Chung Tử Long tên thật là Lê Văn Trường, sinh năm 1970 tại Sóc Trăng, trong một gia đình nông dân có có năm anh em. Từ nhỏ Chung Tử Long đã đam mê ca hát năm 1990 được người chú quen biết với gia đình là Đặng Hồng giới thiệu theo đoàn Cải lương Sông Hậu (nay là đoàn cải lương Tây Đô). Người thầy đầu tiên dạy hát là nghệ sĩ Trúc Linh, Sau đó anh về đoàn Tiếng hát Vương Linh, được nghệ sĩ Vương Linh đặt nghệ danh là Chung Tử Long. Anh còn tham gia các đoàn đoàn cải lương Sông Hậu, Sông Bé 3, Nhân dân Kiên Giang,…mỗi đoàn đều có nhiều vai diễn xuất sắc. Nhưng vai diễn anh thích nhất và cũng là vai mà khán giả yêu thích nhất là vai Hàn Mạc Tử.
Vào những năm tháng mà nghệ thuật cải lương đi xuống, Chung Tử Long vẫn tha thiết yêu nghề nên năm 2005, Anh đã khăn gói lên Sài Gòn để lập nghiệp để có thể tiếp tục nghề hát. Anh cùng nhiều nghệ sĩ khác tham gia thu âm các bài bát tân cổ và cộng tác với các đài truyền hình TP. Cần Thơ, truyền hình TP. HCM, truyền hình Hậu Giang. Năm 2005, anh gặp người vợ hiền của mình bây giờ là nghệ sĩ cải lương Hồng Hạnh và từ đó đến nay tên tuổi của hai người luôn gắn liền với nhau. Họ trở thành cặp đôi hát cải lương và tân cổ giao duyên được yêu thích nhất hiện nay. Những tác phẩm Cô thắm vào làng, Áo mới Cà Mau, Công tử Bạc Liêu, Gương sáng mẹ hiền… do chính nghệ sĩ Chung Tử Long sáng tác và biểu diễn cùng nghệ sĩ Hồng Hạnh được khán thính giả đón nhận nồng nhiệt.
Sở hữu giọng ca mùi mẫn, tác phong làm việc chuyên nghiệp và luôn hòa đồng với mọi người, Chung Tử Long được nhiều khán giả yêu mến. Anh tự nhận mình có duyên với hà Phật khi luôn có duyên được gặp gỡ, tiếp xúc với các bậc chân tu như: Hòa thượng Thích Huyền Diệu, Thượng tọa Thích Nhật Từ… Chính vì được thấm nhuần Phật pháp nên từ lâu đã hình thành trong anh lối sống chuẩn mực, nghiêm túc và gương mẫu. Chung Tử Long còn thường xuyên hát và tham gia biểu diễn nhạc Phật giáo tại các chùa. Anh hát nhạc Phật bằng cả cái tâm hướng về Phật, vì thế khán thính giả luôn dành cho anh sự ưu ái đặc biệt. Với anh, đó chính là món quà quý giá, là phước lành mà cuộc đời đã trao tặng cho mình.
Sinh năm 1971 tại tỉnh An Giang, năm 16 tuổi Đông Đào khăn gói lên Sài Gòn học tập và lập nghiệp. Sau khi thi đậu vào trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP. HCM). Năm 1991 chị tham gia Tiếng hát truyền hình TP. HCM và giành được giải nhất, từ đó con đường sự nghiệp của chị được rộng mở. Chị trở thành ca sĩ của Đoàn nghệ thuật Quân khu 7. Đôi chân và giọng hát của Đông Đào có dịp đi khắp nơi từ Bắc tới Nam, từ nhiều vùng sâu, vùng xa đến hải đảo xa xôi của tổ quốc.
Nói đến Đông Đào, các chuyên gia đều nhận xét chị có chất giọng trời phú, ngọt ngào, trong và mượt dễ làm lay động lòng người. Đông Đào thành danh ở nhiều thể loại từ dân ca, trữ tình cho đến Bô – lê – rô, từ Thương ca mùa hạ, chuyện tình người trinh nữ tên Thi cho đến Bông bí bạc cũng đủ đưa tên tuổi Đông Đào vào hàng những giọng ca đẹp nhất của dòng nhạc dân ca.
Bên cạnh đó, chị còn được biết đến là một nữ doanh nhân thành đạt, đứng đầu một doanh nghiệp lớn kinh doanh trong lĩnh vực nước uống đóng chai, đồng thời quản lý một trung tâm thanh nhạc mang tên chị. Đông Đào cũng thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội, tham gia làm Phật sự và ca hát tại các chùa.
May mắn được sinh ra trong gia đình có truyền thống theo đạo Phật nên mỗi lúc gặp khó khăn trắc trở trong cuộc đời, chị có Phật pháp để nương tựa. Bởi luôn tin nhân quả chị luôn đề cao chữ tâm trong hành xử với người khác. Câu nói ưa thích của chị là “Tâm chúng ta rộng bao nhiêu thì đường chúng ta đi rộng bấy nhiêu”. Cũng chính bởi phương châm đó mà cuộc sống của Đông Đào trong mắt những gnuowif xung quanh khá sung túc và êm đềm. Có được kết quả như ngày hôm nay, Đông Đào luôn thầm cảm ơn ánh sáng Phật pháp đã đem đến cho chị bao điều tốt lành dẫu cuộc sống vẫn còn đó nhiều khó khăn thử thách.