Chiều ngày 24/4, tại Văn phòng Cơ quan đại diện phía Nam Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (Quận 1), Chùa Giác Ngộ – Quỹ Đạo Phật Ngày Nay (Quỹ ĐPNN) đã ký kết thỏa thuận đồng hành cùng chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” từ 2022 – 2027, chương trình do Trung ương hội Chữ Thập đỏ Việt Nam phát động.
Tham dự buổi lễ, về phía Hội Chữ thập đỏ Tp. Hồ Chí Minh có sự hiện diện của bà Huỳnh Thị Xuân Lam – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ Thập đỏ, ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam kiêm Trưởng Cơ quan đại diện phía Nam.
Về phía chính quyền địa phương có bà Trần Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 10, TP. HCM.
Về phía Chùa Giác Ngộ – Quỹ ĐPNN có sự hiện diện của TT. Thích Nhật Từ – Trụ trì Chùa Giác Ngộ, Chủ tịch Sáng lập Quỹ Đạo Phật Ngày Nay, và các Phật tử Giác Thanh Nhã, Phật tử Giác Vân Anh, Phật tử Ngộ Mi Hồng, Phật tử Nguyên Phúc – đồng Phó Chủ tịch Quỹ ĐPNN cùng các Phật tử thành viên Quỹ ĐPNN.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Huỳnh Thị Xuân Lan cho biết: “Tháng Nhân đạo năm 2022 bắt đầu từ ngày 1-31/5, cao điểm từ ngày 8/5 (Ngày Chữ thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ quốc tế) đến ngày 19/5 (Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập, Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam. Nhân Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, chủ đề của Tháng Nhân đạo năm 2022 là “Gắn kết cộng đồng – Lan tỏa hành động nhân ái” nhằm kêu gọi mọi người hãy gắn kết với nhau bằng những việc làm tử tế cho dù nhỏ bé. Từ những hành động nhân ái nhỏ bé sẽ có tác động lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, nhân lên thành nhiều hành động đẹp, góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái.”
Đồng thời, bà nhấn mạnh: “Việc hợp tác của Trung ương hội Chữ Thập đỏ Việt Nam và Quỹ ĐPNN trong giai đoạn 2022 – 2027 là nhằm góp phần mang lại giá trị lợi ích chung cho những đối tượng yếu thế trong xã hội. Chúng tôi cam kết, thông qua tổ chức Hội các cấp, mọi nguồn lực trợ giúp sẽ đến được với những người dân một cách hiệu quả nhất.”
Thay mặt BĐH Quỹ ĐPNN, TT. Thích Nhật Từ đã bày tỏ niềm hân hoan, cảm kích trước tấm lòng cao quý của Trung Ương Hội và để đáp lại tấm lòng cao quý ấy, TT. Thích Nhật Từ chia sẻ: “Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam đã phát động những hành động việc làm nhân ái trong tháng nhân đạo, gieo mầm lối sống sống tử tế để giúp đỡ những thành phần yếu thế trong xã hội hoàn toàn tương đồng với chủ trương của đức Phật Thích-ca về tinh thần từ bi, từ bi bằng hành động cụ thể. Chữ “Từ” (Metta) có nghĩa là tình thương bằng hành động cụ thể, nhổ lên nỗi khổ niềm đau, mang lại niềm an vui hạnh phúc. Chữ “Bi” (Karuna) được hiểu là sự cảm thông sâu sắc trước nỗi khổ niềm đau của những người yếu thế và những người khổ đau. Bằng sự cảm thông và quan tâm này giúp cho chúng ta không sống trong sự vô cảm. Ứng xử với hai thái độ tâm lý và hành động “Từ” và “Bi” này, chúng ta sẽ có rất nhiều hành động tử tế, nhân ái. Với dấu mốc đầu tiên Quỹ ĐPNN nối kết với Trung ương Hội Chữ Thập đỏ này, Thầy rất mong chương trình ký kết bản ghi nhớ ngày hôm nay sẽ mở ra một chương mới cho Quỹ; đồng thời, những hành động của chúng ta ngày hôm nay chắc chắn sẽ mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng và những người hữu duyên.”
Trong 05 năm, từ năm 2022 – 2027, Chùa Giác Ngộ – Quỹ ĐPNN sẽ trao tặng 7.000 túi thuốc sơ cấp cứu cho ngư dân nghèo, khó khăn các tỉnh ven biển miền Trung”; bao gồm 14 tỉnh thành ven biển miền Trung như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Mỗi tỉnh, thành sẽ trao tặng 500 túi thuốc sơ cấp cứu.
Tại buổi lễ ký kết tài trợ, Chùa Giác Ngộ – Quỹ ĐPNN đã trao tặng trước 2.000 túi Sơ cấp cứu cho ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung. Mỗi túi thuốc sơ cấp cứu bao gồm các y cụ cấp cứu trị giá 300 nghìn đồng. Chương trình nhằm trang bị túi thuốc sơ cấp cứu, kiến thức kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu do tai nạn, thương tích cho ngư dân bám biển có hoàn cảnh khó khăn, chăm sóc sức khỏe và giúp ngư dân có thêm điều kiện an toàn để ứng phó với thiên tai trên biển, hạn chế rủi ro trong lao động. Qua đó, góp phần động viên, khích lệ ngư dân ven biển vươn khơi bám biển, tích cực cùng chính quyền địa phương tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Tin: Liên Thủy
Ảnh: Ngộ Trí Tâm