Loading...

KINH HÓA GIẢI TRANH CÃI

KINH HÓA GIẢI TRANH CÃI

Trích từ Kinh Phật cho người tại gia

Sa môn Thích Nhật Từ soạn dịch


VÌ LÒNG TỪ BI

Tôi nghe như vầy. Trong một ngày nọ, trong khu rừng tên Ba-li-ha-ran, đức Phật truyền gọi tất cả Tỳ-kheo và dạy như sau: 

– Này các đệ tử, các con nghĩ sao: “Có phải vì muốn nhận được nhiều y, thực phẩm khất thực, giường chiếu, tọa cụ và các thuốc thang, mà ta thuyết pháp? Hay vì thành bại mà ta thuyết pháp?”         

– Kính bạch Thế Tôn, không vì lợi dưỡng  hay  nhân  thành  bại,  Thế  Tôn thuyết pháp thiết thực hiện tại, đem lại lợi lạc cho rất nhiều người. Vì lòng từ bi, vì tâm vị tha, vì tâm hóa độ, người đã tận tâm giảng dạy rộng sâu những điều chánh pháp.

– Này các đệ tử, chánh pháp ta dạy với trí tuệ lớn cho các chúng sinh như bốn niệm xứ, bốn tinh tấn lớn, bốn như ý túc, năm năng lực lớn, bảy phần giác ngộ, thánh đạo tám ngành v.v… các đệ tử nên học tập tất cả, thực tập trọn vẹn trong sự hòa đồng, hoan hỷ không tranh.             

TÌNH HUỐNG TRANH CÃI

Với tâm hoan hỷ, không màng tranh cãi, lúc học chánh pháp, nếu có hai người, hoặc là hai nhóm nói khác nhau về chánh pháp ta dạy hay vô tỷ pháp, ai đó nghĩ rằng giữa các đồng tu có sự sai khác về văn và nghĩa, hoặc giống văn kinh nhưng giải nghĩa khác thì nên khéo léo nói người hai bên sẵn lòng lắng nghe: “Các vị tôn giả, chớ có tranh cãi về lời Phật dạy hoặc vô tỷ pháp, vì giữa các vị đã có khác biệt về văn và nghĩa, hoặc giống văn kinh nhưng giải nghĩa khác”. Cái gì khó nắm thì phải ghi nhận là khó nắm giữ. Những gì thuộc pháp, những gì thuộc luật, nếu khó nắm giữ thì phải ghi nhận và phải nói ra.                                                 

Này các đệ tử, nếu có trường hợp tranh cãi xuất hiện giữa hai nhóm người, hoặc chỉ hai người về khác kinh văn nhưng giải nghĩa giống… thì nên khéo léo nói người hai bên sẵn lòng lắng nghe: “Các vị tôn giả, chớ có tranh cãi về lời Phật dạy hoặc vô tỷ pháp, vì giữa các vị có sự giống nhau về giải thích nghĩa, chỉ có sai biệt về văn tự thôi. Sai khác văn tự chỉ là chuyện nhỏ, không nên bận tâm về chuyện nhỏ nhặt”.

Cũng có trường hợp, tranh cãi xuất hiện giữa hai nhóm người hoặc giữa hai người, khi cả hai bên đồng nhất về văn, đồng nhất về nghĩa thì nên khéo léo nói với hai bên: “Các vị tôn giả, chớ có tranh cãi về lời Phật dạy, vì giữa các vị có sự giống nhau về văn và nghĩa”.

Này các đệ tử, đối với giới luật do ta ban hành hãy nên học tập trong sự hòa đồng, hoan hỷ, vô tranh. Nếu có đồng tu được nghi đã phạm một giới nào đó thì đừng hấp tấp khiển trách, quy tội cá nhân người đó. Cần phải xem xét hết sức cẩn trọng, không gây hiểu lầm, không tạo hàm oan, không làm lớn chuyện.   

VƯỢT QUA TÌNH HUỐNG TRANH CÃI

Có các tình huống phát biểu như sau. Tình huống thứ nhất: “Sẽ không tổn hại cho bản thân ta và người nghi phạm; nếu người nghi phạm sẽ không tức giận cũng không uất hận, phản ứng nhanh chóng, sẵn lòng tiếp thu những lời góp ý thì ta nên giúp người ấy vượt qua tất cả lỗi lầm, hồi tâm về thiện”. Trong tình huống này, vì động cơ tốt, nên nói là phải.

Tình  huống  thứ  hai:  “Sẽ  không  tổn hại cho bản thân ta nhưng sẽ có hại cho người nghi phạm, nếu người nghi phạm tức giận, uất hận, phản ứng chậm chạp nhưng  dễ  thuyết  phục,  nên  nói  khéo léo, giúp người nghi phạm vượt qua bất thiện”. Trong tình huống này, tổn hại cho người nghi phạm chính là lợi lạc giúp họ vượt qua bất thiện, an trú vào thiện. Từ động cơ đó, nói ra rất nên.                   

Tình huống thứ ba: “Sẽ hại cho ta nhưng không tổn thất cho người nghi phạm, nếu người nghi phạm không có tức giận, tính tình lanh lợi nhưng khó thuyết phục nên nói khéo léo giúp cho người ấy vượt qua bất thiện, sống trong thuần thiện”. Trong tình huống này, chỉ là chuyện nhỏ, nếu bất lợi ta mà lợi cho người trên đường chuyển hóa, nên phải nói ra.                             

Tình huống thứ tư: “Sẽ hại cho ta và cả nghi phạm, làm cho nghi phạm tức giận, uất hận, tính tình chậm chạp, rất khó thuyết phục, nhưng nếu giúp được người ấy bỏ ác, quay sang làm lành, thì tổn thất này cũng chỉ nhỏ nhặt, trong khi kết quả là sự hướng thiện. Nên mạnh dạn nói. 

Tình huống thứ năm: “Ta sẽ bị hại và cả nghi phạm cũng không được tốt; nghi phạm tức giận, uất hận đủ điều, phản ứng chậm chạp, không thể thuyết phục, không thể bỏ ác, quay về đường lành”. Trong tình huống này, không nên xem thường, hãy tập buông xả, để được bình an.      

Này các đệ tử, trong năm tình huống như vừa nêu trên, tất cả nên học, ứng dụng hằng ngày với tâm hòa đồng, hoan hỷ, vô tranh. Không để hiềm hận xuất hiện trong tâm. Không để phiền giận ém nhẹm trong lòng. Không để ngoan cố làm ta phân hóa. Không để ngôn ngữ chia cách chúng ta. Nhờ thực tập tốt thái độ hòa hợp, buông bỏ tranh chấp và lời thị phi, người tu đạt được an tịnh ba nghiệp, tạo điều kiện tốt đạt được Niết-bàn, an lạc tuyệt đối.                                         

KHÔNG MÀNG LỜI KHEN

Này các đệ tử, khi giúp đồng tu hay bất kỳ ai đạt được lợi ích thì đừng bận tâm vào lời khen ngợi. Khi được người khen: “Các đồng tu này được tôn giả giúp vượt qua bất thiện, an trú vào thiện, thật là lành thay” thì nên trả lời một cách chân chính, khéo léo như sau: “Thưa các bạn hữu, không phải do tôi các vị được thế.

Những gì tôi biết đều do tôi học trực tiếp từ Phật qua lời ngài dạy; tôi chỉ lặp lại những gì tôi biết, có công gì đâu. Nhờ lắng nghe theo, các bạn bỏ ác, sống theo hạnh lành, đạt được lợi ích là điều tất nhiên”. Trả lời như trên, ta sẽ thoát được tâm lý trở ngại “khen mình chê người”. Nhờ biết giải thích đúng với chân lý và có khiêm cung nên người như vậy không bị phỉ báng, phê bình, chỉ trích.

Nghe đức Phật dạy nghệ thuật hòa giải, sống trong hòa hợp, lợi lạc mình người, góp phần xây dựng hòa bình, hạnh phúc có mặt khắp nơi, tất cả đồng tu vô cùng hoan hỷ, vâng lời Phật dạy, học tập, ứng dụng,  phát  nguyện  truyền  bá  đến  với nhiều người.                                         

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật  

Có thể bạn quan tâm


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook