Loading...

TÌNH YÊU LỨA ĐÔI DƯỚI GÓC NHÌN PHẬT GIÁO

Mỗi con người sinh ra trên cuộc đời đều có nhu cầu yêu đương và mong muốn có được một tình yêu cao đẹp, bền vững. Không phân biệt đó là giới tính, tôn giáo, giai cấp, hay địa vị xã hội; con người ta khi sinh ra lớn lên ai cũng mong muốn tìm thấy một nửa kia của mình để từ đó xây dựng ngôi nhà hạnh phúc có tình yêu và những đứa trẻ. Có thể nói hành trình đi tìm một nửa kia là một trong những công việc khó khăn, phức tạp và lớn lao nhất trong cuộc đời của mỗi người. Và phải chăng cũng vì thế mà tình yêu đã, đang và sẽ mãi là những đề tài hay, hấp dẫn, thâm nhập vào mọi ngõ ngách của cuộc sống ở mọi thời đại. Phật giáo, một tôn giáo được mệnh danh là tôn giáo của mọi thời đại, đã đồng hành cùng với lịch sử nhân loại hơn 2.500 năm qua có quan điểm như thế nào về tình yêu lứa đôi?

Mục đích cuối cùng của Phật giáo là hướng con người đến sự giác ngộ, giải thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử. Và để đi đến điểm đích cuối cùng đó, những người theo đạo Phật có hai thành phần. Thành phần thứ nhất là những ai muốn đi nhanh, đi đúng đường và có ý chí, nghị lực cao, cũng như có tâm từ bi lớn thì chọn con đường xuất gia. Những người này sống độc thân, không lập gia đình, không hưởng thụ khoái lạc lục dục của thế gian. Đời sống độc thân như vậy đã mang lại nhiều ý nghĩa thực tiễn cho sự tu tập và phụng sự đạo pháp, chúng sanh. Điều này không có nghĩa đạo Phật phản đối tình yêu, chỉ vì một người lập gia đình thường bận bịu cuộc mưu sinh nên có rất ít tự do và thời gian để theo đuổi đời sống tâm linh; chính vì thế, giới luật nghiêm cấm người xuất gia có đời sống vợ chồng. Thành phần thứ hai là những người sống đời sống phàm tục có gia đình và con cái; họ sống và làm việc cùng với các hoạt động chung của xã    hội. Tuy  nhiên họ là những người quy y Tam bảo nên đời sống của họ còn áp dụng thêm những tiêu chuẩn đạo đức mà Phật giáo quy định để giúp cuộc sống và tâm linh của họ ngày càng thăng hoa.

Mỗi khi nói về đạo Phật thì người ta thường chỉ nghĩ đến những người xuất gia, nên thường cho rằng tình yêu là lĩnh vực ít được đề cập và phân vân không biết Phật giáo có nói gì về vấn đề này hay không. Thực tế, Phật giáo đã xác lập vấn đề này một cách rõ ràng, cụ thể qua các bản kinh Nguyên thủy về việc thiết lập quan hệ tình cảm nam nữ, tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng ngay trong đời sống hiện thực. Mục đích của việc xác lập này nhằm xây dựng một đời sống hướng thượng, gia đình hạnh phúc của giới Phật tử tại gia trong đời này và nhiều đời sau.

Mở đầu kinh Tăng Chi, bài Nữ sắc, Phật nói về vấn đề quan hệ tình cảm nam nữ: “Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như sắc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, sắc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông”. Rồi Phật nói tiếp: “Ta không thấy một tiếng nào khác, này các Tỷ- kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như tiếng người đàn bà. Này các Tỳ-kkheo, tiếng người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông”. “Ta không thấy một hương,… một vị… một xúc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như hương, vị, xúc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, hương, vị, xúc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông…”.

Có thể hiểu một cách đơn giản, hương là mùi hương, vị là vị nếm, xúc là tiếp xúc. Người nam thích những điều ấy từ người nữ. Ngược lại, trong quan hệ nam nữ, người nữ cũng cần những điều ấy từ người nam, cho nên Phật nói tiếp: “Takhông thấy một sắc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà như sắc người đàn ông. Này các Tỷ-kheo, sắc người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà”. Phật lại tiếp tục diễn trình về tiếng, hương, vị, xúc… của người nam cũng xâm chiếm và ngự trị tâm người nữ, được người nữ ưa thích và ham muốn. Như vậy, Đức Phật nhận định sự biểu lộ tình cảm, quan hệ yêu đương giữa nam và nữ nhìn từ hình dáng bên ngoài do sự khác biệt về giới tính mà nam và nữ hấp dẫn lẫn nhau, bị thu hút với nhau không những bằng sắc đẹp, mà còn bằng âm thanh, mùi hương, vị nếm, tiếp xúc và tìm đến với nhau qua con đường tình cảm yêu thương.

Tất nhiên, những điều được Đức Phật nói ra trong bài Nữ sắc thuộc kinh Tăng Chi như nêu trên là lời cảnh giác của Ngài đối với các bậc xuất gia. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng thấy nhận định của Ðức Phật về tình cảm mà người nam và người nữ dành cho nhau rất thực tế. Không một đối tượng nào trong thế gian này lại thu hút sự chú ý của người nam hơn là người nữ. Cùng lúc ấy, sự thu hút chính đối với người nữ lại là người nam. Theo bản năng tự nhiên có nghĩa là người nam và người nữ đem lại cho nhau lạc thú trần tục; họ không thể đạt được hạnh phúc này ở những đối tượng khác. Những quan hệ như vậy dẫn đến tình cảm lứa đôi, sau cùng đi đến hôn nhân, thiết lập một đời sống gia đình là chuyện bình thường và rất tự nhiên.

Đạo Phật không hề ngăn cấm tình yêu nam nữ bởi lẽ con người đang sống trong cõi Dục giới, đầy khát ái, nam nữ đến với nhau để xây dựng gia đình, duy trì nòi giống, đó là nghiệp lực của con người. Nói vậy không có nghĩa con người thích yêu như thế nào cũng được; học thuyết Nhân quả – Nghiệp báo của đạo Phật khẳng định con người là chủ nhân ông của nghiệp, là người chịu trách nhiệm trước những nghiệp đã gây tạo, và nghiệp là thai tạng. Cho nên, đạo Phật dạy con người phải nhận thức đúng đắn, có thái độ sống và hành vi ứng xử đúng mực, không nên tà dâm. Điều này có nghĩa là người Phật tử thì không nên có quan hệ nam nữ hay biểu lộ tình cảm không chính đáng, làm đổ vỡ hạnh phúc của mình và của người khác, mang tiếng xấu cho mình và cho gia đình. Làm được như vậy sẽ bảo vệ quyền được hạnh phúc của con người, xã hội nhờ đó trở nên văn minh, tiến bộ và không ngừng phát triển. Chính vì thế mà giới thứ ba trong năm giới của người tại gia là không được phép có những quan hệ nam nữ không chính đáng.

Tình yêu nam nữ cũng như mọi thứ tình cảm khác có mặt trên cuộc đời, theo Phật giáo cũng cần được chăm sóc và vun bồi. Vì tình yêu là nghiệp ái của mình và bản chất của nó là trói buộc và vị kỷ nên hạnh phúc lứa đôi tuy có, nhưng mong manh dễ vỡ. Tình yêu phải được nâng niu, trân quý và gìn giữ suốt cả cuộc đời mới mong bền vững, hạnh phúc. Nuôi dưỡng tình yêu không phải mãi nghĩ về người yêu mà còn học cách tu dưỡng đạo đức, sống chân thành, hiểu biết, chia sẻ và yêu thương hết lòng với người mình thương.

Nói tóm lại, đạo Phật không khuyến cáo, lại càng không bắt buộc các Phật tử phải tránh mọi quan hệ nam nữ, tình yêu lứa đôi, sinh hoạt chăn gối trong đời sống vợ chồng. Đạo Phật chỉ khuyến khích con người tìm đến những hạnh phúc chân thật hơn, cao cả hơn, lâu bền hơn. Đó là niềm vui sống đạo đức, niềm vui không vị kỷ, trải lòng từ với mọi người, niềm vui của đời sống thuần thiện thanh cao không bị dục nhiễm và cuối cùng là niềm vui của sự đoạn trừ tham ái, ly si tức là an vui giải thoát.

Theo Tạp chí văn hóa Phật Giáo

Có thể bạn quan tâm


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook