Loading...

PHẬT NÓI KINH BỐN VÔ LƯỢNG TÂM

PHẬT NÓI KINH BỐN VÔ LƯỢNG TÂM

Trích từ Kinh Phật cho người tại gia

Sa môn Thích Nhật Từ soạn dịch


Bấy giờ trong Hội, đức Phật liền bảo ngài Xá-lợi-phất: “Các Bồ-tát là nguyên khí Phật pháp, pháp khí của Phật, hành Bồ-tát  đạo  luôn  thực  tập  hạnh  tứ  vô lượng tâm”.                                             

Này các đệ tử, các vị Bồ-tát tu tập trọn vẹn bốn tâm vô lượng vì sự hạnh phúc của các chúng sanh, bao gồm như sau: từ ba-la-mật, bi ba-la-mật, hỷ ba-la-mật, xả ba-la-mật. Các vị Bồ-tát phải thực tập đủ bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Thực tập như vậy thì được gọi là mở đạo Bồ-tát.           

TÂM TỪ BA-LA-MẬT

Thế nào gọi là Bồ-tát thực tập từ ba-la-mật? Các vị Bồ-tát đang khi thực tập con đường Bồ-tát là vì hướng đến giác ngộ vô thượng, nên rải tâm từ đến khắp chúng sanh trong các cảnh giới, không hề hạn lượng không gian, đối tượng. Cũng như hư không phủ trùm khắp cả, cũng như cảnh giới không có giới hạn, tấm lòng đại từ của các Bồ-tát cũng không giới hạn, hướng về chúng sanh các loại lớn nhỏ, không hề phân chia. Vì cõi hư không vốn là vô biên cho nên chúng sanh cũng nhiều vô biên, do vậy tâm từ cũng là vô biên.                                              

Này các đệ tử, thế giới mười phương như cát sông Hằng. Giả sử có thể gom các thế giới thành biển đầy nước. Hằng tỷ chúng sanh chẻ một sợi lông thành cả trăm phần, mỗi một chúng sanh lấy một phần lông chấm lấy nước biển. Số lượng như thế là nhiều vô kể nhưng vẫn đếm được. Số lượng chúng sanh trong các thế giới là khó nghĩ bàn. Khi tu tâm từ cũng phải như thế, thương khắp chúng sanh, trải khắp pháp giới, không có giới hạn.Này các đệ tử, tâm đại từ này không gì thể hơn, có năng lực lớn bảo hộ tự thân, hướng về lợi ích của toàn chúng sanh. Tâm đại từ này thuộc hàng số một trong các đức tánh thuộc về vô tranh. Người có tâm từ sẽ không giận dữ, không còn giết hại, không gây thương tổn, không còn hận thù, dứt hết lỗi lầm, xa lìa tham ái ở trong các cõi; nhìn thấy mặt tốt và sự thanh tịnh của các chúng sanh, không nhìn mặt xấu. Người có tâm từ thường hay ban vui bằng thân, miệng, ý; không ai có thể làm hại người ấy, sống trong an ổn, thoát mọi sợ hãi. Gốc của tâm từ hướng về thánh đạo, giúp cho mọi người có niềm tin sạch, có khả năng lớn cứu khổ chúng sanh, dắt dìu mọi người hướng đến giải thoát.                            

Người có tâm từ sẽ không nịnh bợ, lừa gạt, bức ép, không thích dối hiện oai nghi không thật; trang nghiêm thân tâm bằng lòng thương xót; phòng hộ chúng sanh và kẻ vô trí; được các bậc trí và trời Phạm thiên đồng tâm khen ngợi, được người quý mến, uy tín tăng trưởng. Tâm từ vượt khỏi phạm vi cõi trời, mở đường giải thoát, nương vào các thừa rồi về Đại thừa. Tâm từ là nơi chứa phước vô nhiễm, hơn các phước thiện còn có sở y; giúp người có được ba mươi hai tướng của bậc đại nhân và hảo tướng khác; giúp cho hành giả xa lìa ác đạo, thoát khỏi tám nạn; đi trên đường lành, hướng về Niết-bàn.                            

Người có tâm từ vui với chánh pháp, thiền định, giải thoát; chẳng màng dục lạc, ngay cả ngôi vua; có tâm bình đẳng, bố thí chúng sanh; giúp cho con người xa lìa vọng tưởng. Tâm từ giúp người học giữ luật nghi, cứu người phá giới; hiện sức nhẫn nhục, xa lìa cống cao; tinh tấn bất động, thực tập chánh hạnh, phương tiện cứu cánh. Tâm  từ  làm  gốc  cho  tu  thiền  định, chánh chỉ, chánh quán và sự giải thoát. Người có tâm từ thoát khỏi phiền não, phát triển trí tuệ; nhớ rõ chánh pháp, có tâm quả quyết; đánh bại quân ma; trụ nơi an lạc.                                               

Người có tâm từ trong bốn oai nghi, đi,  đứng,  nằm,  ngồi  đều  có  oai  nghi; vượt qua tham dục. Người có tâm từ sử dụng lương tâm như loại hương hoa; dứt trừ ác đạo, phiền khổ, nạn tai. Tâm đại từ này thường cứu chúng sanh, không màng niềm vui của bản thân mình, ban cho chúng sanh nhiều điều an lạc. Tâm đại từ này có nhiều đức tính, Như Lai tóm lược vài loại mà thôi, nếu nói rộng ra không thể kể hết.

Này các đệ tử, tâm từ có ba: Tâm từ một  là  chúng  sanh  duyên  từ,  tức  chỗ thành tựu của các Bồ-tát mới phát đại tâm. Tâm từ hai là chánh pháp duyên từ, chỗ thành tựu của Bồ-tát thánh hạnh. Tâm từ ba là vô duyên từ tâm, chỗ thành tựu của các vị Bồ-tát vô sanh pháp nhẫn.Trên đây gọi là đại từ vô lượng của đại Bồ-tát. Nhờ thành tựu được tâm đại từ này, nên các Bồ-tát luôn thương chúng sanh, siêng tu chánh pháp không biết mệt mỏi. Đức từ của phàm chỉ thể tự cứu. Đức từ Bồ-tát cứu các chúng sanh.       

TÂM BI BA-LA-MẬT

Này các đệ tử, thế nào gọi là đại bi vô lượng của các Bồ-tát? Vì muốn đạt được vô thượng bồ-đề nên Bồ-tát lấy đại bi làm đầu; giống như hơi thở là đầu mạng sống; như vua Chuyển luân có bảy thứ báu, quan trọng đi đầu vẫn là kim luân. Bao nhiêu chánh pháp đạt được từ lâu, Bồ-tát đều dùng đại bi đi đầu.Các vị Bồ-tát thực hành đại bi, chẳng bỏ chúng sanh; phát khởi đại bi cũng vì chúng sanh. Từ việc thấy rằng tất cả chúng sanh bị bệnh chấp thân trói buộc gây khổ, bị tà kiến nhốt, các vị Bồ-tát khởi tâm đại bi, thuyết pháp mầu nhiệm, giúp cho mọi người thoát khỏi tà kiến, sống trong an vui. Khi hành đại bi, thấy các chúng sanh vướng vào điên đảo, trụ vào hư ngụy, ở trong vô thường lại chấp là thường, ở trong khổ vọng lại cho là vui, ở trong vô ngã lại chấp là ngã, ở trong bất tịnh lại chấp là tịnh… các vị Bồ-tát phát tâm đại bi, thuyết pháp khéo léo giúp cho mọi người thoát khỏi chấp thủ, xa lìa điên đảo, đạt được chánh kiến, sống trong an vui.                                    

Trong cõi Ta-bà, phần lớn chúng sanh ngu si, điên đảo, say đắm ái dục với cả người thân trong cùng huyết thống, có khi cưỡng hiếp bà con ruột thịt, huống là người khác. Nhận thấy điều này, Bồ-tát nghiệm ra: “Quả thực khổ đau khi thế gian này chứa nhiều phi thánh, đầy nghi si mê, không chút hổ thẹn; thật quấy quá thay, cũng có chúng sanh sanh ra từ mẹ lại vô liêm sỉ tham ái mẹ mình. Chúng sanh nhiều tội, thật đáng thương tình, cũng thật đáng trách, bị tham sân si phá hoại, hành khổ; bỏ rơi chánh pháp, noi theo pháp ác, đọa lạc cõi xấu. Cũng có chúng sanh bất cứ ở đâu cũng sống trái đạo. Khác nào loài cheo sống trong gò mả, bị chó dữ rượt, trốn vào hố sâu, gào thét giữa đêm. Cũng như người mù từ thuở lọt lòng trốn vào hang sâu do sợ thú dữ. Giống như loài heo đứng nằm trên phân, thậm chí ăn phân mà chẳng biết nhờm. Chúng sanh như thế thật đáng tội nghiệp, bị tham ái lôi, bị phiền não hại, làm bè lũ ma, vướng trong lưới hoặc, lún trong bùn dục, làm việc bất lương, sống trong bất chánh”. Vì thương chúng sanh, các vị Bồ-tát phát tâm đại bi, thuyết pháp nhiệm mầu, giúp cho mọi người chuyển hóa phiền não, không còn tham dục, sân hận, si mê; sống trong an vui, hướng đến giải thoát.                                             

Này các đệ tử, khi hành đại bi, các vị Bồ-tát thấy các chúng sanh bị năm cái che, trúng tên ái dục, nhiễm đắm sáu trần: mắt luyến tướng mạo, tai thèm nghe tiếng, mũi mê ngửi hương, lưỡi thích nếm vị, thân thích xúc chạm, ý thích hình dung. Các chúng sanh ấy sân hận, oán thù; lợi thì kết bạn, mất quyền lợi thì đường ai nấy đi. Nhiều kẻ hôn trầm, ham ăn mặc ngủ, sống trong vô trí, bị tâm nuối tiếc trói buộc không ngừng; phiền não nhiễm tâm, kẹt trong lưới nghi, bỏ buông chánh pháp. Vì thấy như thế, các vị Bồ-tát phát tâm đại bi, thuyết pháp cho họ, thoát khỏi khổ đau.                                        

Này các đệ tử, lúc tu đại bi, các vị Bồ-tát thấy các chúng sanh bị các loại mạn (ngã mạn, quá mạn và tăng thượng mạn) chi phối, làm hại, sanh lòng thương xót. Cũng có chúng sanh chấp thân là ngã, hoặc chấp cảm giác, tri giác, tâm tư, nhận thức làm ngã. Có các chúng sanh chưa chứng lại cho mình đã chứng đắc, tỏ ra tự phụ, không chịu học hỏi điều đáng học hỏi; không kính tôn trưởng, không trọng đạo sư. Đối với người trí, không chịu học hỏi về thiện, bất thiện, điều gì nên tu, điều gì nên bỏ; thế nào là tội, thế nào là đạo; đâu là chánh định, đâu là giải thoát. Vì thương chúng sanh nên các Bồ-tát phát tâm đại bi, thuyết pháp khéo léo, giúp họ dứt sạch các tâm kiêu mạn và sự chấp ngã; sống trong an vui.

Này các đệ tử, khi thấy chúng sanh bị dây ái trói, làm mọi cho tình, vợ chồng ràng buộc, con cái lo toan, các thứ vô nghĩa đeo bám vây quanh, họa suy theo đuổi; bị khóa sanh tử nhốt khó thoát ra; bị các cõi xấu giam nhốt lâu dài, chẳng được tự tại; các vị Bồ-tát phát tâm đại bi cứu độ tất cả, không có phân biệt.Khi thấy chúng sanh xa lìa thiện hữu, giao du bạn xấu, tạo mười nghiệp ác (sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, chia rẽ, cộc cằn, tán dóc, tham lam, sân hận, tà kiến), các vị Bồ-tát phát tâm đại bi, thuyết pháp giáo hóa, giúp họ dứt ác, tu mười nghiệp lành, sống trong hạnh phúc. Cũng có chúng sanh bị si mê che, điên đảo khống chế; chấp ngã và pháp vào các thứ như tự thân, hữu tình, mạng giả, nhơn giả, thiếu niên, trượng phu, tác giả, thọ giả, ngã và ngã sở… chìm trong chấp thủ, chẳng chịu  buông  bỏ. Vì thương chúng sanh nên các Bồ-tát thuyết pháp giáo hóa, giúp họ phát huệ, dứt sạch kiến chấp, sống trong an vui.                       

Cũng có chúng sanh mê đắm sanh tử, vướng kẹt luân hồi, chạy theo ngũ ấm, chẳng bỏ ba cõi, bị kẹt tam giới, chẳng lo tháo gỡ gông cùm xiềng xích thoát khỏi khổ đau. Vì thương chúng sanh, các vị Bồ-tát phát tâm đại bi thuyết pháp giáo hóa, thoát khỏi ba cõi.Cũng có nhiều người sanh từ nghiệp ác, như quả bóng lăn, do nghiệp xấu này, trôi lăn sanh tử, trật đường niết-bàn. Vì thương chúng sanh, các vị Bồ-tát phát tâm đại bi thuyết pháp giáo hóa, giúp cho chúng sanh đạt được niết-bàn, hạnh phúc tuyệt đối.

Này các đệ tử, các vị Bồ-tát còn tu mười loại đại bi chuyển tướng. Tâm đại bi này, chẳng do dua nịnh, hay tâm cao ngạo, giả dối, bất chân, dao động, khiếp nhược, mà chứng đạt được. Tâm đại bi này của các Bồ-tát có được là do bảo hộ hữu tình, tu tập thanh tịnh, tu huệ kiên cố, tâm đạt bất động; bỏ vui của mình, nâng đỡ chúng sanh, tinh tấn không dừng… và nhiều đức thiện mới thành tựu được.

Này các đệ tử, tâm đại bi này là nền tảng của sáu ba la mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ), bốn pháp chánh niệm (thân, thọ, tâm, pháp), bốn pháp tinh tấn, bốn như ý túc, năm năng lực lớn, bảy điều giác ngộ và tám chánh đạo, các thứ đệ định, mười thiện nghiệp lớn và các công đức, thậm chí trí huệ của đức Như Lai. Tâm đại bi này là việc mình làm, làm chẳng thay đổi, làm cho viên mãn, như ý sở nguyện. Do thành tựu được tâm đại bi này, các vị Bồ-tát thương xót chúng sanh, giáo hóa vô lượng.        

TÂM HỶ BA-LA-MẬT

Này các đệ tử, thế nào gọi là đại hỷ vô lượng của các Bồ-tát? Khi các Bồ-tát nỗ lực đạt được giác ngộ tuyệt đối để độ chúng sanh, cần tu đại hỷ với vô lượng tướng.Đại hỷ còn gọi niềm vui vi diệu nhớ nghĩ  pháp  lành,  vì  không  buồn  chán, không có thoái lui, không có mỏi mệt đối với pháp lành. Đại hỷ còn gọi tâm lìa đam mê, ưa thích thế gian, vì tâm này trụ vào niềm vui chánh pháp. Đại hỷ làm cho trong tâm vui mừng, thân thêm dũng cảm, vì có trí  sâu, tâm ý thơ thới. Đại hỷ ưa thích thân của Như Lai, vì chỉ hướng về tướng hảo trang nghiêm; chứ không vướng lụy chủ nghĩa hình tướng.            

Người  có  tâm  hỷ  thích  nghe  chánh pháp, không có mệt mỏi, vì thấy rõ rằng tu theo chánh pháp có an vui lớn. Do có tâm hỷ, con người vui thích, siêng làm chánh pháp; không hề tổn hại tất cả chúng sanh; ưa thích bồ-đề, tin hiểu Đại thừa, thực hành rốt ráo. Tâm hỷ còn gọi chuyển hóa tham lam và sự bỏn xẻn, vì thích bố thí với người đang cần. Do có đại hỷ nên biết thương xót người lỡ phạm giới, thường làm chính mình giới hạnh thanh cao, vì thấy rõ rằng người sống với giới thì tâm thanh tịnh. Đại hỷ còn gọi niềm vui an ổn, thoát mọi sợ hãi đọa lạc đường ác. Người có tâm hỷ kham nhẫn lời độc, mắng của người khác, không khởi oán thù, không có hờn giận, không có bạo lực, không có trả đũa. Người có tâm hỷ thường tu cung kính các bậc trưởng thượng đầy đủ oai nghi. Đức hỷ là tâm luôn trong vui vẻ, tâm ý hài hòa, xa lìa phiền muộn, ngỏ lời thăm hỏi với mọi người trước. Đức hỷ xa lìa những sự dua nịnh, gian dối, lừa gạt, áp bức, đòi hỏi, vì có xu hướng về đường chánh pháp.                                

Người tu đại hỷ xem các Bồ-tát như bậc đại sư, yêu mến chánh pháp như thân thể mình, tôn kính Như Lai như mạng sống mình, thương kính thầy tổ như  cha  mẹ  ruột,  thương  mến  chúng sanh như các con ruột, kính trọng thầy dạy như tròng mắt mình, noi theo chánh hạnh như đầu của mình, thích ba-la-mật như quý tay chân, trọng các pháp sư như thích của báu, thích học chánh pháp như thang thuốc hay, thích nghe chỉ lỗi như quý lương y.Nhờ an trụ vào tâm đại hỷ này, thực hành  trọn  vẹn  con  đường  Bồ-tát  nên luôn vui mừng, siêng cầu chánh pháp, không chút nhàm chán, có nhiều tiến bộ, an vui, hạnh phúc. Ai muốn hạnh phúc, hãy nên siêng năng thực tập, trải nghiệm tâm đại hỷ này.

TÂM XẢ BA-LA-MẬT

Này các đệ tử, thế nào gọi là đại xả vô lượng của các Bồ-tát? Bất kỳ là ai, khi đã phát tâm hướng về giác ngộ vô thượng tuyệt đối, cần luôn siêng năng, tu tâm đại xả. Xả có ba loại: Một là buông bỏ tất cả phiền não. Hai là đức xả bảo hộ mình, người. Ba là đức xả thời và phi thời.Này các đệ tử, thế nào gọi là đức hạnh xả buông tất cả phiền não? Với bậc tôn thờ, tâm không cao ngạo. Với chỗ không thờ, tâm không xem thường. Được người quý trọng, tâm không kiêu căng. Không được lợi dưỡng, tâm không uất ức. Với người tốt xấu, tâm luôn bình đẳng. Được danh dự lớn, tâm không vui mừng. Lúc bị chê bai, tâm không buồn giận. Khi được ca ngợi, tâm hướng về pháp. Khi bị quở trách không hề nản chí.             

Biết dùng trí tuệ vượt qua khổ đau. Trước các thú vui, tu quán vô thường để buông ái dục và tâm hờn giận. Với người thân, sơ luôn luôn bình đẳng. Tâm thường không hai trước các thiện ác. Khi được yêu mến, tâm chẳng rung động. Không hề chấp trước điều nghe tốt xấu. Tâm không thương ghét đối với thiện ác. Biết sống tiết chế đối với thức ăn. Thể hiện bình đẳng đối với mọi giới, các loài chúng sanh, pháp ẩn pháp hiện. Không quá  tham  luyến  mạng  sống  bản  thân. Tâm  luôn  thanh  tịnh  trước  mọi  hoàn cảnh. Đây còn gọi là năng lực đối trị, nhằm buông xả được tất cả phiền não, nỗi khổ niềm đau, để được an vui.      

Này các đệ tử, thế nào là xả, bảo hộ mình người? Khi bị thương tổn thân thể, tay chân, người tu Bồ-tát quán sát nội tâm, an trụ đại xả, không chút hờn oán, không hề trả thù; có lòng kham nhẫn với lời xúc phạm. Nhờ tâm xả này, ta bảo hộ ta, bảo hộ người khác. Người tu tâm xả không hề tổn hại nhãn tướng, sắc tướng, ý tướng, pháp tướng. Tâm không tổn hại chính là đại xả bảo hộ mình, người.Bị người hãm hại, không hề trả thù. Kham nhẫn tất cả hành động của người. Bình đẳng giúp đỡ người ơn, vô ơn. Quyết  tâm  buông  bỏ  những  gì  chấp trước. Đây còn gọi là đức xả vô tranh, đức xả chuyển hóa nhờ sự quán chiếu. Ngoài tu buông xả trong mọi thời gian, các vị Bồ-tát còn tu rất nhiều chánh hạnh, ngày đêm tinh tấn, cầu các pháp lành, hướng về giác ngộ.                                   

Này các đệ tử, thế nào gọi là xả thời phi thời? Các vị Bồ-tát có trí tuệ lớn thường hay tu tập thời và phi thời. Tức tu buông bỏ chúng sanh phi pháp, kẻ không niềm tin, những điều bất lợi, những kẻ chê bai, người tâm nhỏ hẹp. Thực tập bố thí để buông chấp vật. Biết buông bố thí để tu giới hạnh. Tu giới hạnh xong, biết tu kham nhẫn. Tu kham nhẫn xong, biết tu tinh tấn. Tu tinh tấn xong, biết tu thiền định. Tu thiền định xong, biết tu trí tuệ. Tu trí tuệ xong, biết tu đầy đủ sáu ba-la-mật như vừa nêu trên. Bất cứ người nào, trụ vào đại xả mà quyết tâm tu hạnh đại Bồ-tát thì luôn buông xả tất cả pháp ác.

Này các đệ tử, ai tu tập được các đức hạnh trên thì được gọi là Đại từ, Đại bi, Đại hỷ, Đại xả của đại Bồ-tát. Ai an trú vào bốn ba-la-mật từ, bi, hỷ, xả, biết mình chính là nguyên khí Phật pháp và tạng Bồ-tát; phải siêng giữ gìn, chớ để mất đi. Này các đệ tử, các con hãy gắng tu tập trọn vẹn bốn tâm vô lượng, sáu ba la mật và bốn nhiếp pháp, mang lại lợi lạc cho mình và người. Nghe Phật giảng dạy, tất cả mọi người vô cùng hoan hỷ, phát nguyện thọ trì, truyền bá Kinh này.                                 

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Ảnh: Internet.

Có thể bạn quan tâm


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook