Loading...

VỢ CHỒNG THUẬN THẢO, GIA ĐÌNH ẤM ÊM

Lễ hằng thuận từ lâu đã trở thành một nét đẹp về văn hóa, tôn giáo tại Việt Nam nói riêng và các nước có đông đảo tín đồ Phật giáo trên thế giới nói chung. Đó là buổi lễ thiêng liêng, dưới sự chứng minh của Tam Bảo, đôi uyên ương cam kết chung sống, đồng hành cùng nhau với trái tim yêu thương, sẻ chia, thuận hòa, cùng trí tuệ thấu hiểu, cảm thông và nhẫn nhịn. Vào sáng ngày 18/06/2022, Tăng đoàn Chùa Giác Ngộ đã chứng minh cho buổi lễ hằng thuận của chú rể Nguyễn Đình Khương và cô dâu Mai Kim Kỳ Phương trong sự chúc phúc và vui mừng của gia đình, thân quyến, bạn bè hai họ.

Dưới sự chủ trì của TT. Thích Minh Phước, Tăng đoàn và đại chúng đã tiến hành nghi thức lễ hằng thuận trong không khí vô cùng trang nghiêm. Thượng tọa cũng giải thích thêm về ý nghĩa của lễ hằng thuận. “Hằng” là gắn kết, buộc chặt; “thuận” là hòa thuận, thuận thảo; “hằng thuận” mang ý nghĩa mong muốn đôi uyên ương luôn luôn sống và đối đãi với nhau một cách thuận hòa, tử tế, gắn kết bền chặt, thủy chung. Sau khi đảnh lễ Ba Ngôi Báu – Phật, Pháp, Tăng, Thượng tọa đã hướng dẫn đại chúng tụng kinh Thiện Sinh, bài kinh chứa đựng những lời dạy của đức Phật cho hàng cư sĩ tại gia về phương pháp sống thiện, sống vui trong các mối quan hệ tại gia đình và ngoài xã hội. Trong đó, cách cư xử giữa chồng và vợ là điều quan trọng mà cô dâu và chú rể cần lưu tâm ghi nhớ.

Đức Phật đã dạy rằng một người chồng lý tưởng phải tôn trọng vợ với năm bổn phận: một là lấy lễ đối đãi với vợ, hai là chuẩn mực nhưng không hà khắc, ba là tùy thời cung cấp y, thực, bốn là tùy thời tặng trang sức đẹp, năm là cùng vợ làm tốt việc nhà. Tương tự như thế, một người vợ mẫu mực phải đối đãi chồng với năm bổn phận: một là siêng năng, thức dậy trước chồng; hai là nể chồng, trước, sau, trong, ngoài; ba là dùng lời hòa nhã, xây dựng; bốn là nhún nhường, ủng hộ điều hay; năm là hiểu chồng, cảm thông, chia sẻ. Năm bổn phận đối đãi nhau giữa vợ và chồng nhằm giúp cho cả hai biết cách giao tiếp, truyền thông và cư xử chuẩn mực, thuận hòa khi chung sống với nhau lâu dài.

Tiếp đó, tân lang và tân nương tuyên đọc bốn lời phát nguyện trước hôn nhân, đó là: cam kết sống tiếp nối đạo đức và truyền thống văn hóa gia đình và đất nước; sống chung thủy, hiểu biết, thương yêu, nâng đỡ nhau; luôn luôn tôn trọng và hài hòa với nhau; hướng dẫn con cháu là Phật tử từ nhỏ, dồn hết tâm lực và phương tiện, xây dựng hạnh phúc cho con cháu. Đây là kim chỉ nam giúp cho cô dâu và chú rể xây dựng, vun đắp cuộc sống hôn nhân ấm no, vẹn toàn không những cho cả hai mà còn cho cả con cháu sau này cùng họ hàng nội ngoại hai bên.

Thay mặt cho cha mẹ đôi bên gia đình, bà Đinh Kim Phượng, mẹ của cô dâu, đã có lời cảm tạ Tăng đoàn và đôi lời nhắn nhủ đến đôi trẻ. Cô dâu và chú rể là tài sản to lớn và vô cùng quý báu của cha mẹ với biết bao sự thương yêu và hoài bão gửi gắm. Sau thời gian tìm hiểu kỹ càng, cả hai đều quyết chí đồng lòng tiến tới hôn nhân, kết duyên chồng vợ. Đó là cột mốc quan trọng trong đời của cả hai, đánh dấu một vai trò mới, một cương vị mới. Vợ chồng chung sống cùng nhau thì luôn lấy chữ nhẫn làm đầu. Có điều gì chưa thấu hiểu hay vấn đề nào chưa sáng tỏ, thì vợ chồng cần nhỏ to tâm sự, thủ thỉ trao đổi để tìm được tiếng nói chung. Bà Kim Phượng cũng thay mặt cha mẹ hai họ, gửi lời chúc đến hai con hạnh phúc trăm năm đến khi răng long đầu bạc.

Cuối buổi lễ, Thượng tọa chủ trì đã có những lời chỉ dạy sâu sắc, đạo tình nhưng cũng gần gũi, thiết thực đến đôi bạn trẻ. Thầy dạy rằng được nên vợ nên chồng thì có nghĩa là chúng ta đã có nhân duyên sâu dày từ trong quá khứ. Đây là thiện duyên quý báu mà cô dâu và chú rể nên trân trọng. Người làm chồng cần phải luôn luôn thương yêu, chu cấp cho vợ đầy đủ những tiện nghi cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Người làm vợ phải có trách nhiệm bên cạnh săn sóc, quan tâm, chia sẻ, động viên chồng cả khi thành công lẫn lúc thất bại. Cả hai cùng chung tay góp sức để xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi nấng, dạy dỗ con cái nên người. Muốn được như vậy, cả hai phải đối đãi với nhau trong sự tôn trọng, thuận hòa và kính nhường, chớ nên lời qua tiếng lại, cãi vã, hơn thua, từ đó cuộc sống hôn nhân mới viên mãn, an vui, “trong ấm ngoài êm”.

Tin: Minh Lượng
Ảnh: Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook