Loading...

ĐỨC PHẬT CŨNG CÀY RUỘNG

Xưa kia đức Phật trú ở Trúc Lâm Ca Lan Đà tại Thành Vương Xá. Đương thời, tại phía Bắc Thành Vương Xá có một vị Bà La Môn chuyên cày ruộng tên là Tố Đậu La.

Có một lần, vào lúc sáng sớm đức Phật khoác tăng phục, ôm bình bát đi đến chỗ của Bà La Môn khất thực. Lúc đó Bà La Môn từ xa nhìn thấy Đức Phật đang tiến đến, liền nói với Đức Phật: “Thưa Thế Tôn! Chúng tôi phải vất vả cày cấy mới có đồ để ăn, chúng tôi từ trước đến nay chưa từng đi xin người khác, còn các ông không cày cấy, cũng chẳng làm gì, các ông nên cày cấy giống chúng tôi vậy mới phải! Tại sao tất cả đều nhờ vào xin ăn duy trì mạng sống?”

Đức Phật rất khéo léo đáp: “Tôi cũng cày cấy! Nhưng, ruộng tôi cày không phải là ruộng bình thường, mà tôi cày ruộng đại phước.”

Bà La Môn nông dân liền cảm thấy kỳ lạ nói: “Thế Tôn! Nếu ông nói ông cày ruộng, nhưng tại sao tôi chưa từng thấy qua ruộng của ông? Hạt giống được gieo ở đâu? Ông cũng không có trâu cày, cũng không có công cụ cày ruộng, bừa đất, v.v… Tại sao ông lại nói tôi cũng đang cày ruộng? Nếu nói ông có cày ruộng, mời ông nói cho tôi về phương pháp cày ruộng.”

Thế Tôn liền đáp: “Thông thường nông dân cày ruộng, cần phải có hạt giống gieo xuống; còn ruộng tôi cày chính là dùng niềm tin làm hạt giống. Bởi vì “niềm tin là nơi sinh ra các công đức”. Niềm tin chính là hạt giống của tất cả công đức. “Phật pháp như biển lớn, có tín tâm thì đi vào, có trí tuệ thì vượt qua” do đó tín tâm chính là hạt giống, tôi có hạt giống như vậy.

Như thế hạt giống cần phải trồng ở đâu? Đương nhiên phải có ruộng tốt! Trong Phật pháp có ruộng tốt, chính là các thiện pháp, và nơi hành thiện pháp, đó chính là ruộng tốt của tôi.

Con trâu ở đâu? Tinh tấn chính là điều phục trâu. Nhưng chỉ có con trâu vẫn chưa đủ, muốn biết được nơi nào đất cần cày, cần bừa thì cần phải chỉ dẫn phương hướng, trí tuệ chính là gọng cày.

Ngoài ra, còn phải cày ruộng mới làm cho đất tươi xốp, nên tâm hổ thẹn là đất của tôi cày. Với cái tâm hổ thẹn ấy chính là chúng ta nhận ra được sai lầm rồi, cần phải thành thật sám hối, không được che giấu tội lỗi bên trong, cần phải đem ra phơi bày. Cày ruộng chính là tâm hổ thẹn. Người tu hành cần thành thật sám hối, do đó tôi cũng có cày.

Không chỉ có công cụ, có trâu mà cũng cần phải có người cày ruộng giỏi, đó là giữ gìn trong trạng thái chánh niệm.

Ngoài chánh niệm ra, thân khẩu ý cũng cần phải điều thuận, dùng phương thức thiện xảo để phòng hộ các căn, để cho thân khẩu ý thanh tịnh. Nông dân dùng dây cương để điều phục trâu ngựa, người xuất gia lấy trì giới làm dây cương để cho tâm viên ý mã có thể điều phục, cho thân khẩu thanh tịnh, và cũng chính là trì giới thanh tịnh.

Cày cấy, cũng cần phải làm cỏ, nhổ đi những loài cỏ dại, trong Phật pháp chính là trừ đi phiền não.

Cày cấy cũng phải kịp mùa mưa, phải tưới tiêu, cần phải không ngừng tưới để ruộng thấm nước, cũng như vậy người tu hành không được giải đãi, cần phải liên tục tinh tấn, để thấm nhuận ruộng thiện pháp, như vậy mới có thể thu hoạch tốt được.

Cũng như vậy, các nông dân nỗ lực làm cỏ, cày cấy, có thể thu hoạch được dồi dào; còn người tu hành cũng như vậy, nỗ lực diệt trừ phiền não, tu học thiện pháp, hướng đến giải thoát an ổn, đạt được an lạc vĩnh viễn.

Các ông siêng năng chịu khó cày cấy, kết quả có thể thu hoạch được lúa thóc, nhưng chúng tôi cày cấy, có thể gặt hái được quả cam lồ giải thoát khỏi sinh tử. Các ông chỉ chống được cái khổ của sự đói khát, nhưng chúng tôi thực hành vì trừ đi thống khổ và vĩnh viễn không còn luân hồi trong ba cõi”.

Bà La Môn vừa nghe xong, vô cùng tán thán: “Thế Tôn! Ngài mới là người cày ruộng giỏi nhất, và ruộng ấy là ruộng tốt nhất”.

Trích “Kinh Biệt Dịch Tạp A Hàm” kinh 264, thuộc “Đại Chánh Tạng” quyển 2.

Ảnh: Internet.

Có thể bạn quan tâm


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook