Loading...

TỨ ĐỘNG TÂM – NHỮNG VÙNG ĐẤT THIÊNG (Phần 2): Phật tích Bodhgaya (Bồ-đề Đạo tràng)

Về địa lý: Bodhgaya là một thành phố thuộc quận Gaya, bang Bihar, Ấn Độ.

Bồ-đề Đạo tràng là một trong 4 Phật tích nổi tiếng, là nơi đánh dấu cột mốc sa môn Gotama thành Phật. Có giai thoại kể rằng, vào khoảng năm 500 TTL, thái tử Tất-đạt-đa đã trở thành một vị tu sĩ và Ngài đi khất thực ngang qua sông Falgu. Đến đây, Ngài dừng chân và ngồi thiền dưới bóng cây bồ đề. 49 ngày sau, Người đã giác ngộ và trở thành Phật.

Vào năm 260 TTL, Đại đế A-dục đã cho xây dựng tháp Bồ-đề Đạo tràng cao 55m, công trình này đã trải qua nhiều lần trùng tu. Ở các mặt của tháp, các bức điêu khắc về tư thế thiền định, xúc địa, chuyển pháp luân của đức Phật được thể hiện. Những bức điêu khắc trở thành chi tiết chính của công trình kiến trúc này. Bước vào tháp là tượng Phật Thích-ca nằm trong tư thế xúc địa; tượng được làm từ chất liệu ngọc và vàng.

Di tích quan trọng thứ 2 trong khu di tích là cây bồ đề, nơi đức Phật đã ngồi thiền suốt 49 ngày để thấu hiểu được vạn vật. Nhưng thật tiếc, bóng cây bồ đề che mát đức Phật ngày xưa không phải là bóng cây nằm trong khuôn viên Bồ-đề Đạo tràng ngày nay. Lịch sử về cây bồ đề đã trải qua một khoảng thời gian dài; có tích kể vì lòng ghen tuông mà bà Tissarakkhā – quý phi của vua A-dục đã sai người đi chặt cây, rồi cũng có chuyện rằng quân đội Hồi giáo đã xâm chiếm Ấn Độ và đập phá các Thánh tích về Phật giáo,… Cây bồ đề ngày nay ở Bodhgaya là một cây con được nhà khảo cổ học người Anh, Alexander Cunningham trồng nguyên thủy từ nhánh của cây tổ tiên. Từ năm 1870 đến nay, cây bồ đề vẫn phát triển sum suê. Mặc dù trải qua nhiều biến cố, xuất phát từ nguyên nhân tự nhiên hay con người, nhưng cây bồ đề vẫn mọc và vẫn phát triển, tựa như sức sống trường lưu của đạo Phật. Thật may mắn vì cội bồ đề tổ tiên vẫn còn được duy trì.

Với sự vào cuộc của các nhà khảo cổ, tòa Kim cang nằm giữa tháp Đại Giác được cho là nơi đức Phật đã ngồi thiền định trong suốt 49 ngày. Sự kiện này được phát hiện vào năm 1881.

Dù trải qua rất nhiều biến cố trong lịch sử, song Bồ-đề Đạo tràng lại được xem là Phật tích còn nguyên vẹn nhất. Chính tại nơi đây, sa môn Gotama đã giác ngộ thành Phật. Đây là Thánh tích đánh dấu sự thiêng liêng nhất trong Phật giáo. Vì thế, mỗi năm, hàng triệu Tăng Ni và Phật tử đều về đây để chiêm bái và tu học.

Nguồn: Tổng hợp
Ảnh minh họa: từ sách “Theo dấu chân Phật tại Ấn Độ và Nepal”

Có thể bạn quan tâm


Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook