Loading...

KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN

KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN

Trích từ Kinh Phật cho người tại gia

Sa môn Thích Nhật Từ soạn dịch


Tôi nghe như vầy. Có một thuở nọ, ở tại vườn Nai, thuộc Ba-la-nại, đức Phật đã dạy cho năm thầy tu phương pháp chuyển hóa tất cả khổ đau, gồm những điều sau.                                            

BỎ HAI CỰC ĐOAN

Này các đệ tử, có hai cực đoan mà người  xuất  gia  cần  nên  từ  bỏ:  đó  là hưởng thụ khoái lạc giác quan phàm tục, thấp kém, không xứng hạnh thánh, và tu khổ hạnh, hành hạ thân thể vốn là khổ đau, hoàn toàn vô ích, không xứng hạnh thánh. Nhờ từ bỏ được hai cực đoan này, Như  Lai  khám  phá  con  đường Trung đạo, có thể mang lại tầm nhìn, tri kiến, đưa đến an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ tuyệt đối, niết-bàn an vui. Trung đạo đó là con đường tám chính: Tầm nhìn chân chính, tư duy chân chính, lời nói chân chính, hành vi chân chính, nghề nghiệp chân chính, siêng năng chân chính, chính niệm, chính định. Đây là Trung đạo mà đức Như Lai đã chứng ngộ được.        

BỐN SỰ THẬT THÁNH

Này các đệ tử, đây là sự thật về các khổ đau: Sự sinh là khổ, già nua là khổ, bệnh tật là khổ, chết chóc là khổ, chung đụng người ghét là khổ khó chịu, xa người thương yêu là khổ đoạn trường, mong muốn không được là khổ thất vọng; sầu bi khổ não… đều là khổ đau; tóm lại chấp thân năm uẩn là khổ.

Này các đệ tử, đây là sự thật về nguồn gốc  khổ: Tham  ái  là  nhân  của  sự  tái sinh. Phối hợp khao khát và niềm đam mê, tham ái bám víu cái này, cái nọ, chỗ này, chỗ kia, không muốn xa rời. Tham ái bao gồm ái luyến nhục dục, ái luyến sinh tồn, ái luyến hư vô. Tham lam, sân hận và sự si mê cũng là nguyên nhân dẫn đến khổ đau và nhiều bất hạnh.

Này các đệ tử, đây là sự thật về đại niết-bàn,  hạnh  phúc  tối  thượng,  là  sự chuyển hóa trọn vẹn tham ái, là sự xa lìa tham, sân và si, là sự kết thúc của mọi khổ đau.

Này các đệ tử, đây là sự thật về đường thoát khổ, con đường Trung đạo, tức Bát chánh đạo, gồm tám chân chánh: Tầm nhìn  chân  chánh,  tư  duy  chân  chánh, lời nói chân chánh, hành vi chân chánh, nghề  nghiệp  chân  chánh,  siêng  năng chân chánh, chánh niệm, chánh định. 

BA LỚP VÀ 12 PHƯƠNG DIỆN

Này các đệ tử, đây là sự thật về các khổ đau; đây là khổ đau cần được nhận thức; đây là khổ đau đã được hiểu rõ.

Này các đệ tử, đây thật là điều chưa từng được nghe từ trước đến giờ, Như Lai đạt được tầm nhìn thẩm sát, tri kiến minh sát, trí tuệ cao siêu, giác ngộ tuyệt đối, ánh sáng rực chiếu.

Đây  là  sự  thật  về  nhân  khổ  đau; nguyên nhân khổ đau cần được chấm dứt; nguyên nhân khổ đau đã được chấm dứt. Này các đệ tử, đây thật là điều chưa từng được nghe từ trước đến giờ, Như Lai đạt được tầm nhìn thẩm sát, tri kiến minh sát, trí tuệ cao siêu, giác ngộ tuyệt đối, ánh sáng rực chiếu.

Đây là sự thật là phúc niết-bàn; niết-bàn tịch tĩnh cần được chứng ngộ; niết-bàn tối thắng đã được chứng ngộ. Này các đệ tử, đây thật là điều chưa từng được nghe từ trước đến giờ, Như Lai đạt được tầm nhìn thẩm sát, tri kiến minh sát, trí tuệ cao siêu, giác ngộ tuyệt đối, ánh sáng rực chiếu.

Đây là sự thật về đường thoát khổ; con đường diệt khổ cần được phát triển; con đường diệt khổ đã được thành tựu. Này các đệ tử, đây thật là điều chưa từng được nghe từ trước đến giờ, Như Lai đạt được tầm nhìn thẩm sát, tri kiến minh sát, trí tuệ cao siêu, giác ngộ tuyệt đối, ánh sáng rực chiếu.                                               

TUYÊN THUYẾT THỰC CHỨNG

Này các đệ tử, khi nào tri kiến tuyệt đối như thực của đức Như Lai về bốn sự thật, gồm ba giai đoạn, mười hai phương diện chưa được sáng tỏ, thì đến lúc ấy, Như Lai sẽ không xác nhận trước mặt Phạm thiên, ma vương, Trời, người, Sa-môn và Bà-la-môn rằng Như Lai được giác ngộ vô thượng. Đến khi tri kiến và tuệ giác lớn phát sinh rõ ràng, Như Lai tuyên bố: “Tâm của Như Lai hoàn toàn giải thoát, không còn lay chuyển, thoái lui sinh tử; đây là kiếp cuối, không còn kiếp khác”.             

LỢI LẠC CHUYẾN HÓA

Nghe đức Phật dạy, năm thầy Tỳ-kheo vô cùng hoan hỷ, phát tâm thực tập giáo pháp  mới  lạ.  Ngài  Kiều-trần-như  đạt được  pháp  nhãn,  không  còn  bụi  trần, sạch hết bợn tâm và thấy rõ rằng: “Cái gì có sanh tất phải có diệt”.

Khi biết Như Lai lăn xe chánh pháp, chư thiên khắp nơi vang lời tán dương: “Thật là tuyệt diệu, pháp luân Phật dạy. Không có Sa-môn hay Bà-la-môn, Trời, người, Phạm thiên, hay ma vương nào trên thế gian này có thể chuyển được pháp luân như thế ở tại vườn Nai, gần Ba-la-nại. Cũng không có ai trên thế gian này có thể ngăn được pháp luân vi diệu được Phật tuyên thuyết ở tại vườn Nai”.                  

Sau khi dứt lời, Như Lai xác nhận ngài Kiều-trần-như đã được tỏ ngộ, nên được biết đến với tên gọi mới, là ngài A-nhã Kiều-trần-như vậy.                               

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật

Ảnh: Internet.

Có thể bạn quan tâm


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook