Loading...

LÀM SAO ĐỂ VƯỢT QUA BỆNH LƯỜI BIẾNG VÀ ĐỔ THỪA?

Tối ngày 14/07/2022, TT. Thích Nhật Từ đã có bài pháp thoại bổ ích cho hơn 300 bạn học sinh với đề tài: “Vượt qua bệnh lười biếng và đổ thừa” trong Khóa tu Mùa hè, tại Chùa Phổ Môn, xã Nghi Liên, Tp. Vinh, tỉnh Nghệ An.

Thượng tọa chỉ dạy rằng trong Kinh Tăng Chi, đức Phật đề cập đến một số lý do mà người lười biếng thường viện dẫn để sống với thói quen tiêu cực đó. Thứ nhất, bây giờ còn sớm quá, từ từ rồi mình hãy làm công việc đó. Như thế, chúng ta đã bỏ qua cơ hội để đi học sớm, đi làm sớm, sống có trách nhiệm sớm, có cam kết sớm. Những triệu phú, tỷ phú thường có tuổi thơ cơ cực, vất vả nên họ trưởng thành sớm hơn, kinh nghiệm dày dặn hơn và dễ thành công hơn. Đó chính là những tấm gương tốt cho sự siêng năng của chúng ta.

Tình huống viện cớ làm biếng thứ hai đó là bây giờ mình mới ăn cơm xong, nếu làm việc liền chắc chắn sẽ đau bao tử, cho nên vài tiếng sau mình làm, mình học cũng chưa muộn. Trong Kinh A Di Đà, đức Phật dạy rằng sau khi ăn cơm xong, chúng ta nên đi kinh hành trong trạng thái nhẹ nhàng, thư thái, bình an để giúp cho bao tử dễ tiêu hóa, cơ thể trở nên khỏe khoắn hơn. Do đó, sau khi đi bách bộ xong, chúng ta nên bắt tay vào học tập và làm việc của mình. Tuyệt đối không nên ăn cơm xong là dán mắt vào điện thoại, internet, TV, mạng xã hội,… để tâm trí mình bị lôi cuốn vào những chuyện thị phi, vô bổ, tào lao. Điều đó chẳng hề mang đến lợi ích hay ý nghĩa gì cho bản thân và gia đình mình cả.

Tình huống thứ ba đó là bây giờ mình chưa ăn gì hết và rất đói bụng, nếu phải làm việc gì mình sẽ kiệt sức và mệt mỏi hơn. Trên thực tế, lâu lâu mình ăn trễ hơn mọi khi thì không ảnh hưởng gì nhiều đến bao tử. Nếu như các em thiếu nhi, thiếu niên tìm thấy được niềm vui trong việc tham gia các hoạt động học tập, phụ giúp cha mẹ, giúp đỡ mọi người thì các em sẽ không hề có cảm giác đói. Còn nếu không, tâm của các em chỉ để ý đến bao tử, cái bụng, cái miệng,… nên gây ra cảm giác thèm thuồng, đói khát.

Tình huống thứ tư chính là việc này có nhiều người tham gia làm rồi, cho nên mình không làm thì cũng chẳng sao. Lối suy nghĩ này khiến cho chúng ta trở nên vô cảm, vô tâm, vô phận sự, vô trách nhiệm, thờ ơ, ích kỷ,… Và như thế, chúng ta sẽ vô tình làm cho ông bà, cha mẹ, người thân và mọi người xung quanh mình đau xót, khổ buồn. Nếu như ai cũng đều suy nghĩ tiêu cực như thế thì sẽ không ai tham gia, làm việc nữa. Trong khi càng nhiều người chung tay góp sức làm thì công việc sẽ nhanh chóng, suôn sẻ, trơn tru hơn và đạt được thành công, hiệu quả cao hơn.

Đó là một vài tình huống mà đức Phật nêu ra để chúng ta vượt qua tật xấu lười biếng bởi những lý do mà mình nêu ra. Đó là lời biện hộ cho cái dở, cái tệ, cái xấu, cái thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm, ích kỷ của bản thân mình mà thôi! Cho nên, nếu vượt qua được thói quen đổ thừa, lười biếng thì hành trang vào đời của mình sẽ vững vàng và đầy đủ hơn. Bên cạnh đó, các em học sinh cũng không nên đi làm quá sớm, ít nhất là phải đạt được trình độ cử nhân rồi hãy đi làm. Các em đừng vì vài triệu tiền lương mà ở độ tuổi cấp 3 trung học mình cứ nghĩ là to lớn, để rồi đánh đổi tiềm năng kiếm được nhiều tiền hơn trong tương lai khi đã được học đến nơi đến chốn và có công việc ổn định, chuyên môn. Ở tuổi của các em cần phải siêng năng, chăm chỉ học tập thật tốt, bởi việc có nền tảng tri thức tốt sẽ giúp đỡ rất lớn cho mình trong việc có được thu nhập lớn trong mai sau.

Có rất nhiều bạn trẻ khi đi học thì thua kém bạn cùng lớp, lúc ra đời lập nghiệp lại thất bại, yếu thế hơn người khác. Thay vì phải tự xem xét lại bản thân xem mục tiêu, phương pháp, kỹ năng trong việc học, việc làm của mình đã thật sự phù hợp và đúng đắn hay chưa để có sự điều chỉnh. Thì họ lại đổ thừa cho cha mẹ, do cha mẹ nghèo khổ nên khiến cho cuộc đời họ ám một màu xám xịt. Đây là tư tưởng của những người con bất hiếu và điều đó càng làm cho họ bị tổn phước, kém may mắn, khó có khả năng vượt qua được những khó khăn, trở ngại trong cuộc đời. Do đó, chúng ta không nên đổ lỗi cho cha mẹ; mà hãy luôn luôn thương yêu, tôn kính, báo hiếu hai đấng sanh thành, bởi cha mẹ là hai vị Phật trong nhà của mình.

Thầy cô giáo cũng là đối tượng mà chúng ta không nên ghét bỏ và đổ thừa cho họ. Sở dĩ học trong lớp mà điểm không cao là do chúng ta không chú ý, tập trung vào lời thầy cô giảng dạy. Còn khi không hiểu bài thì phần lớn lại do bản thân mình lười hỏi, lười nhờ thầy cô giảng lại, giải thích lại. Ngoài ra, với các căn bệnh như lười học, học sai phương pháp, không chịu làm bài tập, không chịu đọc sách, mê chơi hơn mê học,… càng làm cho các em học sinh có kết quả học tập yếu kém hơn. Do đó, các em đừng đổ lỗi cho thầy cô giáo, mà hãy truy cứu trách nhiệm ở chính bản thân mình và không ngừng cố gắng, siêng năng, phấn đấu hết mình để học tập nghiêm túc và bài bản.

Đức Phật đã dạy rằng chơi với bạn thì hãy chọn bạn tốt mà chơi. Còn nếu như không có ai để chơi thì thà mình cô độc một mình, chứ tuyệt đối không chơi với những người bạn xấu, bạn ác. Đó là những thể loại bạn mê chơi mà lười học, làm biếng làm nhác, cờ bạc, nghiện ngập, vi phạm luật pháp, sống ác nhân thất đức,… Những người bạn này không mang lại giá trị tốt đẹp gì cho bản thân và mọi người. Mình sẽ không học hỏi được điều hay gì từ họ, ngược lại mình còn có thể bị lây nhiễm những tật xấu đó. Do đó, đừng đổ lỗi cho bạn bè, mà hãy xét lại xem mình bị hư, bị xấu, bị tệ có phải bắt nguồn từ việc lựa chọn sai loại bạn để chơi hay không. Từ đó, mình hãy cố gắng kết giao, học hỏi, noi gương và phấn đấu theo các người bạn siêng năng, học giỏi, thông minh, tốt bụng, lành tính,… để bản thân mình cũng sẽ nương theo mà ngày càng hoàn thiện, ưu tú hơn.

Để đạt được những thành công trong học tập, việc làm và trong cuộc sống, Thượng tọa đã có lời nhắn nhủ đến các em thiếu nhi, thiếu niên đó là đừng đổ thừa cho hoàn cảnh. Hoàn cảnh có thể tạm khiến cho chúng ta bị kìm hãm, bị trì trệ, bị chùn bước, bị gián đoạn các sự việc trong cuộc sống. Nhưng nếu như mình có khởi ý hay tâm niệm đến việc bỏ cuộc, sợ hãi, đào tẩu, trốn thoát, buông xuôi, tự ti,… thì nó sẽ là “thuốc độc” giết chết hiện tại và tương lai của chúng ta. Bởi vì tiềm năng thành công của mỗi người là như nhau. Chỉ cần có niềm tin và nỗ lực phấn đấu thì trong mọi việc, chúng ta sẽ dễ dàng đạt được 60%-70% của sự thành công. Trên nền tảng đó, bằng ý chí, nghị lực, phương pháp, kỹ năng đúng, nhờ thêm một vài điều kiện thuận duyên, thiện duyên, việc sở hữu và tận hưởng thành quả chiến thắng sẽ là điều nằm gọn trong tầm tay của bản thân.

Tin: Minh Lượng
Ảnh: Ngộ Trí Thông

Có thể bạn quan tâm


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook