, mà còn là người giữ gìn năm giới, sống rất đạo đức, học hiểu kinh luật, trau dồi trí tuệ, hiểu rõ ba cõi là nơi đau khổ, tâm cầu an lạc, giải thoát hiện tiền; tâm không tham đắm, chấp dính điều gì; thương xót chúng sanh, cứu người giúp đời không tiếc thân mạng; có chí tiến thủ trong các việc phước; từ bỏ mê tín, không theo dị đoan; tu bốn nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự), sáu ba la mật (bố thí, giữ giới, kham nhẫn, tinh tấn, thiền định, trí tuệ), tin vào tái sanh, phát nguyện đời đời làm đệ tử Phật, sống trong an lạc, hạnh phúc hiện tiền.
THỜI KỲ TƯỢNG PHÁP
Này các đệ tử, sau khi Như Lai đã nhập niết-bàn một ngàn năm sau, có nhiều tà thuyết xuất hiện tràn lan, thời thế yêu ác, có nhiều quốc gia mất đi chủ quyền, nhân dân không được an cư lạc nghiệp, chiến tranh tàn phá, ngoại xâm gây khổ, nội loạn bất an. Nhiều nơi quốc gia đánh mất kỷ cương, xã hội bất ổn, lòng người nghi oán. Đây là giai đoạn của thời tượng pháp.
Tôn giả A-Nan liền thưa Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn, vì sao gọi là thời kỳ tượng pháp?”
– Này các đệ tử, đó là thời kỳ, có nhiều tu sĩ không theo chánh pháp, không giữ giới hạnh, sống như tại gia, tâm không hổ thẹn, chỉ lo đầu tư các nghề nghiệp đời, không có kiến thức, không học Phật pháp, không tu thiền định, không chuyển hóa tâm, thích lối ăn mặc theo kiểu thế tục, trên dưới lộn xộn, đắm theo sắc dục, không sợ tội lỗi, không bận tâm nhiều đến việc độ đời, giáo hóa chúng sanh, giúp họ an lạc. Khi gặp phải người thấu hiểu Phật pháp, khuyên lơn tu học, chuyển hóa nghiệp phàm, hướng về nẻo thánh… thì sanh tâm xấu, oán ghét, chỉ trích, phỉ báng, phá hoại; còn chê trách rằng người góp ý mình là thiếu hiểu biết. Ảnh hưởng chánh pháp do vậy giảm dần.
Tôn giả A-nan tiếp tục hỏi Phật: “Bạch đức Thế Tôn, thời tượng pháp ấy, có nhiều hay chăng những người phụng trì chánh pháp Như Lai?”
– Này các đệ tử, dù là tượng pháp, vẫn có nhiều người kính tin Tam bảo, phát tâm xuất gia, giữ gìn giới luật, sống trong lục hòa, tinh thông nghĩa pháp, đa văn hiểu biết, phát triển Phật pháp, làm lợi quần sanh, giúp cho nhiều người hưởng được lợi lạc. Trong giai đoạn này, cũng có nhiều người theo các đạo khác đến xin xuất gia, học theo Phật pháp. Cần phải cẩn trọng. Nên cho tập sự trong đôi ba tháng. Nếu nhận thấy được ý chí của họ hợp với giới hạnh, đời sống thanh cao, tâm tư rỗng lặng, ý không ham muốn, không làm điều sai, có chí tu học… thì mới cho tu. Trước truyền cho họ các giới thập thiện. Dăm ba năm sau, nếu thấy người ấy tu đúng chánh đạo, không phạm giới nào, siêng tu thiền định, thì mới tiếp tục cho họ thọ giới làm thầy Tỳ-kheo. Những người như thế, nếu tinh tấn hơn, hướng đến giải thoát, nhất định trước sau được Phật Di-lặc tiếp duyên độ thoát.
XUẤT GIA TU HỌC
Tôn giả A-nan cung kính bạch Phật: “Sau này có ai muốn tu chánh pháp, xa lìa phàm tục, xuất gia tu tập, nếu không gặp được các bậc minh sư truyền trao giới pháp, mà chỉ gặp người viết chép giới luật truyền trao lại thôi, những người như thế có được độ thoát và thành tựu được các Phật sự không?”
Đức Phật ân cần dạy ngài A-nan: “Người nào tinh thông giới và chánh pháp mới có khả năng truyền trao giới pháp. Truyền qua văn tự khó mà đúng pháp. Phật là đại trí, trên cả trời người. Phật luôn hóa độ tất cả chúng sinh. Phật, bậc minh triết có một không hai. Những người không thông, không nên vọng truyền, đánh mất tông chỉ. Phải hiểu rõ được giới luật, chánh pháp, lão thông mọi việc mới có thể truyền giới pháp cho người. Người chưa thông hiểu mà thích lạm truyền là trái lời Phật, sẽ gây hoang mang và mất niềm tin. Việc làm như thế không ích lợi gì cho cả người truyền và người tiếp nhận, đồng thời lại phạm vào lỗi không nhỏ. Nên người đời sau phải suy xét rõ.
Tôn giả A-nan tiếp tục bạch Phật: “Nếu người có chí, chán khổ thế gian, muốn được giải thoát, gặp thời không Phật, thì làm cách nào độ họ an vui?”
Đức Phật liền dạy: “Người có chí nguyện cần gặp minh sư, am hiểu Phật pháp và các giới luật, hướng dẫn tận tường cách giữ oai nghi và giới lớn nhỏ. Thầy mà không hiểu chánh pháp và luật mà lại truyền dạy cho các đệ tử thì cả hai bên đều bị mê lầm, không thể giải thoát. Về đời sau này, có các thầy tu ô nhiễm, phá giới, hành động phi pháp, chạy theo danh vọng mà mong an lạc thì khó thoát khỏi quả báo không vui. Người tu như thế thật đáng thương xót”.
Tôn giả A-nan: “Kính bạch Thế Tôn, người có nhân duyên xuất gia tu học là đều nhờ vào oai thần của Phật, lẽ ra phải được hướng đến giải thoát, tại sao có người không tin pháp Phật, để phạm giới luật, chịu nhiều khổ đau trong nhiều kiếp sống?”
Đức Phật dạy rằng là do kiếp trước đọa vào cảnh khổ, do vì đau đớn, người ấy nhất thời ăn năn hối cải, nên được chút phước, sanh ra làm người, gặp được Phật pháp, cạo bỏ râu tóc, làm vị xuất gia. Các nghiệp xấu cũ chưa trị dứt điểm, tâm còn do dự, không gặp các bậc minh sư, tri thức, nên thường sống trong hành động ô trược, đạo không ra đạo, đời không ra đời. Những người như thế lần lượt đọa lạc các cảnh khổ cực, lãnh lấy quả báo khổ đau nhiều kiếp.
Này các đệ tử, là người xuất gia, không màng hôn nhân, lìa xa gia đình, từ bỏ kinh doanh, làm vị Sa-môn thì các ông phải siêng năng thực tập, giữ gìn giới đức, đúng như giới pháp của A-la-hán. Thà uống đồng sôi, cháy tiêu ruột gan, quyết không làm người không có giới đức nhận của tín thí. Người không giới đức nhận của tín thí sẽ phải chịu khổ nhiều đời, nhiều kiếp. Khi được thân người phải chịu đền trả các nghiệp đã gieo. Lúc làm con cái, khi làm cha mẹ đền trả nợ nhau.
NHÂN QUẢ VAY TRẢ
Tôn giả A-nan: “Xin Phật nói rõ nghĩa của đền trả?”
Đức Phật dạy rằng sự vay và trả trong nghiệp luân hồi vô cùng phức tạp. Có người làm công bị chủ đánh chửi, đối xử vô đạo mà vẫn cam chịu, không chút oán hận, lại còn siêng năng làm tốt các việc, không than mỏi mệt, giữ gìn, bảo vệ tài sản của chủ, không để hư mất.
Phật đáp: Có người làm thân tôi tớ bất hạnh, bị chủ đánh đập, mắng chửi tàn tệ, đối xử vô đạo, thế vẫn cam chịu, không hề oán hận, lại còn siêng năng làm tốt công việc không biết mỏi mệt, giữ gìn của cải cho người chủ nhà không để hư mất. Đó là tình huống làm thân tôi tớ đền trả nghiệp trước, do nhận tín thí mà không tu tập. Một phần cũng do hiểu được nhân quả, nghiệp duyên đời trước, nên đành cam chịu!
Cũng có trường hợp đầu thai làm con để trả nợ xưa. Đây là tình huống làm con siêng năng, không chút than phiền; bao nhiêu tiền của làm việc vất vả, cha mẹ tiêu xài không biết thương tiếc, dẫn đến tình trạng khốn khó tài chính. Trường hợp cha mẹ đền trả nợ con lại dai dẳng hơn. Con cái hoang phí, ăn chơi đàng điếm, tán gia bại sản, cha mẹ thương con không thể bỏ được. Người chịu đựng được phần lớn là do hiểu được duyên nghiệp, quả báo đời trước mà đành cam chịu, không trách móc ai. Các nghiệp trả vay chỉ tồn tại trong một thời gian thôi, sau khi hết nợ thì phải chia ly, không thể chung sống một cách vĩnh viễn. Người trí hiểu biết, quyết tâm ngăn chặn, không tạo nghiệp duyên để khỏi đền trả.
ĐỀN ĐÁP ÂN SÂU
Chỉ có đạo đức tồn tại lâu dài. Trong đời quá khứ, ta đã từng làm cha mẹ, con cái, công nhân, tôi tớ. Tất cả điều trên đều do nhân duyên, phải chịu một thời, không sao trốn được. Cha mẹ của ta ở đời kiếp này là do nhân duyên đạo đức nhiều đời, chứ không phải do nhân duyên nghiệp báo. Trải qua nhiều đời, cha mẹ của ta cho ta cái quyền tự do học đạo. Nhờ công ân này, ta đã tinh tấn tu hành nhiều kiếp nên mới thành Phật ngay trong kiếp này. Ai muốn theo ta, học đạo của ta phải thật siêng năng, lo tròn chữ hiếu. Chớ có buông lung, khi mất thân người, muôn kiếp khó được.
Trong thời mạt pháp, mọi người gắng tu hiếu thuận, hòa kính. Khi gặp chánh pháp, tinh tấn tu tập. Gặp Phật ra đời, hết lòng quy kính. Gặp bậc minh sư, hết lòng phụng thờ, chuyên cần học hỏi, thực tập, làm theo những lời giáo huấn.
Làm được thân người là việc khó lớn. Thân thể lành lặn, đủ sáu giác quan là một điều phước. Thông minh, sáng suốt làm bậc tài khí của một quốc gia lại phước hơn nữa. Dù không gặp Phật, được nghe chánh pháp, gắng công thực tập lại quý hơn nữa. Nên khi còn khỏe, mọi người hãy nên hết lòng thực tập, đừng để thời gian luống trôi vô ích.
CHỚ NÊN TẠO NGHIỆP KHỔ
Khi ta qua đời, sẽ có thời kỳ, đời nhiều tai ác, phạm tội ngũ nghịch, ma quái thịnh hành, chánh đạo khốn đốn; kinh pháp thì nhiều, người học thì ít; dẫu có học hỏi, ít người thực hành. Về phía tôn giáo, có nhiều người tu, ít người giữ được đạo đức thanh cao. Nhiều vị tu sĩ vướng nhiễm thói đời, có nhiều tham vọng, thỏa chí dù nhàn, không khác người đời, thích mặc sang trọng, đọc sách thế gian, kết tụ thành nhóm, ca múa xướng hát, thích cầu danh vọng. Cũng có tu sĩ, nhận nhiều đệ tử, nhưng không giáo hóa, nghiệp phàm còn nguyên. Tất cả người tu, phải theo chánh đạo, hóa độ cuộc đời, nương bậc cao đức, làm chủ giác quan, xứng đáng là bậc đạo cao đức cả. Hãy nên nhớ rằng, làm được thân người, chỉ mấy mươi năm, nhiều nhưng không nhiều, đừng tưởng dài lâu, mà không chịu tu. Bất cứ lúc nào, hễ gây tội lỗi, thì về sau này, sẽ phải chịu khổ, điên đảo vô cùng, khốn đốn biết bao.
Này các đệ tử, khi được thân người, đủ sáu giác quan, gặp được Phật pháp, học Phật tu nhân, thì hãy hết lòng, giữ gìn đạo đức, thực tập thiền định, phát triển trí tuệ, tu tập rốt ráo. Một khi lỡ làng, đánh mất nhân cách, rất khó hồi phục, đôi lúc phải mất nhiều năm, nhiều kiếp. Gặp Phật ra đời, là một đại phước. Nghe chánh pháp Phật, cũng là đại phước. Thực tập lời Phật, chuyển hóa thân tâm, còn phước hơn nữa. Hãy tự suy nghĩ để đừng luống phước.
Phật vừa dứt lời, tất cả đệ tử, đều được lợi lạc, phát nguyện thực tập những lời Phật dạy. Riêng người xuất gia, đang ngồi thiền quán, có người chứng đắc quả A-lahán.
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.